Review: How to train your dragon (2010)

How to train your dragon là bộ phim hoạt hình thứ hai tui xem trong năm nay, trùng hợp thay, cũng đặt bối cảnh trong thời xa xưa cổ tích, xoay quanh câu chuyện của một cậu bé cố gắng làm vui lòng cha mình nhưng cùng lúc cũng muốn theo đuổi những thú vui riêng. (Bộ phim kia là Secret of Kells, bộ phim 2D được đề cử Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất)

1.Nói về môtip, Bí kíp luyện rồng không phải là một câu chuyện mới mẻ. Nhưng thế giới cũng chỉ có chừng đó câu chuyện: trai gặp gái, trai yêu gái, trai mất gái, trai tìm thấy gái, trai lấy gái. hết phim. Quên, Bí kíp luyện rồng không liên quan gì tới trai gái. Cũng có trai gái – chuyện tình cảm của Hiccup và cô bạn ‘thằng cô cậu’ Astrid cũng khá dễ thương nhưng không phải là câu chuyện chính. Bí kíp luyện rồng kể câu chuyện giữa cha và con. Cha mong chờ ở con, cha đặt niềm tin nơi con, cha muốn con phải như mình để làm rạng danh dòng họ, mà con thì biết con không giống cha, con không tài năng theo kiểu của cha, mà dù con có cố gắng thế nào thì cha cũng vẫn không thấy được sự khác biệt giữa con và cha, nên con vừa cố gắng làm vui lòng cha, nhưng cũng loay hoay với chính bản thân mình. Bạn chắc đã nghe câu chuyện cha con này hàng trăm ngàn lần, trong biết bao nhiêu bộ phim trên thế giới.
Trong Bí kíp luyện rồng, con là Hiccup (có nghĩa là nấc cục), một cậu bé nhỏ thó hiền lành của bộ tộc người Viking. Người Viking, nếu bạn không biết, là tộc người nổi tiếng với hình ảnh của những chiến binh, thương gia đi khai phá những miền đất mới trên những chiến thuyền không lồ có tên Drakae (thuyền rồng). Họ thống trị gần hết châu Âu suốt cuối thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 11. Hầu như không có chỗ cho hình ảnh một đứa bé hiền lành nhỏ thó như Hiccup.

Cha của Hiccup là hình ảnh tiêu biểu của người Viking: to cao, khổng lồ, ăn to nói lớn, với chòm râu đỏ chóe. Vì sao ông đặt tên thằng nhóc là Nấc Cục thì thiệt tình không hiểu (có thể là do nấc cục mà rớt ra thằng nhỏ???)
Làng của Hiccup có truyền thống giết rồng, những con quái vật đáng sợ chuyên phá hoại. Từ nhỏ, bọn trẻ đã phải học cách đối đầu với rồng. Đứa trẻ nào chiến thắng trong khóa học sẽ được vinh dự đi giết rồng.
Hiccup không muốn giết rồng. Cậu bé không hiểu vì sao phải theo những truyền thống đó. Cha của cậu thì muốn cậu phải làm rạng danh ông. Ông bắt cậu phải tham gia khóa học với Gobber, cựu binh chuyên gia đấu rồng (mà thành tích vẻ vang vẫn còn ‘lưu truyền’ với thân thể chỉ còn một tay/ một chân) mặc dù không thực sự kỳ vọng Hiccup làm nên trò trống gì.
Mọi chuyện thay đổi khi Hiccup vô tình gặp một chú rồng con rách đuôi trong rừng, khi mà cậu đi khử rồng để làm cha vui lòng. Nhìn thấy đôi mắt hoảng sợ của con rồng con, Hiccup nhận ra rằng, tất cả những gì người ta biết về rồng đều sai cả. Cậu hiểu ra rằng, rồng cũng cần tình yêu, sự chiều chuộng… Cậu bắt đầu học được mọi thứ từ chú rồng, mà Hiccup đặt tên ‘Móm’…

2. Nội dung phim thì tui chỉ kể tới đó. Bạn nào muốn biết thêm thì đi xem phim, trong phim kể đầy đủ nội dung hơn tui kể. Giờ tui nói mấy chuyện khác. Đầu tiên dĩ nhiên là chuyện 3-D. Bí kíp luyện rồng là phim hoạt hình 3D 3-D. Nó được sản xuất với mục đích là phim 3-D ngay từ đầu. Vì thế, không gian trong phim được tính toán để đạt hiệu quả cao nhất trong việc gây ấn tượng thị giác. Những khung cảnh hùng vĩ, mộng mơ khi Nấc Cục và Móm bay trên bầu trời được thể hiện rất tuyệt vời. Bạn nào may mắn ở nhà gần rạp IMAX thì nên xem IMAX 3-D cho nó phê bởi không gian như mở rộng ra với màn hình khổng lồ. Các màn chiến đấu cũng vì thế sẽ gay cấn ly kỳ hơn. Bạn nào khoái xem phim 3-D kiểu gimmick ngồi né tới né lui thì xem phim này cũng được thỏa mãn. Tạo hình của bộ phim khá đẹp. Đám rồng khá phong phú về hình dạng, mới thấy trí tưởng tượng của những người làm phim thật phong phú.

3. Dreamworks có một phong cách làm phim chững chạc, nổi loạn, phá cách hơn Disney, ít nhất là trong lối kể chuyện, kể từ Shrek cho đến gần đây là Kungfu Panda. Đạo diễn của phim này vốn xuất thân từ hãng Disney ra, từng làm Lilo and Stitch (lý giải vì sao con Móm giống con Stitch đến thế), nên cũng có vài hơi hướm ảnh hưởng của Disney. Dean DeBois và Chris Sanders đã dung hòa được cả hai yếu tố: giáo dục và truyền thống với phá cách, hiên đại vào Bí kíp luyện rồng. Vẫn là câu chuyện thân quen về xung đột giữa cha và con, ở Bí kíp luyện rồng, người xem như tui cảm thấy người làm phim hẳn rất yêu thương con trai của mình khi tạo ra một sự xung đột đầy tình cảm: ngay cả khi người cha nhận ra rằng đứa con trai của mình không giống mình, không như mình kỳ vọng, thì ông vẫn dành cho nó sự động viên khuyến khích và tình yêu thương. Ngay cả khi ông cảm thấy giữa ông và con trai có một khoảng cách, và có gì đó dường như ngăn họ ra, kể cả khi hai cha con ngồi đối mặt nhau, thì ông vẫn cố gắng để xích lại gần đứa con trai của mình. Đoạn khi Stoick quay trở về và nghe tin đứa con trai mình thật tài ba từ người dạy luyện rồng, ông chui vào phòng con trai, cái thân hình khổng lồ của ông chật vật trong căn phòng nhỏ mới tội nghiệp làm sao, sự hiểu lầm của ông mới tội nghiệp làm sao, và cả sự lúng túng của ông mới đáng thương, đáng yêu làm sao. Không chỉ có Stoick mà cả ông thầy Gobber cũng là một tấm gương tuyệt vời: ông già đầy kinh nghiệm nhưng sẵn sàng lắng nghe đám nhỏ và khuyến khích bọn nhóc phát huy tài năng riêng của mình, ngay cả khi ông cũng không thật sự hiểu rõ bọn chúng. Những hình mẫu ‘người thầy, người cha’ rất đàn ông trong hành vi ứng xử, tình cảm và giáo dục này khó tìm thấy được trong các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam (từ phim đến kịch).

4. Bí kíp luyện rồng còn dạy cho bọn trẻ con bài học về giá trị của sự hiểu biết. Bài học ‘hãy tìm hiểu về thế giới xung quanh’, ‘tìm hiểu về kẻ thù của mình’ quan trọng hơn nếu bạn sống trong những xã hội mà những người có quyền lực che mắt bạn – dù vô tình do thiếu hiểu biết hay cố ý bởi những mưu đồ riêng của họ. người ta nói, thế giới bên ngoài đầy cạm bẫy và đáng sợ để răn đe bạn, khiến bạn sợ hãi và căm ghét thế giới xung quanh, dẫu rằng đôi khi thế giới bên ngoài cũng thân thiết, gần gũi như chính cuộc sống của bạn. Pixar cũng từng làm một bộ phim có chủ đề tương tự: Monster Inc, khi mà đám quái vật cứ nghĩ rằng nỗi kinh hoàng của trẻ con đem đến nguồn năng lượng mà ko hề biết rằng thật ra tiếng cười và niềm vui còn đem đến năng lượng lớn hơn. Trong Bí kíp luyện rồng, hiểu được rồng không chỉ giúp cho Hiccup chiến thắng, mà cậu xây dựng được tình yêu với loài rồng và phá tan được những định kiến, thành kiến và tập tục cổ hủ lạc hậu với loài rồng. Mượn hình ảnh của người Viking – nổi tiếng là những người khai phá – Bí kíp luyện rồng càng muốn nhấn mạnh: ngay cả với những người dám khai phá, dám phiêu lưu, vẫn phải học cách để mở mang đầu óc, mở rộng tâm hồn để học những điều mới lạ về thế giới xung quanh mình.
Dường như, đó không chỉ là bài học dành cho con nít.

PS: nói một chút về đoạn kết của bộ phim, hay đúng hơn, số phận của Hiccup

Tui cảm thấy buồn khi nhìn thấy Hiccup mất một chân. Tui nghe tiếng thốt lên từ mấy đứa nhỏ ngồi sau lưng mình khi nhìn thấy Hiccup không còn cái chân và phải tập tễnh đi. Đó là sự lựa chọn của nhà làm phim. Thường chúng ta không thấy nhân vật chính trở thành tàn phế, trừ khi đó là một phần của câu chuyện phim. Với Bí kíp luyện rồng, cho đến đoạn kết thúc, Hiccup có tàn tật hay không cũng không thay đổi câu chuyện, nhưng rõ ràng nó mang một thông điệp. Không có chiến thắng nào không có hy sinh. Không có người hùng nào hoàn hảo. Nhưng tui nghĩ rằng, quan trọng hơn cả, có lẽ họ muốn nói với đám trẻ không may mắn rằng, ngay cả khi bạn tàn tật, bạn không có một chân, hay một tay, hay mang một khuyết tật trên người bởi một tai nạn, thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, cuộc đời vẫn tươi đẹp.

Tui đã cảm thấy buồn khi nghĩ về Hiccup. Tui nghĩ những đứa trẻ ngồi sau lưng mình sẽ nghĩ về điều đó như tui. Nhưng tui nghĩ rằng, đó là một bài học không ngọt ngào nhưng cần thiết. Hồi nhỏ, tui hay có suy nghĩ nếu mình bị tai nạn và bị tàn tật, chắc mình sẽ chết đi cho rồi chứ sống mà bị tàn tật vậy đau khổ lắm. Tui không biết có nhiều đứa trẻ khác cũng nghĩ như vậy không. Nhưng những đứa trẻ từng có suy nghĩ ấy, và sau này chẳng may gặp tai nạn và mất đi một phần thân thể, chúng sẽ cảm thấy lạc quan hơn khi nghĩ về Hiccup và chiếc chân giả của cậu…

Không biết các bạn thì nghĩ sao?

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply