Forums › Việt Nam › Phim Việt Nam › “Hạt mưa rơi bao lâu” Báo giới và cảm nhận thật sự từ khán giả và giới chuyên môn
“Hạt mưa rơi bao lâu” Báo giới và cảm nhận thật sự từ khán giả và giới chuyên môn
Tựa như cái tên của phim, tôi đã chờ đợi phim này bao lâu … và ngần ấy những gì cảm nhận.
Cái màu vàng nhạt của Poster, những tấm ảnh chụp và làm cũ bằng công nghệ tin học, lại được đạo diễn bởi hai Việt kiều Mĩ và Đức mà báo giới hết lòng ca ngợi khiến tôi hồi hộp mãi …
Rồi tôi cũng có một vé. Như bao người trông đợi nó, tôi tin vào báo giới Việt Nam, tôi tin vào những gì đã được báo giới quảng bá. Mong muốn một cảm nhận tốt về một tác phẩm lâu ngày trông đợi.
10 phút trước buổi chiếu DVD 8h tối thứ 7 ngày 15 tháng 10 tại Viện Goethe Hà nội , tôi đã thấy phòng chiếu đông ngẹt. Một nửa trong số khán giả quan tâm đã không thể tìm thấy chỗ ngồi.
Tôi thấy những nhà làm phim, những hoạ sĩ, nhà văn già có trẻ có, và những nhà báo và một số thành viên trong đoàn làm phim “Hạt mưa rơi bao lâu” trong phòng chiếu …
Rồi bộ phim bao lâu trông đợi cũng bắt đầu …
Bỏ qua những vấn đề liên quan đến sự cố kĩ thuật. Tôi xem phim và muốn cảm nhận bộ phim giống như một khán giả bình thường. Tôi đã cố gắng để có thể hoà vào không gian của bộ phim … rốt cuộc, mọi cố gắng của tôi đều thất bại.
Tôi hiểu tại sao tôi và phần đông những người trong phòng chiếu có cảm nhận chung như vậy…Và tôi thấy cảm giác thất vọng.
Tôi đã quyết định viết bài này với cái nhìn đa chiều từ các góc độ chuyên môn, với sự hiểu biết khiêm tốn về Điện ảnh để nhìn nhận bộ phim một cách công bằng nhất.
Tôi xem lại bộ phim này 2 lần tiếp theo ở Rạp chiếu phim Quốc gia. Cảm giác xem ở đây khá hơn chiếu DVD về âm thanh nhưng lê thê kinh khủng.
Sáng chủ nhật hôm đó trời rất đẹp, một điều kiện lý tưởng để giới thiệu bộ phim với công chúng. Có một số nhà làm phim tới xem và một vài người trong số họ tôi đã gặp ở Viện Goethe tối hôm trước. Nhưng tôi không thấy các nhà báo … Tôi, không dám khoe rằng mình hiểu biết về Điện ảnh nhưng chắc chắn có chuyên môn hơn nhiều người trong số các nhà báo. Tôi đã phải xem đi xem lại 3 lần bộ phim rồi mới dám viết.
Khi bộ phim kết thúc không một khán giả nào trong phòng chiếu vỗ tay. Tôi không thể không trách những khán giả đi xem bằng vé mời này không lịch sự trong đó có cả tôi. Nhưng xem ra, chính họ đã cư xử thật lòng …
Tôi thấy sự im lặng trong mắt những nhà làm phim. Họ không dám đưa ra lời nhận xét. Tôi thấy 2 đạo diễn và muốn bắt tay chúc mừng họ mà ngại vì không quen. Không thấy những diễn viên mang hoa tới tặng …
Tôi có trong tay tờ “Dân trí” số 42 ra ngày 20 tháng 10 trong đó có bài “Hạt mưa rơi bao lâu chiếm nhiều cảm tình của khán giả”. Nhà báo đã kể lại chuyện phim và thay mặt khán giả đưa ra những ngợi khen.
Thực ra đó là chuyện dối trá. Khán giả không hề thich nó dù già hay trẻ. Dù là thường dân hay giới chuyên môn. Tuy nhiên không vì thế mà đạo diễn đã không có những thành công. Tôi nói muốn chúc mừng đạo diễn là thực lòng. Bộ phim thất bại ở những khâu khác mà tôi sẽ viết thành nhiều bài khác nhau phân tích nó ở góc độ chuyên môn và sẽ tải lên thread này thường xuyên mỗi ngày 1 bài.
Tôi hi vọng những nhà báo, những nhà làm phim, những bạn đang học làm phim, và những khán giả mê phim trong nước và hải ngoại từng xem “Hạt mưa rơi bao lâu” cùng bàn luận. Tôi không cho rằng ý kiến cá nhân của tôi là đúng nhưng tôi chắc chắn mình nói thực lòng.
Cảm ơn các bạn sẽ đọc và viết về Thread này!
Ngày mai tôi sẽ viết : “Hoạ sĩ thiết kế, người đã làm hỏng không gian Hạt mưa rơi bao lâu”.
Thông tin Phim:
Đạo diễn: Đoàn Minh Phượng, Đoàn Thành Nghĩa.
Diễn viên: Trương Ngọc Ánh, Trương Hữu Quý, Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Anh Quân, Trịnh Mai Anh, Nguyễn Như Quỳnh.
Kịch bản: Đoàn Minh Phượng
Hãng sản xuất: Moonfish Films,Thủy Triều
chài…tôi cũng mong đợi phim này biết bao nhiêu. Nội cái chuyện ko đc ra Hà Nội coi thôi cũng thấy rầu. Đọc xong bài này còn rầu hơn nhiều lần. Thôi thì chờ bạn viết thêm để tôi hiểu rõ vấn đề ở đâu vậy.
Đang chờ đợi bài viết của lastcountryman!
tôi nghĩ trang phục của phim tạo ra không khí của phim, khán giả bị chuyện “lịch sử” kéo lại nhiều quá mặc dù trong phim không nói đến câu chuyện xảy ra vào lúc nào, thời gian nào, ở đâu…
diễn viên thì, chẹp….
thui, cái gì định nói tui cũng viết trong mục bài viết rùi chờ bài của lascountryman tại vì thấy bạn chê phim quá mà không thấy nói gì rõ ràng hết ngoài việc tả cảnh sáng chủ nhật trời đẹp…
trời cái phim này cuối cùng cũng được chiếu rồi, sau một thời gian dài chỉ có những người từng xem phim trước khi công chiếu cho công chúng Việt Nam mới có thể bàn luận và khen nó, còn những người không bàn luận gì về nó (vì đã thấy mặt mũi nó tròn méo sao đâu) bị xem là “không biết thưởng thức phim nghệ thuật”
mô phật!
hahaha, thì đúng rồi, giống như thời xa vắng, mùa len trâu chiếu cũng không ai coi éh cũng như 1735km hic hic, bi kịch. phim nào làm đàng hoàng đều bị ế
Lâu lắm lại có một phim gợi nhớ tới bộ phim Rasomon (Nhật Bản). Mặc dù ý đồ của Đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa với Đạo diễn Ku-rô-sa-oa là hoàn toàn khác nhau trong việc lựa chọn cấu trúc phim nhưng cách thể hiện ít nhiều có sự tương đồng. Chọn cách trình diễn câu chuyện phim từ diễn tiến rất khác nhau thông qua cái nhìn chủ quan của các nhân vật là điều rất khó. Nó rất dễ làm lẫn lộn câu chuyện khiến khán giả khó hiểu. Tuy nhiên, Hạt mưa rơi bao lâu đã làm mạch lạc điều này. Đây là một thành công thách thức khiến tôi cảm phục tài năng của Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa
Rất nhiều báo chí và bản thân tôi cũng ngợi khen phim này mặc dù nó rất kén khán giả và không phải trong tâm trạng nào ta cũng có thể xem. Tuy nhiên, trong bài này tôi chỉ nói đến việc xử lý không gian và tạo hình của Hoạ sĩ thiết kế, người quyết định bối cảnh, phục trang, hoá trang và đạo cụ của các nhân vật trong phim.
Một màu vàng buồn bã bao phủ không gian trong việc xử lý tông màu của phim vừa là sự thành công và cũng là thất bại. Nó tạo ra vẻ đẹp đặc biệt mang phong cách riêng của những nhà làm phim, góp phần sâu sắc trong việc tạo ra cảm xúc chung cho người xem nhưng nó cũng gây ra cảm giác buồn chán bởi hiệu ứng thị giác.
Như tôi đã nói ở trên, bộ phim được kể bởi những nhân vật liên quan đến chuyện phim cho cậu con trai của Lý An và khán giả cùng thấy một lúc. Nhưng vấn đề là không gian của ba câu chuyện do ba người kể khác nhau đã không hề được xử lý. Vẫn tông màu đó, vẫn ngôi nhà đó, vẫn những vật dụng quen thuộc cùng với trang phục không hề thay đổi. Nếu ba câu chuyện được kể bởi ba tông màu khác nhau với ba không gian khác nhau liệu có giúp cho câu chuyện phim bớt lê thê và mạch lạc hơn không! Tôi thích tông màu của phim, nhưng giá nó có những tông phim khác với những bối cảnh khác để mà so sánh, để mà bộc lộ
Về bối cảnh. Với cửa hình 1.78 không đủ rộng để khiến người ta cảm thấy mênh mang nỗi buồn, không đủ hẹp để thấy sự nặng nề đè nén, người quay phim cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phía hoạ sỹ thiết kế. Việc tái tạo ánh sáng tự nhiên mà không cần phải đầy đủ chủ, phụ, ven (theo cách chiếu sáng cổ điển) đạo diễn và quay phim có thể đã muốn bộ phim gần gũi với lối thể hiện đương đại trên những chất liệu cổ xưa. Nhân vật ít chuyển động và sử dụng nhiều góc máy tĩnh, như vậy rất cần phải có không gian động khiến cho khán giả không cảm thấy tiết tấu phim chậm. Cái đó có thể là sự dịch chuyển của tiền cảnh (Những tấm mành, lụa lay động trong nội cảnh hoặc lá cây ngoại cảnh). Hoặc chuyển động ồn ào của background (cảnh ngoài chợ). Việc lấy động tả tĩnh là cần thiết để không gian của phim thoát đi. Người hoạ sỹ thiết kế lẽ ra cần tham gia nhiều hơn thay vì dựng lên một không gian chết cứng với lối trình diễn của một kiểu hội hoạ sắp đặt.
Tôi không bàn tới thời gian xảy ra chuyện phim vì điều đó bộ phim không có ý đề cập cụ thể và nó không thực sự là điều đáng quan tâm. Tuy nhiên tôi đã thấy ngôi nhà của Lý An với một cú panorama 360 độ gợi nên những bất hợp lý về thời gian xảy ra chuyện phim. Những bức tường chìa ra những viên gạch thời nay(cỡ 5.10.20 cm) lởm chởm chẳng có ẩn ý gì ngoài vẻ đẹp tạo hình chụp ảnh … Không gian nhà Lý An giống như ngày nay, chật hẹp và lộn xộn mà ta có thể thấy ở rất nhiều những ngôi nhà cũ ở nông thôn bay giờ. Đành rằng nhà Lý An làm đồ sàch(quay ở Phù Lãng) nhưng nên chăng bê nguyên xi một ngôi nhà ngày nay vào phim. Xưa nhà miền Bắc thường gồm cổng, lối đi, sân rồi nhà trên. Trước sân có vườn, cây cau giàn trầu, chum nước(rất mát). Hai bên tả hữu là nhà ngang, một bên giống như kho chứa thóc lúa và những tài sản khác, một bên là chỗ ở cho các bà vợ lẽ và con cái. Nhà trên là nơi thờ cúng và cũng là chỗ nghỉ cho đàn ông. Gian tả là buồng ngủ giành cho người vợ cả hoặc người vợ sinh được con trai. Xưa kia quan hệ vợ chồng là chồng chúa vợ nô. Thân phận người phụ nữ bọt bèo lắm. Giá tôi thấy được một góc máy cao với tiền cảnh nặng nề, đè lén lên số phận của người phụ nữ. Một góc máy thấp với những đồ thờ cúng và dáng vẻ uy quyền của người đàn ông. Tôi sẽ có cảm giác khác khi thấy Lý An cam chịu chấp nhận để làng gọt đầu bôi vôi thả trôi sông đứa con mà cô rứt ruột đẻ ra. Ông bốđạo diễn có thể đã phải cắt đi để chèn những cảnh dựng do diễn xuất chưa thuyết phục)cũng góp phần phá không gian của câu chuyện phim bởi lối phục sức bật ra ngoài bối cảnh. Bối cảnh nhà Lý An lẽ ra phải mang sắc thái của chuyện phim, hay khắc hoạ thêm tính cách của nhân vật, hay bộc lộ mỹ học thời gian thông qua lớp lang văn hoá thì trong phim chỉ mang vẻ đẹp với đầy vật trang trí theo xu hướng sắp đặt khiến bối cảnh không phục vụ bộ phim mà còn phá không gian của phim.
Cảnh xem hát rất đẹp. Nhiều người thích những bức chân dung vẽ trong những chiếc mẹt nhỏ treo xuôi ngược hoặc thả trôi dưới nước. Chân dung vẽ màu có độ chuyển và hình khối là kĩ nghệ thời kì nào? Chắc chắn khi chưa có trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông dương, chưa có lối vẽ đó. Cách vẽ trên mẹt đó gợi nhớ những thứ ta vẫn thường thấy tương tự trên các phố bán đồ lưu niệm ngày nay. Việc bố trí những hình quảng cáo này cũng đầy tính sắp đặt liệu có cần thiết? Khán giả nông thôn xem hát thời đó liệu có cần những hình quảng cáo hay trang trí như vậy? Màn này tôi thấy Hoạ sĩ thiết kế không nên lạm dụng.
Việc dựng đàn tế thần ở sông cũng thiếu tính thuyết phục. Xưa kia dựng đàn tế thường phải đặt ở chỗ cao. Đắp đàn tế có định phương định hướng cờ phướn đèn nhang uy nghi đường bệ. Chủ tế phải mời thầy địa lý xem xét kĩ càng lắm(Đại Việt sử kí). Tôi không hiểu có hai cây cột quấn khúc đen khúc trắng như diễn tả 2 con thuồng luồng(không biết có phải không?). Đành rằng làm cái màn này khó vì thực tế cũng chẳng ai biết người ta tế Hà bá hay Thành Hoàng thế nào! Mà nếu vậy thì mình làm cách nào miễn là thuyết phục người xem tin đó là sự thực. Cảnh đàn tế này sơ sài khó mà thuyết phục.
Trong phim có 2 đạo cụ đặc biệt. Bức tượng được sử dụng đắt giá giống như một chi tiết quan trọng không thể thiếu trong câu chuyện phim. Đạo diễn đã rất thông minh khi nghĩ ra chi tiết này. Tuy nhiên, cây đàn đáy có ý nghĩa gì? Còn một chi tiết trong sử dụng đạo cụ nữa, đó là cây kéo cắt đất. Xưa kia người dân làm gốm làm đất bằng mai. Chỉ đến khi có sự ra đời của dây thép(khi người Pháp vàoAn Nam)mới có cây kéo cắt đất đó. Người ta thường lấy sợi dây phanh xe đạp tách ra làm dây kéo.
Bỏ ngoài tai những lời dị nghị về trang phục, tôi thích cái cách ăn mặc trong phim này. Chúng ta không thể có những tư liệu về trang phục thời xa xưa, khi câu chuyện phim đề cập. Việc may mới toàn bộ phục trang theo kiểu phi hiện thực(trên những tư liệu gần với thời đó) dường như tạo ra một cảm giác dễ chịu cho người xem. Tuy nhiên, lẽ ra các nhân vật chính hoặc thứ chính cần phải ăn mặc với màu sắc khác nhau để khắc họa tính cánh của họ cũng như để khán giả dễ phân biệt. Họ hơi giống nhau về lối ăn mặc. Bà lão trong phim mặc chiếc váy được vá đẹp quá, Lý An cũng có cái váy rất thời trang.
Về hoá trang tôi thấy được, tuy nhiên tại sao mấy nhân vật trẻ con lại bị lãng quên. Cô em gái Lý An không vấn khăn mà tóc lại buộc phía sau. Đứa con sao không để trái đào đi. Hoặc cạo trọc cũng được. Tóc cắt ngắn khiến người xem cảm thấy hiện đại quá
Tôi biết người hoạ sỹ đã rất kì công khi sưu tầm những đạo cụ hiếm hoi. Tìm ra những mảng tường xây gạch cổ, đình thờ Thành hoàng, cũng như làm hàng loạt những bức tượng gỗ, thuyền độc mộc những điều đó đáng ghi nhận.
Tôi cũng nghĩ rằng các hoạ sĩ thiết kế phim Việt Nam nên xem phim này. Dù tôi có chê trách ít nhiều nhưng thực sự Nguyễn Minh Thành là một hoạ sỹ tài năng. Những đóng góp của anh ấy cho Hạt mưa rơi bao lâu đủ khiến chúng ta cảm phục. Đơn giản một điều, Đạo diễn nói: Tôi làm phim cổ trang đấy! Anh có nhận không? Nguyễn Minh Thành gật đầu và anh đã không làm chúng ta phản cảm. Đó là một thành công lớn rồi.
Tôi biết nhìn ở một góc độ khác thì người hoạ sĩ đã rất giỏi khi tái tạo những bối cảnh xa xưa như vậy. Việc Hoạ sĩ thiết kế làm hỏng không gian của phim biết đâu cũng là cách mà Đạo diễn đã bàn bạc kĩ và cố tình làm như vậy.
Quan điểm của tôi, nghệ thuật là cảm nhận và bàn luận chứ không nói đúng sai. Đây chỉ là một chút những ý kiến cá nhân tôi về vấn đề tạo hình của người hoạ sĩ thiết kế trong bộ phim này. Mong các bạn đóng góp ý kiến thêm để chúng ta hiểu biết thêm.
Bài sau tôi sẽ nói về Âm thanh và hình ảnh hình hài dị biệt mà đẹp tuyệt vời của Hạt mưa rơi bao lâu
bài viết hay quá , chứng tỏ lastcountryman ko fải là một người mê film bình thường ( thật đúng với câu quote mà lastcountryman nói , FILM, crazy love ) nếu anh lastcountryman là 1 đạo diễn film thì hay biết mấy ?!
Hay quá, đúng òi, phim ít người coi thì dở lắm. Tui toàn lựa mấy phim đông đông người dzô coi không hà, nhất là mấy phim nghệ thuật đậm đặc eh .
Có thể nói ” Hạt mưa rơi bao lâu”, cái tên rất đẹp, giản dị mà lại đẹp. Hành trình để hạt mưa rơi xuống đất rồi bốc hơi, rồi lại là hạt mưa, ai đo được? Tên phim đã gợi rất nhiều suy ngẫm. Cách nhìn của đạo diễn bộ phim này là cách nhìn từ những mảnh vỡ khác nhau. Và đúng như 1 người tôi quen đã nói với tôi khi xem xong bộ phim này là:đây không phải là bộ phim xem lần đầu là thích ngay được, càng xem những lần sau thì càng thấy mê…Có lẽ nếu ta kiên trì xếp những mảnh vỡ ấy lại thì sẽ thấy được một bức tranh , một hành trình, một đời sống, một linh hồn?
Chỉ cái tên “Hạt mưa rơi bao lâu” đã gợi cho người xem một cảm giác buồn mênh mang, một không gian vô định và thời gian vô tận. Tựa tiếng Anh của phim là Bride of silence – Cô dâu của sự im lặng. Cả thân phận hạt mưa và Cô dâu của sự im lặng đều nói về Lý An – nhân vật chính của bộ phim. Mở đầu phim là hành trình tìm người mẹ của Hiên, một chàng trai 17 tuổi. Hiên sống cùng cha nuôi Hoài Vu, không bao giờ đặt câu hỏi về mẹ của mình cho đến một ngày, cậu gặp một cô ca sĩ trong gánh hát từ xa đến làng cậu. Bài hát của cô nghe buồn lạ, khiến Hiên nghĩ đến mẹ mình. Tôi không nhớ tên bài hát, nhưng đúng thật là bài hát này nghe buồn lắm, như khi Hiên nói “Cái bài hát ấy nó buồn lắm, lạ lắm…”
Rồi Hiên buồn khi nghe cô hỏi về mẹ của mình, bởi trước nay trong làng chẳng ai hỏi về điều đó. Họ biết cậu sống với cha và không có mẹ. Hiên có cảm giác cô ca sĩ đó giống mẹ của mình. Mà thật sự với tôi, cô ca sĩ này đẹp hơn nhiều lần Lý An. Đẹp đến nỗi, xem phim xong mà tôi cứ nghĩ tới cô Hà Giang hoài…
Tuỵ, cha của Hiên, quyết định kể cho Hiên nghe về Lý An, mẹ của cậu bé. Câu chuyện chưa kết thúc thì ông qua đời. Hiên đi tìm mẹ qua những lời kể của những người đàn ông từng biết mẹ cậu. Mỗi người có một câu chuyện khác nhau…
Lý An là con gái trưởng nhà Trương Lân, một người có chức sắc trong làng. Cô khao khát được sống tự do, được đi ra khỏi làng đển nhìn thế giới xung quanh, được nằm ngủ dưới tán cây khổng lồ, chìm vào những giấc mơ kỳ lạ. Rồi Lý An có thai. Cô từ chối nói về cha đứa trẻ. Cô bị làng giam lại trong chùa, chờ ngày cô sinh nở rồi đem ra xử. Mặc cho bà quét sân chùa thuyết phục cô hãy nói ra tên cha đứa bé, Lý An im lặng. “Cháu biết rồi cháu sẽ chết. Mà nói ra rồi chết thì có ra gì? Cháu phải làm sao để sau khi cháu chết, thầy mẹ nhìn lên mộ cháu, thầy mẹ sẽ nhận ra họ không bao giờ hiểu hết được cháu”… Ngày xử án vứt đứa trẻ trôi sông, một cơn mưa ập xuống. Cơn bão năm đó giết chết nhiều người. Đứa trẻ được ba người thợ mộc trong làng cứu. Họ là Tuỵ, Phan và Vĩnh Hoa. Họ cứu đứa trẻ, rồi cứu Lý An, rồi bốn người cùng trốn đi vào rừng sâu, chung sống cuộc sống cách biệt những bon chen, ganh ghét, đố kỵ của thế giới bên ngoài. Những ngày vô tư trong sáng ấy không được bao lâu, thì giữa ba người đàn ông có những ghen tuông vị kỷ làm rạn nứt cuộc sống an bình…
Câu hỏi của Hạt mưa rơi bao lâu – hay Cô dâu im lặng – là “Ai là Lý An”, không phải là “Ai là cha đứa trẻ”. Nhưng không có một câu câu trả lời nào chính xác. Mỗi người đàn ông kể về Lý An đều có những lý do riêng. Họ có thể kể rằng, Lý An đã chết trong sự sỉ nhục của dân làng; Lý An vẫn sống như một nữ thánh được làng dưa vào đền Thành Hoàng mà thờ; hay cô đã sống với ba người đàn ông, phá tan tình anh em của ba người và chết trong sự tan nát con tim. Không ai biết được sự thật về Lý An. Chân dung của cô được vẽ nên bởi lời kể của những người đàn ông, mỗi bức hoạ lại mang tâm tư của người đàn ông đó. Cũng vì lẽ đó, đạo diễn ít khi quay cận cảnh Lý An, để giữ người xem ở một khoảng cách xa với cô. Để người ta không nhìn thấy rõ cô, không soi mói, không đàm tiếu, không hiểu hết được thân phận của một giọt mưa chưa kịp chạm đất thì đã tan biến mất.
Hai đạo diễn đã kể một câu chuyện có nhiều khoảng lặng, và suốt bộ phim là những không gian trống để khán giả có thể chìm vào sự suy tưởng: những màn đen chuyển cảnh trong vài giây, những khung hình tuyệt đẹp với chiếc xe ngựa đang đi trên đường vắng, người đàn bà một mình chống thuyền giữa nước non mênh mông, người đàn ông chèo thuyền chở xác người yêu giữa mặt hồ vô tận… Không lý giải, ít biểu tượng, bộ phim để người xem tự đặt ra những câu hỏi và tự trả lời những câu hỏi về những cảm xúc rối bời, xao xuyến và da diết. Cũng bởi chính vì điều đó, với nhiều người, phim dài và lê thê, phim kén người xem và khó chịu hơn. Âm nhạc với các bản dân ca rất lạ nhưng giai điệu rất quen như Trấn Thủ Lưu Đồn, Tò Vò, Ru Con cùng bản giao hưởng Cái chết ngọt ngào của Bach đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc của người xem.
Nhưng Hạt mưa rơi bao lâu, như chính tựa phim của nó, tạo nên một cảm giác dài đằng đẵng. Cách làm phim để thời gian trôi chậm chạp dần như Hạt mưa rơi bao lâu có lẽ không còn được thấy nhiều trong xu hướng điện ảnh hiện đại ngày nay. Điện ảnh hiện đại luôn làm phim với một tốc độ chóng mặt, không bao giờ để khán giả kịp suy nghĩ mà ngay tức thì trả lời hoặc đặt ra những câu hỏi mới và trả lời ngay lập tức. khán giả gần như chỉ việc ngồi trong rạp để được nghe hỏi và nghe trả lời mà không cần dùng nhiều sức để nghiền ngẫm những vấn đề nhà làm phim muốn nói và có thể ra về với niềm khoan khoái khi được giải đáp mọi thắc mắc. Chính vì lẽ đó, Hạt mưa rơi bao lâu trở thành “món ăn khó tiêu” với thói quen xem phim “được nhai mớm sẵn”, “nghe trả lời chuyện gì xảy ra kế tiếp”. Những không gian đen tĩnh mịch, những cảnh dài nhìn theo con thuyền, xe ngựa dần đi ra khỏng khung hình để người xem có thể tự nghiền ngẫm và gặm nhấm, “tiêu hoá” những câu hỏi, những cảm xúc trở thành những khoảng thời gian vô vị, mệt mỏi và lê thê với khán giả quen xem nhịp phim nhanh, gãy gọn hiện đại. Tuy nhiên, phần thưởng dành cho những ai bắt đầu quen với nhịp phim sẽ là cảm giác trôi theo mạch phim, chầm chậm và đắm chìm vào thời gian của mình. Khi xem đến lần thứ 3 (may mắn là tôi được xem nhiều lần như thế), bạn có cảm giác phim nhanh hơn và bắt đầu có nhiều thơi gian để nhìn vào các ngõ ngách. Mỗi lần xem, tôi lại phát hiện ra một điều mới và cảm xúc mới, đến mức thi thoảng háo hức chờ đợi xem lại lần nữa (mặc dù thời gian 2 tiếng đồng hồ cho bộ phim có vẻ khá dài với một người quen làm việc và đi lại như tôi).
Diễn xuất của nhiều diễn viên không chuyên cũng là một phần làm hạn chế nhiều đến cảm xúc của bộ phim. Ngay cả việc trương Ngọc Ánh vào vai Lý An và tất cả những thành kiến mà người ta đã dành cho cô cũng khiến nhiều người đánh giá Lý An quá hiện đại, quá cứng nhắc đơn giản chỉ vì đó là Trương Ngọc Ánh. Với nhiều người không biết đến cô, họ đánh giá diễn xuất của Trương Ngọc Ánh trong vai Lý An là “sự thuần khiết, chừng mực”. Mạch diễn xuất chung của các diễn viên trong phim là kiềm nén cảm xúc, hạn chế việc bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Lý giải điều này, đạo diễn trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng
“Có đôi lần tôi nói với diễn viên hãy buồn trông. Nhưng đó là giới hạn tôi có thể đi xa nhất khi nói với diễn viên về tâm trạng của nhân vật trong một khoảnh khắc nào đó. Tôi không dám nói với diễn viên hãy nhìn một cách nồng nàn hay đam mê hay xa vắng. Vì ở ngoài đời, người ta không nhìn nhau một cách nồng nàn hay xa vắng : người ta giấu đi tình cảm của mình.
Có khi ngồi rất lâu ở một quán cà phê, nhìn bao nhiêu người, tôi không thấy ai đau khổ hay xa vắng, tôi không biết tình cảm của họ. Đâu phải họ không có một câu chuyện, một tâm trạng. Nhưng họ không có lý do để lộ tâm trạng họ ra. Trong phim cũng vậy. Tôi nghĩ tôi không nên lạm dụng tĩnh từ.
Mặc dù cả hai đạo diễn đều mong muốn Hạt mưa rơi bao lâu sẽ được chính thức trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam, nhưng dường như đó là một bài toán khó và hầu như không thấy đáp án…
Nhân ngày 20 tháng 10, ngày Phụ nữ Vietnam, tôi muốn gửi tới lời chúc sức khoẻ và sự thành đạt tới Đạo diễn Đoàn Minh Phượng và toàn phái đẹp tham dự trong Thread này với những tư cách khác nhau. Tôi hi vọng trong dịp tới, tôi sẽ lại được xem những phim mới của một trong những không nhiều nữ Đạo diễn Vietnam.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng Hạt mưa rơi bao lâu là một phim đầu tiên của một nữ Đạo diễn Vietnam đã chinh phục tôi bằng vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ và tính Mĩ học khác nhau trong những không gian văn hoá.
Giống như đã hứa : Bài sau tôi sẽ nói về Âm thanh và hình ảnh, hình hài dị biệt mà đẹp tuyệt vời của Hạt mưa rơi bao lâu
Tuy nhiên các bạn hãy đọc và cảm nhận bài viết của Neo. Giống như sự khó khăn trong việc tìm kiếm những vẻ đẹp hiếm hoi trong phim Viet, xin hãy đọc lại và tưởng tượng về bộ phim mà bạn đã chờ đợi lâu lắm để được xem, hiểu thêm những gì mà ngôn từ của của tôi không đủ chuyển tải.
Tôi xin xin lui lại bài viết tiếp theo trong khi tìm kiếm lời thứ lỗi, tôi đi mua hoa! Vâng, chắc là rất đắt …
Hãy dịu dàng và đẹp như Giọt mưa rơi bao lâu. Phải chăng các xứng đáng với những gì bộ phim ca ngợi trong lời cầu chúc tốt lành của mấy chục triệu trai Viet trong hôm nay!
Thân ái!
Sao tôi lại không nói đến điều khó chịu nhất về phim này mà tôi từng nghe nhiều lời bình phẩm nặng nề. Đó là việc Lý An đã yêu cùng lúc đến ba người.
Theo vốn sống của tôi, khi mà đời bạn và nhất là con bạn được người khác cứu sống thì hẳn bạn phải hàm ơn người ấy tận cùng. Lý An phụ thuộc hoàn toàn vào sự sắp xếp cuộc sống của ba người này cho đến khi chính họ tự tan rã, chính họ tự cho rằng Lý An là nguyên nhân gây tan rã.
Nhưng mặt khác, quan trọng hơn, câu chuyện sống chung ấy do Tụy kể mà Tụy lại là người đàn ông thất thường nhất. Tụy vừa yêu đương vừa khinh bỉ, vừa yêu đương vừa ganh ghét. Không ai biết được sự thật ba người đàn ông này đã làm gì Lý An ? Có vẻ như câu chuyện của Tụy đáng tin hơn cả nhưng cũng không có một chi tiết nào xác nhận đó là sự thật.
Chỉ có Lý An biết được sự thật nhưng như cá tính của cô, dù có sống lại chắc cô cũng chẳng mở miệng về những chuyện riêng tư. Lý An đã im lặng trước dân làng và bây giờ cô cũng im lặng trước những lời kết tội cô tại sao lại yêu cùng lúc ba người đàn ông ?
Chỉ có một sự thật mà mọi người xem phim đều biết, đó là Lý An đã không còn chịu nổi cuộc sống ấy. Dù những người đàn ông đó có là thần thánh đã cứu mạng con trai cô, cô cũng quyết ra đi. Dù biết chuyến đi đơn độc trong rừng thẳm này có thể không bao giờ trở lại được, cô cũng quyết chia tay.
Hôm ở Viện Goethe, do một vài điều kiện khách quan nên không thể thưởng thức toàn bộ phim này, bộ phim mà Choco mong đợi khá lâu, và rất háo hức khi có cơ hội dự buổi chiếu thử. Ấn tượng trước tiên ( cách đây cũng khá lâu nhỉ… 1 năm? hay hơn? ) là một trang web về phim của Việt Nam rất thẩm mỹ. Đẹp, sâu, buồn và đặc biệt là không có quảng cáo rùm beng để mọi người tò mò đổ xô vào web. Ấn tượng sau cùng là khi xem khoảng nửa tiếng phim… Có thể gọi Choco là tuýp người thích bới bèo ra bọ, chưa có thưởng thức được cái hay, cái hùng tráng, cái to tát của bộ phim mà chỉ chực chực xăm xoi mấy hạt sạn nhỏ mà bất kì bộ phim nào người xem cũng phải nhai trệu trạo ít nhiều. Trước tiên, không có thích giọng nói của mọi diễn viên trong phim này, nghe sao giống như khi mình đang xem phim Điện ảnh chiều thứ 7 quá. Thứ hai, không biết có phải là do máy chiếu của Viện Goethe chưa đủ chuyên nghiệp hay không, mình thấy phim này có ánh sáng và màu sắc quá hiện đại, không đạt trong việc tạo không gian xưa cho khán giả hoàn toàn đắm chìm. Cũng nhận xét như vậy với phần trang phục của phim. Mọi thứ đều sạch tinh tươm, đến cái chổi cùn cũng… mới cóng. Như Quỳnh diễn như .. diễn kịch. Diễn biến phim hơi rề rà và vụn… Ôi, nói tùm lum tà la hết. Choco chỉ là một người bình thường xem phim và cảm nhận theo cách riêng của mình, có thể là quá chủ quan và vội vàng khi chưa có xem hết bộ phim mà đã dám “phán” mạnh miệng vậy. Nhưng, với nửa tiếng của Hạt mưa rơi bao lâu, cảm xúc thu lại chỉ có ngần ấy. Không thất vọng, mà cũng không thấy hấp dẫn, tự nhiên sinh ra cái thú thích nhặt nhạnh những cái lỗi nho nhỏ không đáng để ý của phim. Hèn gì, chả dám đề cập tí nào đến phần nội dung
Chào mọi người, cuối cùng thì cũng xem được bộ phim. Hôm đến xem phim, phòng chiếu đông như kiến, không hiểu có bao nhiêu người đến xem không phải vì “đọc báo thấy ca ngợi lắm, nghe người ta nói thấy hay hay, xem phim Việt kiều làm ra sao, xem chị Ngọc Ánh có xinh không, xem diễn viên nghiệp dư đóng ra sao….”. Cuối cùng thì tôi cũng chọn được một chỗ cuối cùng, nhìn lên màn ảnh qua khe vai của mấy người đứng trước, mặc dù đứng xem từ đầu buổi nhưng thú thực là tôi chỉ xem hết 90 phút trên 117 phút của bộ phim. Có lẽ là mưa rơi lâu quá và tôi cũng ko thích mưa nên ko xem hết được phim.
Theo lời anh lastcountryman thì bộ phim “Khi bộ phim kết thúc không một khán giả nào trong phòng chiếu vỗ tay. Tôi không thể không trách những khán giả đi xem bằng vé mời này không lịch sự trong đó có cả tôi. Nhưng xem ra, chính họ đã cư xử thật lòng …” Tôi nghĩ, đây không phải là một bộ phim sau khi xem xong có thể vỗ tay. Không dám vội đánh giá hay phân tích, mổ xẻ với những kiến thức về phim như anh LCMan mà chỉ xin đưa ra một số ý kiến của một kẻ thích phim.
Sau 30 phút theo dõi bộ phim, tôi thấy có lẽ mình không thích thú với bộ phim này dù nó có nhiều thứ làm khá tốt. Trước hết là tiết tấu của bộ phim. Tôi nghĩ mọi người xem phim đều nhận thấy tiết tấu của nó rất chậm. Vâng, có lẽ nó phù hợp với mục đích tạo ra cái thời gian xưa cũ của bộ phim. Nhưng nó lại không được như bộ phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông và lại Xuân” của Ki Duk. Cái tiết tấu phim không hàm chứa hay báo hiệu một điều gì ở cảnh tiếp theo mà nó như những hạt mưa: chậm, buồn, đều đều và lê thê.
Bộ phim có nhiều khoảng lặng, anh Neo có lẽ đúng khi nói rằng bây giờ không dễ tìm ra một phim có nhiều khoảng lặng để người xem suy nghĩ, cảm nhận. Nhưng các khoảng lặng của bộ phim này lại không đem lại hiệu quả gì đáng kể ngoài việc thể hiện vẻ đẹp về cảnh vật thông qua màu sắc và các góc máy và những hình ảnh này thì chưa nói lên được điều gì. Thêm vào đó là diễn xuất không lời của các diễn viên nghiệp dư trong những khoảng lặng đó lại chưa thể truyền tải hết xúc cảm. Nên những khoảng lặng lại thành những khoảng thừa, những đoạn phô diễn hình ảnh, âm thanh.
Chúng ta ai cũng biết một bộ phim tác động lên người xem thông qua hình ảnh và âm thanh. Trước hết, xin nói ngay rằng đây là một phim được làm bởi 2 đạo diễn Việt kiều nên có thể thấy được hơi hướng và sự pha trộn giữa hai nét văn hóa Đông – Tây.
Những bức tranh vẽ chân dung mang đầy phong cách Nguyên Minh Thành có lẽ là điều tôi thích nhất ở phần hình ảnh chứ không phải những cảnh quay đẹp đến mức độ giả tạo. Có lẽ anh LCMan ko đồng ý khi họa sỹ thiết kế khi pha trộn thứ mỹ thuật theo trường phái biểu hiện của bản thân ấy với những thước phim đầy những hình ảnh “cổ mà nhìn rất mới” ấy chăng? Nhưng theo tôi thì những hình ảnh đó lại là những hình ảnh rất đắt, nó nói lên nhiều điều, nó gợi cho người xem nhiều điều hơn là nhưng khoảng lặng vô nghĩa, nhất là đoạn hai khuôn mặt 1 đàn ông, 1 đàn bà trong đêm tối giữa sân đình và cảnh tất cả những khuôn mặt trôi trên hồ. Thiết nghĩ, đạo diễn nên sử dụng những hình ảnh “biết nói” như vậy nhiều hơn nhất là trong tiết tấu phim như thế này. Sự kết hợp giữa phong cách hội hoạ phương Tây với những hình ảnh phim truyền thống là phù hợp. Đáng tiếc là lại rất ít.
Về phần nhạc phim thì khi nghe thấy một đoạn nhạc Bach(nếu không nhầm) trong một mạch nhạc phim mang đậm nét truyền thống của ca trù, chèo, dân ca…cảm giác đầu tiên của tôi là thấy thú vị vì sự kết hợp này có lẽ rất ăn ý. Phần âm thanh và âm nhạc của phim làm tốt, hay đúng hơn là nó rất phù hợp với tiết tấu cũng như các hiệu ứng của ánh sáng đem lại: trong trẻo.
Cuối cùng, khi xem xong(hoặc gần xong) bộ phim, có lẽ mọi người cảm thấy có gì đó chưa thoát hêt, chưa được thể hiện hết trong phim. Tuy nhiên, theo tôi, có lẽ đó chính là điều mà đạo diễn muốn khán giả cảm nhận, một cái gì đó u tối, mờ mờ, ngột ngạt, chậm chạm, lờ đờ…
Mưa cứ rơi đi, chẳng biết khi nào kết thúc…
Cứ câm lặng đi….
Âm thanh và hình ảnh, hình hài dị biệt mà đẹp tuyệt vời của Hạt mưa rơi bao lâu
Quay trở lại sáng chủ nhật đẹp trời, 16 tháng 10. Chúng ta vào phòng chiếu lớn nhất (700 chỗ-hình như) của Rạp chiếu phim Quốc gia. Nếu bạn là đạo diễn và có ý định giới thiệu sản phẩm ấp ủ của mình ở phòng chiếu lớn này thì tôi khuyên chân thành rằng bạn nên đổi ý. Chiếu phòng nhỏ hay hơn, phòng lớn này củ bờ – nan -nờ lắm!
Nếu bạn để ý sẽ thấy rìa khuôn hình Hạt mưa chiếu lên không nét. Hệ thống âm thanh của phim bị chìm mất. Tôi nghĩ, máy chiếu quá lâu không được điều chỉnh, dung sai cơ học quá lớn mà người chiếu phim thì chỉ biết vặn nét ống kính máy chiếu thay vì phải chỉnh lại vì những Pu-ly tải phim quá mòn, phim chạy lệch cửa hình khiến sai tiêu cự và lệch cả đường tiếng. Hạt mưa rơi bao lâu được làm hậu kì ở Thái Lan, âm thanh lập thể mà tiếng phim nghe không khác gì mono, hình ảnh over nét. Nếu chiếu ở phòng chiếu khác chắc chắn âm thanh và hình ảnh sẽ tốt hơn nhiều. Vì vậy tiếc cho chúng ta đã không có cơ hội cảm nhận hết những cảm xúc mà bộ phim khả dĩ mang lại.
Hạt mưa là bộ phim Điện ảnh đầu tiên của Vietnam sử dụng tông phim như một phương tiện biểu đạt. Màu vàng của phim gợi vẻ đẹp xưa cũ, mà buồn nữa Tôi biết nhiều quay phim Vietnam cũng thèm làm điều này cho những tác phẩm của họ, nhưng không phải chuyện đơn giản. Bạn phải xác định ngay từ đầu khi lựa chọn loại phim để quay, nhất quán trong điều phối sắc độ bối cảnh và phương pháp chiếu sáng. Sau cùng, bạn phải điều chỉnh màu sắc trên hệ thống in tráng. Tất cả những điều mà tôi vừa nói thuần tuý kĩ thuật nhưng bạn sẽ phải toát mồ hôi và tốn công tốn của lắm
Trong Hạt mưa đạo diễn không muốn phô bày sự thật cuộc sống với những màu sắc trần trụi của nó. Việc chọn màu sắc và kiểu cách trang phục nhất quán không lệ thực là một táo bạo. Tôi cho rằng hoạ sĩ phục trang đã rất dũng cảm khi sử dụng trang phục cách điệu. Nó có mới, nó có sạch đấy nhưng mà từ đầu đến cuối phim đều thế. Vậy nên nó không gây phản cảm cho người xem.
Những khuôn hình tĩnh sâu lắng không mang tính kể chuyện mà bộc lộ thái độ quan sát. Đôi khi máy lia vô cớ. Ví dụ như cảnh panorama toàn cảnh ngôi nhà. Cú lia chậm, hơi giật, không đồng tốc(Lia tay 360 độ mà được như thế giỏi rồi) tạo cho người xem một thái độ nhìn nhận từ bên ngoài. Tôi cho rằng đây là một thái độ cố tình của đạo diễn vì chẳng khó khăn gì nếu như ta cho nhân vật chuyển động và máy quay pan theo. Nhưng như thế, máy quay đã bộ lộ thái độ chủ quan, điều mà tôi không thấy nhiều ở phim này.
Đôi khi máy fix cố tình. Cảnh cậu bé con Lý An đi qua cầu dùng để chuyển cảnh, khi tới gặp một người khác để nghe kể một câu chuyện khác về cuộc đời mẹ. Cảnh đó nhân vật vào hình, và ra hình. Cái cách để nguyên một cảnh dài như vậy, mặc kệ thái độ không thích của tôi và sự lê thê trong lòng bạn, cảnh quay cũng đạt tới một giá trị khách quan nào đó. Nếu ta thấy diễn viên ở hai phần ba khuôn hình rồi cắt cảnh, nối tiếp máy quay diễn tả thái độ của diễn viên trong một cỡ cảnh hẹp hơn, cái cách đó hiện đại quá, không phải là cách mà Hạt mưa biểu đạt. Giống như chúng ta từ xa trông về quá vãng, cách dựng nguyên toàn cảnh như lối dựng của các phim cổ đôi khi mang lại thái độ khách quan dửng dưng của câu chuyện không giành cho những người xem thiếu tập trung.
Phim rất ít những cảnh hẹp, nhằm diễn tả chi tiết. Nó giống như quay thiếu cảnh dựng và rất thừa toàn cảnh. Tuy nhiên, với lối dựng chắc chắn và đồng nhất phong cách khiến cho hàng loạt những toàn cảnh đó dựng với nhau lại tạo ra một cảm giác khác. Đó là một kiểu biểu đạt mĩ học của khuôn hình máy quay có chủ ý.
Tôi nhớ một con thuyền chở đầy hoa chuối. Một vệt đỏ vạch ngang màu vàng đặc trưng của toàn cảnh khuôn hình. Nhưng đạo diễn cũng chỉ cho người xem cảm nhận một chút khác biệt như vậy rồi dừng lại. Hay một cảnh dòng suối cuồn cuộn chảy, tôi thấy một cánh lá bay xuống đầy tính ẩn dụ. Việc miêu tả thân phận Lý An trong màn đó cũng chỉ dừng có vậy. Ai cảm được thì thấy
Mở đầu phim là anh thanh niên con của nhân vật chính vào làng từ trái qua phải hình theo hướng tiến dần tới máy. Kết thúc phim vẫn chàng trai đó, ra khỏi làng từ phải qua trái về phía chiều sâu của khuôn hình. Không số phận nào được thay đổi, không có quan niệm sống hay tư duy nào thay đổi, không có ai nghèo khó trở lên giàu có, ai xấu thành tốt chúng ta và nhân vật biết về đời sống của một làng xã ngày xưa với những hủ tục mang màu sắc văn hoá.
Âm thanh của phim không thể khen chê gì nhiều.
Tôi thích cái chất cổ ca trong những bài hát được sử dụng, tuy nhiên tôi cho rằng cái cách thay vì sử dụng rất nhiều bài hát thì nên dùng một bài gần gũi với truyện phim nhất mang ý nghĩa biểu trưng nào đó. Ví dụ như tò vò nuôi nhện(phi người Việt, không thể hiểu tích này)Sau đó những đoạn sau sử dụng các loại nhạc cụ khác với những tiết tấu khác để diễn tả tâm trạng vui buồn của nhân vật cũng như than vãn về số phận của họ mà vẫn sử dụng nền giai điệu đó. Nhưng đó chẳng qua chỉ là ý chủ quan ngốc nghếch của tôi mà không phải là cái cách đạo diễn muốn thể hiện. Nhạc của Hạt mưa mềm mượt mang tính hỗ trợ đẩy sâu chủ đề của phim. Tôi cho rằng đạo diễn thích nhạc Bach. Tôi cũng thích Bach mà không phải trong phim này.
Về đối thoại, khá nhiều những đoạn dài mà tôi không thích ví dụ cảnh Lý An giẫm đất kể về việc gặp cái cây và bông hoa không phải của cái cây đó! Tôi cho rằng cứ quay luôn cảnh đó thay vì bảo cô ta cứ đạp mãi một chỗ để biểu hiện tâm trạng. Tôi nghĩ đến triết học của Freud! Thực lòng tôi không hiểu ý của tác giả cũng như đạo diễn về đoạn này. Tuy nhiên tôi chắc chắn nhớ một câu thoại triết lý rất dân gian xưa nay phường buôn có lấy phường hát bao giờ! cảnh trên xe ngựa. Tôi thích câu đó.
Về tiếng động, chỉ là âm thanh mô phỏng. Đạo diễn không quan trọng việc biểu đạt của tiếng động trong dàn dựng. Việc sử dụng âm thanh trong dàn dựng sẽ buộc người ta phải dùng những góc máy chủ quan, điều mà đạo diễn không thích dùng. Tôi có chú ý tiếng mưa mà cái máy chiếu tồi quá đi thôi. Nó làm giảm hiệu quả phim rất nhiều
Trước tiên tôi xin cảm ơn các bạn đã cùng tôi bình luận Hạt mưa rơi bao lâu. Tôi thấy lâu nay chúng ta thường để những bộ phim như thế này rơi vào quên lãng, vì vậy trong khoảnh khắc chúng ta làm việc này ngõ hầu một tiếng rao nhà mõ – Những người quản lí hãy giành cho nó một chỗ đứng trong đời sống Việt. Ngay cả khi các rạp từ chối chiếu nó thì chúng ta cũng hãy cổ vũ vì những giá trị thực sự của nó.
Có người nhắn hỏi rốt cuộc thì lastcountryman khen hay là chê Hạt mưa rơi bao lâu? Tôi xin trả lời tức thì rằng tôi thích nó. Nó đáng để chúng ta ngồi xem không chỉ một lần, bây giờ và sau này cũng vậy.
Cũng phải xin lỗi các bạn lớn tuổi tham gia Thread này vì việc cảm nhận về một bộ phim khi viết lại nó rất khô khan, tựa như cái cách mà chúng ta vẫn làm là thêm chút gia vị cho nó trôi, cho phép tôi bông phèng ngôn ngữ và sử dụng cả tiếng lóng.
Tôi cũng xin các nhà làm phim thứ lỗi, tôi biết chúng tôi xem phim và phán như thế này thì dễ mà làm một cảnh quay thôi cũng cực nhọc vô cùng, tuy nhiên nếu chúng ta làm phim ra mà không ai bàn luận, bộ phim sẽ rơi vào quên lãng! Chúng ta phải chấp nhận sự mổ xẻ mà không phải lúc nào ta cũng hài lòng.
Cũng có nhiều điều đáng bàn trong xứ lý tính cách nhân vật và cấu trúc phim nhưng tôi xin nhường lại Thread này cho các bạn bàn luận. Viết tới ba bài về một phim khó như Hạt mưa rơi bao lâu tôi e cũng là quá nhiều.
Nếu ai thực sự có hứng thú bàn luận nữa, xin mail cho tôi theo địa chỉ [email protected]
Thân ái!
Bài hay quá , thật tình để viết được thế này : chê mà không để cho người ta ghét , là một điều khó . Và tôi tin bạn đã nói rất thật !
Hic , mình lại nghĩ đạo diễn có ý đồ khác cơ , 3 câu chuyện trong một bối cảnh y nguyên đúng là khiến nhìu người rối thật , nhưng có lẽ sự nguyên vẹn đó trở nên một dấu ấn để cho câu chuyện quay trở về cùng một lúc …
Tiết tấu chậm của phim này rất giống với MM , nếu bạn cố gắng vượt qua cái suy nghĩ rằng không thể xem một phim quá lê thê như thế , bạn sẽ cảm nhận được một không gian đẹp hơn …
Trến thế giới này , phim hay cũng có rất nhiều người không mún xem , vì họ thích xem một phim mà kịch tính và mạch phim liên tục , không chậm rãi như đang ở thời gian thực . Mà điều đó cũng chứng tỏ , làm phim vừa có khán giả , vừa có …chuyên môn thì thật là khó quá !
Cảm ơn Rock_boy, Neo và các bạn. Mình chỉ nhìn ở giác độ thiển nghĩ cá nhân, chắc còn nhiều điều cần phải học hỏi. Đây cũng là lần đầu tiên mình phân tích một bộ phim. Lại nhìn ở 2 góc độ người xem và giới chuyên môn, cũng liều mạng vậy, hi vọng sẽ có thêm nhiều ý kiến ở những cách nhìn khác từ phía mọi người!
Thân ái!
Nhờ bài viết của neo mà chắc chắn đi xem, vì nội dung thật sự hấp dẫn và mới lạ đv điện ảnh VN, còn bài viết của lastcountryman thì rất hay nhưng quả thật hơi khó hiểu cho một kẻ xem phim chỉ để giải trí như mình.
2003-2023