Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Lê Lựu. Sau 16 năm theo đuổi kể từ khi đọc tác phẩm văn học này (1989), đạo diễn Hồ Quang Minh đã cho ra mắt phim vào cuối năm 2004 và nó đã gây một tiếng vang từ trong đến ngoài Việt Nam sau Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ 14
Đạo Diễn Hồ Quang Minh là 1 Tiến sĩ, du học ở Thụy Sỹ tốt nghiệp năm 1979 khi tròn 28 tuổi. Ngay sau đó, ông đã khăn gói sang Paris học đạo diễn và 2 năm sau thì tốt nghiệp. Ròng rã theo đuổi suốt 16 năm trời để thực hiện bộ phim, quả là tâm huyết không nhỏ đối với 1 người đạo diễn. Chính điều này đã làm cho nhà văn Lê Lựu yên tâm mà trao đứa con tinh thần của mình cho 1 đạo diễn Việt Kiều.
Câu chuyện kể về cuộc đời cậu bé Sài và hai mốc thời gian chính trong phim là khi cậu lấy vợ và thời gian cậu đi bộ đội. Những ai từng đọc Thời Xa Vắng sẽ thấy bộ phim đã được điều chỉnh 1 số chi tiết và nội dung của truyện không chỉ ngắn như trong phim. Một tác phẩm văn học được đưa vào điện ảnh không khó nhưng cái khó là đưa những gì để thể hiện rõ những ý đồ của nhà văn, toát lên cái bản chất chính của nhân vật và mô tả khắc họa được không gian lẫn thời gian trong truyện. Đó mới là cái khó của đạo diễn.
Và bộ phim thực sự làm người viết bất ngờ. Phải nói là bất ngờ. Một phim về đề tài tình yêu được đặt trong bối cảnh những năm 50 ở miền Bắc Việt Nam, sau những năm tháng 1945 đói rét và khủng hoảng. Cái nền trong phim là thế, khi mà cả miền Bắc đang cố gắng sống vật vờ để tự cứu mình và phải gánh luôn cả miền Nam nhưng bộ phim lại không hề đả động gì đến chiến tranh. Cái hay của đạo diễn Minh là ở chỗ này. Xem 1 phim lấy bối cảnh trước giải phóng, hầu như phim nào cũng đều lồng khung cảnh chiến tranh vào phim. Thì bởi vì thời đó là thời chiến, nhưng với Hồ Quang Minh, các bạn sẽ chẳng thấy 1 khung cảnh chiến tranh nào ngoại trừ 1 cảnh duy nhất là “chạy máy bay B52” . Mà cảnh này lại rất có ý đồ, có còi hụ sơ tán đó, có tiếng máy bay gầm rú đó, và có cả bà con vào hầm trú ẩn đó, nhưng cảnh này lại không phải nói lên việc đó mà lý giải cho cái tình cờ của Tuyết và Hương.
Cái hay khác ở bộ phim là đã khắc họa được nhân vật Sài rất giống Sài của Lê Lựu. Một Sài khi bé thì lầm lì nhưng hiếu động và rất muốn gia nhập đội thiếu niên tiền phong. Mà thực chất cậu bé ấy có biết gì về thiếu niên tiền phong mà chỉ cố gắng theo lời bố và Bác Tính, người anh đang tham gia kháng chiến của mình. Một Sài tuy nhanh nhẹn và thông minh với cuộc sống xung quanh nhưng sống co rút với chính cuộc đời của mình. Cậu bé không có chỗ dựa tinh thần nào ngoài ông đò mà cậu luôn tới đó khi có những dằn vặt xung đội trong người cậu.
Cái thành công của Ngô Thế Quân khi đảm nhiệm được Sài khi lớn là ở dáng vóc và giọng nói của anh. Cái dáng vóc khù khờ lù đù thế nào ấy, rất khó tả lại chính là cái dáng vóc của Sài mà nhà văn Lê Lựu mô tả. Sài lớn là 1 người có chí hướng. Quyết tâm theo cách mạnh nhưng anh vẫn không thoát khỏi cái nỗi khổ của chính bản thân mình và gia đình. Từ bé đến lớn, anh luôn quay lưng với người vợ của mình dù sống chung bao năm. Và khi trưởng thành, anh lại là một con người nhút nhát, không có bản lĩnh và trở thành một nạn nhân của những người tốt bụng xung quanh, những người không hiểu anh, vô hình dung đã đẩy anh vào một con đường khó xử. Anh chỉ biết cúi đầu để “cố gắng làm vừa lòng thủ trưởng” mà không thể thoát ra được bởi chính mình. Cái chỗ dựa duy tinh thần nhất của anh đã không còn. Anh đâm ra buông lửng số phận của chính anh, của tình yêu mà anh đang mong muốn vào cái mục đích thứ 2 – gia nhập Đảng cộng sản. Mà cái mục tiêu gia nhập Đảng cũng chả phải mục tiêu anh muốn có được. Tất cả đều do các đồng chí thủ trưởng vẽ ra cho anh. Anh chỉ biết chấp hành.
Cái giọng khàn khàn the thé của Sài đã toát lên hình ảnh của một chàng thanh niên nông dân nhà quê, lù đù và giọng thì như vịt đực. Một Sài với tính cách không mạnh mẽ và thiếu bản lĩnh, luôn luôn cúi đầu và không thể tự quyết định số phận của mình.
Về Phương Dung, chị đã thể hiện 1 vai diễn có thể gọi là tâm đắc trong đời. Một diễn viên Sài Gòn đậm chất Nam Bộ nhưng lại vào vai một người vợ quê mùa Bắc Bộ những năm 50 với áo tứ thân mộc, răng đen, chân đất…đã được Phương Dung thể hiện không đâu chê được. Cái nét mặt khi chị thể hiện tâm trạng khổ và bất hạnh của Tuyết làm người xem phải suy nghĩ rất nhiều, ám ảnh cũng rất nhiều. Hình ảnh một Tuyết vì tập tục phải chịu cảnh ” bà rằng bà rí “ cho tròn chữ Hiếu với song thân. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phận gái áo mặc không quá khỏi đầu đã đưa cuộc đời Tuyết vào ngõ cụt. Chồng bé tí, sống ở nhà chồng mà chẳng khác nào làm thuê không công nhưng chị vẫn nhẫn nhục như lời mẹ bảo “Chịu khổ vài năm, rồi đâu sẽ vào đấy con ạ !”. Nhưng cái “vài năm” đó đã kéo dài suốt cả một cuộc đời của chị.
Nụ cười của Tuyết ở cuối phim nó làm đau lòng khán giả quá. Cái nụ cười méo mó, gượng gạo nhưng xen lẫn hạnh phúc của Tuyết đã mô tả rất thực nỗi bất hạnh mà Tuyết đã phải chịu bao năm qua, chứa đựng một gánh nặng xót xa cay đắng của một đời phụ nữ nông thôn. Mang tiếng có chồng nhưng cả hai chỉ chung đêm có đúng 1 lần. Mang tiếng có chồng nhưng chồng lại lạnh lùng từ khi mới cưới đến lúc đầu bạc. Mang tiếng có chồng nhưng lại không được sống chung với chồng. Và khi có được con thì phải còng lưng nuôi con 1 mình cho đến khi đứa con gái trở thành thiếu nữ. Cái nỗi bất hạnh đó không bao giờ có thể tả nổi và có lẽ là nỗi bất hạnh nhất của một đời người con gái.
Bộ phim mô tả rất thực cái không gian Bắc Bộ với những cảnh đồng quê, đường làng, mái đình, cây đa, bến nước. Những cảnh chợ người buổi đêm rồi hình ảnh nông dân ra đồng với áo tơi, cái cày…những cảnh phim như thế nó giá trị làm sao để lớp con cháu sau này biết được rõ cuộc sống của các cụ thời ấy mà trước giờ chỉ được biết đến qua trí tưởng tượng khi đọc các tác phẩm văn học.
Mặc dù hay nhưng phim vẫn có một vài thiếu sót như những đoạn cao trào trong cuộc đời Sài : lúc với Hương trên thuyền và lúc với Tuyết khi “thủ trưởng” khuyến khích nên mô tả sâu hơn, nhiều hơn để thấy được một anh Sài mơ mộng lãng mạn nhưng hèn nhát và thiếu bản lĩnh.
Nhắc đạo diễn, diễn viên mà không nhắc tới quay phim thì thật thiếu sót. Quay phim Trần Hùng đã đi vào những chi tiết rất nhỏ trong bộ phim mà thể hiện từng vật thể cũng rất nhỏ trong đó. Từ những cành làng quê Việt Nam xanh rì, thanh bình, náo nhiệt đến những ánh đèn dầu, cái loa phóng thanh, chiếc xe đạp, cái chậu, cái bát ăn cơm hay ống điếu cầy đều hiện lên mồn một nhưng không quá rõ. Nó cứ lấp lánh lập lòe trong cái thứ ánh sáng nửa tỏ nửa mờ, nửa bập bùng nhưng cũng nửa le lói. Thật đầy tài năng.
Thật tiếc là Thời Xa Vắng không câu được Cánh diều nào hay hái được Bông Sen gì sất nhưng mà nó cũng ôm trong tay 4 giải thưởng quốc tế trong đó có giải Kỳ Lân Vàng ở Pháp, một giải cao qúy nhất của Điện Ảnh Pháp bây giờ.
Thời Xa Vắng, một phim đậm nét văn học “trăm phần trăm”, hơn Mê Thảo “một phần hai” và Nữ Tướng Cướp thì chưa đáng ở “một phần mười”
hungviet@moviesboom
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.