Quick Review: Source Code, Limitless, Paul, Pirates of Carribean 4

Source Code và Limitless hình như đã không còn chiếu ngoài rạp. Paul cũng sắp bị out. Pirates of Carribean 4 mới ra. Theo ý của tui, nhanh chân ra rạp xem Paul, nếu hai phim Source Code và Limitless còn chiếu ở đâu đó thì tranh thủ, Pirates of Carribean 4 thì hehe…. tùy bạn

1. Source Code (Mã nguồn)

Cũng như phim trước của Duncan Jones, Moon, sẽ khó nói về Source Code mà không spoil. Source Code là hành trình tìm kiếm sự bình an cho bản thân anh sau những biến cố trong đời của Colter Stevens, thông qua câu chuyện Colter Stevens thức dậy trên một chuyến tàu trong thân xác của một người khác, và anh có 8 phút để tìm ra hung thủ đặt bom trên chuyến tàu ấy. Sau mỗi lần thất bại, anh lại được gửi về thời điểm 8 phút trước vụ nổ tàu cho đến khi hoàn thành sứ mệnh. Những chuyến đi đó hé lộ dần, không chỉ ai là kẻ đặt bom, mà cả tình cảm của anh với cô gái “xa lạ” trên tàu, về chương trình Source Code mà anh đang tham gia, và trên hết, về chính bản thân anh. Một phim tâm lý tình cảm với vỏ bề ngoài khoa học viễn tưởng, để bao bọc lại vấn đề triết lý về sự sống và cái chết. Nếu bạn chưa xem phim, dừng đọc tại đây. Nếu bạn đã xem, mời tiếp tục. Spoiler ahead. Đoạn sau có tiết lộ kết thúc của phim.

Source Code là một phim khoa học viễn tưởng mà đạo diễn ngay từ đầu đã tự phá vỡ mọi nguyên tắc, mọi quy luật trong thế giới viễn tưởng mà anh đặt ra. Theo như trong phim, Source Code là một chương trình cho phép một người sống kết nỗi não của mình với một người đã chết để thấy được 8 phút cuối cùng còn lưu giữ lại – kiểu như một cái bóng đèn khi tắt đi vẫn còn lưu ảnh ánh sáng của nó. Nó không phải là gửi về quá khứ – tức quá khứ không bị thay đổi. Nó giống như chúng ta “tua” lại một cuốn băng chỉ có 8 phút để tìm hiểu quá khứ. Thế nhưng, sự phi logic của thuyết này ở chỗ, nếu như “tua” một cuốn băng thì tất cả mọi lần đều phải giống nhau, chúng ta có thể chú ý những điểm khác nhau, nhưng không thể thay được các sự kiện. Colter Stevens không thể “thấy” được những sự kiện không có lưu trong “bộ nhớ” của Sean Fentress – những sự kiện khác diễn ra ở những nơi không có mặt của Sean, hoặc những sự kiện diễn ra do Colter chọn lựa khác với chọn lựa ban đầu của Sean. Cũng theo lý thuyết trong phim, bộ nhớ của Sean chỉ lưu trữ 8 phút cuối cùng, nhưng Colter đã sống lâu hơn 8 phút trong một lần được gửi về, và chỉ khi nào chết, anh mới quay trở lại với thực tại. Đặt ra giả thuyết và tự phá bỏ giả thuyết đó, các lý giải khoa học của Source Code đưa tới một giả thuyết khác, rằng có sự tồn tại của thế giới song song diễn ra ở những mạch thời gian khác nhau. Mỗi lần Colter Stevens được gửi về là một lần anh thay đổi sự kiện trong một thế giới song song có mạch thời gian khác. mặc dù ông tiến sĩ trong phim giải thích rằng, những hình ảnh mà Colter nhìn thấy chỉ là ảo giác được hình trong trong não của anh, nhưng rõ ràng không phải, bởi đến cuối cùng, nếu thế giới mà chúng ta xem trong phim được tạo ra từ não của Colter thì lẽ ra khi Goodwin cho anh ngừng thở trong thực tại, thế giới kia phải biến mất. Nó đã không biến mất. Nó là một thế giới song song. Điều đó dẫn đến trong thế giới song song đó, có hai linh hồn của Colter Stevens – một đang nằm trong cơ thể của Sean Fentress, một đang nằm trong cơ thể của chính Colter ở Source Code. Và linh hồn của Sean Fentress tự nhiên… bị biến mất. Hãy thử nghĩ đến đoạn sau bộ phim, khi cha mẹ của Sean nhìn thấy anh và dĩ nhiên Sean – thật ra là Colter – chả biết họ là ai!

Kết thúc của Source Code cũng mở ra một câu hỏi – liệu có phải chết là hết? Bởi Colter Stevens đã “chết” trong thế giới của anh, nhưng vẫn sống trong thế giới song song, và bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc đời mới, với những mối quan hệ mới….

(PS: giả thuyết “thế giới song song” đã được chính Duncan Jones thừa nhận)

2. Limitless.

Tui thích phim này. Vì một lý do khá “tội lỗi”. Limitless là một phim cổ súy cho … ma túy và các thể loại chất kích thích. Nội dung phim khá đơn giản: một anh nhà văn hạng xoàng, nặn không ra chữ nào cho tiểu thuyết của mình trong khi ngày hạn chót gần kề, bạn gái phát chán với sự bê tha của anh và đã chia tay, và anh chàng đang trong cơn túng quẫn. thế rồi, anh vô tình gặp anh của vợ cũ, rồi cậu này giới thiệu cho anh một loại thuốc có khả năng “kích hoạt não” hoạt động tối đa. Anh đã thử. Đời anh tươi sáng hơn. Anh thấy thế giới sáng sủa hơn, màu sắc hơn, anh thấy đời vui hơn, anh thông minh hơn, anh làm việc hiệu quả hơn, và anh từ đó đã trở nên thành công hơn. Dĩ nhiên cái gì cũng có cái giá của nó. Nhất là khi ai cũng muốn có loại thuốc đó. Và vài chuyện khác, xem phim rồi biết.

Nói chung các triệu chứng biểu hiện của cái thuốc thần dược trong phim, căn bản là dựa trên mấy loại thuốc kích thích, ma túy v.v…

Kết thúc phim này chắc còn khiến bà con hoang mang… là sao, chúng ta có nên xài mấy cái thuốc đó không?

Anh Brad Cooper đóng phim ngày càng hay. kỹ xảo phim này, nói về độ phức tạp thì không bằng Source Code, nhưng thấy đã hơn vì làm cho tui thấy phấn khích hơn. Kỹ xảo làm đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Em gái trong phim này cũng hot, nhưng ngặt nỗi mỗi khi em xuất hiện thì tui đều tưởng em ấy là Nicole Kidman, hoặc Naomi Watt, hoặc Katherine Heigl, nói chung em không có chút tính cách riêng nào để cho tui biết em ấy khác các em kia….

3. Paul.

Tui rất khoái hai chú Simon Pegg và Nick Frost. Kể từ Shaun of the Dead và Hot Fuzz. Đóng hài rất duyên. Hai chú này làm phim nhái siêu đẳng. Không phải nhái từng phim kiểu Scary Movie, mà nhái thể loại phim – tức lôi hết cái motif, các cliche của một thể loại phim ra mà chọc cười. Paul là một phim hài nhại các phim khoa học viễn tưởng. Nội dung thì đơn giản: hai chú mê truyện tranh từ Anhbay sang Mỹ để đi dự Comic Con (hội chợ truyện tranh lớn hàng đầu nước Mỹ), làm một chuyến road trip ngang qua những vùng được xem là “có người hành tinh viếng thăm”, và vô tình… đụng phải một người hành tinh thứ thiệt. Đủ thứ chuyện hài hước xảy ra khi hai anh chàng tìm cách đưa Paul tìm về đĩa bay của cậu ta khi mà các điệp vụ chính phủ rượt theo, cảnh sát rượt theo, và cả một ông bố ngoan đạo rượt theo vì họ “bắt cóc” cô con gái của ông…

ta nói, cái cô con gái đó bị “nín” mất chục năm trời… đến khi “sổ lồng” thì thôi rồi Lượm ơi… các bạn gái sống đức hạnh nên đi xem để thấy hậu quả nhãn tiền, thấy tương lai đời mình qua cô này =))

4. Pirates of Carribean 4.

Phần 1 vẫn là phần hay nhất. Phần này hay nhất là các nàng tiên cá. Johnny Depp ngày càng nhạt. Phim không hài hước – vì Rob Marshall hình như không có máu hài hước. Các pha hành động cũng không hoành tráng kích động – vì Rob Marshall cũng không phải thế mạnh làm phim hành động. Chuyện tình yêu của cha đạo và tiên cá có lẽ là câu chuyện hay nhất – Rob Marshall thích trai đẹp gái đẹp. và mấy đoạn hát hò – Rob Marshall từng đạo diễn Chicago, còn nhớ không?

Sau khi xem phim này xong tui nghĩ, giá như các nàng tiên cá cắt tóc ngắn thì có phải hay hơn không hehehehe…


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply