Không phải tui thiên vị cho Những nụ hôn rực rỡ, nhưng đây là phim Tết duy nhất mà tui xem nên sẽ là phim Tết duy nhất được review trên blog.
1. Musical – Ca vũ kịch – không phải là thể loại phim ăn khách. Bằng chứng là mãi đến Mamma Mia! thể loại này mới có một cú đột phá về doanh thu, còn trước đó những Moulin Rouge hay Chicago hay Dreamgirls đều khá ế ẩm nơi phòng vé, hoặc doanh thu chỉ tàm tạm trên dưới 100 triệu đôla. Musical cũng không phải là thể loại phim dễ làm: nó đòi hỏi diễn viên phải vừa hát vừa múa vừa diễn, người viết lời ca khúc phải vừa đảm bảo được vẻ đẹp của lời bài hát nhưng chuyển tải được thoại của bộ phim. Trong nhiều trường hợp, một ca khúc sẽ được nhiều nhân vật trong phim cùng hát, nhưng cùng một nội dung nghĩa đen, mỗi người hát lại thổi vào đó một ý nghĩa khác. Một ví dụ để bạn dễ hình dung: trong Across the universe, ca khúc I want you được trình bày trong đoạn những thanh niên bị bắt đi lính, mà “I want you” (Ta muốn ngươi) trở thành lời kêu gọi tổng động viên của chính phủ Mỹ. Cũng ca khúc ấy, Prudence hát lại trở thành tâm sự của một cô gái dành cho một cô gái khác (I want you thành Ta muốn em).
2. Với tiếng Anh, I (tôi, ta, tao, anh, em, mình, tui) và You (bạn, ngươi, mày, em, anh, đằng ấy, các bạn) dễ dàng chuyển từ người này sang người kia, hai người cùng hát một câu nhưng có thể mang ý nghĩa khác. Điều đó không dễ dàng khi đem sang tiếng Việt. Vì vậy khi Dũng khùng bắt tay vào làm Những nụ hôn rực rỡ, tui rất là nghi ngờ không biết Dũng sẽ làm thế nào. Vậy mà Dũng làm được. Những ca khúc ‘Ai cũng có thể’ hay ‘Ai cũng có nỗi niềm riêng’ được từng nhân vật trong phim hát, mỗi người trong họ lại mang một nỗi niềm, một tâm sự, một hoàn cảnh để đem đến cho ca khúc một ý nghĩa riêng.
3. Câu chuyện của Những nụ hôn rực rỡ khá đơn giản – bạn có thể tìm thấy trong hàng trăm bộ phim thế giới đã được làm, từ 7 Samurais đến Bug’s life. Đó là những người bình thường, trong những hoàn cảnh không bình thường, đã làm những điều kỳ diệu. Những người bình thường đây là cô chủ khách sạn ‘ế khách’ Thanh Lam, cô bé dọn phòng, anh chàng bảo vệ, câu lao công, dì lao công, ông đầu bếp. Để cứu vãn tình thế khu nghỉ mát sắp bị đóng cửa vì quá ế, Thanh Lam đã ‘bày mưu tính kế’ giăng bẫy nhóm hát 4U đang nổi đình nổi đám khi một cậu ca sĩ của nhóm chẳng hiểu vì lý do gì ‘lò mò’ ra khu nghĩ dưỡng để tránh sự đời. Thế rồi, tình yêu thì len lén đến, còn báo chí thì trơ trẽn bu vào. Cuộc đời những người giản dị ấy bị xáo trộn. Âm mưu của cô chủ khu nghỉ mát có nguy cơ bị bại lộ. Không chỉ vậy, bí mật của mỗi con người ở khu nhà trọ ấy cũng dần sáng tỏ. Rất phảng phất câu chuyện của ‘Kung fu Hustle’, thay vì võ lâm cao thủ giấu mình ở Xóm Chuồng Heo, thì đây là những tài năng văn nghệ ẩn mình ở khu nghỉ mát Ngọc Sương. Mọi người cuối cùng nhận ra được chân giá trị đích thực của cuộc sống và tình yêu.
4. Dũng khùng không giấu diếm mình là ‘vua đạo phim’ – trong Những nụ hôn rực rỡ, anh ‘tự tát vào mặt mình’ khi để một nhân vật thốt lên ‘Dũng khùng đó hả, cha đó là chuyên chôm ý tưởng của người ta’. (Điều này rất khác với bạn thân của Dũng là Vũ Ngọc Đãng, gương mặt bị báo chí ngày đêm hận vì tội luôn tự khen phim mình trên phim của mình). Thế nhưng, dù Những nụ hôn rực rỡ có giống Mamma Mia! về bối cảnh, giống Kungfu Hustle về ý tưởng, giống 7 Samurais về cấu trúc, sống phần trình diễn âm nhạc bằng các dụng cụ đời thường như của STOMP thì Những nụ hôn rực rỡ vẫn là một phim ‘rất Dũng khùng’, rất Việt Nam, có nét riêng của nó, độc đáo của nó, cá tính của nó. Cũng như người ta nói Avatar giống Pocahontas, giống The Last Samurai, giống Dance with the wolves, thì đó vẫn là một Avatar của James Cameron.
5. Không thể không nói đến Tấn Lộc, người đã biên đạo những màn múa đẹp mắt và ấn tượng của Những nụ hôn rực rỡ. Không thể so sánh những màn trình diễn ca vũ nhạc của Những nụ hôn rực rỡ với các phim Hollywood, nơi mà nhảy múa đã là văn hóa ăn sâu trong máu của các diễn viên, với công nghệ biểu diễn chuyên nghiệp và được phát triển hàng trăm năm. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu xem các màn trình diễn múa trên sân khấu hay trong trường học vẫn sẽ thấy 20 năm, hay có khi, 30 năm, 40 năm qua vẫn không hề có sự thay đổi nào – vẫn nhún hai chân xuống, hai tay đưa qua trai ngoắc một phát lên cao, rồi nhún cái nữa, hai tay đứa qua phải ngoắc một cái lên cao, rồi cầm nón lá quay tưng vào nhau tạo ra vòng tròn rồi xình xịch xình xịch quay vòng vòng đưa nón lên cao hạ xuống dưới…. Các màn trình diễn trong Những nụ hôn rực rỡ không quá phức tạp về mặt kỹ thuật biểu diễn – các diễn viên đều là dân múa không chuyên và họ cũng không có thời gian dư dã để luyện tập múa nhiều tháng trời với các chuyên gia dạy múa như ở Hollywood – nhưng lại toát lên được thông điệp chính của phim: Ai cũng có thể.
6. Điểm hay nhất của Những nụ hôn rực rỡ chính là cảm xúc chân thật của câu chuyện. Giản dị, nhẹ nhàng, hòa trộn giữa hài hước và tình cảm chừng mực, với một dàn diễn viên đẹp hoà mình trong một bối cảnh đẹp được thể hiện qua những khung hình đẹp, Những nụ hôn rực rỡ có thể xem là bộ phim ‘đỉnh cao’ về tay nghề của Dũng cho đến nay (ngoại trừ Giải cứu thần chết, ba phim còn lại của Dũng tui đều đã xem). Có nhiều đoạn trong phim rất xúc động, không chỉ vì đó là câu chuyện về tình yêu trai gái trẻ trung không ngại ngùng nói ra, đến tình trai gái thẹn thùng vì khác biệt về giai cấp, mà còn là tình già không dám nói, tình mẹ con giấu trong lòng, và cả tình cảm người đồng giới.
7. Đương nhiên, để chuyển tải được cảm xúc của nhân vật thì không chỉ kịch bản mà quan trọng không kém là diễn xuất của diễn viên. Thanh Hằng rất đột phá với một vai hài duyên dáng dí dỏm. Không cần phải nhăn nhó mặt mày, gồng gân cơ mặt, Thanh Hằng vẫn có thể khiến người ta bật cười với sự đỏm dáng hoang tưởng của cô chủ khu nghỉ trọ hay bị nấc cụt. Trong khi đó, Minh Hằng lại ‘thoát xác’ khỏi kiểu vai ngơ ngác hồn nhiên để vào một vai diễn tình cảm sâu đậm hơn. Cảnh Hằng khóc, giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt rồi bay đi trong gió – hoàn toàn không dùng đến hiệu ứng kỹ xảo điện ảnh để tạo ra nước mắt – có lẽ là một trong những cảnh khóc đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam – không chỉ bởi nó đẹp vì ánh sáng, bố cục, màu sắc mà còn bởi cảm xúc của nhân vật, của câu chuyện. Đáng nói nhất là sự đột phá của Phương Thanh trong một vai diễn ohức tạp hơn về nội tâm: hài hước tưng tửng ở đoạn đầu nhưng bỗng lắng sâu nhiều tâm sự thầm kín vào khúc cuối.
Dàn diễn viên nam dường như ‘yếu thế’ hơn. Ngoài Phước Sang là ‘ngôi sao’ và Ngọc Trai được biết đến qua loạt phim Kính Vạn Hoa, các gương mặt nam còn lại khá mới. Phước Sang thể hiện mình có một giọng ca… vô cùng đặc biệt, nhưng chính sự đặc biệt đó đem đến cho ông đầu bếp của anh sự thu hút dễ thương. Phạm Tuấn Anh trong vai Minh Anh, ‘nam chính’ của bộ phim, khá tròn vai, tuy rằng rất tiếc khi giọng Bắc của cậu lại được thay thế bằng một giọng miền Nam. Đáng tiếc, ba thành viên còn lại của nhóm 4U khá mờ nhạt. Ngay cả về mặt vũ đạo, cả bốn chàng trai 4U cũng không “địch lại” phần trình diễn của anh bảo vệ Tuấn Hưng (Leon Quang), người yêu thầm cô chủ Thanh Lam. (Leon Quang là diễn viên của sân khấu Broadway). Nổi bật nhất trong dàn diễn viên nam phải kể đến Tô Lâm trong vai cậu lao công đồng tính: hồn nhiên, trong sáng nhưng lại rất tình cảm.
8. Có thể nói Những nụ hôn rực rỡ là bộ phim Việt Nam mainstream đầu tiên có một nhân vật đồng tính lên tiếng công khai giới tính của mình và công khai hôn người tình đồng giới của mình trên màn ảnh. Cũng như những phim công thức của Hollywood, Những nụ hôn rực rỡ được kết thúc với một (đúng hơn là nhiều) bài diễn văn về ý nghĩa của cuộc sống, về điều mà nhân vật chính nhận ra cho bản thân của mình, mà trong đó, thông điệp về hãy chấp nhận bản thân mình và chấp nhận sự hiện diện của người đồng tính là một trong nhiều thông điệp mà Những nụ hôn rực rỡ đem đến cho khán giả. Đó cũng là một nét rất tiêng của Dũng khùng. Cả bốn bộ phim Tết mà anh làm đều mang những thông điệp về xã hội, về cuộc sống, không hề sáo mòn và cũ kỹ, trái lại, rất táo bạo và cấp tiến. Thông điệp xuyên suốt trong hầu hết các phim của Nguyễn Quang Dũng có lẽ rất ‘khùng’ so với xã hội hôm nay: đó là thông điệp về nhìn nhận giá trị thật của bản thân trong một xã hội đề cao sự giả dối và sợ hãi sự trung thực, xem chuyện giả dối là bình thường và sống với chính khả năng của bản thân là một hiện tượng bất thường.
9. Nói đến phim của Dũng khùng thì không thể không nói đến những câu thoại ‘bất hủ’ cũng những bình luận về xã hội. Trong hồn Trương Ba, da Hàng thịt là sự châm biếm của nhà thương điên, khi mà các bệnh nhân tâm thần hầu hết do những nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn… tên tuổi thủ vai; Trong Nụ hôn thần chết là “đâu phải cái gì dân thấy công an cũng thấy’. Còn với Những nụ hôn rưc rỡ, Dũng khùng cuối cùng cũng … đụng vào báo chí. Bài hát ‘Em là ai’ mô tả chân dung biếm họa của báo chí Việt Nam khá đặc sắc, với một đám phóng viên chen lấn nhau để bơi móc đời tư người nổi tiếng. “Tôi làm báo tin nhanh, cần ngay một luống rau xanh’. ‘Kinh điển’ về báo chí văn nghệ của Việt Nam trong Những nụ hôn rực rỡ là một nữ phóng viên bực bội khi đến xem ‘liveshow ca nhạc’ ở cuối phim “Không biết ai phụ trách PR để lát nữa nhận phong bì”…
Dĩ nhiên, khi ra mắt Những nụ hôn rực rỡ, Dũng khùng chủ trương tổ chức ‘rất kỳ cục’ – không có phong bì. Cách đây bốn năm, Dũng khùng đã ‘kỳ cục’ như thế với Hồn Trương Ba, da hàng thịt – hậu quả là bị đập tơi bời, có phóng viên còn gọi điện cho Dũng nói ‘Mới đập một bài trên báo rồi đó, trả tiền PR đi… không có phong bì thì phải viết bài kiếm chác lại chứ’.
10. Không như những đạo diễn như Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Vinh Sơn hay sắp tới là Phan Đăng Di, Nguyễn Quang Dũng ý thức rõ một điều: nếu không thể chinh phục được khán giả trong nước thì sẽ khó có một nền tảng điện ảnh vững mạnh. Mỗi đạo diễn chọn một con đường khác nhau để đi, và Dũng khùng chọn con đường tạo dựng một nền tảng điện ảnh trong nước trước khi muốn vươn ra đến thế giới. Điều mà tui khâm phục nhất ở Dũng, chính là việc ý thức được mình thích gì, khán giả thích gì, và nhà sản xuất thích gì, gom cả ba sự yêu thích đó lại thành một. Nói cách khác, Dũng ‘khùng’ làm phim xuất phát từ tình cảm thật của chính bản thân mình và may mắn thay, tình cảm đó có cùng một nhịp với khán giả và nhà sản xuất.
(bài này viết ở blog thui, chưa đăng báo nào hết )
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.