“Vào Nam hay ra Bắc?” đến phút cuối cùng, câu hỏi ấy lại vang lên trong đầu Quang. Bé Nụ đang nhìn anh đầy căm phẫn “Chú nói dối. Chú hèn nhát…Chú không dám ra chiến trường. Chú sợ chết” Niềm tin mà Nụ đặt vào Quang, vào “chú bộ đội làm nhiệm vụ bí mật” bị anh phá vỡ…Những sợ hãi sự khốc liệt của chiến tranh, cái chết, sự gian khổ trong Quang tan biến hết, anh cầm lá thư mà Nụ muốn anh nhờ gửi cho bố ở chiến trường vội vã nhảy lên tàu chở bộ đội tiến vào chiến trường miền Nam. Và Quang cũng nhờ đó mà thoát được những người dân quân đang truy lùng anh vì tội đào ngũ…
Không có nhiều cảnh hoành tráng thường thấy trong các phim đề tài chiến tranh, “Vào Nam Ra Bắc” vẽ lên một bức tranh trong sáng hiếm có giữa mảng phim chiến tranh đã được làm nhiều mà đa phần là những gam tối bi kịch. Câu chuyện về một anh bộ đội trẻ trung yêu đời, đến phút lên đường ra mặt trận lại sợ hãi “chết mà chưa một lần biết mùi con gái” đã tìm cách đào ngũ quay về. Trong khi chờ tàu ra Bắc chạy ngang qua, anh gặp một cô bé ngây thơ và sự hồn nhiên, lòng tin yêu của cô bé, của người dân, của những cô gái dân quân đã thức tỉnh anh. Sau chiến tranh, anh vô tình gặp lại một cô gái trong vũ trường và những kỷ niệm cũ cứ quay về…
Với kịch bản trong sáng, đơn giản, bộ phim thành công bởi sự diễn xuất của bé Vũ Phương Thanh trong vai Nụ lúc nhỏ. Hồn nhiên, vô tư, không hề giả tạo, Phương Thanh làm người xem bật cười cùng em bởi cái tính lí lắc trẻ con, như những câu thoại ngộ nghĩ “trưa nắng thế này đến người còn chui vào bụi chứ nói gì đến cua”, rồi mọi người rưng rưng nước mắt cùng em “Lúc bố cháu đi, cháu không khóc, mẹ bảo như thế là không thương bố. nhưng lúc ấy cháu còn bé, cháu đâu biết. Nếu bây giờ cháu tiễn bố đi, cháu sẽ khóc…” Bé Nụ vừa nói, vừa khóc với Quang, và cả hai chú cháu nhìn về phía Nam, nơi chiến trường đang dầu sôi lửa bỏng. Đó là một trong những cảnh diễn rất thật của Phương Thanh. Mỗi nụ cười, ánh mắt, cách cắn ngón tay và cả những giọt nước mắt đều mang những cảm xúc rất thật, rất riêng. Có lẽ Phương Thanh là diễn viên nhí xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, từ mặt diễn xuất đến lồng tiếng.
Vai chú bộ đội do Lê Hồng Quang thủ diễn cũng khá sinh động. Trẻ, đẹp trai, dễ thương, trắng trẻo và tươi sáng, lợi thế ngoại hình đó giúp Quang nhanh chóng gây cảm tình nơi người xem. Dí dỏm trong tình tiết, những đoạn diễn nho nhỏ cũng làm cho vai diễn của Quang sinh động và thành công, tuy dôi chỗ còn gượng gạo.
Không thể không nói đến đạo diễn của phim, người được xem như làm nên sự thành công nhất của phim bởi anh đã làm được một phim Việt Nam xem được, xem cuốn hút. Đầu tiên nói về cảnh quay (phải khen ngợi nhà quay phim), những vườn khoai mì xanh ngắt, ba bóng người lang thanh váo buổi chiều mặt trời đỏ au, con thuyền giấy trôi lượn lờ giữa hố bom, hai chú cháu nô đùa giữa những thảm cỏ úa vàng là những cảnh quay mang nhiều ngôn ngữ điện ảnh cũng như rất ấn tượng về góc độ và màu sắc.
Phi Tiến Sơn biết chăm chút tiểu tiết, việc làm mà nhiều đạo diễn khác của VN bỏ quên do chỉ chạy theo những đề tài to tát. Chi tiết Quang cắn từng cánh hoa cúc dại (hoa làng nhàng???) để ăn cho đỡ đói thật đầy chất thơ, lãng mạng và đẹp…Chi tiết Quang tưởng tượng hình ảnh người vợ và con của mình theo tưởng tượng của đồng đội khá dí dỏm. Chi tiết Quang được bà nông dân tắm và các cô gái thì cứ rúc rích cười, rồi bà lão la lên “bà con xem lưng nó có nốt ruồi này” rất hài hước mà ý nhị. Hay chi tiết chiếc tàu mà Quang làm cho bé Nụ, rồi cô bạn nhỏ của Nụ ganh tỵ đứng mách trong lớp, rồi những màn bi hùng cứu người trong bom đạn sau đó quả thực rất cảm động.Giới thiệu được hai gương mặt mới (trong đó bé Phương Thanh lần đầu đóng phim), thử nghiệm đề tài mới (những gam sáng của chiến tranh), chính là nét trẻ của Phi Tiến Sơn. Cảnh quay đẹp, nhạc phim hay, âm thanh khá phù hợp và logic, những chi tiết hài nho nhỏ xen suốt chiều dài phim đã làm cho Vào Nam Ra Bắc tươi tắn, nhẹ nhàng hơn. Bỏ qua những vụng về trong kỹ xảo chiến tranh, những màn cháy nổ, bỏ qua cái kết không thực sự xuất sắc lắm (mà dù sao anh cũng gỡ lại một câu của Hương (Thuý Loan đóng – không hay, đóng gượng) khá hay “Sao tụi bây biết tao không phải là bé Nụ”), bỏ qua phần âm thanh còn bị hạn chế nhiều bởi kỹ thuật….thì phim của Phi Tiến Sơn có thể nói là một trong những số ít phim Việt Nam xem được, hay và phù hợp với giới trẻ…
Một lời khen cho bộ phim!
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.