Vào thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, Trung Nguyên đại loạn, Thịnh Đường bị diệt vong, quần hùng dụng binh tự lập. Vua (Châu Nhuận Phát thủ vai) dựa vào thân phận một đô úy cấm quân, lãnh binh tạo phản, tự phong làm vua. Để củng cố quyền lực, ông bỏ người vợ cũ, cưới công chúa nước Lương (Củng Lợi thủ vai) phong làm hoàng hậu, từ đó nhận được sự ủng hộ của vua nước Lương, ổn định được chính quyền. Người vợ trước có để lại một đứa con trai tên Nguyên Tường (Lưu Diệp thủ vai); còn vua và hoàng hậu trước sau sinh ra Nguyên Kiệt (Châu Kiệt Luân thủ vai) và Nguyên Thành (Thái Tuấn Kiệt thủ vai). Sau đó, vua lập Nguyên Tường làm thái tử, Nguyên Kiệt làm tướng quân. Vua ngày đêm nhớ mong người vợ cũ của mình, lập một bức tranh để nơi hậu cung, nói dối vớiThái tử là bà đã chết. Mối quan hệ giữa vua và hoàng hậu không mấy tốt đẹp, nơi hậu cung hiu quạnh, khiến đến một ngày hoàng hậu và Thái tử có một mối quan hệ loạn luân. Câu chuyện “Hoàng Kim Giáp” bắt đầu vào ngày trước một ngày của lễ Trùng Dương sau khi vua đăng cơ được 25 năm…
Hoàng thượng: câu chuyện của một người đàn ông quy tắc.
Vua là một người đàn ông luôn nói đến “quy tắc”, câu nói cửa miệng của ông chính là “không có quy tắc, không thành vuông tròn”, cho nên bàn ăn của ông cũng là những hình vuông tròn phối hợp với nhau, vị trí ngồi ăn của mỗi người cũng chưa từng thay đổi. Ông thường hay nói với Hoàng hậu và các Hoàng tử: nhà có thể là nhà vì có sự tồn tại của quy tắc. Cũng giống như bao người đàn ông khác, những quy tắc đó cũng do chính ông đặt ra. Ví dụ như quy tắc mà ông đặt cho Hoàng hậu là “có bệnh thì phải uống thuốc”. Nghe ra thì có vẻ hợp tình hợp lý nhưng điều quan trọng là Hoàng hậu có bệnh hay không là do Vua quyết định. Vì vậy, Hoàng hậu đã phải uống thuốc hai mươi mấy năm, vì Vua cho rằng Hoàng hậu mắc phải “bệnh thương hàn”; dẫn kết kết luận uống thuốc là quy tắc, không uống thuốc là sai quy tắc. Đối với Hoàng tử, Vua cũng định ra quy tắc. Vua không chỉ một lần nói với Nhị hoàng tử Vương Kiệt: “Cái con muốn là ta đưa, không được giành”. Để chứng minh tính chính xác trong lời nói của mình, ông cố ý ngồi trên ghế tỷ thí với Nhị hoàng tử. Nhưng Vua cũng quên mất một điều rằng, ông có được cái quyền lực làm người chế định những quy tắc như ngày hôm nay là nhờ hai mươi lăm năm trước ông phải giành mới có được.
Và rồi điều những nhân tố không thể tránh khỏi của sự bi kịch là tất cả mọi người đều phá hỏng cái “quy tắc” đó. Hoàng hậu và Thái tử thông gian. Nhị hoàng tử khởi binh phản động tiến vào Hoàng cung. Tam hoàng tử giết chết Thái tử buộc Vua nhường ngôi, khiến Vua vô cùng đau lòng. Nỗi đau của người đàn ông có thể chịu được đến mức độ nào không phụ thuộc vào vết thương đó nặng hay nhẹ, mà quan trọng nhất là vị trí bị thương. Như mặt là không thể nào làm thương được, thể diện lớn hơn tất cả. Sự sai lầm của Hoàng hậu và Thái tử đương nhiên là một chuyện vô cùng mất mặt, cho nên Hòang hậu cần diệt, Hoàng tử cần phế. Việc diệt Hoàng hậu càng thầm lặng càng tốt, như bỏ một loại thuốc độc mãn tính vào thuốc khiến Hoàng hậu từ từ trở thành người thực vật. Sai lầm của Nhị hoàng tử cũng là vấn đề thể diện. Vốn dĩ Vua phế truất ngôi Thái tử của Vương Tường và chuẩn bị lập Vương Kiệt làm Thái tử, nhưng Vua từng nói: “Ta không cho, không được giành”. Không nghe lời của Ta, Ta giết một vạn phản quân của ngươi, chỉ để nói cho thằng con trai biết rằng: “Ta đã nói giành không được là giành không được”. Tam thái tử thì còn đáng trách hơn nữa, giết Thái tử là giết con trai của Ta. Ngươi giết con Ta, Ta sẽ giết ngươi, cho dù ngươi cũng là con của Ta đi nữa. Con trai của Ta, Ta giết được còn ngươi thì không giết không được, đó là đạo lý Vua muốn nói cho Tam thái tử rõ và Tam thái tử chỉ còn lại duy nhất con đường chết.
Người đàn ông có thể giữ được quy tắc, trong lòng đều là người đàn ông kiêu ngạo, đàn ông kiêu ngạo thì càng cô quạnh hơn, cô quạnh là cái giá của sự kiêu ngạo. Không rõ được là Vua chống đỡ cho chiếc Hoàng kim chiến giáp, hay là chiếc chiến giáp ấy chống đỡ cho tấm thân của Vua nhưng cởi bỏ chiếc giáp ra khỏi mình, đem thân thể tiều tụy mệt mỏi vào trong bồn thuốc của Tương thái y, lúc ấy Vua chỉ là một gã đàn ông già hiu quạnh, đó là cái giá của sự kiêu ngạo. Lần lượt từng người thân ra đi, Vua vẫn ngồi trên ghế vẫn dõng dạc nói: “Ta không cho, không được giành”.
Người đàn ông giữ quy tắc đều thường có chút hoài niệm trong lòng. Hai mươi lăm năm nay, Vua đều thương nhớ đến người vợ cũ. Những bố trí của hai mươi lăm năm trước đều được giữ nguyên vẹn, sức mạnh có thể “giữ” được hai mươi lăm năm như vậy thật vô cùng cảm động. Nhưng hai mươi lăm năm sau, người đàn bà mà Vua ngày đêm mong nhớ đã xuất hiện, quyết định của Vua lại là giết. Có rất nhiều cuộc tình vĩ đại nhưng thật chất cái ta yêu là tình yêu của ta chứ không phải đối tượng trong cuộc tình ấy. Sự xuất hiện của người vợ trước đã làm mất đi hoài niệm hai mươi lăm năm qua của Vua, chỉ có giết mới có thể tiếp tục được tình yêu của mình.
Thật đáng tiếc, Vua là vị đại vương của thời Ngũ Đại Thập Quốc. Trong lịch sử của Trung Quốc, đây là thời đại không có quy tắc nhất, giết con đoạt dâu, giết chủ hại cha. 53 năm nơi phương Bắc xuất hiện đến 14 vị hoàng đế, chỉ có những cái chết bất thường mới có thể trở thành sự thật lịch sử. Và 200 năm sau, có một người tên là Chu Hi đã đem quy tắc của Tiên Hiền (Khổng Mạnh) Nho học phát dương rộng lớn: “phụ vi tử cương”, quân vi thần cương”, “phu vi thê cương”, đó cũng chính là lý tưởng của Vua trong bộ phim này.
Hoàng hậu: câu chuyện của một người đàn bà bất quy tắc.
Có những người đàn bà bẩm sinh là không hề giữ quy tắc, họ sống trên đời này để phá hoại những quy tắc. Điều đáng sợ là trong mười người đàn bà có ý đồ phá hoại quy tắc thì có hết tám đến chín người tự hủy hoại bản thân mình, chỉ có một hai người tự xây dựng quy tắc của mình. Võ Tắc Thiên nằm trong thiểu số đó, Từ Hy Lữ Hậu chỉ có thể tính là một nửa. Hoàng hậu lại thuộc về phần đa số kia, trong quá trình phá vỡ quy tắc làm bản thân mình cũng bị hư hại theo.
Sự phá hoại của Hoàng hậu bắt đầu từ hai mươi lăm năm trước, thân phận là một công chúa nước Lương lại gả cho một Đô úy phản nghịch, điều này được xem như đã phá đi quy tắc, định đoạt vận mệnh của bà sau này. Thật ra Hoàng hậu cũng đã cố giữ hơn hai mươi năm, chỉ là sau khi Thái tử trưởng thành, người làm mẹ kế lại không nén giữ nổi thân mình. Ở điểm này thì Võ Tắc Thiên thông minh hơn nhiều, người ta đến miếu làm ni cô để chờ đợi rồi còn được thành chính quả. Quay trở lại, Hoàng hậu không chờ đợi được hai mươi mấy năm, sức mạnh của chữ mệnh lớn hơn cả quy tắc. Nếu như nói đó là tình yêu thì sức mạnh của nó cũng chính là nguồn động lực để phá hoại quy tắc. Dù gì thì cũng gây nên chuyện rồi, Vua cũng đã biết rồi, theo quy tắc thì phải chịu sự trừng phạt. Như bỏ độc mãn tính vào thuốc uống, như vậy ít ra thì cũng có vài ba tháng còn tri giác để sinh tồn.
Đàn bà khi đã có thể nhẫn tâm, chỉ thị Nhị thái tử Nguyên Kiệt khởi binh tấn công vào Hậu cung ép Vua phải thoái vị. Nhưng bà cũng không muốn người tình của mình bị dính líu đến sự việc này, không bị xem như một phản quân có chiếc khăn thêu hình hoa cúc, mà hy vọng Thái tử có thể thoát khỏi nạn kiếp. Nhẫn tâm và không nhẫn tâm đều không hợp quy tắc, hai điều này Hoàng hậu đều làm rồi. Phần hành động không theo quy tắc nhất chính là bà rõ biết dù chuyện khởi binh đã bị bại lộ, vẫn kiên quyết khởi binh. Người đàn bà này dường như đang biểu đạt một ý nghĩ: “Lễ Trùng Dương rồi, không phải Vua muốn ta chết sao? Hay là dùng máu của ta nhuộm đỏ hoa cúc của Ngài, không đủ sao? Cộng thêm máu của con trai Ngài thì thế nào? Hay là cộng thêm máu của một vạn binh sĩ?”
Hoàng hậu có lẽ là một người đàn bà lãng mạn, vì cho dù chính biến là những hành vi nhuộm màu máu, nhưng bà cũng muốn chính tay thêu cho mỗi một phản quân một chiếc khăn thêu hình hoa cúc vàng. Trận binh biến định sẵn là thất bại này, đối với Hoàng hậu mà nói cuộc đời của bà giống như những cánh hoa cúc lần đầu tiên được nở rộ, đó là một nghi thức đổ máu. Bà mang trong mình sự mạo hiểm của việc bị bại lộ, hay có thể nói cũng không màng đến việc bại lộ hay không, binh biến như một buổi diễn xuất đầy lãng mạn. Khi một vạn quân binh bị đội quân của Vua tiêu diệt hết, những dòng máu trên quảng trường lại bị hàng vạn đóa hoa cúc che lấp lại, hoa cúc dường như có thêm một chút linh hồn. Yêu thích sự thiết kế của những chiếc khăn thêu, bất luận hoàn cảnh và vận mệnh đem đến cho ta những gì, có khát vọng đối với vẻ đẹp, chính là hy vọng.
Hoàng tử: Kiếp sau tuyệt không sinh ra trong gia đình Đế vương
Đại hoàng tử Nguyên Tường từ nhỏ mồ côi mẹ. Có nhà tâm lý học cho rằng thường thì những người con trai từ nhỏ không nhận được sự thương yêu của mẹ thì có xu hướng thích người phụ nữ lớn tuổi hơn.Trong vòng tay của của Hoàng hậu, cái anh tìm được là tình yêu hay sự quan tâm? Anh chưa hiểu được điều này thì đã cảm thấy lo sợ, anh lo sợ những gì anh đạt được lại khát vọng đạt cái mà anh không đạt được. Anh lo sợ tư tình của anh và hoàng hậu, thậm chí anh lo sợ cái ngôi vị Thái tử sẽ đem lại những điều bất lợi cho mình. Anh khát vọng cái tình yêu không ràng buộc của Tương Thuyền (Lý Mạn thủ vai), con gái Tương thái y. Anh càng khao khát Vua có thể cho anh xuất cung, như vậy anh mới sở hữu được một linh hồn tự do. Vận mệnh thường không chọn kẻ nhu nhược, vì kẻ nhu nhược thường phản bội khi phải lựa chọn trước áp lực. Anh phản bội Vua cha, thông gian với Hoàng hậu; anh cũng phản bội Hoàng hậu, đem kế hoạch khởi binh nói lại cho Vua. So với Châu Bình của “Lôi Vũ”, anh còn nhu nhược hơn nữa, Châu Bình ít ra còn muốn bỏ trốn cùng Tứ Phượng. Trong khi đó, Nguyên Tường biết rõ Tương Thuyền muốn đi lại một mình quay về cung báo tin. Cho nên câu chuyện của Trương Nghệ Mưu không cho anh được cái dũng khí tự sát của Châu Bình, mà phải nhờ đến ngọn kiếm của Tam thái tử Nguyên Thành giúp anh được giải thoát.
Nhị hoàng tử Vương Kiệt là một sự khác biệt của cái gia đình này, cũng là một sự khác biệt của cái thời đại này. Thích cái cách anh làm việc tìm cho bản thân lý do, khởi binh tạo phản, anh nói anh chỉ muốn Mẫu hậu không phải uống thuốc nữa. Trong ba vị hoàng tử thì anh là người có võ nghệ cao cường nhất, anh cũng là người duy nhất dám nói những lời thật lòng với Phụ hoàng. Thật ra, Vua rất xem trọng Nhị hoàng tử, cũng nhiều lần tạo cơ hội cho anh học cách điều binh hành chính, nhưng anh lại từ bỏ nó. Chỉ cần qua lễ Trùng Dương này, Vua sẽ đôi ngôi Thái tử lại cho anh, nhưng anh lại cùng với Mẫu hậu hoàn thành một lần điên cuồng mỹ lệ.
Cuộc đời của Tam hoàng tử Nguyên Thành giống như một trò cười, anh chỉ là một đứa trẻ lại xem mình như một con chim ưng hùng tráng. Anh cũng vạch ra một kế hoạch chính biến đáng cười, cuối cùng lại bị Vua dùng dây đai đánh cho đến chết. Chưa từng trải qua trận chiến nào, một cậu bé không có được tình yêu thì trong lòng luôn ấp đầy bóng tối và âm mưu, vì trong cái thế giới mà anh sinh tồn đó là những mô phạm anh nhìn thấy được. Anh cũng một người ngây thơ, sự ngây thơ tà ác. Cha mẹ và các anh của mình đều có việc riêng của mình để làm, cảm giác tồn tại là cái anh khát khao đạt được, giống như những thiếu niên hư hỏng ngày nay là do cha mẹ quá bận rộn với công việc mà giáo dục con không tốt, phạm tội hay thậm chí cái chết chỉ là chứng minh cho mọi người sự tồn tại của bản thân trên thế gian này.
(Theo Movie View)
Bài viết được đăng trên báo Điện Ảnh Kịch Trường cuối tháng 04.2007
=MoviesBoOm=
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.