Review X-Men: First Class (2011) và những chuyện linh tinh khác

Đôi khi, một phim hay với tui chưa hẳn là một phim hay với mọi người, và cũng chưa hẳn là một phim hợp lý logic. Có bạn hỏi tui, định nghĩa phim hay, tui thiệt tình, không biết nói sao ngoài câu trả lời giản dị ngắn gọn: phim hay là phim… mà tui thấy hay! =)) Nói cho chân thật hơn, phim hay là phim đem lại cho tui cảm xúc – vui, buồn, xúc động…. (Spoiler – Bài viết có tiết lộ kết thúc của phim)

1. Chẳng hạn như trong X-Men First Class, có nhiều người xem xong sẽ thắc mắc, ủa cái đoạn cuối có gì mà ghê dữ vậy, sao ông Charles Xavier tài ba như vậy không chịu điều khiển trí óc của nguyên đám người đừng có bắn, còn không, sao không để bạn Azazel ôm nguyên một đám rồi teleport đi qua chỗ khác là xong thôi chớ có gì mà cả đám đứng như trời trồng chờ chết (bạn nào nghĩ Azazel gian ác vậy chắc không giúp người thì đừng quên bạn Charles Xavier cũng tài năng siêu phàm có thể điều khiển được hết đó). Hay là chuyện áo của hội X-Men do chú Beast thiết kế để chống lại súng đạn hỏa tiễn các kiểu mà bị bắn có một viên đạn thôi chú Charles đã nằm lăn ra (cũng có thể do xài hàng Trung Quốc). Nhưng mấy chuyện đó không có quan trọng. Chuyện quan trọng, với tui, là chuyện của hai người bạn trở thành kẻ thù.

2. Vì đã xem những phần trước, tức là khi Charles tự Giáo sư X và Erik tự Magneto đã là hai ông già gân lãnh đạo nguyên đám dị nhân đi đánh nhau triền miên từ phần này sang phần khác, nên xem phần này, với tui, như một “flashback” dài hai tiếng. Mà càng nghĩ đến chuyện sau này họ thành kẻ thù, tui càng thấy xúc động. Nói chung tui hay bị xúc động bởi những kiểu môtip đôi bạn thân trở thành kẻ thù. Nên cảnh Charles xâm nhập vào ký ức của Erik, để khơi gợi lại cho Erik những kỷ niệm đẹp đẽ tươi sáng, để Erik phát huy được sức mạnh của mình “nằm giữa sự thịnh nộ và thanh thản”, rồi cả hai bạn cùng khóc, nước mắt rơi ra từ một mắt, người này nước mắt rơi ra bên trái, người kia nước mắt rơi ra bên phải, nói chung vô cùng lâm ly.

3. Nếu 2 tập X-Men trước có subtext là câu chuyện của những người đồng tính bị phân biệt đối xử trong xã hội, thì X-Men: First Class trong chừng mực nào đó thoát khỏi hàm ý này. (mặc dù bạn cũng có thể thấy hơi hướm Brokeback Mutant trong phim này hé hé). Có thể vì tui đang trong “cơn sốt chính trị”, cũng có thể vì bộ phim đề cập đến vấn đề chính trị (nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô/ Cuba), mà cũng có thể vì các bạn biên kịch, đạo diễn và sản xuất phim đã dựa vào cách thức đấu tranh đòi quyền con người của hai ông Marin Luther King và Malcom X – một ông đấu tranh bất bạo động, một ông đấu tranh bằng bạo lực – để xây dựng ra Charles và Erik. Trong chừng mực nào đó, Charles Xavier giống một lãnh đạo phe Cộng sản hơn – nhóm của ông mang tên X-Men, tức “Người của ông X” – trong khi Magneto gọi nhóm của mình là nhóm Brotherhood – Tình Anh Em, nghe có vẻ tình nghĩa và dân chủ hơn. Trong một cảnh phim khá mỉa mai, phía Mỹ khi bàn về vấn đề “tuyên chiến hay không tuyên chiến” với hành động khiêu khích quân sự của phía Liên Xô, người chủ tọa đặt câu hỏi và tòa bộ hội nghị đưa tay biểu quyết, trong khi đó phe Liên Xô khi bàn về vấn đề này, người chủ tọa đặt câu hỏi cho cấp trên, cấp trên gật đầu, cả hội nghị vỗ tay thông qua. Xem X-Men trong tình hình 85% dân tàu khựa đòi đập Việt Nam, nói chung mình cũng thấy nóng ran cả người vậy….

4. X-Men First Class, với tui, còn là câu chuyện của những con người tưởng là mình khác biệt với thế giới. nếu Charles Xavier “luôn biết rằng anh không phải là người duy nhất, anh tin rằng còn có nhiều người khác như anh” thì Erik luôn tưởng rằng “tôi rất cô độc”. Sự khác biệt đó, cùng với xuất phát điểm khác nhau – một kẻ sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, ắt hẳn đã được dạy dỗ bằng tình yêu thương, một kẻ mất hết mẹ cha, chứng kiến cảnh mẹ mình bị giết ngay trước mắt mà bất lực không thể chống cự bởi mình chỉ là kẻ yếu thế, để rồi suốt cuộc đời tâm niệm rằng, chỉ có kẻ mạnh hơn mới thống trị được, chỉ có nỗi hận thù và cơn thịnh nộ mới tạo ra sức mạnh vô biên – đã tạo ra hai con người khác nhau. Một mong muốn mọi người đều bình đẳng – dị nhân hay người thường, một tin rằng số phận đã trao vào tay mình quyền lực để vượt trội, và mình phải thống lĩnh loài người. “Hòa bình chưa bao giờ là một chọn lựa” – Erik nói.

5. Thiệt tình là xem phim này, tui đứng về phía Erik – kẻ sau này thành Magneto. Bởi tui hiểu xuất phát điểm của anh, hiểu được vì sao anh trở thành con người như thế, và hơn nữa, tui đồng ý với quan điểm của Magneto: hãy tự hào mình là chính mình. Charles Xavier luôn muốn dị nhân phải hòa nhập với thế giới con người, và trở thành một con người bình thường, thay vì dám sống với bản thân họ. Sở hữu bề ngoài như một người bình thường, Charles Xavier không hiểu được những khó khăn, những đau khổ của Raven – cô gái da xanh có năng lực biến hình. Anh khuyến khích Raven biến hình thành một cô gái xinh đẹp, khác với Erik luôn khuyến khích Raven “hãy là chính xem, bởi em là sinh vật thanh tú tuyệt vời. Có bao giờ em thấy một con hổ tuyệt đẹp và muốn che dấu vẻ bề ngoài của nó?” Hai người bạn chọn hai con đường khác nhau – một muốn tách ra khỏi xã hội bởi xem chủng loài của mình cao hơn con người, và một muốn trở thành một phần của xã hội loài người…

6. Hồi xưa tui cũng hay nghĩ, sao chỉ có một mình mình nghĩ thế này, sao chỉ có một mình mình lên tiếng… Xong rồi yahoo 360 ra đời, rồi facebook ra đời, tui mới thấy rằng, những suy nghĩ của tui về xã hội – về công bằng xã hội, về đạo đức làm người, về phương pháp giáo dục bất bạo lực, về đạo đức người làm báo, về con đường xã hội chủ nghĩa đang quá độ tới độ quá đang hay chuyện sống và tin vào lý tưởng sống của mình v.v…. – thiệt ra chả phải chỉ có mình mình, mà nhiều người khác cũng có cùng suy nghĩ. “You are not alone”… nghe cái câu đó của Charles thấy bồi hồi ghê

7. Bởi đã biết rằng sau này, Giáo sư X và Magneto thành kẻ thù, đã biến rằng Raven tức Mystique sau này chống lại hội X-Men, nên khi thấy tình cảm giữa Charles với Erik và Raven, thấy buồn, bởi chính Charles đã đẩy những người bạn của mình đi xa vì theo đuổi lý tưởng của mình… Hôm rồi đi nhậu với bạn học cũ từ thời cấp hai, hai đứa vốn từng hoạt động phong trào tưng bừng một thời, sống có lý tưởng, có niềm tin vào lý tưởng mãnh liệt, kiểu “better red than dead”, xong giờ hai đứa ngồi tranh luận, rồi nhìn nhau, mới thấy rằng 20 năm làm mình thay đổi rất nhiều. Bạn vẫn đỏ, còn mình thì đen.

Còn bao nhiêu người bạn khác của mình, từng là “đồng chí”, nhìn mình như một kẻ lạc lối, biến chất, bạc màu?

8. Tình hình là xem X-Men First Class lại lần 2 (thấy hay hơn lần đầu). Rùi để ý là đây là phim thứ 2 trong hè này nói xấu Liên Xô, sau Super 8. Tuần sau tiếp tục thêm một phim nói xấu Liên Xô, xem chừn phong trào nói xấu Liên Xô, chống cộng của phim Hollywood ngày càng lên cao!

PS 1: Sau khi xem X-Men First Class, rút ra bài học: phụ nữ hay thay lòng đổi dạ phản bội lại tổ chức của mình…

PS 2: Em Jennifer Lawrence không có sự hấp dẫn nóng bỏng mà Rebecca Romjin từng tạo dựng cho Mystique, mà thấy em này quê quê khờ khờ. Hông lẽ gái hư thì mới sexy?

Mystique của Jennifer Lawrence


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply