Reply To: “Hạt mưa rơi bao lâu” Báo giới và cảm nhận thật sự từ khán giả và giới chuyên môn

#92222
lastcountryman
Participant

    Lâu lắm lại có một phim gợi nhớ tới bộ phim Rasomon (Nhật Bản). Mặc dù ý đồ của Đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa với Đạo diễn Ku-rô-sa-oa là hoàn toàn khác nhau trong việc lựa chọn cấu trúc phim nhưng cách thể hiện ít nhiều có sự tương đồng. Chọn cách trình diễn câu chuyện phim từ diễn tiến rất khác nhau thông qua cái nhìn chủ quan của các nhân vật là điều rất khó. Nó rất dễ làm lẫn lộn câu chuyện khiến khán giả khó hiểu. Tuy nhiên, Hạt mưa rơi bao lâu đã làm mạch lạc điều này. Đây là một thành công thách thức khiến tôi cảm phục tài năng của Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa …

    Rất nhiều báo chí và bản thân tôi cũng ngợi khen phim này mặc dù nó rất kén khán giả và không phải trong tâm trạng nào ta cũng có thể xem. Tuy nhiên, trong bài này tôi chỉ nói đến việc xử lý không gian và tạo hình của Hoạ sĩ thiết kế, người quyết định bối cảnh, phục trang, hoá trang và đạo cụ của các nhân vật trong phim.

    Một màu vàng buồn bã bao phủ không gian trong việc xử lý tông màu của phim vừa là sự thành công và cũng là thất bại. Nó tạo ra vẻ đẹp đặc biệt mang phong cách riêng của những nhà làm phim, góp phần sâu sắc trong việc tạo ra cảm xúc chung cho người xem nhưng nó cũng gây ra cảm giác buồn chán bởi hiệu ứng thị giác.

    Như tôi đã nói ở trên, bộ phim được kể bởi những nhân vật liên quan đến chuyện phim cho cậu con trai của Lý An và khán giả cùng thấy một lúc. Nhưng vấn đề là không gian của ba câu chuyện do ba người kể khác nhau đã không hề được xử lý. Vẫn tông màu đó, vẫn ngôi nhà đó, vẫn những vật dụng quen thuộc cùng với trang phục không hề thay đổi. Nếu ba câu chuyện được kể bởi ba tông màu khác nhau với ba không gian khác nhau … liệu có giúp cho câu chuyện phim bớt lê thê và mạch lạc hơn không! Tôi thích tông màu của phim, nhưng giá nó có những tông phim khác với những bối cảnh khác để mà so sánh, để mà bộc lộ …

    Về bối cảnh. Với cửa hình 1.78 không đủ rộng để khiến người ta cảm thấy mênh mang nỗi buồn, không đủ hẹp để thấy sự nặng nề đè nén, người quay phim cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phía hoạ sỹ thiết kế. Việc tái tạo ánh sáng tự nhiên mà không cần phải đầy đủ chủ, phụ, ven (theo cách chiếu sáng cổ điển) đạo diễn và quay phim có thể đã muốn bộ phim gần gũi với lối thể hiện đương đại trên những chất liệu cổ xưa. Nhân vật ít chuyển động và sử dụng nhiều góc máy tĩnh, như vậy rất cần phải có không gian động khiến cho khán giả không cảm thấy tiết tấu phim chậm. Cái đó có thể là sự dịch chuyển của tiền cảnh (Những tấm mành, lụa lay động trong nội cảnh hoặc lá cây ngoại cảnh). Hoặc chuyển động ồn ào của background (cảnh ngoài chợ). Việc lấy động tả tĩnh là cần thiết để không gian của phim thoát đi. Người hoạ sỹ thiết kế lẽ ra cần tham gia nhiều hơn thay vì dựng lên một không gian chết cứng với lối trình diễn của một kiểu hội hoạ sắp đặt.

    Tôi không bàn tới thời gian xảy ra chuyện phim vì điều đó bộ phim không có ý đề cập cụ thể và nó không thực sự là điều đáng quan tâm. Tuy nhiên tôi đã thấy ngôi nhà của Lý An với một cú panorama 360 độ gợi nên những bất hợp lý về thời gian xảy ra chuyện phim. Những bức tường chìa ra những viên gạch thời nay(cỡ 5.10.20 cm) lởm chởm chẳng có ẩn ý gì ngoài vẻ đẹp tạo hình chụp ảnh … Không gian nhà Lý An giống như ngày nay, chật hẹp và lộn xộn mà ta có thể thấy ở rất nhiều những ngôi nhà cũ ở nông thôn bay giờ. Đành rằng nhà Lý An làm đồ sàch(quay ở Phù Lãng) nhưng nên chăng bê nguyên xi một ngôi nhà ngày nay vào phim. Xưa nhà miền Bắc thường gồm cổng, lối đi, sân rồi nhà trên. Trước sân có vườn, cây cau giàn trầu, chum nước(rất mát). Hai bên tả hữu là nhà ngang, một bên giống như kho chứa thóc lúa và những tài sản khác, một bên là chỗ ở cho các bà vợ lẽ và con cái. Nhà trên là nơi thờ cúng và cũng là chỗ nghỉ cho đàn ông. Gian tả là buồng ngủ giành cho người vợ cả hoặc người vợ sinh được con trai. Xưa kia quan hệ vợ chồng là chồng chúa vợ nô. Thân phận người phụ nữ bọt bèo lắm. Giá tôi thấy được một góc máy cao với tiền cảnh nặng nề, đè lén lên số phận của người phụ nữ. Một góc máy thấp với những đồ thờ cúng và dáng vẻ uy quyền của người đàn ông. Tôi sẽ có cảm giác khác khi thấy Lý An cam chịu chấp nhận để làng gọt đầu bôi vôi thả trôi sông đứa con mà cô rứt ruột đẻ ra. Ông b&#7889đạo diễn có thể đã phải cắt đi để chèn những cảnh dựng do diễn xuất chưa thuyết phục)cũng góp phần phá không gian của câu chuyện phim bởi lối phục sức bật ra ngoài bối cảnh. Bối cảnh nhà Lý An lẽ ra phải mang sắc thái của chuyện phim, hay khắc hoạ thêm tính cách của nhân vật, hay bộc lộ mỹ học thời gian thông qua lớp lang văn hoá thì trong phim chỉ mang vẻ đẹp với đầy vật trang trí theo xu hướng sắp đặt khiến bối cảnh không phục vụ bộ phim mà còn phá không gian của phim.

    Cảnh xem hát rất đẹp. Nhiều người thích những bức chân dung vẽ trong những chiếc mẹt nhỏ treo xuôi ngược hoặc thả trôi dưới nước. Chân dung vẽ màu có độ chuyển và hình khối là kĩ nghệ thời kì nào? Chắc chắn khi chưa có trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông dương, chưa có lối vẽ đó. Cách vẽ trên mẹt đó gợi nhớ những thứ ta vẫn thường thấy tương tự trên các phố bán đồ lưu niệm ngày nay. Việc bố trí những hình quảng cáo này cũng đầy tính sắp đặt liệu có cần thiết? Khán giả nông thôn xem hát thời đó liệu có cần những hình quảng cáo hay trang trí như vậy? Màn này tôi thấy Hoạ sĩ thiết kế không nên lạm dụng.

    Việc dựng đàn tế thần ở sông cũng thiếu tính thuyết phục. Xưa kia dựng đàn tế thường phải đặt ở chỗ cao. Đắp đàn tế có định phương định hướng cờ phướn đèn nhang uy nghi đường bệ. Chủ tế phải mời thầy địa lý xem xét kĩ càng lắm(Đại Việt sử kí). Tôi không hiểu có hai cây cột quấn khúc đen khúc trắng như diễn tả 2 con thuồng luồng(không biết có phải không?). Đành rằng làm cái màn này khó vì thực tế cũng chẳng ai biết người ta tế Hà bá hay Thành Hoàng thế nào! Mà nếu vậy thì mình làm cách nào miễn là thuyết phục người xem tin đó là sự thực. Cảnh đàn tế này sơ sài khó mà thuyết phục.

    Trong phim có 2 đạo cụ đặc biệt. Bức tượng được sử dụng đắt giá giống như một chi tiết quan trọng không thể thiếu trong câu chuyện phim. Đạo diễn đã rất thông minh khi nghĩ ra chi tiết này. Tuy nhiên, cây đàn đáy có ý nghĩa gì? Còn một chi tiết trong sử dụng đạo cụ nữa, đó là cây kéo cắt đất. Xưa kia người dân làm gốm làm đất bằng mai. Chỉ đến khi có sự ra đời của dây thép(khi người Pháp vàoAn Nam)mới có cây kéo cắt đất đó. Người ta thường lấy sợi dây phanh xe đạp tách ra làm dây kéo.

    Bỏ ngoài tai những lời dị nghị về trang phục, tôi thích cái cách ăn mặc trong phim này. Chúng ta không thể có những tư liệu về trang phục thời xa xưa, khi câu chuyện phim đề cập. Việc may mới toàn bộ phục trang theo kiểu phi hiện thực(trên những tư liệu gần với thời đó) dường như tạo ra một cảm giác dễ chịu cho người xem. Tuy nhiên, lẽ ra các nhân vật chính hoặc thứ chính cần phải ăn mặc với màu sắc khác nhau để khắc họa tính cánh của họ cũng như để khán giả dễ phân biệt. Họ hơi giống nhau về lối ăn mặc. Bà lão trong phim mặc chiếc váy được vá đẹp quá, Lý An cũng có cái váy rất thời trang.

    Về hoá trang tôi thấy được, tuy nhiên tại sao mấy nhân vật trẻ con lại bị lãng quên. Cô em gái Lý An không vấn khăn mà tóc lại buộc phía sau. Đứa con sao không để trái đào đi. Hoặc cạo trọc cũng được. Tóc cắt ngắn khiến người xem cảm thấy hiện đại quá …

    Tôi biết người hoạ sỹ đã rất kì công khi sưu tầm những đạo cụ hiếm hoi. Tìm ra những mảng tường xây gạch cổ, đình thờ Thành hoàng, cũng như làm hàng loạt những bức tượng gỗ, thuyền độc mộc … những điều đó đáng ghi nhận.

    Tôi cũng nghĩ rằng các hoạ sĩ thiết kế phim Việt Nam nên xem phim này. Dù tôi có chê trách ít nhiều nhưng thực sự Nguyễn Minh Thành là một hoạ sỹ tài năng. Những đóng góp của anh ấy cho Hạt mưa rơi bao lâu đủ khiến chúng ta cảm phục. Đơn giản một điều, Đạo diễn nói: Tôi làm phim cổ trang đấy! Anh có nhận không? Nguyễn Minh Thành gật đầu và anh đã không làm chúng ta phản cảm. Đó là một thành công lớn rồi.

    Tôi biết nhìn ở một góc độ khác thì người hoạ sĩ đã rất giỏi khi tái tạo những bối cảnh xa xưa như vậy. Việc Hoạ sĩ thiết kế làm hỏng không gian của phim biết đâu cũng là cách mà Đạo diễn đã bàn bạc kĩ và cố tình làm như vậy.

    Quan điểm của tôi, nghệ thuật là cảm nhận và bàn luận chứ không nói đúng sai. Đây chỉ là một chút những ý kiến cá nhân tôi về vấn đề tạo hình của người hoạ sĩ thiết kế trong bộ phim này. Mong các bạn đóng góp ý kiến thêm để chúng ta hiểu biết thêm.

    Bài sau tôi sẽ nói về “ Âm thanh và hình ảnh hình hài dị biệt mà đẹp tuyệt vời của Hạt mưa rơi bao lâu”

    MoviesBoOm

    2003-2023

    Skip to toolbar