“Có truyền thuyết về một loài chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng tiếng hót của nó hay hơn bất cứ sinh vật nào trên thế giới. Giây phút nó rời tổ ấm bay đi tìm kiếm bụi mận gai và không hề ngơi nghỉ đến khi tìm bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau đớn khôn tả, nó cất tiếng hót hân hoan mà cả sơn ca và họa mi cũng phải ganh tị. Bài ca duy nhất, bài ca đánh đổi bằng cả tính mạng. Nhưng thế gian lặng đi lắng nghe, và Thượng đế trên cao đã mỉm cười. Bởi vì những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể đạt được bằng nỗi đau khôn tả…Ít ra là truyền thuyết nói như thế.”
The Thorn Birds được xuất bản vào mùa xuân 1977 cùng một lúc ở New York, San Francisco, London and Sydney. Ít lâu sau nó được dịch ra bảy thứ tiếng như một tác phẩm đặc sắc có giá trị văn học cho đến ngày nay.
Tác phẩm văn học của Colleen McCullough đặc tả lịch sử của một gia đình lao động từ năm 1915 đến 1965. Sự phát triển tính kế thừa và đổi mới của ba thế hệ gia đình này là mẫu hình thu nhỏ của lịch sử dân tộc. Các thế hệ sau thừa kế những nét tốt đẹp nhất của gia đình tính cần cù, tự chủ, tính kiên cường đón nhận nhừng đòn ác liệt của số phận, lòng tự hào gia đình , song đồng thời có những đổi khác nhịp bước với thời đại. Nếu Fiona gan góc chịu đựng mọi tai họa nhưng cam chịu số phận thì con gái bà Meggie đã tìm cách cướp lấy hạnh phúc của mình từ tay Chúa trời, và Justine, con gái của Meggie là một cô gái hiện đại, có những chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác. Các nhân vật tuy chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình.Sợi chỉ đỏ gắn kết giữa các thế hệ xuyên suốt tác phẩm quyện chặt với những xung đột tâm lý, tinh thần và toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên.
Tác phẩm đã được đạo diễn Daryl Duke dựng thành phim vào năm 1983. Sự khác biệt giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh ở chỗ bộ phim chủ yếu xoáy vào mối tình tay ba giữa Cha Ralph De Bricassart, Meggie Cleary và Chúa trời hơn là tô vẽ cụ thể toàn cảnh lịch sử gia đình Cleary qua từng giai đoạn. Vì vậy ký ức đọng lại cho người xem về The Thorn Birds là một chuyện tình thấm đẫm tro của hoa hồng và nước mắt hơn là một cái nhìn toàn cảnh về số phận của một gia đình tiêu biểu như tác phẩm văn học hướng vào. Dù vậy The Thorn Birds với sự diễn xuất của Richard Chamberlaid (Ralph), Rachel Keily (Meggie) đã giành được giải thưởng Quả cầu vàng cùng năm ấy với giải Emmy giành cho diễn viên xuất sắc Richard và Barbara Stanwyck trong vai Mary Carson. Và trên hết, bộ phim The thorn birds như một nốt ngân vang mãi không dứt trong lòng khán giả.
Tôi đã xem The Thorn Birds khi chỉ là một cô bé mới tập tễnh mở cánh cửa tâm hồn mình vào thế giới điện ảnh, khi mà con mắt nhìn đời, nhìn người vẫn còn đầy màu hồng. Cái nhìn đau đớn và cái ôm ghì đây bất lực của Ralph với Meggie, bộ mặt đây nước mắt và phẫn nộ của Meggie trước sự vô tình độc ác của những người đàn ông xung quanh cô như một vết cứa đâu tiên vào tâm khảm trong tôi cuộc sống không chỉ có một màu. Đã nhiều năm trôi qua, tôi đã trưởng thành hơn nhiều, đã xem rất nhiều thước phim về cuộc sống, về con người, về tình yêu, về sự thất bại, về sự cùng khổ.. không chỉ trên màn ảnh ngay cả trong một phần đời của chính mình. Thế mà ngồi xem lại The Thorn Birds cái cảm giác xót xa vẫn quấn lấy tôi sự vật vã của những người yêu nhau và không yêu nhau…
Trang đầu của tập truyện cũng như thước phim đầu tiên bao giờ cũng dành cho tiếng chim hót trong bụi mận gai. Tác giả đã chọn tựa đề cho cuốn sách của mình từ một truyền thuyết của Úc câu chuyện về tiếng chim hót trong bụi mận gai. Meggie và Ralph đã có một ít ỏi thời gian hạnh phúc với nhau nhưng cả cuộc đời còn lại họ sống trong đau khổ của sự ham muốn gần nhau mãi mãi không bao giờ đạt được.
Tình yêu của Ralph và Meggie không đơn thuần là sự nóng bỏng, cuồng nhiệt như đôi trai gái trẻ tuổi, hay chỉ là nét chín chắn của cặp tình nhân trưởng thành mà là một sự giao thoa giữa sự nồng nàn, cái hừng hực của niềm đam mê bất tận song song với sự sâu lắng tuôn chảy âm thầm vật vã của một tình yêu chân chính. Nỗi ám ảnh, nỗi day dứt về một tình yêu không trọn vẹn đeo đẳng trong tâm khảm của Meggie khiến cô chấp nhận lấy Luke vì how dare someone else have eyes and faces like Father Ralph. Đó là hành động bồng bột chỉ để thỏa mãn cái khát vọng quay quắt được làm chủ một phần nào của Ralph đó là một thứ tình cảm mù quáng muốn mau chóng khỏa lấp cái cảm giác bị chối bỏ tình yêu. Quì trên nền đá cẩm thạch trong nhà nguyện đến tê dại và đau nhức cả toàn thân, cha mới có thể đè nén cái hăm hở muốn đáp ngay chuyến tàu đầu tiên trở về Drogheda. Cha tự thuyết phục mình tuồng như chẳng có gì thay đổi khi cha đã có một phút yếu đuối đáp lại cái hôn của Meggie Thời gian trôi qua mà nỗi đau không giảm bớt. Trái lại nó càng giày vò mãnh liệt, biến thành một khổ hình lạnh lùng gớm ghiếc. Trước sự cô đơn không có diện mạo, cha chưa từng bao giờ nghĩ rằng sẽ có một người bước vào đời cha và có thể chữa lành bệnh cho cha. Bây giờ sự cô đơn có tên: Meggie, Meggie
Tình yêu với những thăng trầm xen kẽ như bản tình ca lúc trầm lúc bổng – Ralph lặng lẽ chăm sóc cô bé Meggie ngày nào với tình yêu lớn dần chật chội trong cái định nghĩa cha xứ – giáo dân, những giây phút khi Ralph thả mình trong những nụ hôn và ôm xiết ngắn ngủi của Meggie những lần ghé thăm Drogheda, sự ấm áp bao la khi Ralph ở bên cạnh Meggie cùng cô vượt cạn, sự thăng hoa khi Ralph tìm gặp Meggie ở Matlock. Để rồi sau đó, lại tiếp tục những tháng ngày đằng đẳng xa cách gậm nhắm nỗi trống vắng, dày vò đến với cả hai…
Cuộc sống là thế sao? Không phải là tất cả nhưng cũng đủ làm người ta quỵ ngã….
Bài viết của blue_chinamoon
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.