Tội nghiệp cái chai. Có lần tôi đọc được một câu chuyện của Andersen viết về một cái chai. Đại khái là có một cái chai, cái chai này được làm ra để chứa một loại rượu, không nhớ là rượu gì. Rồi nó lên đường phiêu lưu với một người chủ trẻ. Đi đâu thì nó không biết, nhưng nó cảm thấy thật vui khi được thoát ra khỏi cái chỗ trưng bày trang trọng mà tù túng để lênh đênh khắp đại dương. Rồi bão tố, chiếc hải thuyền bị đắm. Người chủ của chai rượu lật đật viết một lá thư gửi về cho hôn thê của mình, bỏ lá thư vào cái chai, ném nó xuống biển trước khi chết đuối
Câu chuyện còn dài mà tôi lại không nhớ rõ đoạn cuối. Nhưng từ đó tới bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu tại sao hình ảnh một người ném cái chai xuống biển trong cơn tuyệt vọng có vẻ gì mà khiến người ta phải nghĩ ngợi, phải nhớ lâu đến vậy.
Có lẽ là do chai lọ được làm ra để chứa đựng những thứ hàng hóa hay sản phẩm mà người ta muốn bán, chứ cái chức năng chứa thư từ tuyệt mệnh từ những con tàu đắm không phải là của nó, chẳng qua ai biểu tụi nó bơi được làm chi, lại còn không dễ hư hỏng nữa. Tội nghiệp nó, chỉ vì có cái khả năng thuộc loại không phải chuyện của mình mà đôi khi phải vất vả nặng nề với bao nhiêu thứ người khác gửi gắm, mà chuyện người khác gửi gắm thì các bạn biết rồi đấy!
Tôi chợt thấy tội nghiệp cái chai khi tình cờ được xem bộ phim Message in a Bottle, câu chuyện trong phim chỉ vừa mới xảy ra, mà nỗi buồn thì cứ dằng dai như vang vọng mãi từ câu chuyện cổ ấy.
Tội nghiệp kẻ đa cảm Theresa: Tội nghiệp cô nàng Theresa, biên tập viên của Chicago Tribune, một sớm mơi đang yên đang lành tự nhiên đi vớt một cái chai trên bãi biển ở Chicago (hay bờ sông gì đó, tui dốt địa lý lắm!)! Trong cái chai, dĩ nhiên, là có một lá thư! Chỉ có điều không phải thư tuyệt mệnh, đó chỉ là lời tâm sự buồn bã của một ông chồng gửi cho cô vợ Catherine vừa mới qua đời. Lãng mạn lắm đó! Tội nghiệp nàng, rung động vì những nỗi buồn của người khác làm gì mà cố công đi tìm, để rồi trong thời database hiện đại, nàng phát hiện ra bức thư trên chỉ mới được viết ra khoảng 2 năm trước! Rồi nàng tìm được chàng, một người đàn ông cương nghị và, Chúa ơi, tội nghiệp nữa!
Tôi thật lòng muốn viết nhiều về nhân vật này, vì nàng có vẻ được xây dựng nên để đại diện cho cái khổ nạn của loài người! Nhưng rốt cuộc lại tôi chỉ thấy tội nghiệp nàng mà chẳng biết tại sao. Xét lại coi nào:
Tội nghiệp nhất là nàng không có đất diễn! Chẳng hiểu người khác thì sao chứ tui thấy mặc dù nàng xăng xái vừa đi vừa chạy từ đầu tới cuối phim nhưng vẫn cứ vô hồn, không có cá tính, cứ như một hình nhân dưới bàn tay tung hứng của tác giả kịch bản và đạo diễn. Có vẻ như cốt chuyện thì có sẵn đấy, nút thắt mở cũng có cả rồi, thôi thì bây giờ phải nặn ra một nhân vật để xâu chuỗi tình tiết lại. Theresa có là một biên tập viên, có là một diễn viên múa ba lê, một luật sư hay một nhà thiết kế thời trang cũng vậy thôi, chuyện phim cũng không vì thế mà khác đi (biết đâu nếu nàng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh thì đạo diễn sẽ có thêm nhiều cơ hội bày ra những trò đùa khi Catherine là một họa sĩ). Đất thì có đấy, nhưng chật hẹp, gò bó lại vô khuôn hết rồi, nên có tung tăng vung vẩy gì đi nữa chắc cũng vậy thôi. Tôi không biết tên của cô diễn viên này (cái gì Pinn thì phải?), và cũng không biết cô đã đạt được những thành công vinh quang nào trong nghề, tuy nhiên, nói thật nếu cô là một diễn viên nổi tiếng thì tôi nghĩ vai Theresa quả thật là một khổ nạn của chính cô trong sự nghiệp.
Tội nghiệp Garret: Cái tội nghiệp ở đây là nhân vật này cũng như bao nhiêu người trên thế giới, chỉ sống với cái NGÀY HÔM QUA DIỆU VỢI mà không muốn nhìn vào ngày mai. Cũng buồn thật, Thượng đế lâu lâu chơi đẹp mang tặng con người ta một niềm hạnh phúc, một điều tốt đẹp. Thế rồi vào một ngày đẹp trời đó, vì một lý do nào đó hay chẳng vì một lý do nào hết, Ngài không thích chơi đẹp nữa và thò tay lấy lại. Rồi cũng như một số không nhỏ nhân loại, chàng lẩn quẩn mãi trong cái ngày hôm qua chậm chạp của mình với những câu hỏi tại sao, như thế nào, cho đến một ngày nàng Theresa xuất hiện.
Đến đây vẫn chưa hết tội nghiệp đâu, đó là cái khoảnh khắc khó chịu nhất của chàng. Theo chỗ tui được biết, SỰ THẬT luôn hấp dẫn con người ta, miễn là cái SỰ THẬT đó không phải là về (about, of) mình. Vì thế giây phút con người ta phải đối diện với cái thằng tôi tưởng là cao siêu lắm hóa ra giá rẻ bất ngờ chắc chắn không phải là dễ chịu chút nào. Chàng cũng vậy thôi, chỉ tiếc rằng cái khoảng khắc tinh tế ấy bị buộc phải kéo dài, buộc phải lấp hết khoảng hơn 30 phút truyện phim trên màn ảnh.
Tội nghiệp gia đình Marta: Cái gia đình này cũng tội nghiệp nữa, theo Garret kể lại thì do cha mẹ anh em trong nhà đánh giá Catherine rất cao nên căm giận Garret như một cái neo chơi gì kỳ cục neo dính nàng lại với miền đất quê mùa, khiến nàng không đi đến được một thiên đường khác, nơi tài năng của nàng sẽ có cơ hội được thăng hoa!
Tội nghiệp, có vẻ như tác giả kịch bản nặn ra cái gia đình này để đại diện cho những ước mơ vươn tới ánh sáng của loài người. Coi họ đi đứng nói năng mà tôi cảm thấy nặng nề khi nghĩ về những nỗi khát khao về một bên kia tươi sáng của một số người trên đời. Đối với họ cuộc sống sẽ chỉ tốt đẹp hơn ở một ngày mai nào đó ở một không gian bao la nào đó. Những thứ tốt đẹp hiện tại chẳng là cái nghĩa địa gì đối với họ. Và có một số người sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đạt được điều họ muốn. Tội nghiệp, vì cuối cùng rồi thì ai cũng phải ngồi lại để tính xem mình đã đánh đổi cái gì để có được thứ mình mong muốn, đôi khi cái giá phải trả đắt đến nỗi nó không phải là cái giá, mà trở thành cái gì gì đó rất là ridiculous! Nhưng thật may, Catherine tội nghiệp đã cứu vớt loài người vào giây phút cuối!
Tội nghiệp Catherine: Tôi nghĩ những nhà làm phim tiếc lắm, tiếc còn hơn tôi nữa khi phải để cho nàng bước ra khỏi những hư ảo khói sương, để lộ diện ra trong những thước phim cuối cùng. Giá như nàng chỉ tồn tại như thực như hư trong tâm trí những nhân vật khác, trong tâm hồn khán giả với muôn hình vạn trạng của trí tưởng tượng có lẽ hình ảnh nàng sẽ đẹp và hoàn hảo lắm. Tôi không muốn dùng một chữ mà nhiều người đang nghĩ tới lúc này, chỉ muốn nhắc lại lần nữa: tiếc quá!
Message in A Bottle chỉ có vậy, nhiều những tiếc nuối. Tuy vậy nó vẫn để lại một chút ngậm ngùi kịp thời, để khi hết phim sẽ có một ai đó nhận ra mình đang hạnh phúc biết bao khi đang được sống giữa những người thân yêu của mình. Một chút nhỏ nhoi vậy chắc là quá đủ rồi nhỉ!
nhócHuy
2003-2023