Review: The White Ribbon (2009)

“Màu trắng là màu của sự trong sáng ngây thơ”
Xem The White Ribbon* chỉ vài hôm sau những bài báo nói về đường lối chính sách giáo dục bằng roi vọt được đăng trên báo, và quan điểm ‘có nên dùng bạo lực trong giáo dục’ được tranh luận trên blog này ở bài ‘Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…’, tui không khỏi nghĩ đến thế hệ mai sau của chúng ta.


Tui đã lầm.
Thế hệ bị đòn roi đã lớn lên.
Đôi khi tui nghĩ, tại sao người Việt Nam mình sống ngày càng ác với nhau như thế. Hôm xem phim Đừng đốt có cảnh Hà Nội, hai người va quẹt xe máy vào nhau, người đàn ông hùng hổ leo xuống xe, người đàn ông kia chắp lại vái trong sợ hãi. Khán giả ai cũng cười, người Mỹ cười có lẽ vì thấy nó quá lố, người Việt người có lẽ vì thấy nó quá thật.
Có bạn vào blog tui nói rằng, tui không phân biệt được giữa roi vọt bằng tình thương, roi vọt để giữ kỷ cương, với nạn bạo hành. Với tui, ranh giới đó rất mong manh. Mà tui có đánh đồng hai thứ đó vào nhau đâu. Tui chỉ nói, cái roi vọt tình thương kỷ cương kia, khi nó được nuôi dạy từ nhỏ, thì khôn lớn lên, nó thành nạn bạo hành…
Và tui nghĩ, đó là câu chuyện của The White Ribbon…

Bộ phim này không chỉ nói về sự ra đời của chủ nghĩa phát xít, đó chỉ là cách diễn dịch quá đơn giản chỉ bởi bộ phim đặt bối cảnh ở nước Đức, mà rộng hơn, nó nói về những vấn đề thối nát, về nguồn gốc của bạo lực trên toàn cầu” – Đạo diễn Michael Haneke nói về thông điệp của bộ phim Dải băng trắng của mình trong buổi giao lưu với khán giả tại rạp Egyptian Theater, Los Angeles (Mỹ) một ngày trước đêm trao giải Quả cầu vàng 2010.

Dải Băng trắng đặt bối cảnh ở một miền quê hiền hòa yên tĩnh của nước Đức trước chiến tranh thế giới thứ I. Sự yên tĩnh ấy bị phá vỡ bởi hàng loạt những sự kiện kỳ lạ bí ẩn, mà người kể lại câu chuyện này, một thầy giáo làng trẻ tuổi, sau nhiều năm vẫn không dám lý giải điều gì. Tất cả bắt đầu với một tai nạn. Ông bác sĩ làng bị ngã ngựa khi trên đường về nhà. Ai đó đã giăng dây. Một bà nông dân ngã chết trong nhà kho. Một đứa trẻ bị treo lên và bị tra tấn. Nhà kho bị cháy. Một đứa trẻ khác bị đánh đập dã man… Những người có chức sắc trong làng cố gắng điều tra. Kẻ gây án hẳn phải là một trong số những người trong làng. Nhưng kẻ đó là ai, và vì sao họ lại gây nên tội ác man rợ ấy? Liệu đó là ông bá tước, chủ đất, người đàn ông bị vợ ruồng bỏ vì bà không muốn con của mình lớn lên trên vùng đất của bạo lực, nơi mà cái ác và thù hằn rình rạp xung quanh? Hay đó là những người nông dân làm lụng miệt mài nhưng không được trả công xứng đáng? Hay đó là người quản gia chỉ biết dụng tay dụng chân để giải quyết những vướng mắc trong gia đình? Hay đó là ông bác sĩ với cuộc sống riêng tư bệnh hoạn và ích kỷ? Hay đó là ông cha đạo để răn dạy đạo lý làm người tốt phải dùng đến những nhục hình không làm tổn thương thể chất nhưng khiến đứa trẻ vỡ nát tâm hồn? Hay đó là những đứa trẻ con trong ngôi làng bình yên, luôn được giáo dục bằng roi vọt và những lời sỉ nhục, rằng phải sống để trở thành người thánh thiện, có phép tắc, kỷ cương? Một chân dung xã hội bình thường được tóm lại trong một ngôi làng, tiêu biểu, đặc trưng đến rõ nét.

Chủ đề bạo lực được hiện diện trong nhiều phim của đạo diễn Michael Haneke. Trong Dải băng trắng, như phần giới thiệu của bộ phim, chủ đề không chỉ dừng ở bạo lực. Bộ phim nói về nguồn gốc của bạo lực (mặc dù trong bộ phim đen trắng này, không có những cảnh đầu rơi máu chảy). Những đứa trẻ trong ngôi làng được giáo dục bằng đòn roi và sự sỉ nhục, bởi những người cầm quyền trong ngôi làng ấy nghĩ rằng chỉ có bạo lực đòn roi và những lời sỉ nhục mới có thể dạy dỗ bọn trẻ nên người. Mỗi đứa trẻ bị ngược đãi một cách khác nhau. Nhẹ nhàng nhất là sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ. Con của quản gia thì bị đòn roi. Con của bác sĩ thì bị cha đẻ lạm dụng tình dục. Con của cha đạo thì bị sỉ nhục bởi những lời răn dạy của cha. Ông cha đạo bắt những đứa con của mình mang dải băng trắng, màu của sự trong trắng hồn nhiên, để chúng luôn nhớ rằng chúng phải sống đúng đắn, không lạc lối. Khi đứa con trai lớn của ông thú nhận về chuyện nó bắt đầu biết thủ dâm, ông trói nó vào giường mỗi đêm. Đôi mắt của đám trẻ con ngước nhìn người lớn trong sự phẫn uất, căm hờn, đau đớn, sợ hãi…
Điều đáng sợ đến rợn người nhất của bộ phim, bởi thế, không phải là tàn bạo của những người cha, mà chính là sự hồn nhiên của những đứa trẻ. “Lý do trong phim của tôi có rất nhiều thú vật và trẻ con, bởi đó là những thành phần nằm dưới đáy trong chuỗi bạo lực. Chúng không thể tự vệ.” – Michael Haneke nói. Người ta nghĩ rằng đòn roi và làm tổn thương danh dự của trẻ con có thể giáo dục chúng nên người… Michael Haneke đã có một “câu đố” mà đáp án của nó sẽ khiến người xem suy nghĩ về cách mà người lớn giáo dục trẻ con bằng cách làm tổn thương chúng, dù đó là tổn thương thể chất hay tổn thương tinh thần. Như lời mở đầu của bộ phim, người thầy giáo kể lại câu chuyện này ‘để làm rõ những điều xảy ra sau này trên đất nước tôi’. Trong Dải băng trắng, người kể câu chuyện không cố gắng suy đoán hay phân tích. Ông chỉ đưa ra những sự kiện. Ông cũng thử gợi ý, nhưng lời gợi ý ngay tức thì bị dập tắt bởi lời đe dọa của cha đạo. Thế nhưng, khán giả đều tự chất vất: những đứa trẻ trong câu chuyện, 20, 30 năm sau, khi lớn lên, chúng trở thành ai, trong thời kỳ của phát xít Đức trỗi dậy mạnh mẽ?

Như hầu hết các phim trước đây của đạo diễn Michael Haneke, câu trả lời không bao giờ được giải đáp một cách rành mạch rõ ràng. Nhưng khác với những phim trước đây của Michael Hanake, khi mà bạo lực được diễn tả tỉ mỉ trực diện đến rợn người, thì trong Dải băng trắng, những khung hình tĩnh với hai màu đen trắng của ngôi làng bình yên, với tuyết phủ trắng xóa, lại khiến người ta nổi gai ốc, bởi họ có thể tưởng tượng và hình dung phía sau những bức tường, những cánh cửa tĩnh lặng kia là những tội ác đang diễn ra ra sao. Ngay cả khi không gian yên lặng, trong đầu người xem vẫn có thể nghe vang vang tiếng khóc thét của đứa trẻ khi cha nó cầm chiếc roi da quật vào nó – nhân danh ‘lập lại kỷ cương bằng tình thương roi vọt’. Người xem tự đặt ra cho mình những câu trả lời và tự đi tìm lời lý giải cho chính đáp án của mình. Câu trả lời mà người ta có thể nghĩ đến có thể khiến họ rùng mình, và không dám tin vào câu trả lời ấy…

(* Das weisse Band – Dải băng trắng, bộ phim của đạo diễn Michael Haneke đã đoạt giải Cành cọ vàng LHP Cannes 2009 và vừa đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất Quả cầu vàng 2010)

Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 21.1.2010.

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply