Sidney Poitier – Người da đen huyền thoại.

Forums Cast&crew Western stars Sidney Poitier – Người da đen huyền thoại.

  • This topic is empty.
  • Creator
    Topic
  • #37144
    poco
    Participant

      Cao:1m89

      Sidney Poitier sinh ngày 20.2.1927 tại Miami, Florida, Mỹ trong một gia đình di dân gốc Cat island, Bahamas. Sinh ở Miami nhưng Poitier lớn lên ở Bahamas. Cha mẹ anh làm nghề trồng cà chua. Lớn lên trong nghèo khổ nên ông sớm bỏ học. Đến năm 15 tuổi, Poitier trở lại Miami sống với anh trai và làm nhiều công việc khác nhau như bồi bàn v.v…trước khi đi lính. Năm 18 tuổi, Sidney đến New York tham gia nhà hát kịch American Negro Theatre (sau hai lần thi) dành cho các diễn viên da đen và tìm đừơng đến với sân khấu kịch Broadway, nơi ông được giao một vai diễn trong vở kịch có tên Anna Lucasta (1948). Không có tiền nên ông thường phải ngủ tại các bãi đậu xe búyt. Tại đây ông đã lọt vào mắt xanh của một chuyên gia phát hiện tài năng trong lúc đang tập kịch, và thế là Sidney được đưa đến Broadway diễn thử một vai nhỏ trong vở kịch Lysistrata. Vai diễn này được các nhà phê bình đánh giá cao, mở đường cho sự nghiệp diễn xuất rạng rỡ của ông sau này.

      Cuối năm 1949, Poitier đứng ở ngã ba đường khi phải chọn giữa các vai chính trên sàn diễn kịch và vai diễn trong bộ phim “No way out” của đạo diễn Darryl F.Zanuck. Để được đóng phim này Poitier phải nói dối Zanuck là ông đã 27 tuổi trong khi lúc đó ông mới 22. Với vai diễn người bác sĩ da đen kiên trì và đức độ trong “No way out” (1950) ngay lập tức ông đã được công nhận là một diễn viên da đen nhiều triển vọng nhất lúc bấy giờ. Vai diễn thành công đã đưa ông tới nhiều vai chính khác lý thú hơn và nghiêm túc hơn những vai hạng hai mà các diễn viên thường được giao (những người da đen trong phim Mỹ vào thời điểm ấy chỉ là hình ảnh của những kẻ lưu manh, cục súc, hèn hạ và bẩn thiểu). Liên tiếp nhiều năm liền, Sidney từ chối những vai diễn có tính chất miệt thị và hạ thấp phẩm giá của người da màu. Nhân cách của ông đã được ông chủ các hãng phim đánh giá cao và họ đã có những kịch bản với những vai diễn ưng ý giành cho ông. Và chỉ sau một thời gian Poitier đã được xếp vào hàng đầu danh sách các ngôi sao da đen thành công và được đối xử bình đẳng trong điện ảnh Mỹ.

      Năm 1955, ông thủ vai một sinh viên da đen nổi lọan trong bộ phim được xếp vào lọai kinh điển “Blackboard Jungle” bên cạnh ngôi sao nổi tiếng Glenn Ford và một công nhân bến cảng tốt bụng trong “Edge of the city” (1957) Sidney đã bắt đầu tạo dựng tên tuổi của mình trên màn ảnh thế giới khi cả hai bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao. Đỉnh cao đầu tiên đến với Sidney vào năm 1958, khi ông nhận được đề cử Oscar đầu tiên với vai diễn gã tử tù da đen vượt ngục cùng với một bạn tù da trắng trong bộ phim “The defiant ones”. Tiếp đó là một lọat những vai diễn ấn tượng như “Porgy and bess” (1959), “All the young men” (1960), “A rising in the sun”, “Paris blue” (1960), “Pressure point” (1967) đã khẳng định vững vàng vị trí ngôi sao của ông giữa một chùm sao đang tỏa sáng của Hollywood lúc bấy giờ.

      Và những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong điện ảnh nhằm chứng minh cho những giá trị cao đẹp đích thực của người da đen đối với cộng đồng, đã đem lại một sự công nhận mang tính lịch sử đối với người da màu: Năm 1964, Sidney Poitier đã đọat giải Oscar nam diễn viên chính trong bộ phim “Lilies on the field”. Đó là người da đen duy nhất trong lịch sử dọat giải Oscar vai chính cho đến năm 2002 Halle Berry và Denzel Washington đọat Oscar nữ, nam chính với “Monster’s ball” và “Training day” thì kỉ lục này mới bị phá vỡ. Bộ phim cũng mang về cho ông giải Gấu bạc vai nam chính xuất sắc nhất tại Festival phim Berlin (1963).

      Năm 1967, là năm mà tình hình chính trị của nước Mỹ có nhiều biến động. Ảnh hưởng từ sự kiện mục sư Martin Luther King bị ám sát, phong trào chống tệ nạn phân biệt chủng tộc đối với người da đen càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Đó cũng là năm đánh dấu sự ra đời của ba bộ phim mà đến nay vẫn được xem như là những kiệt tác điện ảnh xuất sắc nhất về đề tài chống phân biệt chủng tộc, và thật tình cờ một cách cố ý Sidney Poitier đều thủ vai chính trong cả ba phim!

      Guess who’s coming to dinner – đề cập vấn đề kì thị chủng tộc trong hôn nhân. To sir, with love – kể câu chuyện về một thầy giáo da đen phải đương đầu và khuất phục lũ học trò da trắng quỷ quái. Và cuối cùng là bộ phim xuất sắc đã đọat giải Oscar năm đó “In the heat of the night”. Sidney thủ vai thanh tra cảnh sát Virgil Tibbs, người vừa phải đương đầu với tệ phân biệt màu da ngòai xã hội, đồng thời vừa phải đối mặt với sự đố kị của các đồng sự cảnh sát của mình. Vai diễn thật tuyệt vời, nhưng giải Oscar diễn xuất năm đó lại thuộc về Rod Steiger (người cùng đóng với anh!) một cách khó hiểu và bất công!?

      Cả ba phim đều rất hay và mang một giá trị nhân bản sâu sắc, và có ảnh hương lớn đối với xã hội lúc ấy. Tuy nhiên xét về khía cạnh thương mại thì “To sir, with love” lại giành được nhiều tình cảm của công chúng, vì chủ đề mang tính giáo dục và có nội dung nhẹ nhàng hơn. Có thể nói 1967 chính là năm mà Sidney Poitier đã vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp. Những thành công đó đã dẫn đến các bộ phim tiếp theo như “They call me mitler tibbs” (1970) và “The organization” (1971).

      Từ thập niên 70 trở đi, ông đã bắt đầu chuyển sang một lĩnh vực mới mẻ: đạo diễn với bộ phim “Buck and the preacher” (1972) (trước đó ông còn thử viết kịch bản cho bộ phim hài tình cảm “For love of ivy” do ông đóng vai chính). Tiếp đó là đạo diễn và đóng vai chính cho bộ ba phim hài : “Up town saturday night” (1974), “Let’s do it again” (1975) và “A piece of the action” và tất nhiên nhân vật trung tâm trong những bộ phim của ông đều là người da đen. Đến thập niên 80, Poitier ngưng diễn để tập trung vào việc đạo diễn các bộ phim như “Stir crazy” (1980, do Gene Wilder và Richard Pryor đóng), “Hanky Panky” (1982 do Widler và Gilda Radner, vợ ông đóng), “Fast forward” (1983), “Shoot to kill” (1988, do Poitier đóng vai chính).

      Năm 1992, Poitier nhận giải Oscar thành tựu sự nghiệp và ông tái ngộ với khán giả yêu mến trong “Sneakers” đóng chung với Robert Redford. Năm 1980 cuốn tự truyện về Poitier có tên This life được xuất bản. Trong sự nghiệp trải dài hơn nửa thế kỉ, Poitier đã có mặt trong hơn 60 phim (hầu hết là vai chính) và đạo diễn khỏang 10 phim. Ông có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của người dân Mỹ vào những năm 50-60 về quyền con người và về chân giá trị người da đen nói chung và da màu nói riêng trong xã hội Mỹ đang phân hóa sâu sắc. Đối với cộng đồng người da đen trên thế giới, Sidney Poitier là một biểu tượng cho niềm tin và sự tiến bộ của người da màu. Những vai diễn của ông là một lời chứng minh hùng hồn về những giá trị đích thực của họ trong một xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng kì thị màu da. Ngôi sao Tom Hanks – một ủng hộ viên nhiệt thành của Sidney Poitier – người đã có tiếng nói quyết định để mang vinh dự là giải Oscar danh dự 2002 đến cho ông đã phát biểu: ‘Một tài năng tuyệt vời và một nhân cách vĩ đại, không ai có thể xứng đáng với giải thưởng này hơn ông’.

      Ngày 24.3.2002 Sidney Poitier (cùng với Robert Redford) nhận giải thưởng danh dự của Viện Hàn Lâm tại lễ Oscar lần thứ 74 tổ chức tại nhà hát Kodak trao cho những nhân vật có những đóng góp lớn lao cho điện ảnh.

      Những điểm đặc biệt về Sidney Poitier:

      Ông có hai đời vợ:

      Juanita Hardy (29.4.1950 – 1965) (li dị) có bốn người con là Beverly, Pamela, Sherri, Gina.

      Joanna Shimkus (23.1.1976 – nay) có hai người con là Anika và Sydney.

      Tiền lương : “Porgy and Bess” (1959) $75000

      “No way out” (1950) $3000

      Năm 1998, Poitier là thành viên hội đồng giám đốc Walt Disney.

      Tháng 4-1997 ông được bổ nhiệm làm đại sứ Bahamas ở Nhật (Poitier sinh tại Mỹ nhưng vẫn là công dân Bahamas).

      Tại buổi lễ công bố đề cử 12.2.2002, chủ tịch Viện Hàn Lâm Frank Pierson đã tuyên bố trao giải thưởng danh dự cho nam diễn viên da đen huyền thọai Sidney Poitier vì những thành tựu nổi bật của ông trong diễn xuất và sự hiện diện tuyệt vời của ông trên màn ảnh đã đem lại những giá trị đích thực, góp phần quảng bá cho công nghịep điện ảnh được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Khi Viện Hàn Lâm đem vinh dự này đến cho ông , thì cũng có nghĩa là Viện đang mang lại vinh dự cho chính bản thân mình. Frank tự hào kết luận.

      Bài viết tổng hợp từ [http://www.imdb.com], ĐATP 51, TGĐA4(01) bởi Poco

    • The forum ‘Western stars’ is closed to new topics and replies.

    MoviesBoOm

    2003-2023

    Skip to toolbar