Quick Review: Định Mệnh Chơi Vơi, Giáng Sinh yêu thương

choivoi

Lẽ ra tui sẽ viết một bài review rất chơi vơi về phim Chơi vơi, đầy định mệnh về phim Định mệnh (aka Lũ chóa khốn noạn tự Inglorious Basterds) và đẫm tình yêu thương về phim Giáng sinh yêu thương (aka Christmas Carol). Thế nhưng cơn lười xâm chiếm cộng với lịch ăn chơi đã kín nên không có nhiều thời gian, cộng thêm nếu viết ra ba bài thì nội dung chủ yếu chắc chỉ toàn mắng mỏ các bạn nhà báo xem phim mà không hiểu nhưng vẫn bày đặt bình phim, trong khi sau khi xem Giáng sinh yêu thương xong thì bài học rút ra là không nên cay nghiệt với những kẻ thua kém mình nên thôi, quyết định cho ba phim này vô một tô rồi trộn lên. Dĩ nhiên ba phim không có liên quan gì tới nhau hết đó, nhưng nhờ có chất súc tác (tui biết là chất xúc tác nhưng cái này đặc biệt, ta gọi là súc tác) là trí tuệ của một số bạn nhà báo đã giúp tui trộn ba phim này vô mà vẫn dính như thường!
1. Nhiều bạn nhà báo xem phim Chơi Vơi xong thì khóc lóc rằng xem xong không hiểu gì cả nhưng cảm xúc rất đã, rất chơi vơi (!!?), nhưng một số còn bảo là xem xong chả biết mình cảm thấy thế nào. Hoàn toàn thông cảm với các bạn nhà báo, nói chung cũng tương tự mấy đứa cháu nhà tui xem phim nghệ thuật thì tuị nói cũng đờ mặt ra không hiểu gì luôn, nên nếu tui nói các bạn nhà báo không hiểu gì đó thì chả khác nào tui cũng đang nói xấu cháu tui nên tui quyết định là thông cảm. Tui chỉ có đôi lời là nếu cái gì mình không hiểu, không biết thì tốt nhất là không nên nói chớ mắc mớ gì không hiểu rồi phán này phán kia?
Nguyên tắc quan trọng của viết phê bình phim là phải hiểu bộ phim, và mục đích của người viết phê bình phim là phân tích để người xem hiểu bộ phim. Mình không hiểu thì lấy cái quái gì ra mà phân tích với chả phê bình.
Nhưng tui thông cảm với các bạn vì ở nước ta thì đa phần là dòng đời nó thế nên tóm lại có nói thì các bạn vẫn lì mặt ra viết phê bình thôi, chứ không viết người ta bảo mình quay lưng với nền điện ảnh nước nhà. Với không viết thì không có nhuận bút rồi lấy gì mà sống trong tình trạng giá vàng giá đôla đang tăng cao chóng mặt mà nhà nước chưa chịu nhập vàng về.
Quay trở lại Chơi Vơi. Vì thấy các bạn nhà báo xem Chơi Vơi xong mà không hiểu dù bộ phim với tui và hầu hết những bạn bè mà tui quen biết đều thấy là không có gì mà khó hiểu (chỉ khó hiểu vì sao lại có người xem xong mà không hiểu?) nên Megastar rất vội vàng nhập ngay một phim vô cùng dễ hiểu và có thông điệp rõ ràng về: Giáng sinh yêu thương. Cái phim này đúng là dành cho các bạn nhà báo kể trên vì nếu các bạn mà xem về nói không hiểu nữa thì các bạn đúng là hình ảnh của thằng nhóc trong phim chui dưới chân ông Hồn ma giáng sinh hiện tại (một đứa là Dốt nát, một đứa là Bần cùng, mấy bạn tự chọn). nhưng tui tin chắc là không bạn nào xem xong mà không hiểu đâu, các bạn phóng viên kể trên (đặng các bạn phóng viên khác không nói tui quy chụp cả đám) căn bản là cũng có kiến thức.
Giáng sinh yêu thương kể về một ông già keo kiệt bủn xỉn. Chỉ cần 30 giây đầu phim ta đã biết cha này keo kiệt bủn xỉn ra sao, nhưng sợ khán giả chưa hiểu (sợ chớ sao không, mấy bạn phóng viên thường thắc mắc) nên sau đó ông già này tiếp tục nói ra rất to: tao rất ghét Giáng Sinh, tại sao phải nghỉ ngơi chứ, cút hết đi tao chỉ thích sống một mình thôi. Sau đo ông già về nhà và đoạn này thiệt là rùng rợn làm tui dẹp luôn ý tưởng dắt cháu tui đi xem phim này (dù nó dễ hiểu): có con ma hiện ra. May mà phim chiếu ở VN là phim thường màn hình phẳng chớ mà nó chơi 3-D thì chắc bà con trong rạp la hét gào rú như chơi trò chơi cảm giác mạnh. Con ma hiện ra vô cùng ớn lạnh mà nó cứ quăng cái cục sắt vô mặt mình vậy đó. Xong rồi con ma nói, ông gì, ông sẽ chết trong đau khổ cô đơn, hồn ông sẽ bị tù túng như tui đây. Đêm nay sẽ có 3 hồn ma xuất hiện ám ông đó nha.
Thế là 3 con ma kia lần lưọt hiện ra, con đầu hiền weo còn con sau thì hung dữ. Con đầu là Hồn ma Giáng sinh quá khứ, sau đó là Hồn ma giáng sinh hiện tại, sau đó là Hồn ma giáng sinh tương lai. Mấy con ma dắt ông già về quá khứ cho ông thấy thời xa xưa ông vui ve hồn nhiên thế nào, làm ông gì nhớ quá trời quá đất, xong sau đó cho ổng xem bi giờ ổng sống xấu xa quá ai cũng ghét ổng, rồi những người thân xung quanh ổng chịu đau khổ vì ổng, thằng con trai của ông thư ký làm việc cho ổng bị bệnh nặng mà ba nó nghèo quá nên không cứu nổi nó, rồi đủ thứ nên ông già xúc động quá khóc giờ tui phải làm sao đây, tui xin hứa tui sẽ làm người tốt. Nhưng mà đâu có dễ, ổng phải bị trừng trị, ghê rợn lắm đó nha. Xem cái đoạn đó xong tui mới suy nghĩ mình không nên ác nghiệt với bọn Ngu dốt và bần cùng nữa nên có tự hứa với lòng không nói xấu các bạn nhà báo nữa, đặng sau này chết không bị như ông già đó, va sẽ giúp đỡ những người xung quanh mình. Kết thúc phim, sợ các bạn phóng viên chưa rút ra bài học để về viết báo, một nhân vật trong phim – mình không nói ra để không bị mang tiếng là spoiler – nhìn thẳng về phía khán giả đã nói luôn ý nghĩa của bài học chân lý trong phim luôn đó. Thiệt là tiện ghê vậy đó! Hy vọng các bạn phóng viên có những bài viết về bộ phim hay và đầy ý nghĩa như phim Giáng sinh yêu thương.
2. Ai cũng hỏi tui là thấy phim Chơi Vơi sao? Rồi mong chờ tui review phim Chơi Vơi. Có nhiều thứ trong phim tui rất thích nha. Chẳng hạn tui thích mấy thứ lãng đãng trong phim, những câu chuyện dây dưa râu ria tưởng không ăn nhập gì với nhau nhưng thiệt ra nó là những chấm phá cho một bức tranh được vẽ phác họa – tức không có gì rõ ràng nhưng lại nhiều chi tiết nhỏ. Dĩ nhiên có người thích, có người không thích kiểu này. Ở USC tui học thì người ta gọi đây là kiểu slice of life – nhát cắt cộc đời, tức là đời sao thì cho lên phim vậy. Kiểu này vừa dễ làm vừa không dễ làm. Dễ làm vì như Lê Hoàng nói rất đanh đá trên tờ Thể Thao Văn Hoá đại loại là viết kiểu dó ai mà chả viết được, vì nó chả có chuyện gì cả, cứ thế mà viết thôi. Nhưng khó làm vì đúng là nó thế nhưng người làm người kể phải có duyên thì người xem mới ngồi theo dõi. Nhiều người ăn nói có duyên kể chuyện linh tinh cũng nhiều người ngồi nghe – điển hình là qua blog Mất Dép mà đọc nha, kể có cái chuyện bả đi máy bay từ Singapore về Việt Nam mà viết cho cả trang 3000 chữ luôn nhưng đọc vẫn thấy thiệt hay (hé hé).
Nhưng Chơi Vơi có một câu chuyện xuyên suốt rất rõ ràng – một cô gái trẻ lấy chồng mà không được nếm mùi tình dục. Nó là câu chuyện rất Việt Nam – những chuyện ai cũng thèm mà không ai dám nói. Mọi nhân vật trong phim đều có những ước mơ/ đam mê của họ, thầm kín hoặc không thầm kín. Là một thằng con trai không bao giờ muốn lớn và được ngủ một mình, một bà mẹ luôn muốn con trai mình nhỏ bé như ngày nào, một văn sĩ không tìm ra câu trả lời cho cảm xúc của mình, một con bé con ước ao được tắm vòi sen, một người đàn bà thèm khát nụ hôn từ người đàn ông đào hoa, một ông già mê mẩn con gà chọi ….
Nhưng không như một số bạn nhà báo không hiểu mà có cảm xúc mãnh liệt, tui xem Chơi Vơi thì hiểu nhưng chả có thấy cảm xúc nào. Tui hoàn toàn hiểu được vì sao. Chỉ cần xem 15 phút đầu tiên của Định Mệnh sẽ thấy ngay vì sao xem Chơi Vơi tui không cảm xúc.
3. Inglorious Basterds mở đầu bằng một chương đủ làm một phim ngắn xuất sắc, mà ở đó, người xem như tui xúc động hồi hộp mà có lúc nghẹt thở. Cô bạn xem chung với tui đưa tay lên che mắt quay mặt đi vì sợ. Tui nghĩ, tui ước gì tui làm được một phim mà khán giả có thể phản ứng như thế – khóc, cười, vui, buồn, sợ h4i, hồi hộp. Quentin Tarantino là bậc thầy của điều đó chỉ với 15 phút đầu phim. Và có gì trong 15 phút ấy? Hành động cháy nổ? Quần áo cởi ra? Chạy đụng cột điện trượt vỏ chuối té? Không, chỉ là thoại, cuộc đối thoại dài của hai nhân vật. Vì sao ông ta có thể làm được điều đó? Có rất nhiều điều, nhưng chủ yếu có 2 điểm: a. đạo diễn biết tiết lộ thông tin đúng thời điểm để khán giả hiểu chuyện gì đang xảy ra mà vẫn bất ngờ và hồi hộp và b. khán giả được biết nhân vật đang nghĩ gì.
(spoiler – ai chưa xem đừng đọc)
a. Ở đầu phim, ta đâu có biết cái ông kia có giấu dân Do Thái hay không, mà có giấu thì cũng đâu biết ổng giấu ở đâu, nên ta xem trò mèo vờn chuột ta chỉ bực mình giùm ổng thôi vì cái tuị Đức này nó làm phiền ổng quá. Có điều kể từ khi ta biết mấy người kia nằm ở dưới thì ta nói tim mình đập thình thịch vậy đó. nếu mình biết ngay từ đầu là mí người Do Thái nằm dưới sàn nhà thì đến giữa đoạn đó mình hết hồo hộp vì tim đập thình thịch cũng có giới hạn thôi chớ, mà nếu vậy đến lúc cao trào thì tim mình nó mệt quá nó sẽ không thèm lên cao trào chung. Cho nên việc quyết định cho khán giả biết mí người kia nằm dưới thiệt là hay.
Mà cả hai người chơi đấu trí đều nói dối, lời thoại chỉ là bề mặt thôi, cả hai người đó không ai nói cái mà họ muốn nói một cách toạc móng heo ra. Họ nói lòng vòng, họ nói quanh co. Thằng cha Đức Quốc Xã kia đi vô xin uống sữa, khen sữa ngon, khen con gái ông này đẹp. Chả có khen thiệt không? Không. Chả có thèm sữa thiệt không? Không. Rồi ông kia thì nói dối từ đầu tới cuối khỏi bàn cãi rồi. Cái hay của người viết thoại cũng như người diễn viên cũng như người đạo diễn chính là nghĩa đen của lời thoại chả có ý nghĩa gì, quan trọng là subtext của nó là gì, ẩn chứa sau câu nói đó là gì.
b. Chúng ta biết nhân vật nghĩ gì, thông qua cách nói chuyện của họ, qua đôi mắt của họ, qua sự giấu diếm cảm xúc của họ … Nếu bạn để ý, người đàn ông kia phải dồn nén nỗi sợ hãi của mình vào trong, ông ta tuyệt nhiên không tỏ ra sợ hãi, nhưng chúng ta vẫn thấy được sự sợ hãi đó. Cũng như sự ranh ma của thằng cha Đức Quốc Xã. Vì sao: vì chúng ta có những cảnh cận đặc tả những điều đó. Nó như đập vào mặt người xem và cho họ biết một cách rất rõ ràng tâm trạng của nhân vật. Mà khi chúng ta biết họ nghĩ gì, (biết chứ không phải đoán mò) thì chúng ta hiểu họ. Khi chúng ta hiểu họ, chúng ta cảm thông với họ, chúng ta đi cùng họ. Máy quay nằm ngay trong cảnh quay, chúng ta thấy cái nhân vật thấy, chúng ta sống và hít thở với họ…

Vì sao tui lại nhấn mạnh hai điều này? Vì phim Chơi Vơi không có cùng cách làm. Phim hiếm có cảnh cận. Phải mất 15 phút mới có cảnh cận đầu tiên của phim, và nó không thuộc về nhân vật chính (của Hải Yến) mà thuộc về nhân vật phụ (Phạm Linh Đan). Yến có được một hoặc hai cảnh cận, mãi về sau. Các nhân vật khác cũng hiếm khi có cảnh cận. Phim sử dụng hầu hết là cảnh toàn, máy quay đặt bên ngoài phạm vi hoạt động của nhân vật, như có một người nào đó đứng ngoài chứng kiến câu chuyện. Rất nhiều trong phim là cảnh quay từ đằng sau lưng, nếu không sau lưng thì mặt của nhân vật nằm trong bóng tối (ngay cả do lỗi kỹ thuật là vì máy chiếu tối thì vẫn là một sai lầm trong bố cục khung hình khi điểm sáng nhất – cũng là điểm lôi kéo mắt người xem – lại không nằm ở nơi cần nhìn) nên người như tui không biết được nhân vật nghĩ gì. Khi không biết, tui phải đoán, phải tưởng tượng. Có người cho rằng người làm phim phải để khán giả tự do bay bổng cảm xúc, nên đó là một phong cách. Nhưng sự nguy hiểm ở chỗ khi cho phép người xem bay bổng, người làm phim cũng phải chấp nhận một sụ thật: không phải ai cũng bay bổng và tưởng tượng như mình.
Nhưng với cách làm này, đạo diễn ‘cứu’ được nhiều thứ – những người xem có kinh nghiệm cảm xúc nhiều sẽ tự điền vào chỗ trống đó. Họ có một chỗ để tự tưởng tượng và bay bổng, mà vì thế, bộ phim được làm không chỉ bởi người đạo diễn mà còn bởi chính những cảm xúc của người xem lấp đầy vào đó. Theo như lời đạo diễn kể hôm họp báo mà tui nghe kể lại, trong quá trình làm phim, anh cũng như cả đoàn phim cũng không hiểu bộ phim và để bộ phim lôi đi lôi đi, nên vừa làm vừa hiểu ra, nên tui tin rằng chỉ với cách này mới giải quyết được vì việc diễn viên không biết nên diễn thế nào. Phong cách hạn chế quay cận này có ưu thế của nó nhưng đồng thời nó nguy hiểm, vì nó đặt người xem như tui ra khỏi cuộc đời của các nhân vật trong phim. Tui, cuối cùng, vẫn chỉ là kẻ ngoài cuộc ngó vào cuộc đời của người ta. Có xúc động thì cũng chỉ may may mà thôi, chứ không mãnh liệt, không day dứt…
Thế nên trong phim tui thấy thích Linh Đan, Hải và bé Miên bởi họ là ba nhân vật có sự rõ ràng về cảm xúc nhất nhờ những cảnh quay cận. Cũng nhờ đó, tui chia sẻ với họ rất nhiều. Tui thích sự run rẩy của Cầm, khi cô cố nén chặt tình cảm của mình, khi cô không thể thở trong tấm ckhăn trùm xông hơi, khi cô không thể viết được sau cú điện thoại của Duyên. Tui thích Miên, vì sự hồn nhiên trong sáng của em, diễn như không, như thở, như thể chính đó là cuộc đời em vậy. Tui thích Hải cũng vì thế, nhẹ tênh, như cuộc đời của cậu ngoaì đời cũng thế, một chàng trai hồn nhiên với những mặc cảm tự tin không nói được. Tui cũng thích Vi vì nét đẹp rất đàn bà của cô, vì cái sức sống ngồn ngộn, cái khao khát một tình yêu và cả tình dục như thể muốn bục ra khỏi cơ thể kia vậy.
Mà điều đó cũng không khiến tui cảm thấy rất thích bộ phim vì câu chuyện rốt cục là về cô Duyên chứ không về ba người kia. Mà cô Duyên thì dù nhiều bạn khen lấy khen để bạn Hải yến (kiểu trước giờ yến diễn dở lắm nên diễn như trong phim này thế là xuất sắc rồi) thì tui thấy Yến có một vai hợp vai, kiểu hồn nhiên trong sáng như Chuyện của Pao cái đoạn tỏ tỉnh bên bờ rào đá.
Ai khen phim quay đẹp thì khen, tui thì không thích. Tui không chê ánh sáng xấu, tui cũng không chê khung hình xấu (dù cũng có nhiều bố cục khung hình rất khó chịu), mà phải nói là hình ảnh trong phim đẹp, nhiều doạn rất đẹp, rất Việt Nam, rất Hà Nội, nhưng tiếc thay nó không ăn nhập cũng như không phục vụ gì cho bộ phim cả. Chẳng hạn cảnh đầu phim, cậu Hải ngồi trong xe taxi, lẽ ra chúng ta phải nhìn Hải nhưng mọi người trong rạp đều xì xồ ‘thằng nhỏ kia xinh thế’, thằng nhỏ đó là một thằng nhỏ nào đó chả liên quan gì tới bộ phim đứng ở ngoài đường nhưng nó nổi bật nhất, nó ở điểm sáng nhất và nó ở vị trí trung tâm nhất!
Nói tới nói lui thì cũng đi tới kết luận một chút: tui thích Chơi Vơi nhưng không có phải rất thích, vì phim xem dễ chịu, và nó có một hương vị lạ, khác với các phim Việt Nam khác. Hơn nữa, như tui nói, lối kể chuyện của Chơi Vơi dễ mà khó, mà tui thấy rằng, xem Chơi Vơi, cái duyên của người kể chuyện đủ để giữ chân tui lại đến hết phim, và cho dù cho đến cuối cùng có nhiều câu chuyện tưởng như chưa giải quyết, như bỏ ngõ, thì thật ra, mọi thứ cũng đã được khép lại một cách ý nhị rồi… Còn cái cảm giác của tui xem xong mà tui tiếc vô cùng vì giá như mà…. thì, cái giá như đó không phải là phim của Buì Thạc Chuyên mà là phim của phanxine… Hehe, những thứ chuyên môn khác thì thôi tui nói với đạo diễn luôn chứ tui viết ra đây cũng chẳng để làm gì hết.

Tui nghĩ rằng Chơi Vơi cũng là một phim đáng xem, dù bạn thích hay không thích phim Việt Nam thì cũng nên xem để biết rằng có một phim Việt Nam không giống những phim Việt Nam khác, với một lối kể chuyện khác, nhưng nó cũng rất Việt Nam. Có lẽ cái hay nhất của Chơi Vơi là nó mang hơi thở cuộc sống hiện đại của giới trẻ hôm nay, với những tâm tư của thế hệ hôm nay.

(PS: Để các bạn phóng viên khỏi nhột thì những bạn được nhắc tới trong bài viết là những bạn nào xem xong về viết bài về phim Chơi Vơi mà ghi rằng phim khó hiểu xong rồi phán này phán kia, nếu bạn không có trong diện đó thì đừng buồn nha, bạn không trúng số :D )


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply