Reply To: “Hạt mưa rơi bao lâu” Báo giới và cảm nhận thật sự từ khán giả và giới chuyên môn

#92226
neo
Participant

    Chỉ cái tên “Hạt mưa rơi bao lâu” đã gợi cho người xem một cảm giác buồn mênh mang, một không gian vô định và thời gian vô tận. Tựa tiếng Anh của phim là Bride of silence – Cô dâu của sự im lặng. Cả thân phận hạt mưa và Cô dâu của sự im lặng đều nói về Lý An – nhân vật chính của bộ phim. Mở đầu phim là hành trình tìm người mẹ của Hiên, một chàng trai 17 tuổi. Hiên sống cùng cha nuôi Hoài Vu, không bao giờ đặt câu hỏi về mẹ của mình cho đến một ngày, cậu gặp một cô ca sĩ trong gánh hát từ xa đến làng cậu. Bài hát của cô nghe buồn lạ, khiến Hiên nghĩ đến mẹ mình. Tôi không nhớ tên bài hát, nhưng đúng thật là bài hát này nghe buồn lắm, như khi Hiên nói “Cái bài hát ấy nó buồn lắm, lạ lắm…”

    Rồi Hiên buồn khi nghe cô hỏi về mẹ của mình, bởi trước nay trong làng chẳng ai hỏi về điều đó. Họ biết cậu sống với cha và không có mẹ. Hiên có cảm giác cô ca sĩ đó giống mẹ của mình. Mà thật sự với tôi, cô ca sĩ này đẹp hơn nhiều lần Lý An. Đẹp đến nỗi, xem phim xong mà tôi cứ nghĩ tới cô Hà Giang hoài…

    Tuỵ, cha của Hiên, quyết định kể cho Hiên nghe về Lý An, mẹ của cậu bé. Câu chuyện chưa kết thúc thì ông qua đời. Hiên đi tìm mẹ qua những lời kể của những người đàn ông từng biết mẹ cậu. Mỗi người có một câu chuyện khác nhau…

    Lý An là con gái trưởng nhà Trương Lân, một người có chức sắc trong làng. Cô khao khát được sống tự do, được đi ra khỏi làng đển nhìn thế giới xung quanh, được nằm ngủ dưới tán cây khổng lồ, chìm vào những giấc mơ kỳ lạ. Rồi Lý An có thai. Cô từ chối nói về cha đứa trẻ. Cô bị làng giam lại trong chùa, chờ ngày cô sinh nở rồi đem ra xử. Mặc cho bà quét sân chùa thuyết phục cô hãy nói ra tên cha đứa bé, Lý An im lặng. “Cháu biết rồi cháu sẽ chết. Mà nói ra rồi chết thì có ra gì? Cháu phải làm sao để sau khi cháu chết, thầy mẹ nhìn lên mộ cháu, thầy mẹ sẽ nhận ra họ không bao giờ hiểu hết được cháu”… Ngày xử án vứt đứa trẻ trôi sông, một cơn mưa ập xuống. Cơn bão năm đó giết chết nhiều người. Đứa trẻ được ba người thợ mộc trong làng cứu. Họ là Tuỵ, Phan và Vĩnh Hoa. Họ cứu đứa trẻ, rồi cứu Lý An, rồi bốn người cùng trốn đi vào rừng sâu, chung sống cuộc sống cách biệt những bon chen, ganh ghét, đố kỵ của thế giới bên ngoài. Những ngày vô tư trong sáng ấy không được bao lâu, thì giữa ba người đàn ông có những ghen tuông vị kỷ làm rạn nứt cuộc sống an bình…

    Câu hỏi của Hạt mưa rơi bao lâu – hay Cô dâu im lặng – là “Ai là Lý An”, không phải là “Ai là cha đứa trẻ”. Nhưng không có một câu câu trả lời nào chính xác. Mỗi người đàn ông kể về Lý An đều có những lý do riêng. Họ có thể kể rằng, Lý An đã chết trong sự sỉ nhục của dân làng; Lý An vẫn sống như một nữ thánh được làng dưa vào đền Thành Hoàng mà thờ; hay cô đã sống với ba người đàn ông, phá tan tình anh em của ba người và chết trong sự tan nát con tim. Không ai biết được sự thật về Lý An. Chân dung của cô được vẽ nên bởi lời kể của những người đàn ông, mỗi bức hoạ lại mang tâm tư của người đàn ông đó. Cũng vì lẽ đó, đạo diễn ít khi quay cận cảnh Lý An, để giữ người xem ở một khoảng cách xa với cô. Để người ta không nhìn thấy rõ cô, không soi mói, không đàm tiếu, không hiểu hết được thân phận của một giọt mưa chưa kịp chạm đất thì đã tan biến mất.

    Hai đạo diễn đã kể một câu chuyện có nhiều khoảng lặng, và suốt bộ phim là những không gian trống để khán giả có thể chìm vào sự suy tưởng: những màn đen chuyển cảnh trong vài giây, những khung hình tuyệt đẹp với chiếc xe ngựa đang đi trên đường vắng, người đàn bà một mình chống thuyền giữa nước non mênh mông, người đàn ông chèo thuyền chở xác người yêu giữa mặt hồ vô tận… Không lý giải, ít biểu tượng, bộ phim để người xem tự đặt ra những câu hỏi và tự trả lời những câu hỏi về những cảm xúc rối bời, xao xuyến và da diết. Cũng bởi chính vì điều đó, với nhiều người, phim dài và lê thê, phim kén người xem và khó chịu hơn. Âm nhạc với các bản dân ca rất lạ nhưng giai điệu rất quen như Trấn Thủ Lưu Đồn, Tò Vò, Ru Con cùng bản giao hưởng Cái chết ngọt ngào của Bach đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc của người xem.

    Nhưng Hạt mưa rơi bao lâu, như chính tựa phim của nó, tạo nên một cảm giác dài đằng đẵng. Cách làm phim để thời gian trôi chậm chạp dần như Hạt mưa rơi bao lâu có lẽ không còn được thấy nhiều trong xu hướng điện ảnh hiện đại ngày nay. Điện ảnh hiện đại luôn làm phim với một tốc độ chóng mặt, không bao giờ để khán giả kịp suy nghĩ mà ngay tức thì trả lời hoặc đặt ra những câu hỏi mới và trả lời ngay lập tức. khán giả gần như chỉ việc ngồi trong rạp để được nghe hỏi và nghe trả lời mà không cần dùng nhiều sức để nghiền ngẫm những vấn đề nhà làm phim muốn nói và có thể ra về với niềm khoan khoái khi được giải đáp mọi thắc mắc. Chính vì lẽ đó, Hạt mưa rơi bao lâu trở thành “món ăn khó tiêu” với thói quen xem phim “được nhai mớm sẵn”, “nghe trả lời chuyện gì xảy ra kế tiếp”. Những không gian đen tĩnh mịch, những cảnh dài nhìn theo con thuyền, xe ngựa dần đi ra khỏng khung hình để người xem có thể tự nghiền ngẫm và gặm nhấm, “tiêu hoá” những câu hỏi, những cảm xúc trở thành những khoảng thời gian vô vị, mệt mỏi và lê thê với khán giả quen xem nhịp phim nhanh, gãy gọn hiện đại. Tuy nhiên, phần thưởng dành cho những ai bắt đầu quen với nhịp phim sẽ là cảm giác trôi theo mạch phim, chầm chậm và đắm chìm vào thời gian của mình. Khi xem đến lần thứ 3 (may mắn là tôi được xem nhiều lần như thế), bạn có cảm giác phim nhanh hơn và bắt đầu có nhiều thơi gian để nhìn vào các ngõ ngách. Mỗi lần xem, tôi lại phát hiện ra một điều mới và cảm xúc mới, đến mức thi thoảng háo hức chờ đợi xem lại lần nữa (mặc dù thời gian 2 tiếng đồng hồ cho bộ phim có vẻ khá dài với một người quen làm việc và đi lại như tôi).

    Diễn xuất của nhiều diễn viên không chuyên cũng là một phần làm hạn chế nhiều đến cảm xúc của bộ phim. Ngay cả việc trương Ngọc Ánh vào vai Lý An và tất cả những thành kiến mà người ta đã dành cho cô cũng khiến nhiều người đánh giá Lý An quá hiện đại, quá cứng nhắc đơn giản chỉ vì đó là Trương Ngọc Ánh. Với nhiều người không biết đến cô, họ đánh giá diễn xuất của Trương Ngọc Ánh trong vai Lý An là “sự thuần khiết, chừng mực”. Mạch diễn xuất chung của các diễn viên trong phim là kiềm nén cảm xúc, hạn chế việc bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Lý giải điều này, đạo diễn trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng

    Có đôi lần tôi nói với diễn viên hãy buồn trông. Nhưng đó là giới hạn tôi có thể đi xa nhất khi nói với diễn viên về tâm trạng của nhân vật trong một khoảnh khắc nào đó. Tôi không dám nói với diễn viên hãy nhìn một cách nồng nàn hay đam mê hay xa vắng. Vì ở ngoài đời, người ta không nhìn nhau một cách nồng nàn hay xa vắng : người ta giấu đi tình cảm của mình.

    Có khi ngồi rất lâu ở một quán cà phê, nhìn bao nhiêu người, tôi không thấy ai đau khổ hay xa vắng, tôi không biết tình cảm của họ. Đâu phải họ không có một câu chuyện, một tâm trạng. Nhưng họ không có lý do để lộ tâm trạng họ ra. Trong phim cũng vậy. Tôi nghĩ tôi không nên lạm dụng tĩnh từ.

    Mặc dù cả hai đạo diễn đều mong muốn Hạt mưa rơi bao lâu sẽ được chính thức trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam, nhưng dường như đó là một bài toán khó và hầu như không thấy đáp án…

    MoviesBoOm

    2003-2023

    Skip to toolbar