Review: Splice (2010)

Splice (2010) lẽ ra là phần tiếp nối của Cube, một phim giả tưởng khá trí tuệ của đạo diễn Vincenzo Natali. Vì không đủ kinh phí và công nghệ để thực hiện, dự án bị dời lại và cuối cùng trở thành một phim độc lập với Cube. Với kinh phí chỉ vỏn vẹn 26 triệu đôla, Splice có thể được xem là một phim độc lập thể loại viễn tưởng rất hứa hẹn của năm nay.
1. Kinh phí thấp bởi cũng tương tự như Cube, câu chuyện trong Splice chỉ quanh quẩn trong phòng thí nghiệm, nhà kho với vài nhân vật. Để tìm kiếm nguồn thực phẩm mới cho con người, hai nhà khoa học siêu việt Clive (Adrien Brody) và Elsa (Sarah Polley) đã sử dụng DNA của nhiều loài động vật khác nhau để tạo ra một giống lai hợp chủng mới. Họ thành công. Và họ muốn tiến xa hơn – sử dụng DNA của người để tạo ra một cuộc cách mạng khoa học. Thế nhưng, công ty tài trợ cho dự án của họ từ chối. Cả hai phải lén lút làm. Giữa họ có những cuộc tranh luận về đạo đức nghề nghiệp/ đạo đức con người. Ngay cả khi “đứa trẻ” ra đời. Một quái thai mang gen của nhiều giống loài khác nhau…Một Frankenstein thời đại khoa học kỹ thuật gen. (Không phải vô tình mà tên của Elsa là Elsa, cùng tên con gái của Frankenstein). Họ đặt tên cho quái thai là Dren (viết ngược của Nerd), theo dõi sự phát triển của nó, cả về thể chất lẫn tinh thần.

2. Splice không hẳn là phim kinh dị dẫu có khá nhiều khoảnh khắc hồi hộp, ghê rợn trong phim. Sự ‘kinh dị’ của phim có lẽ nằm ở những vấn đề đặt ra trong phim: đâu là giới hạn của những thử nghiệm khoa học? Liệu con người có được phép đứng trên tạo hóa để tạo ra một loài vật khác? Liệu chúng ta có quyền vượt ra khỏi ranh giới đạo đức và pháp luật để tìm kiếm những giải pháp cứu thế giới khỏi những căn bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa?

3. Splice, với tui, là một phim tâm lý. Bề ngoài, đó là câu chuyện về những nhà khoa học đối mặt với những thách thức nghệ nghiệp, cả về đạo đức lẫn luật pháp, được tô vẽ thêm bởi cảm giác hồi hộp, phấn khích, chấm phá với sex và hài hước. Thế nhưng, Splice thực chất là câu chuyện về một gia đình, về vợ chồng và con cái, và về loạn luân… Dren được “sinh ra” bởi Clive và Elsa – một đứa trẻ được sinh ra trong niềm phấn khích của người vợ trẻ và sự hoang mang của người chồng không hiểu rõ liệu mình đã thực sự sẵn sàng để đảm nhận vai trò làm cha. Trong khi Elsa hạnh phúc với sự ra đời của Dren, thì Clive chỉ muốn bỏ đi đứa trẻ “bất đắc dĩ” này. Ngay cả nếu anh có thể giết nó. Thế nhưng, đứa trẻ sống sót, thì Clive nhận ra cuộc đời anh sẽ gắn bó với đứa trẻ này. Cũng như những người cha từng ghét đứa con gái của mình khi nó vừa ra đời để rồi sau đó ân hận và yêu thương nó hơn hết thảy. Đó cũng là câu chuyện về ảnh hưởng của những đứa trẻ vô tình nhìn thấy cha mẹ chúng quan hệ tình dục ở ‘phòng bên’ và ký ức đó ăn vào đầu chúng. Là câu chuyện về những quan điểm giáo dục khác nhau giữa cha và mẹ với đứa con của mình, khiến những tranh cãi giữa họ xảy ra liên tục. Splice gần như là một phim nói về ‘đôi vợ chồng’ khoa học gia phải vật lộn để dạy cho ‘đứa con ngỗ nghịch’ của mình ‘nên người’.

4. Vincenzo nói rằng anh muốn làm một phim gây shock với cảnh sex ‘không truyền thống’. Anh đã thành công. Khán giả trong rạp tui xem đã nín thở, rồi liên tục nhủ thầm, đừng, đừng, ôi không, đừng. Và rồi, để trấn an chính bản thân họ, để vượt qua cảm giác không thoải mái bởi cảnh sex trần trụi kinh hoàng, họ phá lên cười. Có lẽ lâu rồi mới có một phim mà khiến cho tui cảm thấy vừa phấn khích nhưng đồng thời thấy vô cùng khó chịu như Splice.

5. Tiết tấu đầu phim khá chậm, nhưng câu chuyện được dẫn dắt vừa đủ hấp dẫn để theo dõi, đặc biệt là về chuyển biến tâm lý nhân vật mà Brody và Polley đã khá xuất sắc thể hiện. Thế nhưng, có lẽ diễn viên khiến tui nhớ nhất là Delphine Chanéac trong vai Dren, với vẻ đẹp kỳ dị bất thường. kỹ xảo xuất sắc đã khiến cho người xem hoàn toàn tin vào “giống vật” trên phim là thật.

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply