Tui thích Up in the air. Không phải là thích lắm. Nhưng thích. Có lẽ vì khi xem Up in the air, tui thấy tui trong đó. Hay ít ra, tui thấy tui ước mơ mình được như Ryan Bingham. Điều tui không thích ở Up in the air là bộ phim này được mấy hiệp hội phê bình phim Mỹ bình chọn là phim hay nhất của năm. Tui thấy phim hay nhưng không tới mức hay nhất.
Kệ, phim hay thì khen trước cái đã.
Tui dịch tựa phim này là Chơi vơi, thay vì là Bay trên bầu trời. Bay trên bầu trời không sai. Ryan Bingham (George Clooney) sống cuộc đời mình trên máy bay. Anh suốt ngày bay trên trời. Có điều chừng đó không diễn tả hết cái tựa phim. Nó tầm thường quá.
Up in the air, theo nghĩa đen là Bay trên bầu trời, tức nói về cuộc đời bay từ nơi này sang nơi khác của Ryan Bingham. Up in the air, theo nghĩa bóng, là sự sự chới với, vô định không biết tương lai ra sao, vừa là cảm giác của những người lâm vào cảnh thất nghiệp, cũng là cảm giác mà Ryan đối mặt khi anh không còn giữ được ‘triết lý sống’ của mình. Tui cố gắng tìm một từ có thể diễn tả cả hai mặt ý nghĩa này. (Giá như mà không phải bay trên bầu trời mà là chèo thuyền trên biển thì tui sẽ dịch thành Lênh đênh rồi). Vì thế, tạm dịch ‘Chơi vơi’ để phần nào thoát ra cả hai nghĩa đen và bóng của Up in the air, mà cho nó có tính ‘thời sự’, dễ gây chú ý (kiểu, trời, Mỹ mà cũng có phim Chơi Vơi!!?)
Đạo diễn phim này là Jason Reitman, con trai của Ivan Reitman. Muốn biết ông Ivan này là ai thì vô wiki hay imdb ha. Thui tui nói luôn, ông này nổi tiếng với phim Ghostbusters. Ai không biết mà muốn biết phim đó là phim gì, có gì ghê gớm thì hoặc tự google imdb không thì mướn đĩa load phim lậu về xem. Jason Reitman, năm nay chỉ mới 32 tuổi và đây là bộ phim thứ ba của anh, nhưng đã rất thành công đình đám. Phim đầu tay là Thank you for smoking, được khen dữ lắm nhưng không được giải gì hết đó. Phim thứ hai thì mới là ghê: phim teen comedy mà tự nhiên được đề cử Oscar tưng bừng, đoạt luôn mấy giải, đời Jason lên hương luôn. Quên nói tựa phim đó: Juno. Phim thứ ba, Up in the air, thì đang là ứng cử viên sáng giá ở giải Oscar vì đang dẫn đầu đề cử Quả cầu vàng và được các iệp hội điện ảnh bình chọn là phim hay nhất. Nói gì thì nói, điều đó đã chứng tỏ anh là một đạo diễn trẻ tài năng thực sự với thể loại phim hài châm biếm xã hội. Nhưng khen vậy thôi, tui thấy chú này được Hollywood tâng bốc lên quá đáng, hồi Juno tui cũng thích nhưng vẫn thấy nó bị nâng lên cao quá. up in the air cũng thế. Tui nghĩ, nói chung là vì anh này con ông Ivan và có chú producer giỏi làm PR. Tui gặp anh này ngoài đời rồi, rất là kiêu ngạo nha. Dân học USC ra, nhưng không học trường phim mà học ngữ văn hay sao đó. Xong chú nói, tụi bây không cần học làm phim đâu, tao có học đâu mà vẫn được làm phim nà. ò, đúng rồi, nhưng tụi tao có đứa nào là con ba mày đâu.
Thôi đi xa quá, quay trở lại cái phim. Up in the air ra đời trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, khiến người xem dễ tìm thấy bóng dáng họ trong ấy. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Walter Kirn. Walter là biên tập viên phụ trách văn học trên tờ GQ. Nhân dịp viết một bài phóng sự báo chí tên là The Life cho tờ này, ông đã nghĩ ra nguyên cái truyện Up in the air!
“Cuộc đời bạn nặng bao nhiêu? Tưởng tượng một chút rằng bạn đang mang một túi ba-lô. Tôi muốn bạn xếp vào đó tất cả những gì bạn có trong cuộc đời này… bạn bắt đầu với những thứ nhỏ. Kệ tủ, ngăn kéo, knickknack, rồi bạn cho những thứ lớn hơn. Quần áo, những thứ để trên bàn, đèn, TV… cái túi của bạn chắc phải khá nặng rồi. Bạn sẽ đến với những thứ to hơn. Bộ ghế salon, xe hơi, nhà của bạn… Tôi muốn bạn nhét hết mọi thứ vào trong túi. Bây giờ, tôi muốn bạn lấp đầy túi với con người. Bắt đầu với những mối quan hệ quen biết xã giao, bạn của người quen, đám người trong văn phòng… và rồi bạn chuyển sang những người bạn tin cẩn để chia sẻ những bí mật thầm kín nhất. anh em, chị em, con cái, cha mẹ, và cuối cùng là chồng bạn, vợ bạn, bạn trai, bạn gái. Bạn cho họ hết vào cái túi đeo lưng đó, rồi cảm nhận sức nặng của nó. Nói không ngoa, những mối quan hệ của bạn chính là những thứ nặng nề nhất trong đời bạn. Tất cả những sự thương lượng và tranh cãi và bí mật và thỏa hiệp đó. Chúng ta di chuyển càng chậm bao nhiêu thì chúng ta càng mau chết bấy nhiêu. Nói không ngoa, chuyển động là sống còn”… Đó là một phần nội dung của buổi thuyết giảng của Ryan Bingham.
Ryan Bingham, bên cạnh công việc chính của mình mà ta sẽ nhắc đến sau, còn kiếm sống bằng nghề thuyết trình về triết lý sống của mình. Triết lý sống giúp anh tồn tại và thành công. Triết lý sống biệt lập. Sống ngăn nắp, chỉnh chu, mọi thứ đều vào những khuôn khổ một cách chính xác, không ràng buộc với bất kỳ mối quan hệ xã hội nào. Dĩ nhiên ai quen tui thì biết tui không phải Ryan Bingham rùi. Tui nói chung không ngăn nắp cho lắm cũng không chỉnh chu cho lắm, lại càng không có chuyện ‘không chịu ràng buộc với bất kỳ mối quan hệ xã hội nào (chứng nghiện facebook là một bằng chứng rõ nét nhứt). Có điều Ryan là ước mơ của tui. tui thích được sống đi đây đi đó như thế, được khỏi phải nghĩ tới ai và lo cho ai cũng như khỏi ai lo cho mình. Sống vậy cho khỏe đời. Tiếc là tui không đủ giàu cũng như đủ dũng cảm như Ryan.
Chú Ryan Bingham thuộc dạng người theo chủ nghĩa biệt lập. Không gia đình – người chị người em gái của anh đã từ lâu không còn xem anh như một thành viên trong gia đình. Không tình yêu – anh có một bạn tình, Alex Goran, người phụ nữ ‘hoàn hảo’ với Ryan. Họ gặp nhau trong những chuyến công tác, ngồi ăn uống trong những quầy bar, nhà hàng sang trọng như một đôi tình nhân hạnh phúc, rồi về phòng khách sạn quan hệ tình dục nồng thắm, và sáng hôm sau ai nấy lên đường để lao vào công việc của mình, không vương vấn, không quyến luyến. Không đồng nghiệp – Ryan không cần đến văn phòng của công ty và làm việc hoàn toàn độc lập. Thực tế, công việc của anh là đến văn phòng của những nơi thuê công ty của anh, ngồi trong một căn phòng nhỏ cách ly, đối mặt với những nhân viên ‘xấu số’. Anh không gọi họ là ‘những người xấu số’ hay “kém may mắn”. Anh nói với họ, đây là một cơ hội may mắn để đổi đời, rằng đã có những người cũng ngồi ở vị trí của các anh chị đang ngồi đây, sau khi rời khỏi đây, đã thành công rực rỡ. Xem những đoạn Ryan thuyết phục những người bị anh đuổi việc khá thú vị bởi sự hài hước dí dỏm và thông minh. Ryan Bingham được thuê để đuổi việc những nhân viên lâu năm và trung thành của các công ty cần cắt giảm nhân sự trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bởi các ông chủ không có gan để tự họ làm điều đó.
“Để hiểu tôi, hãy bay cùng tôi. Đây là nơi tôi sống” là lời tự sự mở đầu của bộ phim. Ryan bay khắp nước Mỹ, từ thành phố này đến thành phố khác để làm công việc của mình. Công ty của anh đóng ở Denver, miền quê hẻo lánh (câu này tặng cho bé Két đó). Với đa phần chúng ta, đi máy bay là cực hình với những giờ dài đằng đẳng xếp hàng, khệ nệ lôi theo hành lý nặng nề, rồi chen lấn nhau trong đám đông. Với Ryan Bingham, nhờ vào những nguyên tắc sống riêng (đừng đi sau người già, họ di chuyển chậm và không hề biết quý thời gian mà họ còn để sống. Hãy đi sau đám châu Á, họ di chuyển nhanh, gọn và hiệu quả), anh vượt lên trên, di chuyển nhanh hơn, được ưu tiên hơn… Anh thoải mái ở trên máy bay, nơi mà anh được ngồi ở khoang hạng nhất và các cô tiếp viên nhớ mặt nhớ tên anh, người hành khách thân quen. Anh không thấy cô đơn, anh xem đó là tự do. Đừng nói với Ryan đó là cuộc đời rỗng tuếch, vì anh gọi đó là cuộc đời nhẹ tênh. Đừng tranh luận với anh về chuyện sống trong đời cần có những quan hệ tình cảm thân thuộc, bởi anh, với kiểu đối đáp tưng tửng nhưng sắc bén có thể làm bạn tức đến khóc. Ít ra, cô bé Natalie đồng nghiệp của Ryan đã bật khóc.
Mọi chuyện đảo lộn khi anh có một đồng nghiệp, Natalie Keener, cô bé vừa tốt nghiệp đại học hạng ưu vừa về công ty của anh (chỉ để được ở gần bạn trai) và đề ra một ‘chính sách cải tiến’ cho công ty: để tiết kiệm chi phí đi lại, từ nay họ sẽ đuổi việc nhân viên qua… webcam! Ryan hiểu rằng nếu điều đó được thông qua, đời anh sẽ ‘vô gia cư’, không còn những chuyến bay đi về. Anh phải chứng minh rằng, đuổi việc là một nghệ thuật đòi hỏi có sự giao tiếp trực tiếp giữa người và người. Trên hành trình rong ruổi quanh nước Mỹ, Ryan dạy cho Natalie những bài học kinh nghiệm giá trị về quan hệ giữa người và người, để rồi chính anh cũng học được những bài học về cuộc sống và tình cảm giữa người và người mà có lẽ anh chưa từng trải nghiệm. Alex là anh hôm nay. Natalie là anh ngày sau.
Đạo diễn Jason Reitman có cách đặt vấn đề khá thú vị trong cả ba bộ phim mà anh từng làm, đặc biệt là trong bộ phim đầu tay Thank you for smoking (Cám ơn đã hút thuốc) và bộ phim mới nhất này của anh. Jason lật lại những vấn đề đạo đức trong kinh doanh, nhìn nhận lại những hành vi ứng xử đi ngược lại đạo đức xã hội với một lối lập luận logic chặt chẽ. Trong Up in the air, nhân vật chính Ryan không xem công việc sa thải nhân viên của mình là một sự vi phạm đạo đức, dù ở trong căn phòng cách ly ấy, những người như Ryan hay Natalie phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực. Người ta đau đớn, thất vọng, giận dữ, trầm uất, họ sỉ vả, mỉa mai, nhục mạ, đe dọa và cả đòi tự tử và đổ tội lên đầu người thông báo tin cho mình. (Jason Reitman đã mời một số người vừa bị đuổi việc ở St. Louis đóng vai những nhân viên bị sa thải bên cạnh một số diễn viên chuyên nghiệp, cho họ tự bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của họ khi nhận được tin buồn ấy). Mỉa mai thay, một người theo chủ nghĩa biệt lập, từ chối những mối quan hệ xã hội như Ryan Bingham, lại quan tâm đến số phận của những người bị đuổi việc – cho dù sự quan tâm ấy chỉ là ‘vấn đề nghề nghiệp’. Họ đưa ra những lời khuyên để thuyết phục người nhân viên bị sa thải thấy rằng việc bị sa thải là một cơ hội đổi đời. Cũng như trong Thank you for smoking, Juno (bộ phim thứ hai của Jason đã thắng lớn tại mùa giải Oscar hai năm trước), thoại của Up in the air vừa hài hước, vừa châm biếm vừa thông minh. Thế nhưng, không hề làm khán giả thấy cuộc đời thật tươi đẹp như cảm giác họ có với Juno, kết thúc của Up in the air khiến người ta chơi vơi.
George Clooney được sinh ra để đóng Ryan Bingham. Anh lịch lãm, tự tin, kiêu ngạo và khiến người ta ngưỡng mộ. Sự tự tin vào thuyết sống với vẻ phớt đời của Bingham được Clooney thể hiện sống động và chân thật. Anna Kendrick, khá mờ nhạt trong loạt phim Twilight với vai cô bạn của Bella, lại có những giây phút ‘lấn át’ cả George Clooney khi vào vai Natalie hồn nhiên ngây thơ. Những cuộc đối đáp giữa họ khiến người xem phải bật cười nhưng đồng thời phải ngẫm nghĩ. Chẳng hạn có đoạn Natalie thắc mắc vì sao Ryan lại từ chối các mối quan hệ xã hội. Ryan hỏi lại, ủa, tại sao tui phải cần chứ? Cần chớ, mai mốt chết ông không sợ chết một mình hả? Haha, cô có dám chắc cô sẽ không chết trong cô đơn không? Em Natalie nghe xong thì bật khóc luôn!
Vera Farmiga vô cùng quyến rũ trong vai Alex, người phụ nữ biết làm chủ cuộc sống của mình. Sự tự tin của cô, những nụ cười hạnh phúc khi ở bên Ryan cũng như sự ăn ý giữa Farmiga và Clooney (cả về ngoại hình lẫn diễn xuất) càng khiến người xem giật mình khi đến cuối phim. Nó khiến cho Ryan Bingham, người đàn ông tưởng chừng rất vững vàng và kiên định phải ‘chơi vơi’. Cả người xem có lẽ cũng ‘chơi vơi’ khi nghĩ đến cảm giác của Ryan sau những khoảnh khắc hạnh phúc mà anh tìm được khi về quê dự đám cưới của đứa em gái và muốn thử phiêu lưu, từ bỏ mọi thứ để đặt vào hành trang cuộc đời mình một mối quan hệ tình cảm gắn bó. Hành trình mới trong đời của Ryan hẳn sẽ không nhẹ tênh và dễ dàng, bởi anh đã tự bảo vào đó gánh nặng lớn nhất trong đời một con người.
Cần nói thêm, cái nghề đuổi việc này là sản phẩm của trí tưởng tượng. Đây không phải là phim viễn tưởng. nghề nghiệp đi đuổi việc người ta là một chuyện hư cấu hoàn toàn. Điều đó không làm Up in the air thành một phim ba xạo. Vì thế, các bạn viết báo bình phim, làm ơn đừng viết kiểu ‘trên đời này làm gì có chuyện đó’ khi bình luận phim.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.