Lần đầu tiên nghệ thuật thứ bảy đưa ra một đánh giá táo bạo về tầm vóc của Tần Vương.
Anh hùng
Trong danh sách đề cử Oscar 2003 của thể loại phim nước ngoài xuất sắc, Anh hùng của Trương Nghệ Mưu nổi lên như một bức tranh bi hùng tráng lệ nhưng cũng đẫm chất thơ. Đề tài về Tần Thủy Hoàng có vẻ quen thuộc với người xem phim, với một loạt những phim như Tần tụng của Chu Hiểu Văn, Kinh Kha tích Tần vương của Trần Khải Ca, và riêng Trương Nghệ Mưu cũng đã có Tần dõng. Vậy Anh hùng có gì khác biệt ? Đó là câu chuyện được kể bởi 2 người, thích khách và Tần vương. Đầu phim xuất hiện Vô Danh, một võ nhân nước Tần, vì diệt được 3 thích khách lừng danh là Trường Khâm, Tàng Kiếm và Phi Tuyết, giúp Tần trừ hoạ, nên được triệu kiến Tần vương. Cung điện Tần âm u cô tịch một màu đen huyền hoặc như chính cuộc đời bí ẩn của ông, màu đen cũng là màu Tần vương thích nhất. Quan quân tả hữu vận y phục đen chầu ngoài sân cách Tần ngàn bước để tránh họa thích khách, chỉ có người anh hùng áo đen vừa lập công to là được quì trong vòng năm bước. Phim tiếp nối với tường thuật của Vô Danh về chiến tích của mình, hạ Trường Khâm bằng võ, rồi lợi dụng tam giác tình của ba người mà hạ tiếp vợ chồng Tàng- Phi bằng mưu. Oáng kình máy quay đang xám màu hồi tưởng trận đấu tay đôi giữa Trường Khâm và Vô Danh như hai hảo hán, bỗng tràn rực một màu đỏ hung hãn giận dữ, màu sát khí của đại quân Tần lúc tấn công vào thư viện nước Triệu, màu bất khuất của thầy trò dân Triệu vẫn hiên ngang luyện chữ dưới mưa tên, màu châu sa kiêu bạc chữ Kiếm mà Vô Danh mượn cớ xin chữ của Tàng Kiếm mà chia rẽ hai người, màu ghen tuông uất hận khi vợ điên lên muốn trả thù cho tình nhân còn chồng thì đau khổ cay cú. Tần vương nghe xong chuyện thì cười, cò lẽ đâu Tàng Phi khẳng khái ngày nào xông vào cung tìm cách hành thích vua lại nhỏ nhen hẹp hòi không thoát khỏi chữ tình như lời Vô Danh kể. Vua vẫm giữ lệnh đã ban, hễ ai giết được Trường Khâm sẽ được tiến đến gần vua trong hai mươi bước, còn phần thưởng cho kiếm của Tàng hoặc Phi là được đối ẩm với vua trong vòng mười bước. Đợi Vô Danh quỳ đối diện mình ngay ngắn, vua cho mở chữ Kiếm của Tàng ra, thung thăng kể lại phiên bản mới. Thì ra Vô Danh là thập bộ sát thủ trứ danh, cách mười bước thì giết không trật một người nào, vì muốn hành thích Tần vương nên xin các anh hùng hảo hán quyên góp mạng cho mình để được tiếp cận vua trong vòng mười bước. Chuyện vua kể xanh rợn màu bi hùng, cảm khái, các anh hùng mặc áo xanh hy vọng, giao đấu để cầu bại vì chuyện lớn, vợ đâm chồng bị thương để chồng khỏi phải đi quyết đấu, chồng đau đớn theo dõi tà áo xanh bay phấp phới như chở chuyên cả mối tình riêng tha thiết với mối thù chung uất hận của muôn người vào tử địa. Vô Danh bình thản kết luận, vậy là bệ hạ đã biết thâm ý của thần, nhưng chuyện bệ hạ kể cũng chưa đúng. Lần này, Vô Danh kể sự thật, sự thật trắng toát, trần trụi và thô tháp. Không ai chết trong câu chuyện lần này, tất cả đều do tay kiếm điêu luyện của Vô Danh dàn xếp các cuộc giao đấu giả, nhưng Tàng Kiếm đã chỉ ra một sự thật kinh khủng: Tần vương cũng không thể chết!
Thiên hạ
Điều gì đã khiến cho Tàng Kiếm, 3 năm trước mở đường máu cùng Phi Tuyết vào tận cung Tần, giao kiếm với Tần vương, kề gươm vào cổ Tần, để rồi lại quay kiếm bay ra, để Phi Tuyết đến giờ vẫn còn ôm hận ? Điều gì đã khiến cho Tàng Kiếm nói không thể giết Tần vương được ? Điều gì đã khiến Tàng Kiếm, sau khi không thể can ngăn Vô Danh thì viết xuống đất hai chữ tặng chàng rồi quăng kiếm nộp cho chàng? Thiên hạ. Thiên hạ là hai chữ mà Tàng Kiếm ngộ ra từ đường kiếm của Tần vương. Vì thiên hạ mà Tàng Kiếm không thể ra tay hành thích Tần vương, vì thiên hạ mà Tàng Kiếm ngăn cản Vô Danh giết đi một anh hùng ôm mộng thống nhất Trung Hoa, vì thiên hạ mà cuối cùng, sau khi kể hết cho Tần vương nghe, Vô Danh cầm kiếm của Tần vương đưa, chỉ bay lên đâm chuôi kiếm vào Tần và dặn dò vua đừng quá tàn bạo, và ung dung quay ra chịu chết. Vua cũng thẫn thờ nhận ra mình vừa tiếp kiến một anh hùng, nhưng phép nước đã định, kẻ nào hành thích vua sẽ phải tử hình, đành nhắm mắt ban lệnh. Bên kia núi cũng có hai anh hùng, hai vợ chồng gục chết. Còn Tần vương lẻ loi trong cung cấm, vừa tìm được hai tri kỉ là Tàng Kiếm và Vô Danh đã sớm mất cả hai. Còn ai hiểu được thiên hạ, còn ai hiểu được mộng vua?
Anh hùng- Thiên hạ
Thuyết luyện kiếm pháp theo thư pháp là võ học dựa trên triết lý nhân văn, văn là khí, võ là hình, văn phát ra ngoài thành võ. Tần vương suốt đời tâm đắc chuyện thiên hạ, coi đó là kim chỉ nam, là lẽ sống của mình, kiếm ông luyện theo chữ thiên hạ. Tàn Kiếm học kiếm thuật, thấy nhân-kiếm giao hòa, cành cây ngọc cỏ vào tay người sử kiếm cũng trở thành vũ khí lợi hại thì mới chỉ là bước một của kiếm đạo. Bước hai là tâm- kiếm, kiếm ở trong tâm, chỉ dùng kiếm khí mà chế địch. Bước ba mới chính là đạo, lấy nhân làm gốc,lấy tâm làm rễ, tựu trung chỉ có hai chữ hòa bình. Kiếm của Tàng luyện theo hai chữ hoà bình chính là phần ngọn, phần lá của cái gốc thiên hạ, nên tự thấy không thể khắc chế Tần vương bằng cả võ thuật lẫn đạo lý. Vô Danh thật ra là người Triệu, cha mẹ chết về tay quân Tần, nước sắp mất về tay vua Tần, ôm mộng thích khách mà luyện khách theo chữ thù hận, thù hận mà đem đối với hòa bình thì thù hận trở nên vô nghĩa, sao có thể qua được hai chữ thiên hạ của Tần vương. Anh hùng vì thiên hạ nên chịu hy sinh, người bỏ mạng, người chịu tiếng bạo chúa hôn quân, đó là cái đẹp bi tráng của phim vậy.
2003-2023