Tui nhận ra là tui chưa có review phim này một cách trọn vẹn. Lần trước vì sướng quá kể lể toàn chuyện đời tư nên chưa có vô chi tiết của phim thì dài quá nên ngừng, sau đó thì lười chưa review. Bây giờ phim đã chiếu ở Việt Nam hết 2 tuần rồi, phim cũng đã xem đến lần thứ 4 rồi, với các thể loại bạn bè khác nhau, vẫn thấy vui và thích. Mỗi lần xem lại lại khám phá ra một điều hay ho thú vị. Có bạn nói xem phim này không có thấy cái gì mắc cười hết. Có người thì nói là thấy phim cũng vui nhưng không phải vui quá, xuất sắc quá, sao tui khen dữ vậy. Vì vậy xem như đây là câu chuyện vì sao tui thích The hangover đến vậy. (Nên dĩ nhiên, Spoil toàn bộ phim. Ngoài ra, có hình bậy cuối entry, cảnh báo trước không nên kéo xuống dưới nếu phụ huynh đang đứng sau lưng )
Tui nghĩ rằng có đến 90% phim mà tui thích có một điểm chung: nó làm tui nghĩ đến bản thân mình. Nó khiến tui cảm thấy, ít hay nhiều, rằng mình có một mối liên hệ, quan tâm đến nhân vật, đến tình huống mà nhân vật đối diện. Ở mỗi thời điểm của cuộc đời, chúng ta có một phim yêu thích. Có những phim mà xem lần đầu chúng ta không thích, nhưng 10 năm sau xem lại bỗng thấm thía vô cùng, bởi nhờ vào những kinh nghiệm sống cho chúng ta mối liên hệ, thấu hiểu và thông cảm với nhân vật trong phim.
The hangover là một bộ phim mà tui được xem vào ‘thời điểm chín mùi’ cho những mối liên hệ giữa tui và những nhân vật trong phim. Tui nghĩ, có lẽ nếu bạn chưa từng đến Las vegas, bạn sẽ có những trải nghiệm khác khi xem The Hangover so với những người từng ‘sống’ ở Las Vegas (hay đúng hơn, tận hưởng trọn vẹn ‘đời sống thật’ ở Las Vegas). Khi xem The Hangover, những kỷ niệm về bạn bè, về những đêm vui vẻ của buổi bachelor party mà của một người bạn trong lớp sống lại. Nhưng ngay cả khi bạn chưa có những trải nghiệm đó, The Hangover, với tui vẫn có sự thú vị riêng của nó, độc đáo, thông minh, sáng tạo, bất ngờ, dí dỏm…
Ba nhân vật trong The Hangover, Phil, Stu, và Alan, đều khiến tui tìm thấy mình trong đó. Nỗi cô đơn của Alan, sự rụt rè của Stu, và sự bình tĩnh của Phil.
Hãy bắt đầu với Alan, gã khờ đáng yêu, kẻ cô đơn tội nghiệp. Call me ‘sến’, nhưng sự thật là lần nào, dù cười đau cả bụng, tui vẫn xúc động vô cùng với hai đoạn của Alan – khi anh chàng đọc bài diễn văn trước đêm thác loạn, và khi anh hát ‘Chúng ta là ba người bạn thân nhất trên đời mà không ai có được’ (And we’re the three best friends that anyone could have!). Đây là bài diễn văn của Alan “You guys might not know this, but I consider myself a bit of a loner. I tend to think of myself as a one-man wolf pack”. (Mấy cậu chắc không biết, nhưng tui hay tự cho rằng mình là kẻ cô đơn. Tui hay nghĩ rằng tui là bầy sói một con). Buồn cười, mà rất bi kịch. bầy sói một con. Trong đó là sự khao khát một tình bạn chân thành. Alan không bình thường, mà vì lẽ đó, có lẽ cậu không có bạn bè xung quanh. Và cũng vì lẽ đó, cậu xúc động khi người ta đối xử tốt với mình. Khi Doug rủ cậu đi Vegas, cậu cũng sợ làm phiền, rằng ‘thôi, các cậu đi đi, có tui đi theo làm gì’, nhưng sự thật Alan muốn có bạn bè.
Tui cũng từng nghĩ mình là một loner trong suốt một thời gian dài. Thời đi học, nhà tui thì không khá giả gì, nên tui chả bao giờ dám đi chơi với ai vì tui không có tiền đi ăn hàng. Bạn bè bao mình hôm trước thì mình sẽ phải bao lại hôm sau. Thế nên, tui chỉ có đi học rồi về nhà. Thú vui miễn phí duy nhất của tui là xem phim ngoài rạp, hoặc xem phim từ phòng chiếu. Tui còn là lớp trưởng, mà những kẻ chức quyền thì người ta thường không thích (đi học mà), nên bạn bè cũng chẳng mấy ai rủ tui đi chơi. Cho nên thấy Alan, tui thấy mình trong đó. Tui thấy được sự khao khát muốn là người hữu ích của Alan – chính cậu muốn đêm vui hơn đã bỏ estacy (turn out, it’s roofy) vào rượu gây ra bao phen kinh hoàng sau đó; nhưng cũng chính cậu là người đã đánh bạc để giải cứu bạn bè.
Tui thấy mình là Stu, người luôn sợ hãi và bó buộc mình bởi những quy tắc sống chuẩn mực, người tự dối mình về mối quan hệ với người yêu. Khép mình vào những ‘quy tắc đạo đức’, không tìm thấy sự thoải mái để tận hưởng cuộc sống, Stu không tìm thấy tự do dù không ở bên ‘người bạn gái’ của mình. Chỉ đến khi xỉn quắc cần câu, Stu mới tìm thấy dược tình yêu. Nếu như xét về mặt kỹ thuật viết kịch bản thì Stu chính là nhân vật chính của phim – anh là người có problem lớn nhất trong phim, cũng là người thay đổi nhất. Nếu như đầu phim, anh luôn quan trọng hoá cái chức danh bác sĩ của mình (dù chỉ là nha sĩ), luôn nhất nhất nghe theo lời bạn gái của mình không dám cãi một lời, luôn luôn hoảng loạn và rên rỉ bởi những chuyện rối tung ập đến, thì cũng chính Stu là người đã dám ngỏ lời mời cô gái điếm một buổi hẹn hò khác ‘the one that I can remember’, dám đối mặt với trùm xã hội đen (bóng thấy ớn) để thương lượng chuộc lại vợ, là người còn bình tĩnh để suy luận ra bạn Doug của mình ở đâu, và quan trọng nhất, dám chửi thẳng vào mặt con bạn gái khốn nạn (và tuyệt vời làm sao, khi cho dù giận dữ, anh cũng không gọi bạn gái mình là bitch, đơn giản chỉ là… sao mà cô xấu xa… tới tận xương tuỷ đến thế)
Và Phil, hình ảnh của người mà tui ước gì mình có thể trở thành. Alan vô cùng thần tượng Phil, thấy Phil làm gì Alan cũng ủng hộ, cũng muốn được sát cánh (mà chi tiết khi Stu không đồng ý để đứa bé lại trong tủ quần áo, Alan nói ‘Lần này, tui đứng về phe Stu’ cho thấy tất cả những lần khác Alan luôn đứng về phe Phil. Ngay cả cuối phim, trong lễ cưới, Alan hỏi Stu ‘Tóc tui có đẹp không, có giống Phil không?’. Vì sao tui muốn giống Phil? Vì tui từng là sống như Stu, từng bị bó buộc bởi những nguyên tắc, và người sống vô nguyên tắc như Phil thật đáng ngưỡng mộ. Nhiều khi tui cũng muốn được làm một thằng asshole, được tự do sống mặc kệ ai nghĩ gì về mình thì nghĩ, có thể nói với thằng học trò ‘shut up, you don’t exist’. Dù cho Phil nói với bạn bè hôn nhân là tự sát, mày sẽ chết đi, đánh mất mình mỗi ngày một ít, rằng cưới vợ là một sai lầm nghiêm trọng nhất trong đời, thì Phil vẫn có một gia đình mà nhìn từ bề ngoài hạnh phúc. Khi ra đường thì chơi tới bến, về tới nhà thì vẫn yêu vợ thương con hết mình. Cách Phil xử lý moị tình huống trong phim còn đáng ngưỡng mộ hơn. Trong khi Alan hoảng loạn khi thấy con hổ trong nhà tắm thì Phil chỉ phá lên cười khoái chí. Khi cả đám bị vào đồn cảnh sát thì Phil thương lượng – dù trả giá đắt – để được thoát ra ngoài. Với Phil, chuyện gì đến thì đã đến, chuyện gì qua thì đã qua, cuộc sống là lúc này, là bây giờ và là tương lai. Trong khi Stu cằn nhằn về đám cảnh sát, đòi phải báo thù, thì Phil chỉ phẩy tay cho qua. Khi Alan thú nhận mình là kẻ ‘đầu độc’ cả đám, Stu giận dữ, thì Phil cũng chỉ phẩy tay cho qua. Đời thật đơn giản. Sống không nặng đầu.
Có rất nhiều tình tiết trong The Hangover được xử lý rất thông minh và bất ngờ. Một trong những điều hay nhất trong phim này là chúng ta hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra vào đêm hôm trước. hay nói cách khác, chúng tra xem một phim về một sự kiện mà nó hoàn toàn không diễn ra trước mặt mình. Và cũng không có những flashback hồi tưởng. Vì lẽ đó, khi ở VN cắt hết cái đoạn credit cuối phim giới thiệu hình ảnh họ đã làm gì đêm hôm trước, một trong những chi tiết tui cho là xuất sắc nhất của phim, thì nó giảm đi 25% phần hài hước của phim (tui cũng không biết 25% đó từ đâu ra, nên các bạn khỏi thắc mắc nha). Xem cái photo đó mới biết họ đã làm gì, Stu nhổ răng là sao, quen Jade thế nào, cả đám quậy Mike Tyson thế nào, Phil vì sao vô bệnh viện…. Bạn có thể xem trên youtube, nhưng thật sự sẽ không còn thấy vui bằng khi bạn được xem ngay khi phim vừa hết. Phần thoại cực kỳ hài hước và thông minh, nhưng cũng tiếc thay, phần dịch của Galaxy dù có cố gắng nhưng cũng không chuyển tải hết những đoạn buồn cười. Tui nghĩ vì sự chuyển tải của thoại không thành công nên khán giả ở VN không thấy sự hài hước trong phần thoại. Hơn nữa, khi xem phim đọc phụ đề, với một phim hài nhiều chi tiết tinh tế, đặc biệt là những biểu hiện trên mặt diễn viên như phim này thì dễ bị lỡ mất những chi tiết hài hước hỏm hỉnh trong phim. Thêm vào đó, nghe ngữ điệu của diễn viên mới có thể cảm được sự thú vị của nhân vật và câu chuyện…
(Trẻ em dưới 18 không nên xem cái này nha)
Có một sự liên tưởng hơi khập khiễng, nhưng tui xem the Hangover và nghĩ tới Tây Du Ký, mà trong đó Doug là Đường Tăng cần được giải cứu, Alan là Trư Bát Giới, Stu là Sa Tăng, còn Phil là Tôn Ngộ Không. Ai mà biết được, có khi Todd Phillips cũng lấy cấu trúc từ chuyện Tây Du Ký mà ra…
Nói thêm: Giá mà tựa phim đặt là Quắc cần câu nghe sẽ vui hơn và sát nghĩa hơn với Ba chàng ngự lâm. Giá mà Sin city dịch thành Thành phố tội lỗi thay vì Thành phố tội phạm, vì đi Las Vegas thì ai cũng ‘làm chuyện tội lỗi’ hết!
Nói thêm 2: hồi tui đi xem phim này có giao lưu với bác đạo diễn Todd Phillips. Sau đây là mấy chuyện tui còn nhớ
1. Bác Todd Phillips đóng một vai cameo trong phim – thằng cha mới give head một em trong thang máy. Tui nghĩ ngoài đời Todd Phillips chính là Phil trong phim. Sau buôi giao lưu thì hầu hết các bạn gái đều goị chú này là douche bag, bastard, jerk…… Vì sao ư? Đọc tiếp phần hỏi đáp của chú ấy dưới đây.
2. Cái răng của Stu: Tụi tui (đám SV điện ảnh) không biết làm sao có thể làm Stu răng sún hay như thế, vì không thể làm trò hoá trang bôi đen răng hay thấy trong phim VN, cũng không ai mà làm kỹ xảo cho cái răng sún cho cả phim như thê (vô cùng tốn kém). Todd nói, ban đầu khi đi casting, chú chưa dám chắc có chọn Ed Helms đóng vai Stu hay chưa. Vô tình trong một buổi đi nhậu, Ed kể là anh có một cái răng giả nhìn như thiệt, không ai biết là răng giả. Thế nhưng, Todd đã nói với Ed ‘cái răng nhìn stand out quá, nhìn vô biết ngay răng giả, nhìn xấu hoắc, không có hợp chút nào’. Lần nào gặp Todd cũng nói khiến cho Ed thấy mất tự tin và quyết định đi làm lại răng. Làm lại tức là phải nhổ răng ra để trồng răng mới vô. Ed gỡ răng giả hôm trước thì hôm sau Todd đồng ý nhận Ed vô đóng vai Stu với điều kiện Ed hoãn việc trồng răng mới lại. Vì thế, cái răng gãy của Stu là một cái lỗ răng hổng thứ thiệt!
3. Thằng nhỏ j/o. Một hôm Todd tới nhà Zack (chú đóng vai Alan) ăn trưa, và Zack khoe với Todd màn ‘trình diễn’ của con gaí mình: anh lấy tay đứa con gái và làm động tác j/o mà ta thấy trong phim. Chú Todd khoái quá, bảo là mình phải có cảnh này trong phim. Hôm sau ra hiện trường, chú này dụ dỗ phụ huynh của thằng nhỏ. Dĩ nhiên không có cha mẹ nào muốn con mình đóng cái cảnh đó. Nhất là bà mẹ của thằng nhỏ này. Todd nói, thật ra hai vợ chồng đó, ông chồng thì là big fan của Old school (phim của Todd làm đạo diễn), nhưng bà vợ thì chỉ cho con đóng phim vì tiền chứ không có phải vì gì hết. Nhân hôm đó bà vợ đi vắng, Todd tới dụ ông bố. Ông bố nói, thôi, con tui sao cho làm chuyện như vậy. Vợ tui sẽ la tui. Todd nói, tuị tui làm nhanh lắm, 1 tiếng thôi, vợ anh quay lại thì quay xong rồi. Anh là fan của Old School, anh biết rồi, phim hài phải có mấy chi tiết thế này. nếu vợ anh quay lại thì cứ nói tại tui quay không báo trước, anh xem như không biết. Thế là ông bố giả bộ làm ngơ. Đang quay giữa chừng, thì bà mẹ quay lại. Bả xem monitor ở xa xa, xong hai vợ chồng cãi vả gì đó, sau đó bà ấy lao về phía đạo diễn. “Tui thấy bả tới là tui biết có chuyện rồi, nhưng tui cứ mặc kệ bả luôn. Bả tới bả mắng xối xả, tui quay lại nói, có chuyện gì, bả kêu sao quay bậy bạ vậy mà không nói, tui nói, ủa, tui tưởng chồng chị nói với chị rồi. Chồng chị nói với tui là hai người đã thoả thuận và đồng ý rồi. Có chuyện gì chị ra nói chuyện với chồng chị đó!” (bà con nghe vụ này xong ngồi chửi thầm ‘jerk!’)
4. Mr. Chow’s o|o. “Thật ra ban đầu tụi tui chỉ tính quay phía sau thôi, nhưng mà khi thấy cái đó của Dr. Ken thì tui nghĩ, quay đằng trước cũng có sao đâu, đầu nào cũng có ai thấy được gì đâu’
(chú Alan cũng có cảnh show hàng cuối phim…Kéo xuống dưới cùng mà xem)
5. Vì sao Alan không được đến gần trường học? “Zack là một diễn viên tài năng và thú vị. Nhìn anh ấy, không ai nghĩ anh ấy có thể hại ai cả. Không ai có thể đóng Alan thành công như Zack. Người khác đóng, bạn sẽ nghĩ ngay Alan là một thằng freak và creepy, nhưng Alan có cái gì đó hồn nhiên. Vì sao cậu ấy không được đến gần trường học ư? Tui tin rằng vì nếu tới gần trường học, cậu ấy sẽ đánh nhau với bọn con nít để giành cái ván trượt patin”
6. Bài hát của Stu là do Todd và Ed Helms (đóng vai Stu) sáng tác. Bài hát ba người bạn thân của Alan cũng do anh đóng vai này sáng tác!
7. Vì sao có gà vịt trong phòng khách sạn? “Mọi thứ đều có lý do của nó. Chẳng hạn như vì sao lại là xe cảnh sát? Vì cả bọn bắt con hổ về, và họ cần một chiếc xe có lưới bảo vệ ngăn cách, vì thế họ phải đánh cướp xe cảnh sát. Vì sao lại có gà vịt trong phòng? Dĩ nhiên khi bắt con hổ về, họ phải mua thức ăn về cho nó chứ? Cả đám mua gà vịt về để cho con hổ!”
————————-
CẢNH BÁO TRƯỚC: NSFW (KHÔNG AN TOÀN KHI ĐANG LÀM VIỆC, KHÔNG PHÙ HỢP VỚI TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN CHƯA TRƯỞNG THÀNH)
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.