Thế nào là “ấn tượng” ? “Ấn tượng” theo tôi cảm nhận được , đó là 2 từ dùng để chỉ 1 việc, 1 vật hoặc 1 người nào đó đem lại cho bạn 1 cảm giác khó quên . Nhưng không phải lúc nào người đó, vật đó, việc đó là đẹp nhất , hay nhất . Đơn giản thế, nên tôi cho là phim The Passion of the Christ là ấn tượng nhất trong năm 2004 tuy là theo tôi, nó không phải là phim hay nhất trong năm . Vì sao phim The Passion of the Christ lại ấn tượng ?
– Vì gây tranh cãi : Đấy, nói về vấn đề tôn giáo thì nhạy cảm, và tất nhiên là gây tranh cãi . Gây tranh cãi vì sao thì chúng ta biết rất rõ. Bài Do Thái – vấn đề chính . Lúc đầu khi phim mới hình thành thì người ta suy luận này nọ . Nào là Mel Gibson sẽ làm 1 phim đổ tội cho dân tộc Do Thái giết Chúa . Mel Gibson thì biện hộ : “Không có chuyện đó !” Khi xem phim xong, họ quên béng đi vấn đề này (vì tìm hoài tìm mãi trong phim vẫn không có cảnh nào bài Do Thái ) . Rồi họ quay sang chê phim quá bạo lực . Không ai có thể phủ nhận đây là phim quá bạo lực . Ngay cả tôi, khi xem phim tim cứ thắt lại . Tuy thế, có lẽ vì đức tin, giúp cho tôi có 1 ý muốn, là không quay mặt đi hoặc che mặt lại, để xem được mọi cảnh đau đớn của Chúa, để cảm nghiệm được sự đau đớn thân xác cúa Ngài khi Ngài chịu chết . Vì lẽ đó, tôi không bỏ xót cảnh nào 1 giây . Cứ nhớ lại đi, từng miếng thịt vung ra, từng vũng máu loang lổ, những nhát đánh thâu vào tới xương … Kể lại thì coi chừng bị cho là viết truyện kinh dị, nhưng ai lại có thể chối cãi nó quá bạo lực ? Rồi xem xong thì họ chê trách Mel Gibson, sao cái ông này làm phim đạo mà chẳng có nét thanh bình gì cả, làm phim mà cứ như làm phim Kill Bill không bằng, máu me hết cả . Tôi thấy bạo lực, nhưng đối với tôi, bạo lực ở đây dùng đúng chỗ, nó làm cho tôi có cảm giác đau đớn như bị đánh . Còn Kill Bill, phim bạo lực khác, thì lại làm cho tôi có cảm giác như tôi đánh người ta như thế . Hoàn toàn trái ngược nhau tuy cùng chung 1 thủ pháp . Nhiều người nói phim tại sao chỉ có chiếu về cái chết của Chúa, mà không chiếu hết cuộc đời của Ngài cho tất cả khán giả , kể cả những ai khác tôn giáo sẽ hiểu . Tôi cho rằng không cần thiết . Hãy nhìn cái tựa phim đi, nó là The Passion of the Christ chứ không phải The Life of the Christ . Mà đã nói “The Passion” (cuộc khổ nạn ) rồi thì nên chỉ quay về “The Passion” mà thôi . Bạo lực quá ư ? Bạo lực nhưng xác thực . Theo đức tin, tôi tin là Chúa đã chịu đau đớn như thế . Ngày xưa, sau Chúa thì tới các thánh, ngay thánh Peter (Phê-rô) sau này còn muốn bị đóng đinh ngược đầu cơ mà . Rồi bao nhiêu thánh tử đạo bị đem ra cho sư tử ăn sống, rồi bao nhiêu cực hình khác . Thế thì tại sao Chúa lại không thể đã bị giết 1 cách đau đớn như thế ?
– Vì quảng cáo rầm rộ : Ở Hollywood mà phim nào cứ im ỉm cho tới lúc khởi chiếu là bị lỗ cái chắc . Dù biết phim dở cỡ mấy cũng phải quảng cáo là “best movie of the year” , “a must see”, “an Oscar winner”, “2 thumbs up! ” …. Sau đó thì cứ lựa vấn đề nhạy cảm mà phang vào . Ví dụ như Ferenheit 9/11 tthì đề cập tới chính trị đang sôi nổi trong mùa bầu cử của tổng thống Bush . Thế là cứ “phim sẽ thay đổi lịch sử Mỹ “, “ảnh hướng tới cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới ” , “sự thật về tổng thống Bush” … Còn The Passion of the Christ thì cứ nào là “phim đang gây tranh cãi về vấn đề bài Do Thái “, “Phim do Mel Gibson tự bỏ tiền túi ra làm vì ông là người theo đạo Công Giáo”… Mel Gibson thì phang vào “Tui làm phim này vì đức tin của tui ” ( ??? ) Đấy nhé, Faye này bị lôi kéo rồi nhá, Faye tôi đây cũng đạo Công Giáo nè, tôi cũng mê phim nè, mà tôi không đủ đức tin để làm điều to tát thế đâu, cái ông Mel Gibson này tài ghê ! Chưa chi đã lôi kéo được 1 mống rồi . Thế thì còn bao nhiêu người khác sẽ đi xem không phải vì tôn giáo mà vì tò mò ?
– Vì Đạo : Đạo Do Thái và Thiên Chúa cứ thế mà đóan già đóan non xem phim sẽ ra sao nhé . Rồi khi xem xong rồi thì không ai bàn cãi về vấn đề bài Do Thái mà quay sang so sánh nó với Kinh Thánh . Lôi từng chi tiết nhỏ ra : “ơ ơ, trong kinh thánh làm gì có nhắc tới cảnh ông Judas (Giu-đa) hối hận treo cổ ? “, “Còn cái vai ma quỷ nữa, trong kinh thánh đâu nhắc tởi ” . Rồi “Làm gì có chuyện ngày xưa họ có thể chứng kiến được những cánh Chúa ngã khi vác thánh giá được chiếu rõ ràng , chậm rãi (slow motion) như thế ?” Còn Faye tui thì chỉ công nhận là Mel Gibson quá khôn khi cho nhiều chi tiết nói về Đức Mẹ Mary (Maria) . Đức Mẹ là 1 hình ảnh lớn trong tâm trí người theo đạo Công Giáo . Chỉ có người Công Giáo mới cảm thấy hạnh phúc khi thấy Đức Mẹ có nhiều “đất diễn” như thế . Và chúng tôi cũng cảm nghiệm được nỗi đau đích thực của Đức Mẹ khi Ngài chạy theo, đứng dưới cây thập giá đã giết con mình . Mang thai Chúa bởi Đức Chúa Thánh Thần, nuôi 30 năm, đi theo Chúa giảng đạo thêm 3 năm nữa . Thế mà nay đành phải chịu để Ngài chết theo ý Thiên Chúa Cha . Tôi đau nhói tim khi Đức Mẹ bảo thánh John (Gio-an) : “Con giúp mẹ tới gần Chúa đi !” . Rồi cảnh Mẹ giật mình thức giấc khi cảm nhận được con mình đang bị tra tấn phía trên tầng hầm mình đang ở . Rồi nhìn con đau đớn, nhưng không nói được lời nào dù chỉ là kêu gào khóc than như các bà mẹ khác sẽ làm . Mẹ chịu đựng, vì Mẹ biết đó là ý định của Chúa . Tôi của phải khen Mel Gibson ở điếm này, khôn khéo làm vui lòng người theo đạo Công Giáo như thế . Điểm đáng ghi nhận từ Mel Gibson là ông cẩn thận, không dám làm sai khác Kinh Thánh, chỉ dám thêm bớt vài cảnh cho thêm kịch tính, chứ không dám thay đổi quá đáng . Ông có thử dám thay đổi hay không ? Nếu ông thay đổi thì liệu phim có được chấp nhận và đọat doanh thu cao như thế ? Phim nào đó dựng theo truyện còn thay đổi được chứ , dựa theo Kinh Thánh như Passion of the Christ mà thay đổi là chuyện không tưởng . Sau đó là cảnh cuối phim, Mel Gibson cho thêm cảnh Chúa sống lại từ mồ trỗi dậy . Đấy, đức tin của người theo Thiên Chúa giáo ( bao gồm Tin Lành, Công Giáo … ) là thế : Chúa chết đi nhưng Ngài sẽ sống lại, sau này, ngày Tận Thế Ngài sẽ trớ lại phán xé người tốt kẻ xấu . Nếu hết ngay ở cánh Chúa chịu chết thì họ không chịu đâu à .
Còn vấn đề nữa là tôi phản đối những ai có ý nghĩ đây là phim có chủ đích lôi kéo người ta theo đạo hoặc củng cố niềm tin có những người đã có đạo mà lâu nay khô khan . Niềm tin của bạn và của tôi là tự mỗi người chúng ta, không ai hoặc bất kỳ điều gì có thể ảnh hưởng tới đức tin của chúng ta nếu chúng ta hãnh diện và tin tưởng vào niềm tin của mình . Nếu niềm tin của chúng ta dễ lung lay như thế thì đó không phải là niềm tin . Phim không hề ảnh hưởng tới đức tin của tôi, nó không làm cho đức tin của tôi mạnh hơn hay yếu đi . Nó chỉ là 1 phim đạo, 1 phim tôi có thể mua DVD để cho vào tủ phim gia đình . Một phim tôi cho rằng đáng xem đối với những ai cùng đức tin với tôi .
– Vì quá kén khán giả: Này nhé, ai mà không theo đạo Thiên Chúa thì khó có thể hiểu tại sao Chúa Jesus (Giê-Su) lại chịu chết . Tại sao người Do Thái (đại diện cho nhân loại) lại muốn giết Ngài đến thế . Rồi cái cảnh nhớ lại (flashbacks) càng làm cho họ khó hiểu . Thế nên, phim Passion of the Christ khó có thể được hiểu bởi đại đa số khán giả . Nó chỉ được hiểu bởi những người theo đạo Thiên Chúa và hiểu biết Kinh Thánh . Thế nên, nó chỉ thu hút được 1 phần khán giả trên thế giới chứ không như các phim khác được đa số khán giả trên thế giới xem, ai xem cũng hiểu (dù rằng họ ghét hay thích ) . Mà xem phim mà không hiểu thì ai lại thích ?
Kế đến là khán giả trẻ em không nên xem phim này , phim quá bạo lực . Nếu xem, các em sẽ không cảm nhận được điều gì ngoài những cảnh rùng rợn, tối về ngủ không được . Chỉ những người lớn mới hiểu được tại sao phải có các cảnh bạo lực ấy .
– Vì “những cái đầu tiên”: Phim khởi chiếu hôm thứ 4, tới ngày thứ 6 tôi mới đi xem được vì hôm đó anh chị em chúng tôi mới hội đủ nhau được để đi xem cùng lúc . Tới rạp lúc 6 giờ chiều, nhìn lên bảng mua vé phim thì trời ạ , hết vé cả . Suất duy nhất còn vé là lúc 10:45 và 12:55 . Thì thôi, mình xem 10:45 . Thế mà mua vé xong, còn phải đứng xếp hàng ở cái phòng chiếu phim đó . Vì họ xếp dài quá, họ đã mua vé như mình, mà đứng xếp hàng để khi chiếu thì mình vô trong trước, lựa được ghế tốt nhất . Vào chỗ đâu đó rồi thì chật quá, mấy anh chị em không thể ngồi gần nhau được . Tôi phải ngồi riêng với thằng em 19 tuổi . Đang lúc xem, tiếng la của vài người yếu tim vang lên, rồi tới đoạn nào mà yên tĩnh thể nào cũng nghe thấy tiếng xụt xịt văng vẳng xung quanh . Phần tôi thì xem phim thì nước mắt cứ chảy ra, lấy khăn giấy ra mà lau, nhưng khóc mà cứ nghèn nghẹn, không xụt xịt hay phát ra được tiếng nào . Xong phim thì rạp im phăng phắc, có ai dám vỗ tay đâu , thường thì phim hay họ vỗ tay lúc kết thúc, phim Chúa chịu đóng đinh mà vỗ tay thì vô duyên sao kể xiết . Ra khỏi rạp, tôi giật mình, vì ra ngoài ánh sáng, mới thấy mắt thằng em đỏ đỏ . Trời ạ, lâu lắm rồi, từ khi nó hơi lớn 1 xí, tui có thấy nó khóc lần nào đâu à . Tui tưởng chỉ có đàn bà con gái chúng tôi mới khóc . Nó là đàn ông con trai mà khóc, nhưng nhìn kỹ lại, 1 số phái nam ra rạp sau chúng cũng khóc . Phải công nhận là xem phim này, đa số là đi theo gia đình . Họ cho là phim đạo thì đáng để xem cùng với gia đình hơn là người yêu và bạn bè . Xem xong thì ra ngoài, từ lúc từ rạp chạy xe về tới nhà , ngồi trong xe, chúng tôi không ai nói lời nào cả . Ai cũng im lặng như theo đuổi những suy nghĩ riêng trong đầu . Đây là phim đầu tiên rạp tôi hết vé mau như thế, đây là phim đầu tiên tôi xem thấy hay mà không dám vỗ tay, đây là phim đầu tiên tôi thấy nhiều gia đình rủ nhau đi chung đến vậy , đây là phim đầu tiên tôi xem ở rạp mà tôi khóc, phim đầu tiên tôi thấy em trai tôi và nhiều người khác khóc, phim đầu tiên chúng tôi ra xe mà im lặng . Liệu tôi còn cần bao nhiêu cái “đầu tiên” nữa để thấy phim này có ấn tượng nhất trong năm 2004?
Bài viết của faye
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.