Cái đẹp trong “Anh hùng” (Hero) bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu – không chỉ dừng lại ở những cảnh hay những trường đoạn quảng cáo hoàn mỹ cho võ thuật. Cái đẹp ấy là của những nội hàm giá trị châu Á, với cái vỏ là một câu chuyện dã sử võ hiệp.
Những người xem phim Anh hùng (Hero) có lẽ sẽ không thể đừng được mà thốt lên: “Đẹp quá!”. Đẹp thật, những cảnh vị “anh hùng” Vô Danh (Lý Liên Kiệt) đấu võ với tên thích khách trong một tửu quán mái chùa cong cong dưới những hạt mưa tí tách, cảnh hai thiếu phụ áo đỏ đọ kiếm trong rừng muôn lá đổ vàng. Nhưng cái đẹp không chỉ dừng lại ở một bức tranh hay một đoạn phim quảng cáo hoàn mỹ cho võ thuật. Cái đẹp ấy là của những nội hàm giá trị châu Á, với cái vỏ là một câu chuyện dã sử võ hiệp.
Trước hết, phải nhìn nhận rằng rất nhiều tài tử châu Á nổi được ở Âu – Mỹ hầu hết đều xuất hiện dưới mầu sắc võ thuật: sau Lý Tiểu Long đến Toshiro Mifune, Thành Long, rồi Dương Tử Quỳnh, Lý Liên Kiệt, đến cả Chương Tử Di không biết có phải là cao thủ hay không mà trong phim cũng bay lượn ra chiêu.
Kể từ khi loạt phim của Lý Tiểu Long làm mưa gió trên màn ảnh Âu – Mỹ thập niên 70, tới nay, người ta mới thấy người Âu – Mỹ phải nói nhiều đến phim châu Á như thế. Nhưng công chúng ngày hôm nay đã khác nhiều với cái ngày Lý Tiểu Long mê hoặc người xem bằng võ thuật thuần túy, múa nhị khúc cùng các cú đá như chớp. Ngày hôm nay là ngày mà phương Tây đang tìm về những giá trị tinh thần châu Á. Ngày hôm nay là ngày mà Thái cực quyền được hàng chục triệu người trên thế giới luyện tập không chỉ để cho khỏe mà còn để giúp tâm trí bình thản trở lại. Hôm nay cũng là ngày mà cái mềm mại châu Á của Hiệp khí đạo (Aikido) không còn được hiểu là cái bạc nhược yếu đuối; là ngày mà Thái cực đồ không còn chỉ là cái đồ hình để tập đánh đấm mà là cả một luận triết học về “sự thống nhất các mặt đối lập”.
Anh hùng tràn đầy những giá trị được ẩn chứa. Đó là cái sức mạnh tinh thần của “người hùng” xuyên qua từng vòng từng vòng nước của thích khách để hạ độc thủ; cái cách dùng bút để viết chữ “kiếm” 19 cách khác nhau của nhân vật Tàn kiếm (Lương Triều Vĩ cái bình thản “tri ngộ” của vị thiền sư ngồi viết chữ Triệu trong cơn mưa tên của quân Tần; cái “dũng” của những đứa học trò nhỏ ngồi tập viết trên cát cho đến khi từng đứa, từng đứa gục chết vì tên cắm vào đầu; cái sự “biết” về cái sống cái chết; cái hữu hạn và vô hạn của đời người và tinh thần. Ở Ngọa hổ tàng long, đó là vẻ mặt “đau nõi đau cuộc đời” của Châu Nhuận Phát, vẻ mặt thanh tú nhưng ẩn chứa độ dữ dội khủng khiếp của Chương Tử Di; và cả cuộc truy lùng một cô gái có căn cơ để thuyết phục đi theo hướng thiện. Tất cả đều là nội hàm châu Á, không lời, giản đơn, nhưng như có sóng dậy trong lòng. Những thứ ấy không thể là mới với người châu Á, có chăng là mới với công chúng đã quen với cách nhìn Lý Tiểu Long như một thần tượng đánh đấm, có chăng là mới với cách thể hiện hoàn hảo bởi thế hệ những nhà làm phim châu Á của thế kỷ 21.
Ngọa hổ tàng long đã đoạt giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất. Như thế cũng chưa phải là một đảm bảo rằng Anh hùng có thể đoạt Oscar. Thế nhưng cùng với cơn lũ “made in China”, “made in Thailand” của hàng hóa châu Á, một cuộc xâm lăng vào điện ảnh thế giới của nội hàm châu Á đang bắt đầu sau hàng thập kỷ áp đặt của các giá trị Hollywood. Lý An và Trương Nghệ Mưu là những người sẽ làm cho, một ngày nào đó, những người hùng châu Á áo vải có thể cầm ngang ngọn thương, đứng thẳng trên giang sơn châu lục mình mà kiêu hãnh với những giá trị tinh thần khó xóa nhòa.
(Báo Thanh Niên)
Thiên thần của các cô gái
Hung thần của các chàng trai
2003-2023