Cô bé mười ba tuổi Briony Tallis vì một phút nông nỗi bởi lòng ghen tị và sự bồng bột đã khiến cho chàng thanh niên Robbie Turner fải chịu hàm oan. Tương lai hứa hẹn với một học bổng ngành y và tình yêu đẹp cùng Cecilia Tallis, chị gái của Briony … tẩt cả bỗng chốc vụt tan. Robbie trở thành tội đồ trong mắt gia đình Tallis, nhưng Cecilia một mực tin tưởng và chờ đợi người yêu, còn Briony thì mãi mãi mang mặc cảm bởi sự ăn năn và mong mỏi chuộc lại lỗi lầm … Có lẽ, cũng không còn ai trách cứ Briony sau tất cả những gì nhân vật này đã làm về sau, chỉ trừ chính Briony. Đôi khi, tha thứ cho lỗi lầm của người khác dễ dàng hơn là tha thứ lỗi lầm của chính bản thân mình.
Atonement đánh dấu sự hợp tác lần thứ hai của đạo diễn Joe Wright và Keira Knightley sau thành công Pride & Prejudice hồi năm 2005. Câu chuyện được kể khá lạ, với đôi chút đảo ngược về không gian và thời gian (nhưng không gây khó hiểu), trãi dài từ những năm 30 cho đến thời điểm hiện tại. Có thể nói, khán giả đã bị đánh lừa một cách khá ngọt ngào ở một vài điểm trong suốt bộ phim, và điều đó càng làm cho Atonement, khi kết thúc, đọng lại một cảm xúc vừa nuối tiếc, vừa an ủi trong lòng người xem. Quá là kì cục khi đem ra so sánh như vầy, nhưng Atonement có gợi nhớ một chút về bộ phim Việt Nam Chuyện của Pao, ý là về đường dây câu chuyện. Bộ phim rất hấp dẫn ở khoảng 60 phút đầu tiên, hơi nhàn nhạt ở 60 phút tiếp theo. Tuy nhiên, 10 phút cuối cùng mới cho thấy tất cả những hấp-dẫn và nhàn-nhạt đều có chủ đích của nó. Không thể có một cách nào khác hay hơn để kể một câu chuyện như vậy!
Âm nhạc trong phim khá lạ với việc sử dụng âm thanh máy đánh chữ tạo thành một phần của bản score, mang lại hiệu ứng tốt trong những màn kịch tính. Nhưng, ấn tượng nhất phải kể tới những khung hình quay đẹp như tranh xuyên suốt bộ phim, từ những đại cảnh cho tới những chi tiết nhỏ, từ cảnh chiến trường đẫm máu cho tới cảnh khu vườn yên tĩnh… Công phu nhất có lẽ là cảnh quay dài liên tục không cắt lúc nhân vật Robbie đi vòng quanh khu chiến sự. Dù vậy, những cảnh quay đáng nhớ chỉ là những cảnh đơn giản như cảnh nhân vật Robbie nằm trong bồn tắm, ngước nhìn chiếc máy bay qua ô kính nhỏ trên trần nhà, cảnh anh chạm tay lên mặt nước, cảnh Cecilia nhúng cầu nhảy xuống ao, cảnh Robbie trao thư cho Briony qua hàng rào … Sẽ rất ngạc nhiên nếu Atonement không được ít nhất là một đề cử cho Oscar sắp tới ở mục quay phim.
Mọi người đánh giá cao diễn xuất của Keira Knightley (vai Cecilia) và James McAvoy (vai Robbie) nhưng gây chú ý nhất với mình lại là Saoirse Ronan (vai Briony lúc 13 tuổi). Cô bé này sinh năm 1994, cũng 13 tuổi ngoài đời và có lẽ là mùa giải thưởng năm nay cô bé sẽ gom các giải ở hạng mục diễn viên phụ. Xét về câu chuyện thì nhân vật Briony là nhân vật chính, thế nhưng do phim trãi dài qua nhiều năm nên có tới ba diễn viên đóng vai Briony và mỗi người được xem như diễn viên phụ, trong khi diễn viên đóng nhân vật Cecilia là diễn viên chính. Mình không thấy Keira diễn nổi bật hơn những gì đã thể hiện trong Pride & Prejudice, hơn nữa nhân vật Cecilia lại không có nhiều sức nặng. Nhưng nhớ lại trường hợp vai diễn của Nicole Kidman trong the Hours, thì vẫn có cơ hội cho Keira trong các giải thưởng sắp tới. Thực ra thì ban đầu Keira được mời vào vai Briony lúc mới trưởng thành, nhưng chính cô đã muốn được diễn vai Cecilia.
Atonement đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của một bộ phim hay, và thực chất nó là một bộ phim hay. Nó có một kết thúc, như đã nói, buồn nhưng đẹp và hy vọng như chính sự mong mỏi chuộc lại lỗi lầm thời thơ dại của Briony Tallis. Tuy nhiên, không hiểu sao mình có linh cảm là nó sẽ không thắng giải phim hay nhất ở cả Quả cầu vàng và Oscar.
2003-2023