Thư ký trường quay (TKTQ) là người đầu tiên được đạo diễn giao kịch bản, bởi họ sẽ là người đi theo đoàn làm phim suốt từ giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn quay và cả giai đoạn hậu kỳ của bộ phim.
Những năm đầu của điện ảnh VN, nhận kịch bản từ những bản chép tay đầy vết gạch xóa nhằng nhịt của đạo diễn, thư ký phải lọ mọtìm những trang viết sửa chữa quá nhiều để chép lại cho sạch sẽ, rõ ràng. Công việc tiếp theo là : tổng hợp bối cảnh. Có nghĩa là xem trong bộ phim đó có bao nhiêu bối cảnh? Trong mỗi bối cảnh có bao nhiêu đoạn? Bao nhiêu cảnh? Rồi phân chia tính toán xem có bao nhiêu cảnh quay nội đêm , ngày? Bao nhiêu cảnh quay ngoại đêm, ngày? Bao nhiêu cảnh nội, ngoại đêm?Nội, ngoại ngày kết hợp….đây là một công việc tỉ mỉ, cẩn thận và phải rất khoa học. Bởi chỉ lơ là một chút, TKTQ để xót một cảnh trong bối cảnh nào đó thì cả đoàn lại phải đến bối cảnh đó để quay bổ sung. Nghe thật đơn giản : quay bổ sung nhưng lại là một cuộc bày binh bố trận tất bật những gì mà trong bối cảnh đã dùng trước đây : đạo cụ, phục trang và cả rắc co bố cảnh nữa, Đã có trường hợp, sau khi đoàn phim rút khỏi bối cảnh được ba ngày, TKTQ mới phát hiện ra còn 2 cảnh chưa quay nhưng khi quay lại bối cảnh cũ thì ngôi nhà đã được quét vôi sửa sang mới khắc hẳn lúc trước. Đoàn phim đành phải tìm cách ăn gian ở một nơi khác gần giống bối cảnh trước đây vậy.
Việc tiếp theo là TKTQ phải tính số mét cho từng cảnh quay, từ đó biết được tổng độ dài, ngắn của phim để đạo diễn có thể điều chỉnh. Khi làm việc này, TKTQ phải dùng đồng hồ để bấm giây, đọc từng cảnh trong kịch bản theo tốc độ bình thường rồi hình dung diễn xuất của diễn viên để xác định chính xác số mét từng cảnh trên cơ sở số mét được tính cho từng nhân vật trong phim mà chủ nhiệm sẽ tính cátxe để ký hợp đồng với diễn viên.
TKTQ còn phải chuẩn bị mua sắm văn phòng phẩm: bút bi nhiều màu, bút dạ, bút viết bản mica, giấy, đồng hồ bấm giây làm clap để ghi bối cảnh và đa số cảnh quay..những thứ cần thiết phục vụ trong giai đoạn quay. Nói về công việc của mình, thư ký Nguyễn Hồng Ngọc đã ví một câu để những người ngoài nghề dễ hiểu :
_ TKTQ như công việc của một bà hàng xén ấy, lắt nhắt và phải nhớ nhiều mặt hàng một cách khoa học.
Bước vào giai đoạn quay thì mọi người mới thấu hiểu được cái tỉ bận rộn của TKTQ. Ngay khi diễn viên bắt đầu tập với máy quay, TKTQ là người luôn phải ngồi liền kề dưới chân máy, phải lăm lăm cầm đồng hồ bấm để kiểm tra từng đúp tập. Phải thường xuyên báo với đạo diễn số mét của từng cảnh để nếu muốn đạo diễn có thể gộp cảnh hoặc điều chỉnh số mét cho phù hợp với tiết tấu mà anh ta mong muốn. Ngoài ra, TKTQ còn phải báo số mét cảnh cho nhân viên kỹ thuật hình để anh ta tính toán xem có phải thay cassette phim hay không. Ví như cảnh quay dài 30m mà cassette lắp trên máy chỉ còn 20m thì nhân viên kỹ thuật hình phải thay một cái set phim mới 20m phim đó sẽ dành lại cho những cảnh ngắn hơn.
Sau khi quay đúp 1, TKTQ phải ghi ngay bên cạnh đoạn vừa quay rắc co về trang phục của diễn viên, đạo cụ trong bối cảnh và đặc biệt trạng thái tâm lý của diễn viên ở thời điểm dừng quay. Cùng lúc đó, TKTQ còn lưu ý đến lời thoại của diễn viên trong từng đúp diễn, đánh dấu những từ nói sai của diễn viên trong từng đúp theo màu bút bi hoặc bằng ký hiệu riêng của mỗi người. Nếu diễn viên nói sai từ mà không ảnh hưởng đến ý của câu thì TKTQ sẽ báo với đạo diễn xem có thể đồng ý bỏ qua, nếu từ sai ảnh hưởng đến ý của câu thì phải quay lại.
Hiện nay thư ký có thể dùng máy cassette để ghi lại lời thoại của diễn viên khi quay, và có thể tranh thủ lúc chuyển cảnh nghe lại băng để sửa lời. Thiết bị này cũng không thuận lợi lắm bởi phim của ta không thu tiếng đồng thời nên cassette thu lời thoại diễn viên có nhiều tạp âm, rất khó nghe. Nhưng đôi khi chiếc máy cassette cũng là động lực khá hiệu quả thúc đẩy diễn viên phải tập trung để nhớ lời thoại của mình.
Mỗi khi chuyển bối cảnh, chuyển cảnh hoặc chỉ là chuyển hướng máy quay thì TKTQ phải nhắc nhở diễn viên về rắc co phục trang, cho dù bộ phận phục trang cũng ghi và theo dõi trang phục cho diễn viên. Về chuyện này đã có lần cả đoàn phim phải dừng cảnh quay chỉ vì một câu không tự tin lắm về phục trang của một diễn viên.
_Hình như hôm trước mình mặt áo khác hay sao ấy?
TKTQ giở kịch bản : đúng phục trang này rồi, nhưng anh sắn tay áo trát lên đến khuỷu mới đúng.
Anh diễn viên vẫn phân vân, đạo diễn không an tâm. Cuối cùng cả đoàn chờ bộ phận phục trang giở kịch bản so với ghi chép của TKTQ thấy chính xác mới an tâm bấm máy.
Khác với một số thành phần : hoá trang, kỹ thuật hình, ánh sáng…chỉ theo đoàn phim trong thời gian quay, TKTQ phải theo phim suốt cả phần hậu kỳ: dựng phim, lồng tiếng, hoà âm…và cho tới khi bộ phim hoàn thành. Kết thúc giai đoạn quay, trên cơ sở kịch bản đã ghi chép TKTQ phải bám sát công việc chọn nháp của đạo diễn và dựng phim. Với bản nháp đã được dựng TKTQ phải so sánh và khớp phần lời thoại cho các nhân vật. Thành phần chủ yếu đoàn phim và Hội đồng nghệ thuật của hãng sẽ duyệt nháp với sự thuyết minh (kịch bản lời) của TKTQ. Sau những góp ý sửa sang của Hội đồng nghệ thuật, TKTQ càng phải bám sát công việc dựng của đạo diễn để có được kịch bản lời chinh xác cho phim. Ở giai đoạn lồng tiếng, TKTQ giúp diễn viên lồng tiếng nói đúng với tâm trạng của nhân vật trong từng hoàn cảnh trong phim. Đôi khi phải cùng với đạo diễn tìm giúp một hoặc hai từ cho thuận và phù hợp trong từng tình huống cần phải sửa lời.
Bước vào hoà âm, TKTQ chỉnh thật kỹ kịch bản dựng cho tới khi phim ra được bản đầu một (bản phim hoàn chỉnh đầu tiên). Công việc của TKTQ sẽ kết thúc khi bản phim đầu cùng với kịch bản dựng (list montage) nó như là một bộ phim trên giấy hoàn thành.
Trần Hoàng)
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.