Những ngôi sao không có… bầu trời!

Tỷ lệ nghịch với thời lượng, số lượng phim và các hãng phim nối nhau ra đời, các sinh viên – diễn viên SKĐA chuyên nghiệp lại ngày càng ít cơ hội được nhận vai diễn. Tương lai nào đang chờ họ?

Những ngôi sao lặn sớm

Hiện có đến 70% sinh viên, đặc biệt sinh viên khoa diễn viên SKĐA đều đã chuyển ngành, hoặc cố thủ kiểu năm thì mười họa “đánh võng” qua các nhà hát cho vui. Đặc biệt hơn nữa, hầu hết các sinh viên này ít nhiều đều đã được góp mặt trên màn ảnh, nhưng chủ yếu trong thời gian còn là sinh viên trong trường. 

Các đạo diễn hầu như chỉ thích “dụ dỗ” sinh viên trốn học đi làm phim, còn khi đã tốt nghiệp, có thể đường hoàng đi làm phim cả năm trời lại… không ai đếm xỉa, cho dù (một cách chủ quan), họ vẫn còn nguyên vẻ thanh xuân. Để lý giải cho việc này có đến 1001 lý do, nhưng những lý do này phải kể ở một bài viết khác.

Có thể kể ra một loạt phim truyền hình và phim nhựa Việt Nam đáng nhớ có sự góp mặt của các sinh viên – diễn viên SKĐA như Lệ Hằng (Xin hãy tin em; Bản tình ca trong đêm); Như Trang (Chuyện nhà Mộc); Thu Hường (Của để dành); Thu Hà (Bến không chồng), Mai Huê (Làng tranh), Cát Trần Tùng (Thiên đường ở trên cao)… đều được làm trong thời kỳ họ là sinh viên.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp ra trường những diễn viên hầu như rất hiếm xuất hiện trên màn ảnh. Cho dù Lệ Hằng, Như Trang, Thu Hường… hiện vẫn đang là diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Có thể nói, họ là một số ít người “may mắn” vẫn đeo đuổi nghề diễn. Mai Huê (cũng như khá nhiều sinh viên SKĐA xinh đẹp khác) giờ thành tiếp viên hàng không, Cát Tùng chuyển sang kinh doanh, một số khác làm báo chí, và rất nhiều công việc khác. Những “ngôi sao” nổi từ trong trường cho đến nay vẫn tiếp tục tỏa sáng may chỉ có Kiều Thanh, Quang Dũng..

Gia Hưng, sinh viên khoa diễn viên SKĐA cho biết, anh chuyển hướng sang học báo chí ngay sau khi ra trường năm 1999. Theo Hưng, nghề diễn viên, đặc biệt tại Việt Nam vào thời điểm này, rất khó có cơ hội phát triển. 

Đấy cũng là lý do tại sao lại có chuyên nghành diễn viên SKĐA, mà không phải diễn viên “sân khấu” và diễn viên “điện ảnh” riêng, tuy về mặt học thuật, việc chia ra là rất cần thiết.

Các diễn viên được nhận vào các đoàn cũng không khá hơn nhiều: Nhà hát Tuổi Trẻ là nơi đỏ đèn nhiều nhất nhưng thu nhập cho diễn viên mới vẫn mới ở mức gần đủ, các đoàn khác thì khỏi bàn.

Giấc mộng “làm người thành phố” và kiếm sống bằng nghề coi như rất mong manh, còn giấc mộng làm “ngôi sao” cũng chẳng khá hơn. Trong phong trào phim ảnh được thương mại hóa như hiện nay, các nhà sản xuất luôn lấy các ca sĩ, người mẫu, hoa hậu nổi tiếng làm lựa chọn hàng đầu.

Có thể diễn xuất của những ‘sao’ này không nhuần nhuyễn được bằng diễn viên chuyên nghiệp, nhưng ít ra những “cái mặt quen quen” của họ giúp nhà làm phim yên tâm hơn các cô cậu diễn viên không tên tuổi. Còn cơ hội được xuất hiện trong các phim “nghệ thuật” của nhà nước cũng mơ hồ chẳng kém, nhất là vào thời điểm các hãng phim nhà nước cũng phải đang cổ phần hóa như hiện nay.

Ngôi sao không tự sinh ra

Thu Hà, một cựu sinh viên SKĐA bức xúc: “Báo chí và các nhà sản xuất phim nói rất nhiều hiện nay Việt Nam đang thiếu diễn viên điện ảnh ngôi sao. Nhưng vấn đề ở chỗ "sao" không thể tự sinh ra được mà phải có người tìm ra và thắp sáng nó!”

Theo Hà nói, các nhà sản xuất hiện nay vì quá mải chạy theo mục đích thương mại, nên những phim họ chọn thường là các đề tài “hở” “đồng tính” hay sexy.. và sử dụng các hoa hậu, người mẫu, ca sĩ như một miếng mồi câu khán giả.

Nhưng bản thân những người này có thể là ‘sao’ trong lĩnh vực của họ, nhưng không hề tỏa sáng trên màn ảnh.

Trong khi đó, một ngôi sao điện ảnh cần có đủ những yếu tố: khả năng diễn xuất + ngoại hình hấp dẫn + vai diễn hay trong một kịch bản hay. Nhưng tiêu chí chọn diễn viên của nhiều đạo diễn hiện nay mới chỉ dừng ở điều kiện thứ hai.

Rất nhiều khán giả sau khi xem bộ phim đang khá nổi hiện nay, Áo lụa Hà Đông, đều lấy làm tiếc nếu Trương Ngọc Ánh không phải là một người đẹp nổi tiếng, có lẽ cô sẽ không điệu đàng quá đáng, làm dáng quá đáng, thậm chí… đẹp quá đáng trong vai một phụ nữ 4 con vất vả, đau khổ và mất mát đau thương như vậy.

Và nếu đạo diễn Lưu Huỳnh không quá trông chờ vào sự nổi tiếng có sẵn của Trương Ngọc Ánh, có lẽ anh đã chọn một diễn viên hợp vai hơn, chân thực hơn, khiến khán giả tin hơn vào hoàn cảnh của nhân vật, vào sự mất mát hay tình yêu của họ dành cho nhau là có thật.

Không như hiện nay khán giả vẫn nghi ngờ liệu Dần có phải cô vợ quê cùng đồng cam cộng khổ cùng anh Gù không, hay suốt đời cái anh Gù vừa xấu vừa nghèo may mắn được sống cùng… tiên trên trời.

Không ai phủ nhận Áo lụa Hà Đông đã gặt hái được những thành công nhất định. Nhưng giá như Lưu Huỳnh, cũng như nhiều đạo diễn Việt Nam khác, cũng “liều mạng” như đạo diễn Trương Nghệ Mưu của Trung Quốc, biết đâu điện ảnh Việt Nam đã có những Củng Lợi, Chương Tử Di, Lý Mạn… của riêng mình.

Chẳng lẽ trong mấy nghìn diễn viên Việt nói riêng, và hơn 80 triệu người Việt nói chung, các đạo diễn không thể tìm ra được một ngôi sao thực sự và nếu đúng là thế thì hệ thống đào tạo diễn viên, đạo diễn của chúng ta đang có vấn đề!

Theo Hoàng Hường, VietNamNet

http://vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2007/04/683877/


Posted

in

by

Comments

One response to “Những ngôi sao không có… bầu trời!”

  1. metal Avatar
    metal

    Bài viết quá hay, quá chí lý, quá đúng, quá hiện thực,

Leave a Reply