Tặng 40têncuop
Lâu lắm rồi mới lại có một cuốn phim công phu, nghiêm túc mà không kém phần ngất ngư phiêu lãng đến vậy. Tôi chưa nghe qua tên của đạo diễn này, và cho đến lúc này vẫn không nhớ nổi tên ông ta, tuy nhiên vẫn xin nghiêng mình bái phục bậc thầy về chất bồng bềnh lãng tử ấy.
Ly khai vị nho nhỏ, vừa phải, nhưng cái “mùi” Hollywood đã báo trước một cách nhìn, một triết lý hiện đại về huyền thoại thái cổ. Đó là khi Achilles được một đứa bé hỏi anh có phải là một trang hiệp sĩ mình đồng da sắt như người ta đồn đãi hay không, chàng đã trả lời là không phải như thế, vì nếu thật vậy thì chàng đâu cần phải giáp sắt mũ trụ làm gì cho nặng nề! Quả thật, nói tới Achilles là ai cũng nghĩ tới câu chuyện mẹ chàng nắm gót chân nhúng chàng xuống dòng sông bất tử, vậy nên với câu nói này coi như những nhà làm phim đã thành công khi gieo vào lòng khán giả sự tò mò thú vị cần thiết để theo dõi tiếp những thước phim kế tiếp. Người ta nói càng xem nhiều, nghiên cứu nhiều càng học hỏi được nhiều, nhưng theo tôi ở chỗ này thì chịu, vì cái tang bồng này phải học hỏi thế nào đây? Đây không chỉ là tài năng, là kỹ thuật lôi kéo khán giả, mà còn là chất phiêu lãng thiên phú, và là chất tài hoa nữa!
Troy mở đầu như thế, giống một bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thyết hiện đại của một tác giả kịch bản vô danh nào đó, đệ tử của Jean Paul Sartre, của Andre Gide hơn là một tác phẩm khắc họa chất hùng tráng của thiên sử thi nhân loại Illiade của Homer.
Ly thứ hai nặng đô hơn nhiều. Ngài đạo diễn ạ, ngài vừa phải thôi! Ngài giao vai anh hùng Achilles huyền thoại cho diễn viên lãng tử đẹp trai Brad Pitt, ngài cho anh ta xuất hiện một cách kiêu hùng với dáng vẻ bất cần đời của một tay cao bồi kiểu Charles Bronson, ngài khoác lên người chàng cái đẹp bi tráng, ngài vất vả nặn ra một tính cách gai góc mà dễ thương cực kỳ cho chàng, rồi ngài hỏi chàng có muốn ở nhà với vợ sinh con đẻ cái hay muốn ra trận song hành cùng cái chết trong cuộc chiến vĩ đại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại và cuộc chến ấy sẽ còn được người ta nhắc tới hàng ngàn năm sau và những anh hùng tham dự cuộc chiến này sẽ được lưu danh bất tử? Ngài vừa phải thôi, ai mà chịu nổi câu hỏi như vậy chứ? Ly này làm tôi váng vất hơi men rồi đấy! Nhắp miếng mồi là khung cảnh vĩ đại của những đoàn quân ngợp trời với những pha chiến trận thật hoành tráng.
Ly thứ ba dành cho Hector, chỉ có điều còn nặng tiếc nuối. Hector không phải nhân vật kiểu Rambo, James Bond, Bruce Willis hay kiểu những anh hùng mỗi chút mỗi f**k you loạn xạ, Hector là một anh hùng cổ điển đúng nghĩa. Hector không thể mắt chữ A mồm chữ O rồi thay đổi ý kiến xoành xoạch khi biết cậu em vừa cuỗm mất nàng Helen xứ Spartre! Hector phải đàng hoàng đúng mực, phải nhận thấy một cách rất sâu sắc rằng đây không phải là chuyện đùa mà là một trò chơi lịch sử của hàng ngàn sinh mệnh, của sự tồn vong của cả một quốc gia, và chấp nhận trò chơi ấy, với thái độ của một thân phận giun dế nhỏ bé trong guồng quay vĩ đại của vũ trụ, mà vẫn ngẩng cao đầu! Khó vậy đấy, lịch sử đã được viết như thế trong thiên trường ca Illiade, và chính ngài phải lý giải một cách hợp lý logic ấy, ngài đạo diễn ạ. Ngài cũng có nhờ vả Priam luôn miệng nhắc tới thần linh để lý giải một phần cho cuộc chiến vĩ đại này nhưng vẫn chưa thông đối với tôi ngài ạ! Ly này tôi uống với tôi thôi, cho sự tiếc nuối này!
Ly kế tiếp tôi uống cho Achilles lần nữa, cho cái triết lý thuần nhân bản lôi tuột những thần linh vĩ đại của cả thần dân Hy Lạp lẫn cư dân thành Troy xuống thành những kẻ ghen tị nhỏ mọn giữa trần thế muôn ngàn tinh túy cây cỏ (ấy là tôi muốn nói tới nghìn vạn thứ rượu chưng cất từ hàng trăm loài thảo mộc thôi! ) Đáng không chứ, uống cho cái nhìn Phương Đông của một tay viết kịch bản Phương Tây! Uống thêm ly nữa với Achilles để ngấm hơi men với câu chuyện kể về những giấc chiêm bao có kẻ thù đứng đợi bên kia dòng sông Nại Hà, cái nhìn khiến cho cuộc chiến của những người hùng trở nên phi lý một cách có lý! Cái có lý này hiển nhiên và thật thà hơn nhiều lần lúc Priam nói về sự có lý của những cuộc chiến tranh giành đất đai quyền lực và tình yêu. Uống cho chàng ly nữa để biết giễu cợt sự bất tử tội nghiệp đã có lần bị Swift giễu cợt trong Guliver Du Ký! Chợt nhớ câu hát của Trịnh: cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ! Mới thấy bi tráng làm sao cái kiếp người!
Ly “đã” nhất tôi uống cho cảnh Hector giết lầm Patrocles, chàng trai trẻ em họ của Achilles. Rồi! Rồi! Rồi! Có lẽ ai cũng phải thốt thầm trong bụng như thế khi chứng kiến chàng trai hừng hực sức sống và tham vọng, tù nhân của thần chiến tranh, ngã xuống từ từ dưới lưỡi kiếm của Hector (là tôi ví dụ khán giả chưa từng biết tới câu chuyện thành Troy này). Cái cảm giác ngất ngư vừa ấm ức vừa tức thở vừa sảng khoái vừa thương vừa giận vừa buồn vừa vui vừa hồi hộp… làm người ta nghẹn thở! (Không cần phải thốt lên thằng nhóc đó giúp ta chiến thắng cuộc thắng này, hay như trước đó là con bé Helen vừa tạo ra cho ta một cái cớ để tấn công thành Troy!) Khán giả biết hết, cái biết này mênh mông huyền hoặc, cho dù không thể sánh với cái “tri thiên mệnh” của những bậc đại ngộ, nhưng nó cũng đủ làm người xem ngây ngất! Ngây ngất bởi trong trực giác của mình người ta chợt nhận ra đã có một thiên hùng ca ra đời ngay chính từ thời điểm này! Lịch sử đã sang trang, bi kịch đã lên tiếng, nhân loại đã đến một bến bờ mới, và những vị anh hùng đã xuất hiện!
Vẫn scenes này, tôi uống thêm ly nữa cho Hector. Vai trò của chàng trong phim có lẽ là để cố gắng giảm nhẹ một phần nào những lời phê bình về một cuộc chiến phi lý nhất trong lịch sử nhân loại. Chàng đã mang lại chút đỉnh ý nghĩa cho cuộc chiến này, lôi tuột cái có lý vớ vẩn của tình yêu trai gái ra, để lộ bộ mặt chết chóc kinh khủng của một cuộc chiến tranh vì lòng tham, vì sự sợ hãi cố hữu của con người! Uống cho cái biết của chàng khi cảm được cái ngọt ngào của lưỡi kiếm trong tay mình lướt qua cổ họng Patrocles. Trong khoảnh khắc im lặng của cả thời gian không gian và ý thức con người đó, tâm trạng của Hector mới là điều khiến người ta cảm động nhất!
Thêm một ly nữa cho Achilles, một tay chơi chưa từng được lựa chọn cuộc sống cho mình, chàng chỉ được sinh ra để trở thành một anh hùng, để tô vẽ cho lịch sử nhân loại, để trở thành một thứ công cụ gì đó phục vụ cho trí tưởng tượng của cái bản năng thèm khát giết chóc của con người. Chàng chấp nhận cuộc chơi trong một vị trí khó khăn hơn Hector rất nhiều! Điều đó giải thích cho việc chàng khóc bên xác Hector, xin nói luôn với các bạn chưa từng coi qua Illiade là chuyện này có thật trong Illiade, cảnh Priam đích thân qua doanh trại Achilles xin xác Hector cũng có thật.
Uống nãy giờ say xỉn rồi nên cũng nói thẳng luôn là nếu đạo diễn xử lý trường đoạn này khéo hơn, Patrocles ngã xuống chậm hơn, đừng sử dụng âm thanh, Hector đừng diễn bằng body language mà chỉ diễn tả nội tâm bằng ánh mắt, Hector cũng đừng anh hùng quá mà hãy con người hơn, biết sợ, sợ cho dân tộc chứ không phải cho chính mình, biết trò chơi đã khép, thì cái hiệu quả chắc sẽ epphê hơn nhiều!
Còn quá nhiều điều để viết về Troy, nhưng tôi chỉ muốn mời các bạn cùng tôi cạn những chén rượu này, để cùng cảm nhận một thời gian tuyệt vời mà các nhà làm phim tài ba đã vất vả mang lại cho chúng ta.
Hẹn gặp lại các bạn trong một chiếu rượu khác nhé, tại sao không nhỉ?
2003-2023