Những bộ phim hay (1): Sinh ngày 4 tháng 7

Born On The Fourth Of July – Sinh ngày 4 tháng 7

Ron Kovic ( Tom Cruise ) sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con và ngoan đạo. Cậu trưởng thành trong một môi trường giáo dục tốt, luôn được rèn luyện ý chí chiến thắng trong các trận đấu thể thao. Hàng năm, vào ngày Quốc khánh Mỹ 4 tháng 7, hòa chung niềm vui lễ hội của mọi người, Ron còn có niềm vui riêng: ngày sinh nhật cậu.

Thế hệ cậu lớn lên khi Mỹ ngày càng lún sâu vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam, được tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, “bảo vệ nước Mỹ” chống lại kẻ thù cộng sản ở tận phương Ðông xa xôi. Mờ mắt trước ánh hào quang chiến công của người lính, Ron đã tự nguyện đăng ký vào Thủy quân Lục chiến, binh chủng tinh nhuệ nhất của Quân lực Hoa Kỳ.

Năm 1967 Ron có mặt tại Việt Nam, tham gia các trận càn quét ở một vùng cằn cỗi Trung Bộ nhằm tiêu diệt các đơn vị Việt Cộng đang lẩn khuất đâu đó. Trong một trận đánh vào ngôi làng ven biển, đơn vị của Ron đã chà xát, tiêu diệt không thương tiếc bất cứ cái gì có sự sống. Cũng chính tại đây, Ron đã thật sự bàng hoàng đau đớn khi chứng kiến “Cộng quân” bị lính Mỹ tiêu diệt đều là phụ nữ và trẻ em vô tội. Trong lúc kinh hoàng nhất, khẩu súng của anh đã vô tình nhả đạn vào người bạn Wellson cùng đơn vị. Anh đã tự thú với ban chỉ huy nhưng họ xem đó chỉ là một “sự cố” nhỏ và anh được lệnh tiếp tục ở lại chiến đấu.

Khi tham gia một trận chiến khác, đơn vị của Ron bị đánh tan nát, anh bị thương nặng và được đưa về Mỹ cứu chữa. Sau một thời gian dài nằm tại quân y viện, Ron được trả về gia đình với một chiếc xe lăn. Bị liệt nửa người, mọi cánh cửa của cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu đều khép lại với Ron. Những khó khăn trong sinh hoạt, bất lực trong cuộc sống kể cả việc làm một người đàn ông cùng những mặc cảm tội lỗi, những dằn vặt lương tâm, hình ảnh những trẻ thơ vô tội và người bạn xấu số luôn choán đầy giấc ngủ của Ron. Tất cả đã dồn anh vào nỗi tuyệt vọng bế tắc…



Sau những tháng ngày tìm quên trong men rượu, Ron đã dũng cảm thú tội trước gia đìng Wellson và được họ tha thứ. Anh đã bừng tỉnh và tìm ra lẽ sống mới cho mình: cùng đồng đội xuống đường tranh đấu chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Sinh ngày 4 tháng 7 được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên bởi chính tác giả Ron Kovic. Vì thế ta có thể tin vào những vấn đề có thật mà bộ phim đặt ra. Ðó là một bức tranh đen tối, lột tả chân thực những trăn trở băn khoăn và sự thức tỉnh lương tâm của một thế hệ thanh niên Mỹ. Những người trai tráng tràn trề sức sống, háo hức lên đường “bảo vệ Tổ Quốc” từ bên kia đại dương. Khi trở về, nếu còn sống không què quặt về thể xác thì cũng bị tổn thương với linh hồn rách nát. Họ cảm thấy bị lừa dối, họ đau đớn thốt lên: “Chúng tôi đến Việt Nam để diệt trừ Cộng sản, nhưng chúng tôi lại bắn vào phụ nữ và trẻ em…”.

Cuộc chiến tranh Việt Nam là vết nhơ trong lịch sử Hoa Kỳ, nó đã chia rẽ sâu sắc nội bộ nước Mỹ. Phong trào phản chiến đòi chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã làm sục sôi nhiều tầng lớp nhân dân Mỹ, kể cả những người cựu chiến binh. Ðội quân xe lăn – những người trở về từ địa ngục – chống chiến tranh là bằng chứng hùng hồn cho những sai lầm của chính phủ Mỹ. Ron đã mất đi niềm kiêu hãnh được sinh ra trong ngày Quốc khánh Mỹ, đối với anh bây giờ làm công dân một nước Mỹ hiếu chiến là nỗi nhục… Hãy nghe anh kêu gọi: “Cuộc chiến này là phi nghĩa. Xã hội đã lừa dối chúng tôi, lừa dối mọi người trong đất nước này. Chúng tôi đi xa 13 ngàn dặm để chiến đấu chống lại một dân tộc nghèo, những người đã có một lịch sử chống ngoại xâm đáng tự hào, những người đã đấu tranh cho nền độc lập của chính họ suốt một ngàn năm nay. Dân tộc Việt Nam đấy !… Chính phủ đang giết anh em chúng tôi ở Việt Nam, họ hy sinh cả một thế hệ thanh niên… Hãy ngừng ném bom, chấm dứt chiến tranh…”. Ron Kovic đã là một thanh niên tốt, anh sống có lý tưởng, có niềm tin nhưng tiếc thay niềm tin đó đã bị đặt nhầm chỗ…

Dù cuộc chiến đã qua đi gần 30 năm nhưng quá khứ chưa hoàn toàn khép lại, nỗi đau vẫn âm ỉ cháy trong lòng nước Mỹ, vẫn ám ảnh những cựu chiến binh như Ron Kovic… Ðể rồi bây giờ họ gọi đó là “hội chứng chiến tranh Việt Nam”…

———————————————————————-

Các giải thưởng:

– 2 giải Oscar 1989: Ðạo diễn xuất sắc nhất (Oliver Stone), Dựng phim.

– Quả cầu vàng 1990: Phim hay nhất, Ðạo diễn xuất sắc nhất (Oliver Stone), Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Tom Cruise), Kịch bản hay nhất (Oliver Stone và Ron Kovic).

– Giải thưởng của hội đạo diễn Hoa Kỳ 1989: Ðạo diễn xuất sắc nhất.

——————————————————————

Bài viết của trang [http://www.confidant.sg.st]


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply