Umi wa miteita (The sea is watching) – Sóng biển
Tôi không biết phải bắt đầu bộ phim này như thế nào.
Bắt đầu từ khi cuộc đời đã phủ phàng với em ư? Không, cuộc đời đã nhiều đau khổ với em từ lâu, từ nhiều năm nhiều thế kỷ nay rồi. Bắt từ khi một người đàn ông bước vào đời em ư? Không, đời em đã có nhiều người bước vào và ra đi rồi. Bắt đầu khi em yêu ư? Không, tình yêu của em đã mang nhiều trắc trở rồi. Bắt đầu từ khi thân thể em đã nhuốm chàm ư? Không, thân thể em đã mang nhiều vết cắt…
Biển ngàn đời vẫn nhiều sóng gió và bão tố. Em ngàn đời vẫn mang nhiều nỗi đau.
Nước Nhật thời Edo. Một xứ sở của hoa anh đào, một hòn đảo ngọc của Châu Á. Nước Nhật trong The sea is watching rất đẹp. Những con người thời cổ, những buổi lễ hội, những căn nhà be bé rất Nhật Bản, những mùa tuyết rơi trắng xoá. Đạo diễn Akira Kurosawa đã ấp ủ một niềm đam mê về cái đẹp rất cổ của nước Nhật thời Edo. Những bộ kimono nhiều màu sắc, những samurai oai vệ, những geisha với kiểu chào mời khách và những gương mặt trắng bệch đã thể hiện được ước mơ của đạo diễn phim The sea is watching mặc dù ông đã qua đời 4 năm trước khi bộ phim được quay. Bộ phim được trao vào tay của đạo diễn Kei Kumai nhưng ông đã không làm người đạo diễn quá cố thất vọng. Từ những chi tiết nhỏ nhặt như lời nói, đến cách ăn mặc, quyển sách mà Kikono đã cầm, cho đến từng cái kiệu, cái lễ hội đến những mái nhà hay cảnh ba cô geisha thả thuyền giấy trên sông đều làm hài lòng những con người yêu cảnh đẹp nước Nhật và nhất là người đạo diễn quá cố.
Tâm hồn của hai đạo diễn đã đứng thật cao để quan sát những cảnh đẹp của nước Nhật và đã nghiêng thật thấp để nhìn thấy những cuộc đời của những cô geisha.
Có thể nói geisha là một cấp bậc thấp nhất trong xã hội người Nhật lúc bấy giờ. Những cô geisha đêm ngày phải mang trên mặt những lớp phấn thật dày đem lại niềm vui cho từ bậc vua chúa, samurai cho đến những người làm thuê làm mướn. Nhưng hơn ai hết, họ luôn có một khát vọng được vươn lên khỏi kiếp sống bần cùng đó. Khát kaho đó lớn đến nỗi các cô geisha khác sẵn sàng tiếp khách cho Oshin khi Oshin được một anh chàng samurai khuyên rằng nên sống trong sạch. Oshin rửa đi lớp trang điểm để làm công việc của đầy tớ đề chờ cho đến ngày anh samurai đến cưới cô làm vợ. Nhưng đàn ông thường ham mê hoa thơm trái lạ, chịu ơn và vui thú với những cô geisha chứ có bao giờ cưới họ làm vợ. Khát vọng vươn lên của Oshin đã tan vỡ vào chính ngày mà anh samurai – người mà cô đã kông tiếc thân cứu giúp – đến thông báo cho chính cô biết anh sẽ lấy vợ với một cô gái khác. Một sự kiện nhỏ và bình thường như bao cô geisha khác lướt qua đời cô. Nhưng một niềm hy vọng như thế cũng đủ để cho Oshin kiên nhẫn làm việc của gia nhân, đủ để những cô geisha khác hy sinh thân mình, tiếp khách gíup bạn. Một tâm hồn khao khát được yêu thương, được trân trọng, được thoát khỏi chốn bùn nhơ đã làm các cô choáng ngợp. Choáng ngợp đến nỗi tưởng đó là thật, choáng ngợp đến nỗi mang cả thân mình ra cứu gíup. Những điệu nhạc cứ buồn cứ réo rắt nhưng cuộc đời của những cô geisha cứ đau khổ.
Sông rồi sẽ trôi ra biển. Biển lại chảy vào đại dương. Nhưng những chiếc đèn lồng trên sông sẽ trôi về đâu?
Đời em cứ dập dìu trên sóng. Buồn nhưng biết được làm sao. Ngay cả Kikuno tưởng như tìm được một người thương mình nhưng không cô đã vẫn một mình ngồi nhìn biển cả dâng cao đến tận mái nhà. Cô từ chối một con người dã man bặm trợn dù hắn ta có thể cứu cô ra khỏi đám bùn nhơ. Khác hẳn với Oshin – một tâm hồn mềm yếu và khao khát yêu thương – Kikuno rất bản lĩnh. Cô luôn bình tĩn trước mọi hoàn cảnh. Cho dù hai người đản ông có ẩu đả với nhau, cho dù hắn có dã man với cô, cho dù biển có dâng lên tận mái nhà cô vẫn thản nhiên. Kikuno đem lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Cô tuy là geisha nhưng cô có bản lĩnh của một geisha. Không ra vẻ đàn chị để ép buộc các cô dưới quyền mà hiền dịu như một người chị lớn. Họ – 4 cô geisha – sống với nhau như một gia đình nhỏ. Ở Kikuno còn có lòng thương và chung thủy. Khi nước lũ dâng cao, cô vẫn nhất quyết ở lại chờ chứ không nỡ rời bỏ nơi đã nuôi sống cô. Bộ phim kết thúc với cảnh Kikuno một mình ngổi trên mái nhà. Xung quanh cô, nước biển tràn ngập. Nhưng cô vẫn mỉm cười, cùng với chiếc đèn lồng nhìn về một tương lai. Dù cho tương lai đó có le lói như ngọn đèn của cô, cô vẫn một lòng vững chãi. Thông qua Kikuno, đạo diễn muốn cho người xem có một cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống này. Cho dù cuộc sống đó là những cuộc mua vui của đàn ông, cuộc sống đó là những cái đánh đập của đàn ông, cuộc sống đó là những lời dối trá của đàn ông. The sea is Watching – được dựng nên bằng lòng yêu thương và tôn trọng phụ nữ của hai đạo diễn. Khi người phụ nữ Á Châu còn chưa vượt ra khỏi vòng lễ giáo, cả hai người đạo diễn đã cho những người phụ nữ sẵn sàng khoả thân để cứu lấy một tên samurai đang trốn chạy kẻ thù. Trong tình cảnh ấy, thì ai là người có cấp bậc xã hội cao hơn ai? Samurai ư những chiến binh thật dũng mãnh của Nhật Hoàng sẵn sàng xông pha trên trận mạc hay mổ bụng khi bị sỉ nhục thì lại núp dưới bóng của một cô geisha để trốn kẻ thù. Ai đáng kính trọng hơn ai? Samurai – một người được những người khác cúi đầu khi ra đường thì lại phụ bạc với một cô geisha đã cứu mình khi khó khăn, đã bên cạnh mình khi hoạn nạn. Ai đáng khinh hơn ai? Oshin đã như thế, cô hy sinh như thế. Nhưng những gì cô nhận được là sự phản bội. Vâng như một gáo nước tạt vào mặt. Nhưng trong Oshin có cái can đảm. Can đảm để đứng dậy, can đảm đề yêu thêm nột lần nữa. Không những yêu, cô còn yêu hết mình, cô còn tin hết mình như cô chưa bao giờ bị phụ tình, bị lừa gạt……………………………………………………
…………………………………………………………………………………………..
…………Tôi đã đến với biển cả để nhìn thấy bao la. Tôi đã đến với The sea is watching để nhìn thấy Kikuno và Oshin đang chống chọi với cuộc đời……….
2003-2023