Sự khởi sắc nhất thời của điện ảnh Việt Nam quả đã tạo cơ hội tuyệt vời cho những người mẫu khoác lên mình thêm một danh vị mới: diễn viên điện ảnh. Giới ca sĩ cũng có thêm giá trị gia tăng khi mà danh tiếng của họ được tận dụng như một chiêu hút khách.
Phim Những cô gái chân dài với các người mẫu diễn xuất được đánh giá “khá” nhất
Nhìn vào những gì đã diễn ra trên màn ảnh, với sự tham gia của các người mẫu chân dài hay những ca sĩ top thị trường, mới thấy việc vực dậy một nền điện ảnh còn ì ạch không thể giao phó cho họ được. Không phải là không tin tưởng vào ca sĩ, người mẫu trong vị trí diễn viên, nhưng hiển nhiên người ta không thể tin tưởng vào những người chỉ tham gia nghệ thuật như một cuộc chơi, cho vui, hoặc là một cách thể hiện bản thân thay vì đóng góp cho điện ảnh, cống hiến cho khán giả tài năng của mình.
Dường như với những người mẫu bây giờ, việc tham gia đóng phim chỉ là cách để họ có thêm một nghề nghiệp mới, có giá có danh hơn là người mẫu, ít bị điều tiếng hơn, lại được tiếng là làm công việc cần đến tài năng chứ không phải chỉ đi đi lại lại. Đại loại là điện ảnh có thể trở thành một lối thoát cho những người mẫu vốn sống ở một nền thời trang nghiệp dư. Còn với giới ca sĩ, việc kiêm diễn viên điện ảnh có thể giúp họ có thêm nhiều fan, tốt cho việc đánh bóng hình ảnh, nhuận sắc tên tuổi.
Nhưng khi xem những Anh Thư, Xuân Lan, Bằng Lăng, Khánh Trình, Bình Minh, Dương Yến Ngọc, Hồ Đức Vĩnh, Thanh Hằng, Đức Tiến, Hứa Vĩ Văn… bên phe người mẫu, và Quang Dũng, Phương Thanh (làng ca sĩ) đóng phim, người am hiểu điện ảnh thực sự thấy khó mà tin được họ – những diễn viên ấy – lại có thể là bộ mặt mới của một nền điện ảnh đang tìm cách phục hưng sau một thời gian dài suy thoái. Trong số họ cũng có những người diễn xuất tốt, có tố chất của một diễn viên, nhưng từ tố chất đến thể hiện thực sự trên màn ảnh còn một khoảng cách mà nếu muốn lấp đầy, muốn kéo gần lại, thì các người mẫu, ca sĩ của chúng ta sẽ phải mất hơi nhiều thời gian và công sức. Mà nói đến thời gian và công sức thì e rằng họ sẽ rất… ngại.Và thế là khán giả thấy hiện diện trên màn ảnh không phải là những nhân vật trong phim, mà lồ lộ ra là cô người mẫu kia, anh ca sĩ nọ. Mức độ tài năng của một diễn viên không đo bằng danh tiếng (trong lĩnh vực khác) của họ hay độ dài đôi chân, mà nằm ở khả năng hoá thân vào nhân vật. Diễn viên tài năng là người khiến người xem quên đi con người diễn viên của mình, cho dù mình cực kỳ nổi tiếng, để chỉ say đắm với hình mẫu nhân vật mình tạo ra. Về điều này, thì các người mẫu ca sĩ – diễn viên của chúng ta đa số chưa làm được. Người xem phim Lọ lem hè phố không thấy nhân vật Khang Dũng nào cả mà chỉ thấy ca sĩ Quang Dũng nguyên xi ngoài đời.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra bên người mẫu. Cho người mẫu đóng chính vai người mẫu quả chỉ có… tiện lợi thôi chứ hay thì chưa chắc. Anh Thư được khen là có tài diễn xuất nhưng nếu chỉ xem cô trong Những cô gái chân dài thì cái tài đó không thuyết phục chút nào. Không phải Anh Thư không biết diễn, nhưng Những cô gái chân dài là một phim nông choèn cả về ý tưởng lẫn hệ thống nhân vật, ai cũng có thể đóng được, chỉ cần có… chân dài, chỉ cần đi lại nói năng vài câu, diễn xuất nội tâm là thứ không cần đến. Có lẽ vì tham gia lần đầu trong một phim nhẹ tênh như thế nên một siêu mẫu như Xuân Lan mới tự tin nói rằng mình vào vai và xả vai trong 30 giây. Tất nhiên những vai như thế thì vào và xả 30 giây vẫn còn là chậm. Một vai diễn thực thụ không phải là một bộ đồ được mặc vào và cởi ra nhanh chóng trong một show thời trang. Không có điều luật nào bắt diễn viên phải ám ảnh với vai diễn của mình, nhưng khả năng nhập vai của họ cũng có thể được đo bằng thời gian họ thoát khỏi vai diễn khi rời khỏi ống kính máy quay. Những tài năng còn trong vòng thử thách như Anh Thư, có lẽ còn phải đợi một vài cơ hội mới, trong những vai diễn nặng ký hơn thì mới thuyết phục được người xem tin vào vai trò mới – diễn viên – của mình. Với Bằng Lăng, cô được khen ngợi nhiều với vai diễn trong Nữ tướng cướp, nhưng trong phim ấy cô vẫn giống một người mẫu hơn. Dẫu sao, giờ đây cô cũng đã được gọi là Diễn viên điện ảnh Bằng Lăng, một cuộc lên đời chóng vánh.
Cũng vì quan niệm đơn giản vào và xả dễ như đi diễn thời trang, dễ như lên hát một bài tủ, nên người xem phim có cơ hội để… cười khi xem Bình Minh diễn và thoại trong 39 độ yêu, xem Yến Ngọc và Khánh Trình chật vật đọc lời thoại suốt 1735 km hay nhớ lại Quang Dũng chật vật với vai diễn mà mãi vẫn không nhập được vào.
Vì thế, trong một tương lai gần, khi người mẫu, ca sĩ vẫn được coi như lực lượng quan trọng tham gia vào làng điện ảnh thì chúng ta vẫn cứ phải hài lòng với những tình huống… cười được trong những bộ phim không hài. Một nền điện ảnh nghiệp dư thì nó buộc phải viện đến những cách làm thủ công, khó tránh khỏi, nhất là trong phong trào làm phim ăn khách chiều chuộng thị hiếu hiện nay. Bắt người mẫu, ca sĩ đi học diễn xuất là điều bất khả. Đã bất khả thì phải chấp nhận thôi, chừng nào người xem còn tò mò muốn xem ca sĩ, xem chân dài trên phim.
Tác giả: Nguyễn Minh
Trích từ báo Sài Gòn Tiếp Thị
2003-2023