Thời xa vắng. Dở ẹc!

Forums Việt Nam Phim Việt Nam Thời xa vắng. Dở ẹc!

  • This topic is empty.
  • Creator
    Topic
  • #37815
    chubemephim
    Participant

      Ngày 02/02/2005, 18h, cửa rạp Thăng Long vắng tanh, bậc thềm cũng đã trải thảm đỏ nhưng chả có ai bước lên. 18h 30, hai bác U70 bước vào rạp. Mừng thế!. Thêm 5 phút nữa lại có mấy thanh niên trạc tuổi mình, ôi thôi mừng quá, còn ai dám nói là thanh niên VN bỏ bê, quay lưng với điện ảnh VN nào? Ấy dưng mà họ lại đi lên rạp B để xem phim Mỹ hay đóng phim gì đó cũng chả biết. Lại chờ. Mấy phút nữa, vẫn vắng tanh vắng ngắt. Mấy hôm trước thì người ngợm ở đâu mà lắm thế, bảo vệ nhất quyết không cho vào vì phải “giữ nguyên hiện trường” để chụp ảnh quay phim để trông cho nó xôm, cho nó hoành tráng, thế là đứng tràn cả ra đường tắc nghẽn cả con phố, dân tình chửi um lên, đạo diễn nở nụ cười khoái trá. Thế mà hôm nay thì….

      Lúc này, nửa muốn bác Hồ ( dạ, bác Hồ đây là bác đạo diễn Hồ Quang Minh đấy ạ chứ không phải bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đâu) đến để xin bác chữ ký, tiện thể hỏi bác vài câu dớ dẩn đã chuẩn bị trước ở nhà; nửa lại mong bác không đến để khỏi phải nhìn thấy cảnh “chợ chiều” này, chỉ sợ bác mất hết tinh thần rồi chán nản chả làm phim nữa. Thế rồi CBC đến, rồi không biết mọi người hẹn ở đâu mà đến cứ ùn ùn, làm mình trước đấy cứ lo xa, nhắn CBC đừng lên gác xem mà ngồi xem ở dưới nhà kẻo bác Hồ nếu có đến, nhìn xuống hàng ghế khán giả thấy vắng tanh thì khổ tâm bác lắm lắm. Chờ mãi không thấy bác đến. Cuối cùng bác đã không đến. Nhưng khách đến cũng đông lắm. Vậy là mừng.

      Ấy chết, đã giắng giả là bình luận về phim này, thế mà cứ lan man đâu đâu. Thôi thì để không làm mất thời gian của các bạn, tớ bình đây.

      Về nội dung: Không dám động vào phần này bởi phần nhiều các bạn trong MB chưa xem. Vậy nên xin phép được bỏ qua.

      Về diễn viên: Thật chẳng dám đòi hỏi hơn bởi diễn xuất của những diễn viên lần đầu tiên đứng trước ống kính như: Ngô Thế Quân, Nguyễn Thị Huyền như thế đã là đạt yêu cầu. Đặc biệt là anh chàng Ngô Thế Quân, mặt cứ ngố ngố, giọng nói thì khàn khàn, đặc quánh, đặc biệt lắm cơ, bình thường thì nghe rất không vào tai dưng mà lại hợp với nhân vật Sài đến lạ kỳ. Diễn xuất như vậy là khá. Tay chân không thừa thãi lắm, khuôn mặt đã hợp với vai Giang Minh Sài nên cảm xúc luôn luôn đầy đặn. Gây ấn tượng mạnh là diễn viên Hồ Phương Dung, không chỉ diễn rất hay trong cả bộ phim, cô còn “nhấn” lên ở những đoạn quan trọng làm người xem vô cùng bất ngờ, đoạn vợ chồng Sài ngồi ăn cơm trong thời gian cô Tuyết vợ Sài lên đơn vị thăm chồng, một cú máy thôi, cô Tuyết vừa kể lể rồi nước mắt nước mũi sụt sùi, thương lắm cơ. Rồi lại cảnh cuối lúc đứng chụp ảnh nữa chứ, khuôn mặt nửa mếu máo nửa gượng cười đã làm tăng cảm xúc của khán giả và tăng cả tình cảm của người xem dành cho cô lên rất nhiều. Vô cùng cảm ơn diễn viên Phương Dung “tất cả phần trăm”!

      Quay phim: Tay máy Trần Hùng (tên nghe lạ hoắc) hoàn toàn làm chủ và thổi được hồn vào những khung hình của mình. Anh không chỉ bắt được vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà làng quê Bắc Bộ giữa thế kỷ 20, những bờ đê cỏ xanh mướt; mà anh còn thu được cả sự tĩnh mịch, yên ả, cái không khí và cả không gian thời kỳ đó vào bộ phim. Đáng nhớ nhất là cảnh cô Tuyết nằm trên giường, anh Sài nằm còng queo dưới đất, cô Tuyết bấu lấy bờ vai anh Sài, cảnh đẹp như tranh của Quang Em.

      Mà không hiểu sao tay này rất thích quay ngược sáng! Lạ lắm.

      Ánh sáng: Cảnh nội luôn là những thử thách của những người chơi ánh sáng. Và ánh sáng trong Thời xa vắng thì đã được nâng lên tầm chuẩn mực, đáng đưa vào sách dạy . Cảnh đám cưới của Sài này, cảnh đại gia đình họp bàn này, cảnh hai vợ chồng Sài ăn cơm trên đơn vị này….Khi thì là ánh đèn dầu hắt lên mặt người, khi thì là bóng nắng đổ vào vách tường. Không hiểu họ “uốn” thế nào mà hay thế không biết ?

      Hóa trang: Trước khi xem Thời xa vắng, tôi đã quen mắt với hình ảnh diễn viên Phương Dung ngoài đời vô cùng mạnh mẽ, quyến rũ và rất hiện đại. Ấy thế mà khi xem phim, không còn là diễn viên Phương Dung nữa mà trước mắt tôi chỉ là cô Tuyết quê mùa nhẫn nhịn và cam chịu, vẫn yêu chồng dù có bị hắt hủi và ghẻ lạnh. Rồi những bà những cô răng nhuộm đen, áo quần lấm tấm bùn; anh Cả tóc tai bù xù, trên môi vẫn còn vương nét đỏ nhạt của vệt trầu ( anh này nhìn lại thấy nhang nhác ca sĩ Tùng Dương Sao Mai điểm hẹn ). Ba nghệ sĩ hóa trang Mạnh Hiệp, Trần Thị Trà Giang và Đặng Thị Thà hoàn toàn xứng đáng để nhận những giải thưởng điện ảnh về hóa trang cao quý nhất.

      Âm nhạc: Phần này do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đảm nhiệm. Âm nhạc với sáo, trúc, nhị, đàn nguyệt…. rất hay, “gói” cả không khí của đồng bằng Bắc Bộ. Xem phần générique, tôi có thấy nghệ sĩ thể hiện Cello là Trần Thị Mơ. Nếu nhớ không lầm thì cô đây là mẹ của Dino.

      HẾT

      Hình như còn thiếu cái gì đó. Cái gì nhỉ? À, CHÊ. Đúng rồi, phim VN mà, phải chê, phải chê mới được. Tên bài cũng thể hiện rõ rồi. Nhưng chê cái gì trong một bộ phim gần như hoàn hảo này? Kiếm đâu ra?. À, ông đạo diễn. Đúng rồi, ông này là người giơ đầu chịu báng. Đây, chê đây!

      Thưa đạo diễn Hồ Quang Minh, sức ì trong tư duy ông vẫn còn lớn lắm, chả thay đổi đổi mới gì cả. Phim khô như thế, ông phải cho diễn viên hở hang một tý cho nó ướt át chứ. Hở cái gì ấy à? Thôi thì không hở được cả mảng lưng, rồi đùi như mấy cái cô gì đi cướp ấy, thì ông cho diễn viên, cho nhân vật của ông hở ngón tay hay ngón chân cũng được, cứ gọi là có tý da thịt, dù không ngồn ngộn như phim kia thì ông cũng cứ đưa vào đi, mất gì của bọ nào! Rồi còn nữa, ông mô tả tâm lý nhân vật kém quá, cái cô Tuyết ấy, khán giả rất muốn biết thêm về nội tâm cô ấy thế nào trong thời gian ngần ấy năm anh Sài lớn lên rồi đi bộ đội…. Giá mà có thêm hình ảnh cô Tuyết đêm đêm ngồi buồn, tay cầm dao phay phóng phầm phậm vào tường để diễn tả tâm trạng cô đơn, bức bối, xì trét thì hay biết mấy.

      Còn nữa, lời thoại trong phim ông hiền quá, ông hãy cứ mặc kệ bác Lê Lựu dấm dớ với những trang sách của bác ý, ông “mô đi phê” thoại đi, cũng có mất mát gì nào? Tỷ dụ như anh Sài tán tỉnh vài câu lăng nhăng với cô Hương, hay là cô Tuyết trong một lần gặp cô Hương, thế là có dịp “đá đểu”, tung ra những câu đầy khiêu khích châm chọc gì gì đó. Bây giờ đang là mốt đấy. Có đạo diễn còn tự hào đấy là “phong vị hết sức riêng”, không thèm đụng hàng với ai hết. Đấy, ông thấy chưa? Điện ảnh là không ngừng sáng tạo và không ngừng học hỏi. Người ta học hành tốt nghiệp trường đại học điện ảnh đàng hoàng, ông thì chả học trường quái gì cả, thế mà sao tầm của ông hơn người ta ghê thế, ông ăn nói cũng hiền lành chứ chả đao to búa lớn! Quái lạ! Quái lạ!

      Chết dở, từ nãy đến giờ mình cứ miên man đi đâu thế không biết. Thôi rồi, hay là bị “ốm trong tư tưởng” rồi

      Xin được phiếm thêm vài câu: Cũng biết là các cháu nhi đồng VN mê xem phim VN lắm, muốn ủng hộ điện ảnh nước mình lắm nhưng thôi thì với những phim đòi hỏi sự tập trung và tĩnh lặng như thế này thì cũng mong các cháu xin nghỉ ở nhà mà chơi Hugo, nếu bố mẹ các cháu cứ bắt đi thì các cháu cứ giãy đành đạch lên ăn vạ. Thế là hơn!

    Viewing 36 reply threads
    • Author
      Replies
      • #79822
        ngaymua
        Participant

          Ặc! Miễn bl! Về Kĩ xảo – diễn viên thì chú bé đã khen rùi!

          Riêng mưa! sau khi xem film mà Mưa vỗ tay là điều lạ!

          Thật ra thì film của hảng Giải Phóng làm đễ chiếu nhân 75 năm thành lập Đảng như thế thì ko còn j để chê cả!

          Nội dung cũng hơi khó vào! Em ko biết là đang chê hay đang ca tụng chế độ ngày xưa nữa! Thời xa vắng – ko bít nó xoáy vào vấn đề trọng tâm j? Có phải chăng là tình yêu của những chàng trai cô gái ngày xưa – bị những chế độ phong kiến đèn ép + chiến tranh bó buộc tình cảm của những đôi trai gái? Khó hiểu wá!

          Nhưng cảnh thì đẹp! Theo si nghĩ non nớt của em thì quay film đã lực chọn góc quay rất chuẩn – nhìn nó thơ thơ mộng mộng sao á! Nhất là cảnh đồng quê!

          Nếu cho vote thì em sẽ click : 3/5

        • #79823
          potterharry
          Participant

            Một bộ phim giúp chúng ta hiểu thêm một thời bố mẹ chúng ta đã sống và yêu. Phim đặc quánh sự bức bối của một thời xa vắng. Harry thích nhất là cảnh kết phim – đầy chất điện ảnh và đậm xúc cảm. Nó như một cái kết khép lại 1 thời xa vắng để mở ra một chân trời mới cho những nhân vật. một sự tình cờ từ cú máy của Ivy đã cho Harry tôi một nốt trầm buồn trong dịp cuối năm. Một nốt trầm để giúp mình nhìn lại cuộc đời.

          • #79824
            chubemephim
            Participant

              Ấy chết Potterharry, nói “một thời bố mẹ chúng ta” thì ghê quá, bởi năm 1954, bố tớ mới có 3 tuổi, còn mẹ tớ thì có nhuộm răng đen như bà tớ đâu.

            • #79825
              potterharry
              Participant

                Nhưng bố mẹ tớ thì thế mà. tuy không nhuộm răng đen nhưng vẫn là người của thời xa vắng đó: phấn đấu cho lý tưởng và …

              • #79826
                tulip
                Participant

                  Nhưng bố mẹ tớ thì thế …vẫn là người của thời xa vắng đó: phấn đấu cho lý tưởng

                  và nhẫn nhịn, gương mẫu như anh Sài

                • #79827
                  nemo
                  Participant

                    Xin có cảm nhận 1 chút về tình yêu trong phim này:

                    Quả thật phim đã cho chúng ta thấy rằng bất kì cuộc hôn nhân nào ko dựa trện tình yêu thì sẽ ko bao giờ có hạnh phúc cả. Điển hình là 2 nhân vật Sài và Tuyết.

                    Sài khi còn là 1 đứa trẻ tuổi ăn tuổi chơi thì gia đình em đã sang làng bên hỏi vợ cho con – người mà lớn hơn em cả chục tuổi(hình như đây là tục tảo hôn thời PK thì phải). Và trong 1 buổi kết nạp vào Đội, trước mặt hương thân phụ lão trong làng em đã nói rằng “Thề sẽ yêu vợ suốt đời”.

                    Do chưa xem truyện ngắn “Thời xa vắng” nên tôi cứ tin rằng SÀi sẽ giữ mãi lời hứa của mình. Thế nhưng lời thề của 1 đứa trẻ tuổi còn đánh đáo, đá cầu thực sự như 1 lời hứa nhất thời thoáng qua. Càng lớn anh càng lạnh nhạt với cô hơn, do ko có tình yêu hay đơn giản là tuổi xuân của Tuyết đã trôi qua.

                    Ngay cả khi anh làm chuyện “ấy” với vợ cũng đã là 1 sự đấu tranh tư tưởng dữ dội và hình như cũng là 1 sự phục tùng mệnh lệnh từ cấp trên (vì phải có 1 thân thế trong sạch và gia đình ấm êm hạnh phúc thì mới có thể kết nạp vào Đảng). Trong ngôi nhà âm u lạnh lẽo ấy, 1 chút lời nói ngọt ngào của Sài dành cho vợ cũng trở thành 1 chuyện quá xa vời đối với Tuyết ngay cả lúc đông người lẫn khi chỉ còn 2 người đối diện ăn cơm với nhau thì Sài cũng ko nói chuyện với cô lấy 1 lời, nếu có đấy cũng chỉ là những tiếng ừ hử cho qua chuyện.

                    Có lẽ Tuyết chỉ là 1 trong số những người phụ nữ vô danh của làng quê Bắc Bộ ngày ấy may mắn được tác giả phát hiện ra và cho vào câu chuyện của mình. Mơ ứơc của họ chỉ là khát khao có được mái ấm gia đình hạnh phúc, 1 ước mơ tuy nhỏ nhưng sẽ ko bao giờ diễn ra…

                    Đây là lần thứ 2 sau Mê Thảo tôi lại được gặp lại cảnh làng quê miền Bắc, đây âu cũng là điều đặc biệt đối với 1 đứa ko có quê như tui.

                    P.S: Công nhận anh Cả của Sài giống Tùng Dương dễ sợ. Nhưng ông này ko có thoại chỉ đứng đó gật gù gật gù như con nghiện đang tới cử vậy

                  • #79828
                    hungviet
                    Participant

                      Chà chà…chú bé nói có cái đúng nhưng có cái sai đó nha. Mà sai to lắm đó à nha.

                      Thứ nhất, nói về Đạo Diễn Hồ Quang Minh : ông là 1 Tiến sĩ du học ở Thụy Sỹ tốt nghiệp năm 1979 khi tròn 28 tuổi. Ngay sau đó, bác Minh đã khăn gói sang Paris học đạo diễn và 2 năm sau thì tốt nghiệp. Tuy không phải học viện Hàn Lâm nhưng Hồ Quang Minh vẫn là 1 đạo diễn rất có tâm huyết với đứa con đầy nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu. Ròng rã theo đuổi suốt 16 năm trời để thực hiện bộ phim, quả là tâm huyết không nhỏ đối với 1 người đạo diễn. Chính điều này đã làm cho nhà văn Lê Lựu yên tâm mà trao đứa con tinh thần của mình cho 1 đạo diễn Việt Kiều.

                      Thứ hai, nói về nội dung phim. Tuy được chuyển thể từ tiểu thuyết nhưng bộ phim chỉ nhấn mạnh ở 2 mốc thời gian là Sài thuở bé và khi anh đi bộ đội. Những ai từng đọc Thời Xa Vắng sẽ thấy bộ phim đã được điều chỉnh 1 số chi tiết và nội dung của truyện không chỉ ngắn như trong phim. Một tác phẩm văn học được đưa vào điện ảnh không khó nhưng cái khó là đưa những gì để thể hiện rõ những ý đồ của nhà văn, toát lên cái bản chất chính của nhân vật và mô tả khắc họa được không gian lẫn thời gian trong truyện. Đó mới là cái khó của đạo diễn.

                      Và bộ phim thực sự làm hungviet bất ngờ. Phải nói là bất ngờ. Một phim về đề tài tình yêu được đặt trong bối cảnh những năm 50 ở miền Bắc Việt Nam, sau những năm tháng 45 đói rét và khủng hoảng. Cái nền trong phim là thế, khi mà cả miền Bắc đang cố gắng sống vật vờ để tự cứu mình và phải gánh luôn cả miền Nam nhưng bộ phim lại không hề đả động gì đến chiến tranh. Cái hay của đạo diễn Minh là ở chỗ này. Xem 1 phim lấy bối cảnh trước giải phóng, hầu như phim nào cũng đều lồng khung cảnh chiến tranh vào phim. Thì bởi vì thời đó là thời chiến mà, nhưng với Hồ Quang Minh, các bạn sẽ chẳng thấy 1 khung cảnh chiến tranh nào ngoại trừ 1 cảnh duy nhất là “chạy máy bay B52” . Mà cảnh này lại rất có ý đồ, có còi hụ sơ tán đó, có tiếng máy bay gầm rú đó, và có cả bà con vào hầm trú ẩn đó, nhưng cảnh này lại không phải nói lên việc đó mà lý giải cho cái tình cờ của Tuyết và Hương.

                      Cái hay khác ở bộ phim là đã khắc họa được nhân vật Sài rất giống Sài của Lê Lựu. Một Sài khi bé thì lầm lì nhưng hiếu động và rất muốn gia nhập đội thiếu niên tiền phong. Mà thực chất cậu bé ấy có biết gì về thiếu niên tiền phong mà chỉ cố gắng theo lời Bác Cả và Bác Tính, 2 người anh đang tham gia kháng chiến của mình. Một Sài tuy nhanh nhẹn và thông minh với cuộc sống xung quanh nhưng sống co rút với chính cuộc đời của mình. Cậu bé không có chỗ dựa tinh thần nào ngoài ông đò mà cậu luôn tới đó khi có những dằn vặt xung đội trong người cậu.

                      Cái thành công của Ngô Thế Quân khi đảm nhiệm được Sài khi lớn là ở dáng vóc và giọng nói của anh. Cái dáng vóc khù khờ lù đù thế nào ấy, rất khó tả lại chính là cái dáng vóc của Sài mà nhà văn Lê Lựu mô tả. Sài lớn là 1 người có chí hướng. Quyết tâm theo cách mạnh nhưng anh vẫn không thoát khỏi cái nỗi khổ của chính bản thân mình và gia đình. Từ bé đến lớn, anh luôn quay lưng với người vợ của mình dù sống chung bao năm. Và khi trưởng thành, anh lại là một con người nhút nhát, không có bản lĩnh và trở thành một nạn nhân của những người tốt bụng xung quanh, những người không hiểu anh, vô hình dung đã đẩy anh vào một con đường khó xử. Anh chỉ biết cúi đầu để “cố gắng làm vừa lòng thủ trưởng” mà không thể thoát ra được bởi chính mình. Cái chỗ dựa duy tinh thần nhất của anh đã không còn. Anh đâm ra buông lửng số phận của chính anh, của tình yêu mà anh đang mong muốn vào cái mục đích thứ 2 – gia nhập Đảng cộng sản. Mà cái mục tiêu gia nhập Đảng cũng chả phải mục tiêu anh muốn có được. Tất cả đều do các đồng chí thủ trưởng vẽ ra cho anh. Anh chỉ biết chấp hành.

                      Cái giọng khàn khàn the thé của Sài đã toát lên hình ảnh của một chàng thanh niên nông dân nhà quê, lù đù và giọng thì như vịt đực. Một Sài với tính cách không mạnh mẽ và thiếu bản lĩnh, luôn luôn cúi đầu và không thể tự quyết định số phận của mình.

                      Về Phương Dung, chị đã thể hiện 1 vai diễn có thể gọi là tâm đắc trong đời. Một diễn viên Sài Gòn đậm chất Nam Bộ nhưng lại vào vai một người vợ quê mùa Bắc Bộ những năm 50 với áo tứ thân mộc, răng đen, chân đất…đã được Phương Dung thể hiện không đâu chê được. Cái nét mặt khi chị thể hiện tâm trạng khổ và bất hạnh của Tuyết làm người xem phải suy nghĩ rất nhiều, ám ảnh cũng rất nhiều. Hình ảnh một Tuyết vì tập tục phải chịu cảnh ” bà rằng bà rí “ cho tròn chữ Hiếu với song thân. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phận gái áo mặc không quá khỏi đầu đã đưa cuộc đời Tuyết vào ngõ cụt. Chồng bé tí, sống ở nhà chồng mà chẳng khác nào làm thuê không công nhưng chị vẫn nhẫn nhục như lời mẹ bảo “Chịu khổ vài năm, rồi đâu sẽ vào đấy con ạ !”. Và vài năm đó đã kéo dài suốt cả cuộc đời.

                      Nụ cười của Tuyết ở cuối phim nó làm đau lòng khán giả quá. Cái nụ cười méo mó, gượng gạo nhưng xen lẫn hạnh phúc của Tuyết đã mô tả rất thực nỗi bất hạnh mà Tuyết đã phải chịu bao năm qua, chứa đựng một gánh nặng xót xa cay đắng của một đời phụ nữ nông thôn. Mang tiếng có chồng nhưng cả hai chỉ chung đêm có đúng 1 lần. Mang tiếng có chồng nhưng chồng lại lạnh lùng từ khi mới cưới đến lúc đầu bạc. Mang tiếng có chồng nhưng lại không được sống chung với chồng. Và khi có được con thì phải còng lưng nuôi con 1 mình cho đến khi đứa con gái trở thành thiếu nữ. Cái nỗi bất hạnh đó có lẽ là nỗi bất hạnh chung của nhiều phụ nữ thời bấy giờ.

                      Bộ phim mô tả rất thực cái không gian Bắc Bộ với những cảnh đồng quê, đường làng, mái đình, cây đa, bến nước. Những cảnh chợ người buổi đêm rồi hình ảnh nông dân ra đồng với áo tơi, cái cày…những cảnh phim như thế nó giá trị làm sao để lớp con cháu sau này biết được rõ cuộc sống của các cụ thời ấy mà trước giờ chỉ được biết đến qua trí tưởng tượng khi đọc các tác phẩm văn học.

                      Mặc dù hay nhưng phim vẫn có một vài thiếu sót như những đoạn cao trào trong cuộc đời Sài : lúc với Hương trên thuyền và lúc với Tuyết khi “thủ trưởng” khuyến khích nên mô tả sâu hơn, nhiều hơn để thấy được một anh Sài mơ mộng lãng mạn nhưng hèn nhát và thiếu bản lĩnh.

                      Nhắc đạo diễn, diễn viên mà không nhắc tới quay phim thì thật thiếu sót. Như chú bé đã cảm nhận, quay phim Trần Hùng đã đi vào những chi tiết rất nhỏ trong bộ phim mà thể hiện từng vật thể cũng rất nhỏ trong đó. Những ánh đèn dầu, cái loa phóng thanh, chiếc xe đạp, cái chậu, cái bát ăn cơm hay ống điếu cầy đều hiện lên mồn một nhưng không quá rõ. Nó cứ lấp lánh lập lòe trong cái thứ ánh sáng nửa tỏ nửa mờ, nửa bập bùng nhưng cũng nửa le lói. Thật đầy tài năng.

                      Chú bé ơi, phim của đạo diễn Việt kiều, nên hầu như họ làm phim về 1 tác phẩm văn học nổi tiếng sẽ không đưa hình ảnh “nóng hổi vừa thổi vừa xem” vào màn ảnh nếu như cảnh đó thực sự không cần thiết. Thế nên khoe da khoe thịt để mà làm gì vì con gái nông dân quê mùa ngày xưa da thịt cũng đen nhẻm như khẩu súng .

                      Thật tiếc là Thời Xa Vắng không câu được Cánh diều nào hay hái được Bông Sen gì sất nhưng mà nó cũng ôm trong tay 4 giải thưởng quốc tế trong đó có giải Kỳ Lân Vàng ở Pháp, một giải cao qúy nhất của Điện Ảnh Pháp bây giờ.

                      Thời Xa Vắng, một phim đậm nét văn học “trăm phần trăm”, hơn Mê Thảo “một phần hai” và Nữ Tướng Cướp thì chưa đáng ở “một phần mười”

                    • #79829
                      nemo
                      Participant

                        cái này chắc đễ những người đi coi ngày hôm qua thảo luận wé.

                        Mà ngày hôm qua có vụ coi hết phim xong vỗ tay đó nhe. Ko bít NTC có được ko. (trong đó tui cũng vỗ tay nữa )

                      • #79830
                        alittalo
                        Participant

                          Nghe mọi người bình luận về phim ,mình rất muốn xem ngay,nhưng đang buồn thì không nên coi phim này phải không?vì phim cũng hơi trầm thì phải.

                          Cho mình hỏi về diễn viên Phương Dung chút xíu nha,bạn nào biết kể nghe đi.

                        • #79831
                          deepblue_om
                          Participant

                            hì hì, mình rất vui khi được biết phim sẽ được ra rạp ở Tp.HCM thời gian sắp tới. Bài viết của số ít boomer hôm đó đi coi nhiều rồi, mạn phép khi phim chiếu rạp sẽ bàn luận

                          • #79832
                            farewell
                            Participant

                              hình như rock_boy hiểu lầm những lời bình luận của mọi người goài ah, khen không ngớt, có chê đâu…hixhix…thấy mọi người kể cũng háo hức muốn đi xem phim nì ghê

                            • #79833
                              neo
                              Participant

                                phim này xem xong, chỉ muốn xem lại

                                tui chỉ hơi buồn hồi LHP VN, có 1 nữ DV Việt Nam mình đi xem xong ra khỏi rạp nói là “Phim dở ẹc”, tui tưởng đùa, tui hỏi “tối nay đi coi lại không”, chị lại nói “trời, đâu có bị điên đâu mà xem lại”

                                buồn quá trời

                                phim có những cảnh rất “hot”, là khi Sài lớn lên, vợ Sài nằm giường trên nhìn xuống, thấy tấm lưng trần của chàng thanh niên đang ở độ tuổi tràn trề sinh lực, xem thấy cảnh đó hấp dẫn gấp mấy lần cảnh tình cảm của mấy phim VN đang chiếu hiện nay

                                hix…

                                thèm xem lại quá

                              • #79834
                                ech_op
                                Participant

                                  Trời huhuhuh ghen tỵ quá ghết anh chube em chưa xem phim này

                                • #79835
                                  nbtsa
                                  Participant

                                    Theo như anh neo thì có “tấm lưng trần” mà, sao chubemephim còn xin xỏ cho nhân vật “hở ngón tay hay ngón chân gọi là có tý da thịt” ??? hahhahaha

                                  • #79836
                                    neo
                                    Participant

                                      tại đó là tấm lưng trần con trai mới lớn –> có sức hấp dẫn với anh neo

                                    • #79837
                                      xaoke
                                      Participant

                                        mừng là phim này không đoạt giải sen vàng sen bạc gì đó, vì mấy cái sen đó chẳng có cái sen nào ra hồn

                                      • #79838
                                        ironman
                                        Participant

                                          Cái ổng đạo diễn là Hồ Quang Minh hay Đặng Nhật Minh vậy ta?

                                        • #79839
                                          yuna_admirer
                                          Participant

                                            uhm… film này có bé Huyền đóng hehehe… hay dở tui không để ý lắm tại mắt ngắm gòi

                                          • #79840
                                            haodungnhi
                                            Participant

                                              Góc quay đẹp, chau chuốt, những mảng sáng tối thể hiện xen kẽ trên phim rất ấn tượng. Cảnh rất đẹp sẽ đưa các bạn về vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc bộ với lũy tre, đình làng, con đò, bến nước, với những ruộng lúa xanh ngắt trải dài đến tận chân trời. Những khung cảnh êm ả, yên tĩnh đến mê hoặc lòng người. Âm thanh tuyệt vời. Các bạn sẽ được nghe những âm thanh của đàn bầu, của sáo, của tiếng hát ầu ơ “mẹ hát ru con ngủ”, của những làn điệu dân ca đã ăn sâu vào lối sống, nếp nghĩ, văn hóa ngàn đời của người dân Kinh bắc. Giải thưởng âm thanh xuất sắc nhất dành cho phim ở liên hoan phim Châu Á tổ chức ở Thượng Hải là một sự thừa nhận thiết thực nhất cho những cố gắng của đoàn làm phim. Xem phim để hiểu và thông cảm hơn cho những người yêu nhau mà không đến được với nhau như Sài và Hương(Nguyễn thị Huyền). Xem phim để thêm yêu quê hương, yêu đất nước, để hiểu hơn về con người Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước đã sống như thế nào, để biết quý trọng hơn sự độc lập tự do mà mình đang có. Đó là cả sự đánh đổi bằng hạnh phúc, khổ đau, nước mắt của bao thế hệ đi trước.

                                              Ngoài lề:

                                              Phải nói là Nguyễn thị Huyền trong phim này rất đẹp, một vẻ đẹp dịu dàng, thiết tha, thùy mị, một khuôn mặt phúc hậu đã dành được nhiều cảm tình của khán giả. Huyền vào vai khá tự nhiên, chân thực tuy có những chỗ biểu cảm chưa tốt nhưng với một diễn viên nghiệp dư như em thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Chỗ này cũng nói luôn. Em Huyền đẹp quá dù mặc quần áo nông dân cũng không làm em bị nông dân hóa. Chính vì lẽ đó nên việc chọn em vào vai này có lẽ không hợp lắm nhưng dù sao phim mà không có người đẹp thì cũng mất hấp dẫn. Diễn viên diễn hay nhất là vợ Sài ( Hồ Phương Dung) diễn. Chị diễn xuất như thật, nhất là những đoạn khóc nức nở, giọng nói run run, mặt tái lại, run rẩy, rất thuyết phục. Qua vai diễn này người xem như đồng cảm với chị, với thân phận của người phụ nữ sống trong thời kỳ mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại rất nặng nê&#768một sự thật đáng xấu hổ). Đáng lẽ giải diễn viên nữ xuất sắc nhất phải dành cho chị thì lại dành cho Mỹ Duyên trong “Nữ tướng cướp” (bó hết tay luôn J).

                                            • #79841
                                              vkcloan
                                              Participant

                                                < Chẳng hiểu BGK LHP Việt Nam mắt mũi ra sao mà ko trao cho 1 phim thế này giải thưởng nào? >

                                                —> À không,mình nói sai :blush:

                                                TXV có nhận giải Cánh diều bạc.

                                              • #79842
                                                a3
                                                Participant

                                                  phim này bị ế, hí hí

                                                • #79843
                                                  a3
                                                  Participant

                                                    xời, tội nghiệp, chiếu 2 tuần luôn mà ế quá trời, không ai thèm đoái hoài tới. còn bị mấy tờ báo ngoài hà nội chửi cho một trận vì làm phim không có hay như trong truyện. vừa không có tiền, vừa bị chửi, tội nghiệp quá đi thôi

                                                  • #79844
                                                    bommo
                                                    Participant

                                                      Thời này cũng xa rồi, vắng là phải

                                                    • #79845
                                                      meorung
                                                      Participant

                                                        Chưa xem nên không thể so sánh với truyện được. Tuy nhiên, giọng điệu của chube không được cao thượng lắm, cho dù phim có DỞ ẸC như title. Tiêu đề quả có đủ sức lôi cuốn để tui mò vô đây.

                                                        vkcloan xem phim mà không rủ ?

                                                      • #79846
                                                        vkcloan
                                                        Participant

                                                          to meorung: hôm đó ở nhà cúp điện,đạp xe đi vòng vòng ko hiểu sao lại đi ngang Cinebox rồi ghé vô luôn !

                                                          Vừa là tò mò,háo hức,vừa thấy poster đẹp,lại đúng ngay giờ có xuất chiếu…


                                                          Dù rạp chỉ có mười mấy người xem nhưng phản ứng của mọi người có vẻ tốt cả.Lúc ra khỏi rạp,có 2 cô đi đằng sau,hình như là người miền Bắc,khen đại ý là “Phim nhẹ nhàng,hay quá…thấy nhớ quê…”

                                                          Mình cũng có hỏi xin mấy chị ở quầy vé cái poster phim cỡ lớn nhưng ko được…Chả bù với trước kia đi coi ở Diamond Cinema thì nhân viên rất tận tình vào văn phòng lấy 1 poster to đùng ra cho (của 1 phim đang chiếu,chứ phim cũ họ đem poster cất vô kho hết.)…Chắc do văn phòng của Cinebox ko ở gần quầy vé…??

                                                        • #79847
                                                          bommo
                                                          Participant

                                                            tài sản nhà nước làm sao cho không được vkcloan

                                                          • #79848
                                                            nuocmattrecon
                                                            Participant

                                                              trecon cũng là dân bắc,chắc phải đi xem phim nì wá

                                                            • #79849
                                                              meorung
                                                              Participant

                                                                ” Xem ra, cái lớp phụ diễn ngòai màn này cũng xôm đấy chứ, đâu có nhạt trò. Lại còn một lớp phụ nữa không kém phần rôm rả, thú vị. Ấy là cái cảnh chiến tranh, ốn ào khói lửa, súng ống. Người đọc được sống lại những năm thánh sôi động hào hùng. Những năm ấy, người ta có thể xé bỏ giấy triệu tập đi học nước ngòai, lấy máu viết đơn ra mặt trận. Đó là một giai đọan lãng mạn có thật mà TXV đã đề cập một cách khách quan. Nhưng tất cả những ngón trò ấy chỉ là những lớp phụ. Còn chính kịch TXV lại không diễn ở sân khấu ồn ào náo nhiệtmà lẩn khuất phía sau hậu trường và “diễn” bằng sữ im lặng. Sự im lặng của núi băng trôi chìm dưới nước, chỉ lờ phờ nhô lên ít chỏm, là những sôi động như đã thấy ở trên kia. Vậy TXV đề cập đến vấn đề gì? Núi băng chìm dưới nước kia chứa cái gì vậy? Không phải chuyện chiến tranh. KHông phải chuyên hôn nhân. Thế thì chuyện gì? Chuyện TXV! Thì LL đã nói thẳng ra như thế, nói ngay ở ngòai bìa sách. Anh đâu có bí hiểm đánh đố độc giả. Đây là chuyện của một thời mà LL gọi nó là TXV. Xa mà ko xa. Nó vẫn ngự trị, vẫn treo lơ lửng đâu đó trên đầu mỗi người như một bóng ma. Nó là nỗi ám ảnh kì quái, nhưng lại có sức mạnh thần linh. Và vì nó tồn tại vô hình, nên người ta mới sợ. Sài sợ. Anh Tính sợ. Cả ông Hà bí thư, người lãng đạo cao nhất trong TXV cũng sợ nốt. Ở cái xứ sở kì quái ấy, con người dường như chỉ tồn tại mà không được sống, không được làm người, Sài đã chiến đấu quyết liệt để giành lại cho mình cái quyền làm người ấy và anh đã thất bại thê thảm. Lúc đầu anh phải yêu cái người khác yêu, khi tự do yêu lại đi yêu cái mình không có. Thất bại ê chề, lúc đã cạn lực, Sài mới nhận ra mình, anh vác balô trở lại vùng quê, trở về với mấy cái lò gạch, mấy cái lò đậu phụ lập lòe ánh lửa”

                                                              • #79850
                                                                meorung
                                                                Participant

                                                                  ” Tựa vào cái cốt truyện đơn giản ấy, LL đã dựng lên một bức tranh nông thôn đặc sắc. Có nhiều trang đạt tiêu chuẩn Nam Cao. Có thể nói tắt từ Nam Cao, qua một chút Kim Lân, đến Nguyễn Khắc Trường và Lê Lựu, chúng ta mới lại có nhà văn nông thôn thứ thiệt. LL ko nhìn người quâ, cảnh quê bằng con mắt đô thị như một số nhà văn nổi tiếng khác. Anh là người quâ nói giọng quê, với cách cảm nhận của người dân quê. Có 1 số mảng LL viết rất giỏi, nhu mảng làm thuê, mảng lụt lội hay cảnh mâm trên, mâm dưới, cảnh trên nhà dưới bếp, cảnh tiếp khách ở nhà quê, đọc mà chua xót đến rớt nước mắt. Đọan đám ma ông đồ Khang, LL viết cũng khá tài. Anh đặc tả những ngưới đến viếng bằng một ngòi bút sắc lẻm, có khi chỉ phẩy vài nét mà lột được hết hồn vía, tính cách, tâm địa nhân vật. Mỗi người một vẻ khác nhau, nhưng tựu trung, họ đều là một lũ cơ hội, xu nịnh, một bày quan lại nhà quê. Có kẻ lảng vảng vòng ngòai, dò hỏi tập quán, phong tục, ý thích gia đình người chết rồi mới bước vào nhà, và phải chờ đến khi ông bí thư huyện ủy đứng túc trực bên linh cửu bố, họ mới đến viếng, mới khấn to tên tuổi mình lên, vì biết trong túi áo đại cán của ông bí thư có cái đơn xin xỏ gì đó của mình. Người ta đã lạm dụng cái chất của cụ đồ trong sạch để làm những việc bẩn thỉu, ti tiện. LL rất có lí khi anh hạ 1 câu sắc lẻm : Hình như họ không viếng cụ đồ, mà viếng ông bí thư, và xun xoe đưa ông bí thư ra nghĩa địa.

                                                                • #79851
                                                                  meorung
                                                                  Participant

                                                                    “TXV ra đời có tiếng vang lớn, vượt quá sức hình dung của người đã đẻ ra nó. Xét về mặt nghệ thuật, cuốn sách không có gì cách tân tìm tòi, lối viết rất cũ, tốc độ truyện chậm, hơi văn ỡ phần 1 và phần 2 hình như lạc nhau, khôngliền mạch. Có cảm giác như đấy là 2 cuốn tiểu thuyết cùng 1 nội dung gộp lại làm 1. Câu văn lùa thùa, ko sáng sủa. Nghĩa là người khó tính có thể vạch vọi, chê chỗ này, chỗ nọ, mà ông “trạng” nhà quê LL cũng khó chối cãi. Nhưng khi cầm cuốn sách lên, chỉ lật qua vài trang là đã bị nó cuốn hút, nó đánh bùa ngải. Người ta có thể quên văn mà nhớ chuyên đời. Và chuyện đời cũng diễn ra trong cái cốt truyện cũng chãng có gì li kì, nhân vật cũng lkhông rắc rối, chỉ có 1 tuyến, ko có địch cũng chẳng có nhân vật phản diện. Tất cả đều là người tốt, những người trung thành, tận tụy, có lí tưởng cao cả, muốn mang lại hạnh phúc tgực sự cho mọi người. Nhưng kết quả thhì ngược lại. Việc thiện lại thành ác.Người ta làm khổ người khác, tàn hại người khác bằng chính lòng tốt của mình. Có người hóa thân tàn ma dại, và đau đớn thay, họ lại là nạn nhân của lòng tốt, của những ý tưởng cao cả. Đấy là nỗi bi thảm của TXV. Người đọc nào cũng thấy phảng phất chút ít bóng dáng của mình trong nhân vật Sài.”

                                                                  • #79852
                                                                    meorung
                                                                    Participant

                                                                      “Viết cuốn sách này, LL đã xổ hết gan ruột của mình ra tranh giấy. Anh bơ phờ rời bàn viết, bủn rủn và rệu rạo như 1 người đàn bà vừa để xong. Trong bụng rỗng tuếch chẳng còn gì nữa. Ai hiểu đời tư LL,, sẽ có cảm giác TXV như 1 cuốn tự truyện của tác giả. LL đã in quá đậm bóng dáng của đời mình xuống trang giấy, đến nỗi người ta đã nhầm anh với Sài, còn gọi LL là anh cu Sài.

                                                                      Đằng thằng ra mà nói, trong cuốn tiểu thuyết rất sáng giá náy, cũng vô khối trang tôi không thích. Ví như cái đọan Tuyết đến đơn vị thăm chồng chẳng hạn. Mặc dù LL viết cũng rất sinh động, nhưng giọng văn lại bôi bác, lại có gì uất ức bực dọc. Dường như anh ko vòn giữ được vẻ khách quan của người kể chuyện. Dưới ngòi bút LL, Tuyết hiện lên dị dạng, quê kệch và thô bỉ, thô bỉ từ hình dáng, cử chỉ đến lời nói. Thực tình, Tuyết đâu có lỗi, cô cũng như Sài thôi, cũng là nạn nhân của những ý tưởng tốt d0ẹp. Dó là người đàn bà nhà quê bất hạnh và đáng thuơng. Cô có tội tình gì mà bị LLkhinh miệt đến vậy? Giá ở đây, LL cũng nhìn cô bằng con mắt thuơng cảm của 1 nhà văn lớn, giàu lòng nhân ái như ở các trang viết khác thì hay biết bao. Tôi bảo LL :

                                                                      -Thằng Sài ghét vợ nó đã đành, vì nó phải lấy người nó ko yêu, nó quẫn mới đâm ra lẩn thẩn, tàn nhẫn đến thế, chứ còn bác thì có gì mà bàc căm thù vợ Sài đấn như vậy? Cô ấy có tội tình gì?

                                                                      -Ờ, ờ- LL cười hấc hấc, rối thì đột nhiên anh bỗng im lặng. Gương mặt thóang buồn rười rượi. Trong khóe mắt đã hằ nếp nhăn của anh, ầng ậng 1 cái gì như là nước mắt…”

                                                                      the end

                                                                    • #79853
                                                                      meorung
                                                                      Participant

                                                                        ban đầu tui tính post ở BÀI VIẾT, nhưng ko hiểu sao có 1 bái khác cững tính post ở đó mà ko đc. Vì không không muốn đề tài vốn đã nguội này tắt ngúm nên mới bỏ vô đây. Liệu doc-co giup bỏ về đúng chỗ đc ko?

                                                                      • #79854
                                                                        htv7bis
                                                                        Participant

                                                                          Phim coi hay cho đến khúc Sài lớn cất tiếng nói đầu tiên thì cả rạp (nói cho nhiều chứ có 3 hàng ghế cuối à) nhìn nhau. Sau đó thì phát hiện ra là giọng của anh Sài mới lớn chứ, đang viết nhật ký, chứ không phải của ông lão Sài đang hồi tưởng chuyện xưa. Không biết mọi người nghĩ sao, nhưng tui thấy nghe giọng của Sài cũng như nghe giọng Minh Anh cười chớt nhả trong NCGCD, giống như ăn cơm ngon phải sạn vậy. Sài nhà quê, Sài có lý tưởng, nhưng lại bị dằn vặt bởi được và mất, dằn vặt giữa những kỳ vọng của mọi người và những khát vọng cá nhân. Nhưng đâu cần phải có một giọng nói eo éo, không ra hơi mới quê mùa, mới thể hiện đuợc cái cục mịch của anh chàng.

                                                                          Đối với tôi, nếu không có giọng nói khó nghe của Sài thì bộ phim tuyệt hơn. Tôi nghe thấy tiếng gà rúc đâu đó lúc chị Tính ngồi bên bờ ao, tiếng chị khua nước nghe trong vắt, tiếng trò chuyện râm ran đâu đây trong không gian …, những âm thanh đậm chất đồng quê miền Bắc. Diễn viên diễn xuất rất tự nhiên, từ thằng nhóc tới bà lão đóng vai quần chúng, ai cũng diễn xuất với tâm trạng của nhân vật, chứ không có cái kiểu máy phát lời thoại.

                                                                        • #79855
                                                                          thuy_linh
                                                                          Participant

                                                                            Mình đã đọc tác phẩm này hồi học lớp 4, nói thật là lúc Sài với Hương ở trong căn nhà hôm lũ khiến mình sờ sợ và ko thấy hay ( hồi đấy còn bé mà lại)

                                                                            Giờ đọc lại cũng thấy tạm được nhưng chưa được coi film, khi nào coi film sẽ biết

                                                                          • #79856
                                                                            sweetie
                                                                            Participant

                                                                              Cái giọng của Sài làm tôi thất vọng vô cùng.Mà hình như thất vọng cả về bộ phim nữa thì phải.Trước khi đi xem rạp nghe quảng cáo có vẻ hay lắm nhưng khi bước chân ra khỏi rạp tôi thấy chán hẳn.

                                                                            • #79857
                                                                              meorung
                                                                              Participant

                                                                                xí, tui chép lại nguyên mấy trang sách của ông TĐK zậy có vi phạm gì ko, chắc chắn là không xin phép rồi

                                                                              • #79858
                                                                                kemwall
                                                                                Participant

                                                                                  cắm nguyên chữ dở ẹc trên cái tít thì chắc là ko ổn thật

                                                                              Viewing 36 reply threads
                                                                              • The forum ‘Phim Việt Nam’ is closed to new topics and replies.

                                                                              MoviesBoOm

                                                                              2003-2023

                                                                              Skip to toolbar