Thời phim ‘tung toé’

Chưa bao giờ màn bạc lại tung toé máu thịt nhiều đến thế, ngay cả so với thời phim kinh dị hạng B những năm 1970.

Một người phụ nữ trần truồng nhầy nhụa bị treo lủng lẳng trong kho thịt không hẳn là chuyện lớn. Hay là gã thanh niên đang cố vùng vẫy khỏi sợi xiềng xích ăn vào da thịt mình để gỡ quả bom định giờ ngay trước mắt cũng không là chuyện lớn. Điều khiến Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) lo lắng khi họ xem bộ phim Saw III trong buổi chiếu kiểm định chính là không khí đáng sợ của phần cuối của loạt phim kinh dị bạo lực đẫm máu này. Đạo diễn của bộ phim, Darren Lynn Bousman (27 tuổi), phản bác “Bộ phim này quá u ám ư? Thì đó chính là điều tôi muốn làm. Đây là một phim kinh dị mà?”. Trước khi bộ phim này được đánh giá R (Hạn chế khán giả dưới 17 tuổi vào xem) – mở rộng đối tượng khán giả giả hơn là bị đánh giá NC-17 (Nghiêm cấm khán giả dưới 17 tuổi vào xem), Bousman gọi điện cho một đạo diễn chuyên trị các phim mà khán giả chỉ dám xem qua kẽ tay khác: Rob Zombies, ca sĩ nhạc rock kiêm đạo diễn điện ảnh. “Tôi nói với cậu ta cứ nói chuyện với MPAA với tư cách là nhà làm phim” – Zombies nói “Giải thích vì sao những cảnh bạo lực tột độ đó là cần thiết để kể một câu chuyện mang tính trách nhiệm xã hội cao hơn”. Zombies từng thực hiện bộ phim The Devil's Rejects, được xem là một trong những phim có nhiều cảnh nghệ thuật giết người kinh tởm nhất từ trước tới nay. Zombies cũng thừa nhận anh chả quan tâm gì tới chuyện trách nhiệm xã hội ở đây cả, chỉ đơn giản là nói ra cho có vẻ thuyết phục thế thôi.

Bousman và Zombie đều là thành viên của một loạt tác giả của những phim kinh dị kiểu mới vừa xuất hiện trong vài năm trở lại đây – với tên gọi không chính thức là Hội Tung Toé. Họ là những người được giao gần như toàn quyền quyết định cho phim của mình (thay vì bị nhà sản xuất điều khiển trong suốt quá trình làm phim theo đúng guồng máy của Hollywood) và sử dụng chưa tới 10 triệu đôla của nhà sản xuất và các hãng phim để thực hiện những bộ phim bạo lực tàn khốc kinh tởm không còn gì để nói. Nếu họ thành công, sẽ có một lượng khán giả hâm mộ cuồng nhiệt – quy tụ hầu hết những người quá trẻ để hiểu chết là thế nào một cách nghiêm túc – đem đến lợi nhuận khổng lồ không ngờ tới cho bộ phim. Trên thực tế, vài bộ phim đã đạt doanh thu hơn 100 triệu đôla. Hội Tung Toé này ngày một mở rộng, trong đó có đạo diễn của tập phim Saw đầu tiên, James Wan, và đồng biên kịch của anh, Leigh Whannell; đạo diễn kiêm biên kịch của phim Hostel, Eli Roth; Đạo diễn của phim The Descent, Neil Marshall; và Alexandre Aja, người vừa thực hiện lại thành công bộ phim kinh dị kinh điển về đám người ăn thịt người của Wes Craven năm 1977, The Hills Have Eyes.

Băng ‘ghiền máu’ này ‘nợ’ Whannell và Wan vì những thuận lợi may mắn gần đây, bởi chính hai người này đã khởi đầu cho thể loại phim ‘tung toé’ này khi phim Saw đầu tiên ra mắt năm 2004, khi mà ma rùng rợn kiểu Nhật như The Ring đang được quảng bá rầm rộ. Whannell là người dẫn chương trình truyền hình ở Melbourne, Úc. Anh luôn nghĩ rằng mình có một khối u trong não! Bạn học trường phim của anh, Wan, thì thất nghiệp. “Tôi phải làm gì đó để cảm thấy khoẻ mạnh trở lại” – Whannell nói. Chàng trai 27 lúc đó bị chứng nhức đầu và quyết tập trung viết kịch bản để có thể quên đi sự đau đớn hành hạ. Bộ phim xoay quanh một nhân vật bị ung thư ở giai đoạn cuối, Jigsaw – do nam diễn viên Tobin Bellforces đóng trong cả ba tập – thử nghiệm phản ứng con người khi đối mặt cái chết, họ sẽ làm gì để sống sót. Với 7000 USD tiền dành dụm của Whannell, bộ đôi cùng quay một cảnh 10 phút cực shock tring đó Whannell đóng vai một trong những nạn nhân của Jigsaw đang phải bới tìm chiếc chìa khóa trong bộ ruột của một nạn nhân khác đang nằm bất động trước khi quai hàm bị nứt đôi vì một cái bẫy gấu. Với cảnh quay ngắn đó, hãng phim Evolution Entertainment ở Los Angeles đầu tư thêm 1,2 triệu đôla để làm thành một phim truyện. Bối cảnh phim cực kỳ bẩn thỉu – hầu hết toàn bộ phim xảy ra trong một nhà tám dơ bẩn – và các diễn viên, Danny Glover và Carey Elwes, không quá đắt đỏ. Wan ngồi vào ghế đạo diễn, còn Whannell thủ vai một nạn nhân khác của Jigsaw.

Được hãng Liongate mua và tiếp thị một cách khôn khéo, Saw trở thành một phim thành công vang dội, chứng minh rằng khán giả của dòng phim chính thống vẫn có nhu cầu thưởng ngoạn các phim tàn bạo – ít nhất là nếu bộ phim thuyết phục một cách thông minh. Một tập phim Saw khác ngay tức thì được bấm máy và cho đến nay thì loạt phim này đã ra mắt đến phần 3 (hồi tháng 10.2006, với hơn 3000 màn ảnh tại Mỹ đồng loạt chiếu) thu về hơn 400 triệu đôla trên toàn thế giới và đang tiến hành phần 4. Bộ phim nhắm vào đối tượng khán giả dưới 25 tuổi, thu hút cả nam lẫn nữ. “Nhưng phim kinh dị hay không cần đến ngôi sao, cũng chẳng cần kỹ xảo” Tom Ortenberg, giám đốc phụ trách phát hành phim rạp của Lionsgate nói “Chúng khiến người xem sợ vì những bất ngờ, thông qua kịch bản thông minh và tài đạo diễn của thế hệ trẻ”. Hầu hết những thành viên của Hội Tung Toé này mới làm được hai hay ba phim ở thể loại phim mà hầu hết các nhà phê bình đều né tránh. Nếu có ‘Stanley Kubrick hay Steven Spielberg mới’ lẫn lộn trong số này thì cũng còn quá sớm để mà nói điều gì. Thế nhưng phải thừa nhận rằng những nhà làm phim trẻ này đã làm hồi sinh lại thể loại phim đẫm máu của thập niên 80 hay những phim kinh dị bạo lực học đường của những năm 1990 như Scream, I Know What You Did Last Summer, với một dung mạo khác, không khí khác.

Nội dung căn bản của các phim này chủ yếu xoay quanh một nhóm người bị mắc kẹt ở đâu đó và phải bằng mọi giá, mọi cách, dù tồi tệ kinh tởm khủng khiếp đến chừng nào đi nữa, cũng phải dấn thân làm, hay đạp lên người khác, để sống sót. Càng quái đản, gớkm ghiếc chừng nào càng hay ho chừng đó. Bousman, đạo diễn của Saw III, nói rằng anh lấy cảm hứng cho cảnh trong kho thịt đông từ mùa đông bất tận ở Kansas. “Tôi luôn nghĩ mình sẽ chết vì trời quá lạnh ở ngoài kia. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bị mắc kẹt ở ngoài trời mà không có tấm vải che thân? Ý tưởng đến từ đời thực, chúng tôi nắm bắt và nghĩ xa hơn”

Phim Hostel của Roth, nói về một nhóm thanh niên đi du lịch ba lô ở châu Âu và bị mắc kẹt trong một nhà trọ kinh hoàng ở Slovakia, được lấy cảm hứng từ một trang quảng cáo nhà trọ của Thái Lan. Roth kể rằng anh tìm thấy trên mạng một mẩu quảng cáo một club ở Thái treo giải 10.000 đôla cho ai dám bắn người khác! Các cảnh tra tấn trong phim Roth tìm thấy khi nghiên cứu về phát xít châu Âu. Hostel đoạt giải Cảnh Thương Tật Đáng Nhớ Nhất của giải thưởng mang tên Scream (kiểu giải Quả Cầu Vàng dành riêng cho thể loại phim kinh dị) với cảnh một gã giàu sụ người Mỹ trả tiền để được hàn con ngươi của một cô gái Nhật. Về sau, Roth tìm ra rằng màn tra tấn bằng đèn hàn được người Iraq sử dụng trong thời của Saddam Hussein. DVD của bộ phim này hạ gục doanh số của bộ phim gia đình The Chronicles of Narnia khi tung ra thị trường hồi năm ngoái. “Mọi người nói ‘Làm sao anh cho ra cái phim kinh như thế chứ’, nhưng nó đã ra đời đó thôi”. Trong cuộc phỏng vấn trên Fox News, Roth tuyên bố rằng chính vì George Bush, Dick Cheney và Donald Rumsfeld mà người Mỹ ngày càng thích xem phim kinh dị. “Bạn quá sợ thì bạn chỉ muốn hét lên”.

Hội Tung Toé này toàn những kẻ có vấn đề về tâm lý. Thế nhưng dù tác phẩm của họ như vậy, các đạo diễn trẻ này cũng như bao người bình thường khác. Thực tế, nhưng biên kịch và đạo diễn của đợt sóng phim kinh dị mới này hầu hết là những chàng trai trẻ hiền lành đến từ vùng ngoại ô, trải qua thời thơ ấu với những đêm lén lút xem những bộ phim như The Shining trong khi bố mẹ đang ngủ ở phòng bên. Các ‘cựu chiến binh’ của thể lại này, như đạo diễn Wes Caven và Tobe Hooper (The Texas Chain Saw Massacre) luôn chào đón những gương mặt mới, mời họ đến dự những bữa tiệc linh đình dành cho Bậc thầy của Phim Kinh Dị ở Hollywood (với sự tham dự của các đạo diễn nổi tiếng, trong đó có Quentin Tarantino và Robert Rodriguez, bộ đôi đang đồng đạo diễn một phim ‘tung toé’ khác sẽ ra mắt vào năm sau. “Tôi rất vui khi là một phần của đợt sóng này. Mọi người phát rồ vì người khác” – Roth nói.

Năm sau, các phim tung toé sẽ tiếp tục tung hoành màn bạc. Đầu năm là Turistas, một dạng Hostel nhưng thay bối cảnh ở Brazil. Hai đạo diễn Tarantino và Rodriguez cùng hợp tác làm bộ phim Grindhouse, mà chỉ mới đoạn quảng cáo đã có thể mường tượng ra mức độ ‘tung toé’ của phim này. Hostel: Part II, The Hills Have Eyes IISaw IV cũng sẵn sàng ra mắt khán giả. Thế nhưng biết đâu, quá nhiều đẫm máu cũng khiến người xem ngán đến tận cổ và trào lưu này sẽ sớm tàn lụi ngay trong năm 2007 này!

 

(theo The Splat Pack của Rebecca Winters Keegan đăng trên tạp chí Time – 2006)

Bài đăng trên tạp chí Đàn Ông số ra ngày 30 tháng 1.2007


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Thời phim ‘tung toé’”

  1. thantrongtuananh Avatar
    thantrongtuananh

    phải công nhận thế hệ phim kinh dị mới này kinh dị hơn nhiều. nhưng nó còn đáng sợ hơn nhiều khi nghĩ đến hậu quả sau này: sẽ có bao nhiêu ngươi nhập tâm và tập là Jigsaw? bao nhiêu trò mọi rợ sẽ được hiện thực hóa? Bin laden hồi đó đã chẳng phải cho lính xem phim hình sự Mỹ để chúng hiểu được cách dàn binh bố trận của Mỹ đấy sao. càng nghĩ thấy càng sợ hãi

  2. nemo Avatar
    nemo

    cái saw công nhận xem mà máu me rợn người, nhưng phần nào hình như cũng mở màn bằng việc 1 nạ nhân bị bắt và đặt trước 1cái tivi và tìm cách giải thoát cho mình, dù đo là 1 việc ko tưởng.

    Phim ma dạo này cũng đã lùi bước để nhường đất lại cho phim kinh dị người giết người như vậy mới tả thực hơn hay sao đó 😀

  3. younggun1894 Avatar
    younggun1894

    Hồi đó xem Saw ấn tượng vì nội dung film khi 1 gã sát nhân, mà cũng ko phải là kẻ sát nhân?!, hắn chỉ “sắp xếp” sao đó cho nạn nhân tự tìm đường chết và bất ngờ nhất là cuối film Saw, khi hắn đóng vai 1 xác chết nằm bất động từ đầu đến cuối film và từ từ thưởng thức màn kịch hắn “viết”…Giờ qua Saw II rồi đến III thấy chán ngán quá, nhất là Saw II vô lý đến cùng cực 😀 ấy thế mà người ta còn hứa hẹn cho ra cả Saw V còn Saw IV thì mùa Holloween năm 2007 này sẽ ra. Năm nay mong cờ mỗi Grindhouse >.< dần dần cũng ngán mấy phim kinh dị này lắm rồi, thay vì cứ giết mãi heo, gà, bò, vịt...thì người ta thay bằng người !

Leave a Reply