Mùa hè mặt trời chiếu thằng đứng

Một gia đình thị dân hội tụ trong ngày giỗ mẹ, phụ nữ lo chuyện bếp núc và đồ cúng, cánh đàn ông bàn luận những vấn đề nghệ thuật mà họ đang bận tâm. Họ gồm những anh chị em ruột và hai chàng rể quý.

Cặp vợ chồng chị cả Sương – Quốc đã có một đứa con trai tròm trèm 4, 5 tuổi. Quốc là nhà nhiếp ảnh chuyên về thực vật với những chuyến đi xa hàng tháng trời. Cô thứ Khanh (Lê Khanh) có chồng là Kiên, một nhà văn đang phát tướng nhưng chưa đến độ “phát tài”. Hải (Ngô Quang Hải) là cậu em kế, một diễn viên trẻ chuyên được giao những vai rất… phụ, sống cùng cô em út Liên (Trần Nữ Yên Khê) mới bước qua tuổi vị thành niên, hồn nhiên, nhí nhảnh.

Những lề thói gia đình, ký ức xưa cũ về cha mẹ, những sinh hoạt rất riêng tư của chốn phòng the, những trăn trở trong cuộc sống tình cảm và công việc, những mâu thuẫn nội tại và những dự định tương lai… trong cái đại gia đình ấy sau ngày giỗ mẹ được tách ra theo những cặp đôi, tưởng rất riêng nhưng lại được gắn kết bởi sợi dây máu mủ từ ba người phụ nữ trong gia đình.

“Cặp” Hải – Liên là hai anh em ruột nhưng nếu không được giới thiệu từ trước thì ta sẽ ngỡ họ là đôi vợ chồng trẻ hay một cặp tình nhân. Sự hiểu lầm ấy dễ dàng được tạo ra bởi các “thành tố” : Một chàng trai vạm vỡ rất “đàn ông”, một thiếu nữ mới lớn nhưng đã ẩn hiện trên cơ thể cái khêu gợi của đàn bà. Ấy thế mà họ lại sống chung, sinh hoạt từ ăn ngủ cho đến nhảy nhót, chuyện trò… đều chứa đầy hơi hướng của sự loạn luân.

Vợ chồng Sương – Quốc tuy đã có một con nhưng lại là những kẻ đồng sàng dị mộng. Quốc thì mãi lo ngụp lặn ở bến bờ xa lạ, những chuyến công tác dài ngày là cơ hội để anh có điều kiện chăm lo cho cái gia đình riêng, bí mật của mình. Sương (Nguyễn Như Quỳnh) cũng lênh đênh thuyền tình với một chàng doanh nhân Sài Gòn trong những buổi hẹn hò mà theo cô chỉ để ngắm nhau trong im lặng chứ chẳng có chuyện “mây mưa”.
Ðôi Kiên – Khanh có vẻ đằm thắm và gắn kết nhất. Khanh đang có mang đứa con đầu lòng, như bao người sắp làm mẹ, cô mong đợi cái ngày bụng phình phình ra để báo tin vui với mọi người. Kiên thì đang sáng tác một cuốn tiểu thuyết diễm tình nhưng vẫn ngắc ngứ ở đoạn kết vì chưa tìm được nguồn cảm xúc, chỉ đến khi anh lặn lội vào Sài Gòn và “trôi” qua cái cảm giác lãng mạn với một người phụ nữ xa lạ thì anh mới viết được đoạn kết dài 19 trang.

Có những cái tưởng mất nhưng lại trở về, có những điều tưởng chừng là bất hạnh nhưng lại không gây hậu quả nhờ sự may mắn hơn là ngây ngô. Có đơm hoa kết trái cả trong nghệ thuật lẫn tình yêu… một kết cục rất “lành” để tất cả họ lại quây quần bên nhau vào ngày giỗ bố, chỉ sau một tháng, khi nắng ngày vẫn chói chang và đêm mưa vẫn rơi nặng hạt…

Bất cứ nơi nào trên mảnh đất Việt, mỗi năm đều có hai lần mặt trời chiếu thẳng đứng (ánh sáng mặt trời vuông góc với mặt đất). Ở Hà Nội, thời gian đó là vào mùa hạ, cách nhau khoảng một tháng, người ta gọi những ngày đó là ngày hoàng đạo. Thời gian ấy, ngày rất dài với ánh nắng rực rỡ và gay gắt nhất.

Thông qua cuộc sống đời thường của một gia đình thành thị trong khoảng thời gian giỗ mẹ và cha – khoảng của những ngày hoàng đạo – đủ để ánh sáng soi rọi mọi ngóc ngách, mọi kẽ hở nhỏ hẹp và âm u trong cuộc sống và tâm hồn mọi người. Tác giả muốn chuyển tải điều gì đến chúng ta ?

   Phải chăng là âm hưởng cuộc sống giữa chốn thành đô đang tìm vận hội đi lên nhưng vẫn “cố” giữ gìn những bản sắc xưa cũ: những ngôi nhà cổ với ván sàn ọp ẹp, những thiếu phụ cài yếm lam gội đầu bên lu nước, những mảnh vườn với tường vôi bong lở nhiều rêu phong và tràn ngập tiếng chim… Hà Nội của những năm 90 hay của thập niên 30-40 ?



Cuộc sống hiện đại với những tiện nghi mới đang tràn vào thị tứ, những bản nhạc ngoại quốc xập xình, những chai rượu vang rót đầy mâm cỗ, khách sạn hạng sang, xe hơi bóng lộn… Trong sự thay đổi đó, những người phụ nữ Hà thành còn giữ được đôi chút phong thái “dân ta” trong cách sống, trong suy nghĩ… thật hiếm. Và liệu rằng họ còn giữ được phong thái đó trong bao năm nữa ?Ngọn gió thời đại đã thổi mạnh quá chăng, hay đó chỉ là sự phản ánh đầy triết lý của bộ phim vốn mang hơi hướng “made in Việt kiều” ? Vì vậy, trong phim ta thấy những người phụ nữ dù ăn mặc dung dị nhưng lại có những cử chỉ, lời nói rất “bạo”, đầy nhục dục, không chỉ có thế, họ còn “biết” chủ động gợi tình theo cung cách rất phương Tây. Cái “chát” nhất của phim là những trường đoạn về Liên – Hải mà có lẽ những người Việt khó tính còn lâu mới tiêu hóa nổi kiểu sinh hoạt “trên mức bình thường” của anh em nhà họ.

Nhân vật Liên dù được đạo diễn Trần Anh Hùng ra sức tạo dáng ngây thơ, “không biết gì” nhưng với khuôn mặt già và từng trải của cô vợ Trần Nữ Yên Khê cộng với giọng nói quá “lai căng” chẳng giống ai, xa rời cách diễn đạt của người địa phương, không thể thuyết phục được người xem đó là một cô bé Hà Nội mới lớn.

   Bộ phim mang dáng dấp của “đất lề quê thói” này cũng đem lại sự mới lạ trong cách dàn dựng và biểu đạt nghệ thuật của các nhà làm phim, một phong cách “Tây hoá” mà các bộ phim Việt Nam hiện nay chưa thể đạt được. Họ không dễ dãi và đóng ẩu, không khuôn sáo và rất “tiết kiệm” lời, chỉ dùng hình ảnh biểu trưng thay cho ngôn từ đối thoại, tính trừu tượng của đề tài không làm mất đi sự biểu cảm trong từng lớp diễn (tuy có đôi lúc phim được chuyển cảnh quá bất ngờ khiến người xem chưng hửng). Dàn diễn viên “nội địa”, với một số là “ngôi sao” của điện ảnh Việt Nam, nhập vai tương đối đạt.

   Dù sao nó cũng là một bộ phim đáng để… xem cho biết, để thỏa mãn sự tò mò về một bộ phim được nhiều người nhắc đến.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply