Tên thật:
Lâm Thanh Tòng
Ngày sinh: 1940-00-00 Nơi sinh: Đồng Tháp Gia đình: Vợ & 2 con

Lâm Tới

Sự xuất hiện của người nghệ sĩ nhân dân Lâm Tới trong bộ phim truyền hình Đồng tiền xương máu đánh dấu một bước ngoặt bất ngờ trong cuộc đời diễn xuất của ông, Bởi vì tuổi già, sức yếu, bệnh hoạn triền miên gần như chôn vùi một thời vàng son nghệ thuật của ông ra khỏi sự hiểu biết của giới trẻ hiện nay. Lâm Tới – Mùa gió chướng, Lâm Tới – Cánh đồng hoang. Tất cả như trở thành huyền thoại điện ảnh xa xưa, dù chỉ mới cách đây ¼ thế kỷ. Ông Khải trong Đồng tiền xương máu là một sự bật dậy mãnh liệt của Lâm Tới về khát vọng sống, khát vọng được làm việc của một nghệ sĩ mà thời gian đã không còn tạo cho người ta những cơ hội. Mười một tập phim, in hằn một nét diễn chững chạc, sắc cạnh tâm lý của một cán bộ đứng trước thời cuộc đổi mới, đứng trước những phân tán tư duy sống ngay chính con cái trong gia đình. Một tính cách đầy phức tạp, vừa điển hình cũng vừa rất riêng. Nhân vật Khải hoàn toàn không dễ thể hiện. Nhưng Lâm Tới, một “cựu binh” điện ảnh lẫy lừng ngày nào, đã đem đến cho người xem sự đồng cảm hết sức thú vị.

Thật ra, nhắc đến Lâm Tới, người ta hay nhắc tới Cánh đồng hoang, bộ phim gắn liền với tên tuổi của anh, đưa anh vào danh sách “top ten” của nhân vật các bộ phim kinh điển Việt Nam – vai Ba Đô – chàng du kích miệt Đồng Tháp. Hai vợ chồng du kích Ba Đô với đứa con sống đơn độc giữa bốn bề hoang dã. Vừa đối mặt với giặc, vừa chống chọi với thiên nhiên, vừa hoàn thành nhiệm vụ đã trở thành hình tượng chói sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là những con người trực tiếp chiến đấu. Còn một dạng nhân vật thứ hai, là những người dân đầu trần chân đất, lam lũ một nắng hai sương, có một trái tim đầy ắp thương yêu bà con, quê hương, làng mạc, nhưng cũng đủ dũng khí, gan dạ, lì lợm làm khiếp sợ kẻ thù. Đó là vai ông Tám Quyện, trong phim Mùa gió chướng. Một nhân vật rất đặc trưng Nam Bộ về đạo lý, về nghĩa sống ở đời. Vai Ba Đô của Lâm Tới đem đến cho người xem sự ngưỡng mộ, sự khâm phục, nhưng vai Tám Quyện lại khiến cho người ta gần gũi, thương yêu.

Tất nhiên, gần mấy mươi năm cống hiến cho nghệ thuật, sự nghiệp của Lâm Tới không chỉ có chừng ấy. Trước và sau hai bộ phim kể trên, anh có mặt trên hàng mấy chục phim khác. Nhưng đỉnh cao thì không thể có vai diễn nào làm mờ nhạt nổi hình tượng Tám Quyện và Ba Đô.

Vì sao mà những nhân vật chân quê, bộ đội của Lâm Tới lại có sức thuyết phục đến vậy? :image1:

Cuộc đời tuổi thơ của Lâm Tới không bình thường như bao người khác. 1940, anh sinh ra lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo miệt sông nước Đồng Tháp. Anh đã trải qua những năm tháng nghèo khó, tủi nhục với bao ước mơ : ước có đủ cơm ăn áo mặc, ước được đi học, ước có đôi dép để mang. Nhưng tất cả cũng chỉ là điều ước, thằng bé đen nhẻm xuống ngày chạy rong trên những cánh đồng, lủi đôi chân sần sùi xuống ruộng bì bõm đi theo bước chân trâu. Nghèo quá, anh em đông, mười tuổi, cậu nhỏ phải đi chăn trâu mướn. Nhưng những câu chuyện thần kỳ về Lục Vân Tiên, về Phạm Công đuổi giặc luôn được cậu tưởng tượng qua hình ảnh các chú bộ đội trong làng. Ít ai mê bộ đội bằng Lâm Tới, trong trí óc nhỏ nhoi của cậu bé chăn trâu, bộ đội trở thành những anh hùng có đủ quyền lực để giải quyết các số phận khốn cùng…Có lẽ vậy mà mới mười hai tuổi, Lâm Tới trở thành du kích xã tí hon. Mười bốn tuổi, anh chính thức là bộ đội địa phương, thuộc đại đội 949 Cao Lãnh. Tên khai sinh của anh rất hay – Lâm Thanh Tòng – Nhưng vào bộ đội có người bạn tên Lâm Tiến. Bạn bè trêu, người này “tiến” thì người kia “tới”. Kêu riết thành quen, anh có tên Lâm Tới từ đó. Anh cũng giữ tên đó luôn như một kỷ niệm sau khi Lâm Tiến hy sinh năm 1954.

Tất cả đủ để lý giải vì sao những vai diễn nặng nghĩa quê hương, Lâm Tới đều đạt tới độ cao nghề nghiệp. Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, đều lấy bối cảnh hầu hết ở quê anh – miệt Cao Lãnh, Đồng Tháp. Cái vùng đất mà mới tháng 10 nước đã ngập mênh mông, trắng đồng, đi đâu cũng thấy trời và nước. Anh đã bồi hồi trở lại quê xưa sau hai mươi năm xa cách. Có ai ngờ cậu nhỏ chăn trâu đầu trần khét lẹt, chân đất ngày trước nay trở thành diễn viên. Có lẽ vậy mà Ba Đô, Tám Quyện bước ra từ tâm hồn anh, trái tim anh. Nhân vật được sống bằng chính sự rung cảm chân thật của người sáng tạo.

Những dòng tâm sự về phim Cánh đồng hoang

Mỗi bộ phim nói chung đều có những kỷ niệm đẹp đối với tôi, nhưng riêng Cánh đồng hoang đã để lại những dấu ấn khó quên. Làm phim về đề tài chiến tranh thật khó, nhưng dốc lòng để đạt được hiệu quả như cố đạo diễn Hồng Sến mong muốn quả không ai làm được. Anh vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, tỉ mỉ chi tiết, từng khung hình, làm thế nào đạt được sự chân thật cho người xem.

Trong Cánh đồng hoang có sự tham gia của phi đội máy bay trực thăng. Chúng đóng vai trò không nhỏ trong sự thành công của bộ phim. Nhưng quay trực thăng rất gian khổ, khi đó không có máy bộ đàm hiện đại để liên lạc như bây giờ để điều khiển, thế mà anh cầu toàn đến nỗi nếu bay không đúng quy định thì phải bay lại cho hoàn chỉnh khung hình. Ba chiếc trực thăng đó mỗi giờ bay ngốn hết 4 tấn xăng.

Tôi nhớ nhất lúc xuống Đồng Tháp Mười quay cảnh Ba Đô làm đồng trên một vùng đất ngập nước rồi bị máy bay trực thăng rượt bắn. Ở Đồng Tháp Mười những loại cây nhỏ lá như cức quạ, bìm bìm, ô rô, cóc kèn đan chặt nhau như lưới dưới mặt nước lúp xúp. Theo kịch bản, trực thăng bay đến quần đuổi khiến Ba Đô phải bỏ chạy thục mạng trong khi súng đại liên từ máy bay bắn rải xuống khiến Ba Đô phải lặn trốn dưới nước để thoát thân. Vì lúc đó anh em phụ trách khói lửa chưa làm được hiện quả nổ “lịt chịt” một dây trên mặt nước hay mặt đất, cho nên anh Hồng Sến dặn tôi khi chạy tới chỗ quy định thì lặn quẹo qua bên tay mặt thật lẹ, để anh em khói lửa lấy súng AK bắn đạn thật ria xuống nước. Cái sáng kiến này ghê thiệt, nhưng không còn cách nào khác. Tôi cũng không sợ vì lòng mình lúc đó phấn chấn lắm.

Bắt đầu! Trực thăng vừa đến, tôi bỏ chạy thục mạng trên tấm lưới dây dại nằm ken dày dưới mặt nước. Mấy lần vấp ngã, ngón cái của bàn chân phải vướng dây ô rô, cức quạ sai khớp quẹo 90o ra phía ngoài. Vô cùng đau đớn nhưng tôi không thể dừng lại vì nghĩ tốn tiền thuê trực thăng, thêm anh em đoàn phim cực khổ đứng phơi mình ngoài cánh đồng nắng đổ lửa để phục vụ cành quay, cho nên tôi cố gắng diễn tiếp. Chạy đến một chỗ trũng đã được chọn trước, tôi liền ngụp xuống lặn liền một hơi thiệt lẹ qua bên phải để cho anh em ria súng AK theo hướng cũ tôi đã chạy làm như bị máy bay trên đầu bắn xuống vậy.

Sau đó tôi trồi lên, nhưng liền lúc đó chân tôi tê dại không đứng được, khụyu xuống mặt nước. Tôi bị vọp bẻ rồi, không cử động chân được nữa. Tôi chỉ còn hét lên kêu cứu. Anh em đoàn phim lao xuống nước kéo tôi lên bờ.

Anh Đường Tuấn Ba quay phim mấy ngón chân tôi sai khớp vảnh ra liền bảo tôi ráng chịu đau, rồi một chân anh chèn vào đùi tôi, hai tay nắm bàn chân và ngón chân kéo, bẻ lại vị trí cũ. Ôi! Đau đến lịm người. Nhưng khi được anh Hồng Sến cho biết cảnh quay tốt, tôi như muốn bay bổng lên mây vì sung sướng.

(tổng hợp từ nhiều nguồn)

Comments

Leave a Reply