Tín hiệu mừng nào cho điện ảnh Việt Nam?

Cách đây vài năm, khi mà Gái nhảy lập nên kỳ tích doanh thu, chứng minh rằng khán giả chưa quay lưng với phim trong nước, những người lạc quan tin tưởng rằng ‘Thời của điện ảnh Việt Nam’ đã đến. Sau ba năm, dù số lượng phim ‘có khán giả’ đã tăng lên, sự quan tâm của báo chí với điện ảnh nước nhà cũng tăng lên, nhưng tín hiệu vui nào cho điện ảnh Việt Nam khi nhìn lại điện ảnh năm 2006, đã có thể thấy những dấu hiệu của sự trì trệ, dậm chân tại chỗ.

TƯ NHÂN ‘ĐỤNG ĐỘ’ NHÀ NƯỚC?

Dễ thấy rằng phim của tư nhân làm thì đông khán giả, tranh nhau ra rạp vào mùa Tết với đủ các chiêu thức quảng bá, tiếp thị, nhưng dù phim có làm tốt về mặt kỹ thuật hay nội dung thì vẫn bị xem thường là ‘hạng phim mì ăn liền’; trong khi phim của nhà nước thì có khua chiêng gõ mõ, báo chí ủng hộ nhiệt liệt, đoạt đủ các kiểu giải thưởng trong nước lẫn quốc tế thì khán giả cũng chẳng buồn ra rạp xem, kể cả khi được tặng vé mời! Các hãng phim Nhà nước thì trách móc các hãng phim tư nhân tung tiền ra để chèo kéo người tài của hãng mình ra ngoài (trong khi những ‘người tài’ này chẳng mấy khi được chính hãng phim của họ cho tiền làm phim vì mỗi năm cũng chỉ vài phim được Nhà Nước tài trợ), còn những hãng phim tư nhân thì phải lên kế hoạch sả xuất kỹ lưỡng để làm phim không lỗ vốn chứ chẳng sướng như các hãng Nhà Nước làm phim tiền tỉ nhưng chẳng cần quan tâm đến phim có thu được đồng nào, hay có chiếu ra rạp xuất nào hay không! Ngay cả giải thưởng Cánh Diều Vàng ngày một trở thành cuộc chơi của các hãng phim Nhà Nước hơn là một giải thưởng công bằng thật sự: có những phim đoạt giải Cánh diều từ bao nhiêu năm trước đến nay vẫn chưa một ngày ra rạp (như phim Trò đùa thiên lôi, mà như một số người vẫn ca tụng là ‘phim kết hợp yếu tố nghệ thuật với thị trường’, mà phải xem rồi thì mới hiểu vì sao phim không bao giờ (nên) ra rạp).

PHÊ BÌNH PHIM: CON DAO HAI LƯỠI

Nhưng điều đáng nói nhất chính là phê bình phim. Một nền điện ảnh chuyên nghiệp cần có một đội ngũ phê bình phim chuyên nghiệp, am hiểu chuyên môn nhằm phê bình, định hướng người xem lẫn người làm phim. Trong khi đó, phê bình phim ở Việt Nam dường như chỉ là con số không, với những bài ‘phê bình’ chủ yếu là tường thuật nội dung phim (và luôn mắc lỗi nghiêm trọng cần tránh của những người viết phê bình là… tiết lộ đoạn kết) cộng thêm những nhận định chủ quan cảm tính và đôi khi sai cả nội dung phim! Sự nỗ lực của các nhà làm phim tạo dựng một không khí, phong cách phim ảnh trẻ trung, tươi mới được các nhà báo ‘gắn mác’ ‘Phim Việt hương Hàn’ không chỉ làm các nhà làm phim khó chịu mà còn khiến những người có kiến thức phim ảnh thấy rằng người viết rất hạn chế kiến thức về phim ảnh. Nhận định những môtip ‘người mẫu đóng phim, áo quần thời trang, ung thư, tình tay ba, tay tư’ của các phim Việt Nam gần đây là ‘copy’ từ phim Hàn Quốc cho thấy một điểm đáng báo động: khán giả lẫn giới truyền thông Việt Nam đang bị ‘lậm’ bởi điện ảnh Hàn Quốc mà không nhìn thấy được thế giới điện ảnh bên ngoài, bởi những ‘người mẫu đóng phim, áo quần thời trang, ung thư, tình tay ba, tay tư’ đó không chỉ có trong phim Hàn Quốc mà những phim bộ của Hồng Kông do hãng TVB thực hiện đã ‘nghiền nát’ từ 10 năm trước. Khi mà phê bình phim chưa trang bị đầy đủ kiến thức, thì người xem mất hết niềm tin vào giới phê bình, còn nhà làm phim thì khinh thường những bài bình luận và bỏ ngoài tai những lời góp ý. Đó cũng là lý do mà khán giả vẫn thích ùa nhau đi xem các phim mà báo chí đánh giá ‘mỳ ăn liền’ và tránh xa các phim được ca tụng là ‘đậm chất nhân văn, thấm đẫm nghệ thuật với các giải thưởng danh giá’.

TÍN HIỆU MỪNG NÀO CHO ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM?

Tín hiệu đáng mừng nhất chính là việc Nhà Nước quyết định ngừng tài trợ cho các hãng phim Nhà Nước làm các phim xếp kho không người xem. Chỉ khi nào nhà làm phim nghĩ đến khán giả, lúc đó mới có thị trường khán giả. Dân số Việt Nam là 84 triệu người, nhưng liệu có bao nhiêu người trong số đó tiếp cận với phim ảnh, truyền hình? Có bao nhiêu phim thực sự làm cho thị hiếu của nông dân hay tiểu thương – mà mặt bằng chung thẳng thắn thừa nhận là khá thấp vì không được hưởng thụ một nền giáo dục tiếp nhận văn hoá như tầng lớp khán giả mà các nhà làm phim hiện nay đa phần đang nhắm đến? Khi mà những người như Giám đốc của hãng phim Truyền Hình Việt Nam Khải Hưng vẫn còn xem thường số đông khán giả này khi phát biểu rằng ‘dùng sóng truyền hình cho những bà nội trợ thì quá uổng’ thì truyền hình và điện ảnh Việt Nam vẫn không thể nào phát triển được. Tín hiệu mừng nào cho điện ảnh Việt Nam? Là khi thị hiếu số đông được đáp ứng ở mức thấp nhất, để rồi khi nhà làm phim nắm bắt được thị hiếu của họ, họ sẽ nâng cao thị hiếu thẩm mỹ này lên từng chút một. Để làm được điều đó, khi mà phê bình phim thì vẫn là con số không, những nhà quản lý thì không xem khán giả số đông ra gì, thì có lẽ vẫn còn lâu lắm…


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply