Trẻ trung và lịch lãm, “sứ giả” của điện ảnh Mỹ Christian Gaines (Giám đốc Liên hoan phim Viện Điện ảnh Hoa Kỳ) đã làm cho các nhà điện ảnh Việt Nam bất ngờ khi anh tỏ ra khá am hiểu về điện ảnh Việt Nam. Một trong những mục đích chính trong chuyến đi đến Việt Nam lần này của Christian Gaines là giới thiệu hình ảnh mới về điện ảnh Mỹ tới các nhà làm phim Việt Nam và Đông Nam Á.
Ông nói: Mục tiêu của chuyến đi lần này là làm cho khán giả Đông Nam Á biết nhiều hơn đến điện ảnh Mỹ nhưng không phải hướng dẫn cụ thể các nhà làm phim làm thế nào để làm được một bộ phim như của Mỹ, mà đưa ra thông điệp điện ảnh Mỹ đang làm cái gì. Chuyến đi này của tôi còn giúp các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam quảng bá sản phẩm điện ảnh vào Mỹ.
– Tại Việt Nam hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về cách đánh giá thế nào là phim thương mại và thế nào là phim nghệ thuật. Ở Mỹ, sự phân biệt 2 dòng phim này có rạch ròi?
– Theo tôi không nên quá phân định rạch ròi 2 loại phim, dù là phim nghệ
thuật hay thương mại thì quá trình sản xuất phim rất khó khăn. Việc phân biệt giữa phim thương mại hay nghệ thuật phải dựa trên mục đích gì. Phim thương mại sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, còn người xem sẽ được nâng cao nhận thức của mình qua phim nghệ thuật. Chúng ta chỉ có thể hiểu và lựa chọn đúng nếu chúng ta hiểu tường tận từng dòng phim.
– Nhiều ý kiến cho rằng, lượng phim nghệ thuật ở Mỹ cũng ít và bị phim thương mại lấn lướt
– Nhận xét này không hoàn toàn đúng. Số đạo diễn làm phim nghệ thuật rất nhiều và nhiều tác phẩm rất hay. Tôi không biết chính xác lượng người đến xem 2 dòng phim, rất nhiều người Mỹ thích xem cả 2 dòng phim, trong đó có tôi.
– Ông đã xem bộ phim nào của Việt Nam tại Mỹ chưa?
– Mỗi kỳ Liên hoan phim của AFI có khoảng 125 đến 145 bộ phim tham dự. Trong vòng 4 năm tôi phụ trách liên hoan phim của AFI chưa có bộ phim nào của Việt Nam được trình chiếu. Thời gian tôi còn làm Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Hawaii, tôi có xem phim của Trần Anh Hùng, Đặng Nhật Minh. Theo tôi biết, rất ít phim Việt Nam chiếu ở Mỹ. Ảnh hưởng điện ảnh đối với công chúng Mỹ rất lớn. Vì vậy, việc Việt Nam mở rộng giới thiệu phim ra nước ngoài rất quan trọng. Đông Nam Á có nhiều nền điện ảnh lớn như: Singapore, Philippines, Thái Lan, nhưng tôi cho rằng điện ảnh Việt Nam đi trước họ rất nhiều.
– Theo ông, điện ảnh Việt Nam sẽ vấp phải khó khăn nào không nếu muốn vào thị trường Mỹ?
– Bất kỳ thị truờng nào thì tôi vẫn lưu ý các bạn nên xây dựng kịch bản mang những vấn đề toàn cầu, có tính nghệ thuật cao, không nên chạy theo xu hướng phương Tây vì điều đó sẽ đánh mất bản sắc của điện ảnh nước bạn. Nếu muốn vào thị trường Mỹ, điện ảnh Việt Nam sẽ phải “đương đầu với sự cạnh tranh rất lớn của điện ảnh Mỹ. Mỗi năm chỉ có hơn 100 phim nước ngoài vào được thị trường Mỹ, chủ yếu phim của châu Âu. Trong chuyến đi này tôi muốn mời các nhà làm phim Việt Nam gửi phim đến Viện Điện ảnh, vì như tôi nói, liên hoan phim quốc tế là công cụ quảng bá tốt nhất. Các bộ phim Việt Nam tham dự liên hoan phim của AFI sẽ được miễn phí những khoản tiền phải nộp, còn về mặt thủ tục các bạn vẫn phải thực hiện đầy đủ và công bằng như các nước khác.
Thu Hồng – Báo Thanh Niên
Theo tôi công chúng Việt Nam có thể tự hào về nền điện ảnh của mình (bao gồm cả phim thương mại và phim nghệ thuật) trên nhiều phương diện, và đó sẽ là thuận lợi để điện ảnh Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới.
Christian Gaines
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.