Quay phim Lý Thái Dũng nói về nghề

“Thực chất quay phim là cùng với đạo diễn làm vai trò ‘dịch thuật’. Dịch từ ‘tiếng mẹ đẻ’ (ngôn ngữ trên giấy) sang quốc tế ngữ Esperanto (là ngôn ngữ hình ảnh), để khán giả cùng hiểu”, nhà quay phim tâm sự.

– Đối với nhà quay phim, làm cho một cô gái xinh lên hay xấu đi, dễ hơn?

– Xinh hơn dễ mà xấu hơn cũng dễ. Quay cô ta đẹp hơn mà giống nhân vật mới là khó. Vì đẹp là cả một quá trình, mà ở đây cả biên kịch, đạo diễn đều phải góp sức, quay phim chỉ là một thành tố.

– So với hồi mới vào nghề, anh tự thấy mình có tiến bộ hơn không?

– Hồi đó, thấy mình to lắm, nhưng càng về sau càng thấy quay phim chỉ ở ngang với hiệu quả âm thanh và thiết kế mỹ thuật.

– Theo anh, quay nội hay ngoại cảnh khó hơn?

– Quay nội có thể khống chế ánh sáng tuyệt đối, còn quay ngoại thì không thể khống chế nổi thiên nhiên. Khi quay Thung lũng hoang vắng, tôi đã phải hy sinh cái đẹp, cái sướng mắt thuần tuý để hạ xuống “tông” miền núi, sao cho ra không khí lạnh lẽo, mù sương…

Và khó nhất là quay mưa. Nếu là mưa thật, trải đều trên diện tích mặt đất, sẽ làm cho khuôn hình nhờ nhờ. Phim Hàng xóm đang quay, đáng ra phải tạo mưa giả trên đường bằng xe cứu hoả, song công an không cho, đành dùng xe tưới cây – thành ra mưa không “sướng”.

– Quay đêm thì hẳn dễ hơn ngày vì giấu được bối cảnh?

– Quay đêm dễ lừa mắt nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Quay đêm, dù sử dụng bao nhiêu đèn chiếu chăng nữa cũng chẳng thể phong phú, điệu đà như ánh mặt trời ban ngày. Đó là chưa kể nếu quay giả ánh trăng thì còn chết nữa. Vì mình chưa có điều kiện như Tây cho thả đèn khinh khí cầu để chiếu sáng đúng như ánh sáng mặt trăng.

– Nhiều anh làm nghề khói lửa than rằng nhà quay phim gan bé như gan thỏ, bao công phu làm quả nổ, mà khi quay lại đứng tít xa dùng tele câu vào. Anh nghĩ sao?

– Xin thưa, ở ta phương tiện an toàn kém, vật liệu phim chiến tranh là của quân sự thật, trong khi ở nhiều nước, họ có cả một ngành “công nghiệp chiến tranh” dành cho điện ảnh. Thành ra, mỗi khi quay cảnh bom đạn, tôi cũng không dám liều! Mặt khác, ở phương Tây, người quay phim sẽ không trực tiếp bấm máy quay, mà chỉ đạo quay, tóm lại là không làm những động tác cơ học nữa, bởi anh ta đã quá thuần thục rồi, quan trọng là quay sao để lên được không khí phim.

– Cái khó chịu nhất của nghề quay phim?

– Là khi quay phim và đạo diễn, mỗi người nói một ngôn ngữ khác nhau.

theo Lao Động


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply