Pearl Harbor – Trân Châu Cảng

(gửi lại)

Tennessee, năm 1923, hai cậu bé Rafe McCawley và Danny Walker là đôi bạn thân cùng lớn lên bên nhau và có chung một niềm say mê cuồng nhiệt: Mơ ước trở thành phi công lái máy bay.

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cả Châu Âu chìm trong khói lửa, gót giày phát xít Ðức dày xéo khắp từ Tây sang Ðông Âu, nước Anh bị các phi đoàn máy bay ném bom Ðức đánh phá tan hoang. Cùng lúc, chủ nghĩa quân phiệt Nhật sau khi đánh chiếm Trung Quốc cũng đang mở rộng chiến tranh khắp Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi đó, chính phủ Mỹ với những toan tính đầy vụ lợi tuy đã gia nhập quân Ðồng minh nhưng chỉ đứng ngoài cuộc chiến, làm một tay lái súng chuyên cung cấp vũ khí cho các nước khác chống phát xít mà không hề tham chiến.

Năm 1941, hai chàng thanh niên McCawley (Ben Affleck) và Danny (Josh Hartnett) trở thành sĩ quan lái máy bay của lực lượng hải quân Mỹ. Với ý chí và niềm say mê của tuổi trẻ, họ trở thành những phi công xuất sắc và gan dạ của Hạm đội Thái Bình Dương. Trong một buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ, McCawley suýt bị cấm bay vì mắt kém, nhưng nhờ sự thông cảm cho qua của cô y tá trẻ đẹp Evelyn (Kate Beckinsale) nên anh được xác nhận đạt yêu cầu. Từ giây phút đó, tình cảm đã nảy nở giữa hai người và chẳng mấy chốc họ trở thành cặp uyên ương xứng đôi vừa lứa. Thời gian họ ở bên nhau thật ngắn ngủi vì trước đó McCawley đã tham gia đội tình nguyện sang Anh quốc chiến đấu trong hàng ngũ Không quân Hoàng gia Anh. Trước ngày chia tay họ vẫn nâng niu gìn giữ tình yêu của nhau thật trong sáng và cao thượng. Tại Anh, McCawley đã tham gia những trận chiến bảo vệ bầu trời thật oai hùng và khốc liệt. Và những lá thư anh gửi về cho người yêu luôn tràn đầy thương nhớ…

Trong khi đó, hạm đội 7 Hoa Kỳ di chuyển đến quần đảo Hawaii, bang thứ 50 mới sát nhập Hoa Kỳ, nằm giữa Thái Bình Dương nơi có Trân Châu Cảng, một căn cứ hùng mạnh và tuyệt đẹp của Hải quân Mỹ. Chàng phi công Danny cùng các chiến hữu và cả đoàn y tá của Evelyn cũng có mặt ở nơi đây.

Tại Anh, trong một trận chiến đấu với máy bay Ðức, McCawley bị bắn hạ và rơi ngoài biển. Nhận được tin McCawley tử trận, Evelyn và người bạn nối khố Danny đều đau đớn khôn nguôi. Họ cùng lao vào công việc để cố quên đi niềm đau trong lòng. Nhiều tháng trôi qua, tình yêu của Evelyn đối với McCawley vẫn không hề phai nhạt. Cô gửi gắm nỗi lòng của mình vào những trang thư không gửi.

Và rồi, như một sự an bài của tạo hóa, Danny và Evelyn, hai con người có cùng niềm đau đã tìm thấy ở nhau một niềm an ủi, một chỗ dựa tinh thần. Họ đã yêu nhau từ lúc nào chẳng biết, một tình yêu thật chân thành và say đắm.

Quân phiệt Nhật vốn nuôi tham vọng làm chủ Thái Bình Dương nên rất cay cú vì sự án ngữ của quân Mỹ, ngăn chặn con đường huyết mạch vận chuyển dầu mỏ phục vụ mưu đồ bành trướng của Ðế quốc Ðại Ðông Á. Một mặt họ vẫn đàm phán với chính phủ Mỹ để ký kết hiệp định hòa bình giữa hai nước. Mặt khác bộ máy chiến tranh Nhật ngày đêm vạch kế hoạch tiêu diệt Hạm đội 7 Mỹ. Chiêu bài “dương đông kích tây” của họ đã qua mặt cả hệ thống tình báo khổng lồ của quân đội Mỹ. Một sự điều động và di chuyển cả hạm đội lớn của Thiên Hoàng đều trót lọt trước những cặp mắt mù mờ và Hawaii cũng như toàn nước Mỹ vẫn an nhàn hưởng cảnh thái bình…

Một ngày đẹp trời đầu tháng 12 năm 1941, tạo hóa lại trêu chọc con người, từ cõi chết McCawley đã trở về lành lặn. Thật ngỡ ngàng và đau đớn cho cả ba người. Dù có phân trần, trách móc bao nhiêu cũng không thể khỏa lấp tình cảnh éo le, McCawley và Danny đã giải quyết nỗi bức xúc trong lòng bằng một trận ẩu đả như bao người đàn ông khác. Ðánh nhau đến mệt nhoài, họ nằm lăn ra ngủ khi bình minh sắp ló dạng phía chân trời Hawaii…

Ðó là sáng sớm ngày chủ nhật 7/12/1941, hơn 350 máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ cất cánh từ hạm đội Nhật được lệnh tấn công tiêu diệt Trân Châu Cảng. Phi đội Thần Phong với những chiếc máy bay cảm tử như đàn châu chấu ào ạt kéo đến đen trời, chúng nhắm thẳng các chiến hạm và căn cứ Mỹ mà lao tới.

Trong khi đó, người Mỹ không hề có sự phòng bị, Ðô đốc tư lệnh thì đang mải… chơi gôn, trẻ em vẫn nô đùa trên cỏ… Và tất cả đều sửng sốt kinh hoàng khi bom nổ rền vang, ngư lôi rẽ sóng đâm vào các chiến hạm. Hết đợt này đến đợt khác, máy bay Nhật trút mưa bom bão đạn xuống hạm đội Mỹ. Các căn cứ, bến bãi, kho tàng, sân bay, ụ pháo và cả quân y viện đều là mục tiêu oanh kích của chúng. Máy bay Nhật hoạt động như ở chỗ không người vì bộ máy quân sự Mỹ tại Hawaii đều tê liệt và bị tiêu diệt thảm hại. Hỏa lực Mỹ chống trả rời rạc và yếu ớt. Như rắn mất đầu, lính Mỹ chiến đấu vô tổ chức, tự phát và vô vọng.

Trong khói lửa ngút trời, trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, kỳ lạ thay những người dũng cảm và oai hùng nhất lại là những binh sĩ, sĩ quan cấp thấp bình dị như anh phi công Red, thợ máy Earl, anh đầu bếp da đen Miller và những cô y tá bé bỏng… Còn hai chàng phi công McCawley và Denny giờ đây lại trở thành những người đồng đội sống chết có nhau, họ cố thoát khỏi hỏa lực quân thù và đưa hai máy bay cất cánh lao vào chiến đấu. Với óc mưu trí sáng tạo, kết hợp lòng quả cảm và tay lái điêu luyện, hai người bạn đã kề vai sát cánh tiêu diệt được nhiều máy bay Nhật và đã toàn vẹn trở về.

Sau sự kiện Trân Châu Cảng, cả nước Mỹ kinh hoàng sửng sốt, không khí chiến tranh bao trùm khắp nơi. Tổng thống Roosevelt đăng đàn hiệu triệu quốc dân và tuyên chiến với Nhật. Ý chí phục thù lan toả khắp giới quân sự Mỹ.

Với chiến công dũng cảm, McCawley và Danny cùng được thăng cấp và khen thưởng. Họ được điều động tham gia một nhiệm vụ tuyệt mật. Ngày 18/4/1942, hàng không mẫu hạm USS Hornet được lệnh áp sát nước Nhật, McCawley, Danny và toàn phi đoàn oanh tạc cơ B25 do đại tá Doolittle chỉ huy bay vào tấn công các mục tiêu trên đất Nhật. Ðây là đòn trả đũa đánh dấu sự mở màn cuộc chiến ngay trên quê hương Nhật Hoàng. Nhiệm vụ của phi đoàn thật vinh quang nhưng vô cùng nguy hiểm. Vì không đủ nhiên liệu để quay về mẫu hạm, hai chiếc máy bay của McCawley và Danny buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống một vùng ven biển Trung Hoa. Họ rơi vào vòng vây của lính Nhật và trong lúc chiến đấu, Danny đã anh dũng hy sinh trong vòng tay của McCawley, lời cuối cùng anh dặn dò bạn là hãy thay anh làm cha đứa bé đang nằm trong bụng Evelyn…

Bộ phim dựng lại một sự kiện lớn của chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc đụng độ tàn khốc và vô tiền khoáng hậu giữa hai thế lực hùng mạnh nhất Ðông – Tây đã diễn ra tại Trân Châu Cảng – điểm hẹn của lịch sử – giữa bốn bề sóng nước Thái Bình Dương. Ðối với hợp chủng quốc Hoa Kỳ đây là lần đầu tiên từ thời lập quốc họ bị một đế chế phương Ðông tấn công, đưa chiến tranh vào tận ngôi nhà của họ. Ðó là một trang bi thảm nhất trong biên niên sử Mỹ quốc. Một sự trả giá quá đắt bởi thái độ bàng quang, sự mất cảnh giác và yếu kém của hệ thống tình báo chiến lược cũng như toàn bộ cơ quan đầu não quân sự Mỹ. Một sự thất bại thảm hại của mưu đồ “ngư ông đắc lợi” mà nhà nước Mỹ chủ thuyết. Ðó còn là đòn phủ đầu, là một chiến lược quân sự xuất sắc của quân đội Nhật với yếu tố bất ngờ và linh hoạt đã nhấn chìm phân nửa Hạm đội 7 Mỹ với những chiến hạm oai hùng xuống tận đáy biển sâu. Lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai ghi nhận sự kiện này bằng một động thái mới: Mỹ tham gia toàn diện trên các mặt trận chống chủ nghĩa phát xít khắp toàn cầu.

Với quy mô dàn dựng hoành tráng, kết hợp kỹ xảo điện ảnh tuyệt vời đã tạo cho bộ phim những nét tàn khốc và bi hùng hiếm thấy. Mối tình tay ba giữa hai chàng phi công và cô nữ y tá được hư cấu trên nền các sự kiện đẫm máu và chết chóc tạo nên những nét chấm phá đầy chất lãng mạn. Ðiều đó ít nhiều giảm bớt được sự khô khan và căng thẳng vốn có ở các bộ phim về đề tài chiến tranh.

Hai mối tình trong sáng và cảm động cùng một tình bạn cao thượng và chân thành của bộ ba McCawley – Evelyn – Danny khiến người xem thật sự xúc động trong niềm cảm thông sâu sắc. Họ đã biết cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cao cả, họ thủy chung son sắt với đồng đội, bạn bè và tình yêu mà đỉnh điểm của nó là hình ảnh Danny hấp hối trong vòng tay McCawley đã làm không ít trái tim mẫn cảm phải rơi lệ. Họ xứng đáng là hình ảnh tiêu biểu cho những người anh hùng, những người Mỹ tiến bộ trong cuộc-chiến-tranh-chính-nghĩa-cuối-cùng của Hoa Kỳ ở thế kỷ 20, như chính lời tâm sự của một sĩ quan Anh quốc: “Nếu có nhiều người như anh, McCawley, thì cầu Chúa phù hộ cho kẻ nào dám khiêu chiến nước Mỹ… “.


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Pearl Harbor – Trân Châu Cảng”

  1. forget Avatar
    forget

    Một bộ phim hay và lãng mạn.

    Không những vậy, nó làm cho người ta càng thêm căm ghét chiến tranh. Mất mát nhiều qua, thương đau nhiều quá…

    I’m thinking…. I’m existing…

    Everyday under the sunlight is a gift…

  2. jamiroqua Avatar
    jamiroqua

    hay dzay ma che^ ha? troii !! dien vien DEP lai dong hay nua !1 phai khong ba con heheheh

    7diem….ruoi nghenn
    [front color=”ff00aa”>Hello Everybody I Am Trevor[/front>

  3. chubemephim Avatar
    chubemephim

    Một phim hoành tráng và tuyệt vời,mối tình trong phim đâu có ‘ sến ” mà sao thấy nhiều ngưưoì kêu ghê.Tuy nhiên phim này hơi đề cao quá đáng chủ nghĩa anh hùng cá nhân.Tóm lại đây là một phim xem đi xem lại mà không chán nhất là hơn 40 phút bắn nhau.
    VIETNAMESE GENERATION XXI

Leave a Reply