Review: Miss Navajo (2007)

Tuần trước, ở TP. HCM, có bạn đạo diễn Bill Luther (không biết có quan hệ gì với Lex Luther không nữa) và bà Sandra đến Việt Nam để giới thiệu bộ phim tài liệu Miss Navajo, một phim tài liệu 60 phút nói về cuộc thi hoa hậu của người da đỏ Navajo, thông qua đó giới thiệu văn hoá lịch sử của bộ tộc này và phản ánh một phần văn hoá nước Mỹ.
1. Miss Navajo xoay quanh cuộc hành trình đến với cuộc thi hoa hậu của cô gái trẻ Crystal. Xuất hiện ở đầu phim, Crystal trong chiếc áo thun, quần jean, đầu đội nón lưỡi trai, chân mang ủng, đeo mắt kính, trông bụi bặm và mạnh mẽ (cô đang cạo lông cừu), nhưng đứng trước ống kính thì Crystal luôn quay mặt đi chỗ khác. Dễ dàng nhận thấy Crystal e thẹn và mắc cỡ với máy quay phim. Bill Luther cho biết, anh chọn Crystal làm nhân vật chính bởi ngay cái nhìn đầu tiên, anh đã biết cô sẽ là nhân vật của mình: Crystal vẫn còn lưỡng lự trong việc tham dự cuộc thi hoa hậu này. Cô gọi điện đến BTC để hỏi thông tin nhưng không hề hồi âm lại. Cô muốn thi chỉ vì lời thách thức của chị em trong nhà. Nhưng cô mắc cỡ khi tiếp xúc với đám đông. Cô luôn nhìn đi chỗ khác hoặc chạy trốn hoặc núp khi máy quay chĩa về cô. Crystal chỉ thoải mái khi cô đứng sau ống kính. Thú vị thay, với chiếc máy quay cầm tay của mình, Crystal quay lại nhiều khoảnh khắc riêng tư giữa cô và những thí sinh khác, khi mà họ ngồi bên nhau tâm sự và mở lòng mình…

2. Cuộc thi hoa hậu của bộ tộc Navajo, không như cách chúng ta nghĩ về các cuộc thi hoa hậu tìm kiếm một cô gái có nhan sắc xinh đẹp, thông minh, tài ba, nết na, dịu hiền, lại là một cuộc thi tìm kiếm một đại sứ văn hóa của bộ tộc này để đi truyền bá về bảo tồn văn hóa của họ. Đó là một trách nhiệm không đơn giản. Những cựu hoa hậu Navajo kể về cảm xúc của họ khi họ từng nhìn thấy những hoa hậu Navajo trong quá khứ đã khiến họ muốn được trở thành hình ảnh ấy, cảm xúc khi họ đăng quang, và công việc của họ khi trở thành bộ mặt văn hóa của bộ tộc. Xuyên suốt bộ phim, một phần lịch sử phát triển văn hóa của người Navajo được hé mở, mà được nhấn mạnh nhất chính là vấn đề ngôn ngữ. Đã từng có thời kỳ các trường học ở Mỹ cấm trẻ em Navajo nói tiếng thổ ngữ, những đứa trẻ dám nói tiếng thổ ngữ sẽ bị bắt súc miệng bằng xà phòng và chịu nhiều hình phạt khác.
Crystal nói rất ít tiếng Navajo. Cô phải quay lại đoạn phim của mẹ mình nói tiếng Navajo để học bài ‘phát biểu’. Cô không phải là thí sinh duy nhất trong những thí sinh thi hoa hậu Navajo năm ấy. Trước khi đến với vòng thi nói tiếng Navajo – một vòng thi bất ngờ không chỉ với các1 thí sinh mà cả với chính Bill, đạo diễn của bộ phim, những thí sinh của cuộc thi hoa hậu phải vượt qua những vòng thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa của người Navajo (hãy kể về những sự tích của người Navajo, hãy nói suy nghĩ của em về vai trò của phụ nữ trong chính quyền tự trị Navajo v.v…) cũng như công việc truyền thống của người Navajo (mổ cừu). Những cô gái thi hoa hậu không chỉ phải biết và hiểu về lịch sử và văn hoá của mình, họ còn phải biết lao động chân tay và làm công việc nặng nhọc (một thí sinh đã không thể vượt qua vòng thi mổ cừu đã nhập viện).
Thế rồi, các thí sinh ngơ ngác khi vào vòng thi nói tiếng thổ ngữ. Họ không hiểu câu hỏi. Họ xin được trả lời bằng tiếng Anh. Có người chỉ thuộc lòng mỗi một đáp án bằng tiếng Navajo và quyết định trả lời bằng tiếng Navajo mà không cần biết nội dung câu hỏi là gì.

3. Bill nhấn mạnh vấn đề ngôn ngữ đang bị mất dần đi trong phim. Mở đầu phim anh đã giới thiệu ngay sự lúng túng của Crystal khi đối mặt với câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Thế nhưng, cũng chính bằng bộ phim này, Bill muốn gửi gắm một thông điệp về sự bảo tồn ngôn ngữ phaỉ đi cùng sự bảo tồn về văn hoá. Crystal, cô gái luôn mắc cỡ của đầu phim, đã trở nên dạn dĩ và cởi mở hơn với đám đông ở cuối phim, đã vận chiếc đầm truyền thống, búi tóc theo kiểu truyền thống để ngồi trước máy quay thật tự tin và đọc bài thơ bằng tiếng Navajo ở cuối bộ phim. Cuộc thi hoa hậu đã giúp cô trở thành một con người khác. Đó thật sự là một hành trình để trưởng thành của Crystal. Kết quả của cuộc thi hoa hậu không quan trọng, quan trọng chính là những gì mà Crystal đã học được từ cuộc thi này.
Không như những phim tài liệu kiểu Việt Nam với những lời bình ngồi mớm thông điệp nội dung và ý nghĩa của người làm phim cho người xem, tự thân câu chuyện về hành trình của Crystal đã đủ để người xem cảm thấy được thông điệp và vấn đề mà anh muốn chạm tới. Bằng lối kể chuyện giản dị, dí dỏm, lọc lại từ hơn 100 giờ quay phim còn lại 60 phút phim, Bill đem đến cho người xem một bộ phim tài liệu có cấu trúc như một bộ phim truyện. Bộ phim được chọn tranh giải tại LHP Sundance 2007 và được trình chiếu giao lưu văn hoá ở nhiều nơi trên thế giới. Xem thêm thông tin ở http://www.missnavajomovie.com/

4. Linh tinh 1: Cuối tuần rồi, ở Bà Rịa Vũng Tàu đất nước giàu đẹp của chúng ta có cuộc thi Mrs. World, khi được dịch sang tiếng Việt thành Quý Bà Đẹp và Thành Đạt (chả hiểu cái Thành Đạt dựa theo tiêu chí nào, vì cô hoa hậu Mỹ chỉ làm nội trợ thôi. Có thể ở Việt Nam, phụ nữ chỉ cần lấy được chồng thôi cũng đã là Thành Đạt). Tại vòng thi ứng xử, thí sinh Việt Nam Hoàng Thị Yến không trả lời câu hỏi vòng thi ứng xử bằng tiếng Anh. Cô trả lời bằng tiếng Việt, ngôn ngữ duy nhất mà cô nói thông thạo. Đáng buồn thay, ngay cả với ngôn ngữ mà mình có thể nói thuần thục nhất, cô ấp a ấp úng, không thể nói liền mạch, hết “nhưng” đến “mà” đến “nên” rồi cười rồi lại ấp a ấp úng. Trình bày suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ của mình, Hoàng Thị Yến không thể nói một cách gãy gọn và trôi chảy. Trái ngược hẳn là hai cô hoa hậu Mỹ và Nga, họ nói tiếng mẹ đẻ của mình trôi chảy không một chút vấp váp nào.

(Phần thi của Quý Bà Việt Nam như sau:

MC: Bạn có 15 giây để trả lời câu hỏi sau đây: Vì sao BGK nên chọn bạn là hoa hậu quý bà?

Thí sinh Việt Nam: (Cười toe toét 3 giây) ……..Thank you………. (Cười toe toét tiếp chờ mọi người vỗ tay thêm 6 giây nữa) tôi nghĩ rằng BGK chọn tôi đều có lý do cả…… bởi vì phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay khi mà đã lập gia đình rồi…….. (cười) ….thì vị trí của họ là ở trong nhà bếp…… nhưng……. chúng tôi……. những người phụ nữ đã khẳng định được mình, chúng tôi là một đất nước đang phát triển… nên… (cười toe) …..khi chúng tôi đi tham gia cuộc thi này đã là một cái điều hạnh phúc rất là lớn rồi (cười, đưa micro cho phiên dịch)… (đoạn này thêm 50 giây, tổng cộng nàng nói hết hơn 1 phút)

(xong tiếp tục nói tiếp): Và tôi nghĩ rằng…. chúng tôi….. những người phụ nữ châu Á nhưng có đủ tự tin…… để…. có thể…. làm rạng danh cho đất nước… cũng như… nếu như tôi đạt được vương miện hoa hậu thế giới … tôi sẽ….. làm hết sức của mình…. để có thể… cống hiến… cho những người phụ nữ… mà… từ xưa tới nay…. họ vẫn… không có.. những cái sự độc lập… và… tôi mong muốn làm được điều đó…để có thể xoá đi những cái … suy nghĩ…. mà không được… tốt từ xưa tới nay… về phụ nữ khi mà đã có gia đình … xin cám ơn…

(Mời các cao thủ vô dịch bài diễn văn đậm đà bản sắc dân tộc này sang tiếng Anh)

5. Linh tinh 2: Thằng cha dẫn chương trình hôm đó là một thằng mất nết khi đùa rằng ‘Cô này nói lố giờ, đúng là local time (giờ địa phương), sau đó thì tiếp tục đùa khi thí sinh Mỹ ra trả lời rằng ‘giờ tôi sẽ phiên dịch cho cô này’. Đương nhiên bạn thí sinh nhà mình vì nói tiếng Việt không trôi chảy và bạn phiên dịch thì nói tiếng Anh bập bẹ đã gây nên trò cười đáng xấu hổ trên sân khấu đi chẳng nữa thì kiểu đùa giỡn của chú MC này vẫn mất nết như thường.

Đạo diễn phim với tui đây Photo by Emily Pham

6. Linh tinh 3: quay trở lại với phim Miss Navajo. Hôm đi xem ở Cafe thứ 7, sau phần chiếu phim có một phần giao lưu với đạo diễn. Mặc dù bộ phim được mở đầu với thông điệp về ngôn ngữ (Crystal ngơ ngác khi không hiểu câu hỏi bằng tiếng Navajo đã hỏi lại, xin hỏi lại bằng tiếng Anh được không?), sau đó đạo diễn trong phần hỏi đáp với người xem một lần nữa nhấn mạnh về thông điệp của bộ phim chính là ở vấn đề ngôn ngữ, nhưng chắc vì trong phim không có người đọc lời bình mớm thông điệp, một bạn nữ (không biết có phải phóng viên hay không) đã hỏi ‘Bộ phim của anh nói về vai trò của người phụ nữ trong bộ tộc Navajo, nhưng xem phim tôi chỉ thấy các nhân vật nói chứ không thấy anh quay hình ảnh nào chứng minh cụ thể, theo tôi như vậy phim của anh không có thuyết phục, anh nghĩ sao?’ Anh đạo diễn đớ người, vì chẳng biết do mình làm phim dở quá nên người xem không hiểu thông điệp mình đưa ra, và nãy giờ mình nói khó hiểu không mà người ta vẫn chưa hiểu phim mình, nên anh giải thích rằng, ah không, phim của tôi là về cái này, cái này, cái này, cái ý kia chỉ là phụ thôi, thì bạn gái của chúng ta vẫn không chịu ‘theo tôi anh nên quay cái gì đó để thể hiện vai trò của người phụ nữ trong xã hội’.
Nghĩ mình làm phim hay hơn người làm phim và thích đòi hỏi người làm phim phải làm thế này, thế kia là bệnh thường thấy của nhiều người viết về phim ảnh ở Việt Nam, trong khi không hiểu gì về điện ảnh cũng như không hiểu về bộ phim. Thay vì tìm hiểu để hiểu bộ phim hơn, họ đòi hỏi người làm phim phải làm ra bộ phim mà theo họ, vậy mới là hay, là đúng.

Vẫn bạn gái này, tiếp tục hỏi ‘Không biết tiêu chí của cuộc thi hoa hậu này là thế nào chứ tôi thấy có thí sinh mập, rồi ngoại hình không được đẹp cho lắm? Chưa kể còn mổ cừu máu me be bét rất là bạo lực thiếu nữ tính’. Anh đạo diễn tiếp tục đớ phần 2, vì không biết chắc tại mình làm phim dở quá hay sao mà người xem không hiểu rằng ngoại hình không quan trọng trong cuộc thi hoa hậu này, còn tui thì thật tình không biết chui đi đâu để xấu hổ giùm. May mà tui đã xem phim Giáng sinh yêu thương nên đã học bài học phải biết tha thứ rộng lượng cho người nên tui chỉ cười cười với Song Minh thôi. Anh đạo diễn kiên nhẫn giải thích ‘không không, ngoại hình không quan trọng, quan trọng là kiến thức và kỹ năng và tài năng của các cô gái ấy có xứng đáng đại diện cho bộ tộc hay không’. Bạn gái ấy thích thú cười ‘Thế ah, thế ah, thế thì chắc mình sẽ qua đó sống quá’.
Hihi…

Nói chung bạn ấy trông cũng rất xinh. Nói như Lê Khánh trong vở kịch nào đó ở Idecaf ‘Em đẹp, em có quyền’… hihi

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply