Phim ảnh và Rượu mạnh

Forums Mọi thứ khác Linh tinh Phim ảnh và Rượu mạnh

  • This topic is empty.
  • Creator
    Topic
  • #37292
    quo_vadis
    Participant

      Có lần về thăm bạn bè ở một thành phố nhỏ trên cao nguyên, ngồi trong cái lạnh buốt da, uống rượu đế 1.000đ/xị vừa khê vừa chua mùi hèm mà cười hề hề, mà bù khú trăm ngàn chuyện trên đời dưới đất, thấy con người ta có lúc cũng thanh cao!

      Thỉnh thoảng anh bạn lớn gọi điện tìm, ê nhóc, anh mới được người ta tặng một chai …gì gì đó, tới được không? Dĩ nhiên chẳng ai có thể khách khí với những dịp uống chùa rượu ngon như vậy. Ngồi nghe anh nói chuyện người ta thử rượu vang trong những cái cốc bằng bạc ra sao, người ta thưởng thức rượu ngon từ hương tới vị thế nào cũng vui. Chẳng biết mai mốt giàu có thì sao, chứ hiện giờ chưa bao giờ tôi dám mua rượu đắt tiền như vậy.

      Con người ta sống trên đời chắc cũng lắm khi no thì sơn hào hải vị còn chê ỏng eo, đói thì dưa muối mắm cà cũng xong, miễn là “qua được con trăng này” để còn làm chuyện khác nữa, chứ ngồi cắn đắng mãi chuyện cái ăn cái uống thì vừa chẳng lấy gì làm thanh cao, vừa chẳng làm được cái gì hay ho trong mấy mươi năm “mang nặng kiếp người”! Ăn với uống thì vậy, nếu chịu rượu đế hột vịt lộn thì cần chừng chục ngàn để say mèm, nhưng nếu muốn sảng khoái đổ vào họng một ly whisky để nghe “thực quản của mình đang đỏ tươi như bị cháy đen sậm lại” (Đèn Không Hắt Bóng) cũng phải tốn ít ra là vài trăm ngàn.

      Nhưng khổ nỗi chuyện phim ảnh ở TP HCM hiện nay nó khác, nó “ngẳng” ở chỗ là mua một cái vé xi nê coi NCGCD ở Cine box 30 ngàn, vé ở Diamon Plaza 40 ngàn vào ngày Chủ nhật, trong khi mua một đĩa phim DVD cũng chỉ độ khoảng 25-30 ngàn, hay đi thuê VCD thì còn rẻ hơn nữa!

      Nghĩa là để được hít hà, để được xuýt xoa vì “sướng” người ta chỉ cần phải bỏ ra vừa bằng số tiền coi một bộ phim mà người ta vừa coi vừa lẩm bẩm một cách rất không gentlement trong bụng!

      Nghĩa là nếu có một ly rượu thuộc loại thượng hảo hạng với giá chỉ bằng một chén rượu khê của bà zà bán hột vịt lộn đầu làng thì người ta sẽ chẳng vì lý do gì uống rượu khê rồi nắc nỏm khen ngợi, cho dù bà zà đó có đôi chân dài… gấp ba lần chân người khác!

      Nghĩa là sau khi được xem vẻ “giang hồ tội nghiệp” của Julia Robert trong Pretty Women, rồi thấy nàng “thoát xác” dịu dàng, thùy mị mà cực kỳ mạnh mẽ trong Sleeping with Enemy, rồi lại cảm động với cách sống “tận ân tình” trong Die Young, rồi dễ thương khả ái trong Mona Lisa Smile hay nét tưng tửng đáng yêu trong Four Wedings & One Funeral…, thì người ta sẽ trở nên khó chịu khi phải thấy một cô gái quê lớn bổng suốt ngày ôm con heo, ngồi nặn mụn ngoài đường với một tư thế (xin lỗi) “Hai Lúa” không chịu nổi, cô gái đó cũng biết nuôi ước mơ nàng Lọ Lem (không biết cô ấy có hiểu rằng hình ảnh Lọ Lem trong văn học “thanh cao” hơn nhiều cái hình ảnh cô ấy muốn diễn tả!), rồi cũng cô gái quê đó biết cách “đi lên” bằng trò “đi xuống” một cách sành sõi, để cuối cùng phát biểu ý kiến của mình với phong cách, ngôn ngữ, và tầm trí tuệ không phải ai cũng có thể hiểu được! Nói thật, trên đời này mà có ai tìm được một cô gái như vậy thì tôi … chết liền, cho dù có bỏ công xới tung hết các miền quê, vùng sâu, vùng xa, vùng lõm gì gì đó trên toàn cõi Việt Nam! Đó là một trong những lý do khiến có lần tôi nói rằng “cái thế giới đó đầy dẫy những trò đùa không giống ai”!

      Cái gọi là “điển hình nghệ thuật” nó cũng lắm chuyện lắm, chỉ cần một câu “Hắn vừa đi vừa chửi” thôi, Nam Cao đã đặt được một Chí Phèo ngang dọc vào nền văn chương Việt Nam hiện đại rồi. Người ta biết rằng Chí Phèo là sản phẩm hư cấu của nhà văn, nhưng đồng thời cũng biết rằng có những Chí Phèo bằng xương bằng thịt khác đang long nhong ngoài đường hàng ngày.

      Coi phim có khi cũng như uống rượu vậy. Một scene đẹp, một chi tiết phim ảnh nặng chất nhân văn cũng có thể làm người ta có thể nổi hết da gà hệt như được thưởng thức một chén rượu ngon. Ai cũng có một quá khứ, một nền tảng giáo dục, một bối cảnh xã hội, một gia cảnh đặc thù, một môi trường, một cuộc đời … với những biến cố khác nhau. Tất cả những điều đó (cùng những tác nhân khác nữa) sẽ tạo nên những “thằng tôi” có bề dày, có chiều sâu, có cá tính tồn tại lơn tơn trong xã hội. Người ta sống, người ta ăn, người ta uống hay người ta thưởng thức nghệ thuật gì đi nữa cũng không thoát khỏi cái sự chi phối của cái cá tính đó. Có một đêm mưa ăn tối bánh xèo vỉa hè Sài Gòn, thấy lòng “nhức mỏi” vì chợt nhớ ngày xưa mẹ mình ở quê cũng đã từng đổ bánh xèo bằng củi ướt làm chiếc bánh đượm hương vị của khói!

      Vậy đấy, con người ta bị kinh nghiệm sống chi phối từ cái ăn, cái nghe nhìn trong suốt cuộc đời. Tôi nhớ hoài cái giây phút dài đằng đẵng trong Beyond Borders đoạn Nick trả lời Laura (cô nàng này đóng phim Tomb Raider, tên gì tôi không nhớ!) khi được hỏi tại sao chàng không bao giờ gọi nàng bằng tên thật là tuyệt vời. Cái triết lý của chàng cần được “thấm”, cần được trải nghiệm, và khán giả cứ phải lận đận chạy theo câu nói của chàng, cứ phải vất vả đánh lộn với quá khứ của chính mình, với vốn sống gom góp lâu nay, để cuối cùng thấy lòng nghẹn lại chẳng biết nên cười nên khóc với câu nói: nếu tất cả những người tôi đã mất trong cuộc sống này đều có một cái tên? (Đạo diễn tuyệt vời, nét tài hoa được xóa dấu vết tài tình đến nỗi khán giả không nhận thấy cái kiểu thoại lúc đó là một ước lệ của kịch nghệ).

      Cái cảm giác điếng người khi đó giống hệt lúc người ta trộn trạo hớp rượu mạnh trong cả vòm miệng rồi nuốt xuống, chợt thấy lẫn trong cái cay cái nóng của rượu chút ngọt ngào ấm áp, có mùi hương quyến rũ lạ lùng như duyên thầm con gái. Và còn sướng hơn cả cái khung cảnh có hoang sơ dữ dội lúc Nguyễn Tuân cho Lịch quật khu mộ rượu trong Chùa Đàn. (Tôi biết Chùa Đàn đ㠓lên đời” thành Mê Thảo, mặc dù tin tưởng tài năng của Việt Linh, nhưng tôi vẫn chưa dám đi coi, sợ cái “sướng” của Chùa Đàn bị ngôn ngữ điện ảnh làm mờ đi).

      Tôi quan niệm coi phim cũng đỡ buồn như uống rượu, đôi khi vì một người bạn thân, ta có thể lấy nước suối rừng pha vào cồn 90o làm rượu để say với bạn. Cũng có đôi khi vì không phải bạn thân mà ta từ chối cả một buổi tiệc đãi toàn rượu ngoại.

      Lỡ sinh ra trên đất Việt Nam, nên tôi vẫn mơ một ngày nào đó bà zà chân dài bán rượu đầu làng thôi chạy theo bắt chuớc những công nghệ quá sức mình từ trời Âu đất Á gì đó rắc toàn những thứ men mà người ta làm champagne, whiskey vào mẻ nếp cốm đầu mùa. Mà bà nên tìm trong duyên xưa hương cỏ gió đồng, để tìm ra một loại men nào đó có thể tạo nên một loại rượu thuần chân quê của mình.

      Đã có người bạn từ Hà Nội vào vất vả mang tặng tôi một xị Nếp Bắc, đức khác dúi cho chai Bầu Đá miền Trung, cũng có đứa từ miền Tây lên cũng khệ nệ mang theo một lít Gò Đen đúng hiệu. Rượu ta cả đấy, vậy mà mỗi lần gọi điện cho anh bạn lớn, mới mở lời: bạn em nó ở quê…, là anh vội vã nói ngay: đợi tao với, tao tới liền.

      “Sướng” đến nổi hết da gà lên lần nữa!

      nhócHuy

    Viewing 1 reply thread
    • Author
      Replies
      • #70939
        shrek
        Participant

          Chào bạn. Tôi không dám có ý kiến nhiều về bài viết trên của bạn, chỉ xin có một nhận xét về cách đánh giá tính chân thực của một bộ phim.

          Khi một người đã quen thuộc với một môi trường, một công việc nào đó, thì khả năng đánh giá, nhận xét của người đó về môi trường ấy hay công việc ấy sẽ nhạy cảm hơn.

          Đơn cử, khi xem phim “Finding Nemo”, có thể nhận xét: Các cảnh dưới biển sao mà đẹp thế, giống thật như thế; còn cảnh trên bờ, cảnh con người tuy đẹp nhưng không được giống thật cho lắm. Ngược lại, một người thợ lặn, một thủy thủ tàu ngầm (hay cực đoan hơn, một chú cá biển) có thể nhận xét các cảnh dưới biển trông giả tạo, không xuất sắc lắm.

          Tương tự như trên, khi đánh giá một bộ phim có tính tả chân tốt hay không, điều đó phụ thuộc vào sự thấu hiểu bối cảnh của người xem. Người dân nước nào, tất nhiên và nói chung là, sẽ đánh giá độ chân thực của bộ phim nước ấy, tốt hơn người dân nước khác.

          Một ý nhỏ để tham khảo cùng các bạn.

        • #70940
          ramboiv
          Participant

            Có điểm này từ hùi đó giờ tui cũng chưa hiểu, mấy phim Việt Nam có chiếu quán Bar này kia thì lúc kiu rượu Tây ra thì không biết là trong đoàn làm phim ai trả tiền, kinh phí có sẵn hay là sao? Mà chắc gì mấy chai đó là rượu xịn! nghi là cái vỏ mà trong chai là….đế quá! Đế Gò Đen lúc nào cũng hơn về chất lượng so với Rượu Tây, quất 1 lần bạn sẽ biết ngay mà !…, khui mấy chai rượu ngoại cho nó xôm xôm chút thôi, uống rượu này kia thì trọng cái mùi và lượng của nó….

        Viewing 1 reply thread
        • The forum ‘Linh tinh’ is closed to new topics and replies.

        MoviesBoOm

        2003-2023

        Skip to toolbar