Catwoman
Hết người dơi, người nhện, người sói, giờ tới người mèo, liệu khán giả có cảm thấy quá ngán ngẩm với công thức NGƯỜI + [bất cứ con gì cũng được] để mà bỏ qua Catwoman không nhỉ? Tôi xin miễn phần đếm phiếu ủng hộ chuyện coi phim này của mấy chị khoái mèo/mấy tay khoái ăn thịt mèo. Tuy nhiên tôi tin chắc phần đông quảng đại quần chúng còn lại đều sẽ bỏ phiếu thuận sau khi nghe nhà sản xuất bật mí quá trình làm phim.
Chuyện phim thì cũng giản dị như bao phim người bất thường khác: một tai nạn dẫn đến chuyện đạt được năng lực siêu nhiên có thuộc tính của một động vật tuỳ chọn (theo ý đạo diễn). Và thoạt nhìn, dường như Người mèo cũng chỉ là một nhân vật ăn theo, cắt ra từ loạt phim Batman và kéo dài thành một tiếng mấy chục phút để câu khách. Nhưng cũng không hẳn là vậy! Phiên bản Catwoman này có một đời sống riêng và một thông điệp riêng không thể lẫn với những xuất phẩm liên quan đến mèo trước đó.
Cô ấy (Halle Berry) là một phụ nữ rụt rè nhút nhát. Cô ấy có tâm hồn nghệ sĩ, và muốn làm một nghệ sĩ, nhưng lại gửi phận cho một công ty quảng cáo. Cô ấy có thực tài nhưng lại thiếu tự tin. Cô ấy sắp sửa bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng của công ty. Đùng một cái, cô ấy chết queo! Người ta thấy có rất nhiều mèo, người ta thấy có rất nhiều nghi can, người ta thấy có những sự lạ, người ta thấy một người mèo xuất hiện. Và người ta tự hỏi chuyện gì đang xảy ra.
Toàn bộ phim là một chuỗi những sự kiện cuốn hút đến hồi hộp nghẹt thở mà đạo diễn trẻ người Pháp Pitof đã thổi vào đấy một phong cách hoàn toàn mới mẻ, khác với những phim công thức Hollywood kia. Cảnh quay nhanh, sắc sảo, kỹ xảo và dụng công của diễn viên hoà với nhau một cách trôi chảy để tạo nên một hiệu quả rất ấn tượng. Nổi bật lên hẳn là Halle Berry, cô diễn viên da màu đầu tiên từng nhận được giải Oscar diễn viên chính xuất sắc. Để vào vai người mèo, bên cạnh một chế độ tập luyện thể hình hà khắc, Halle Berry còn được học vũ đạo với một biên đạo múa lừng danh của Hoolywood và trang bị kiến thức về mèo học với những nghiên cứu sinh về loài này và những người huấn luyện mèo chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà những màn nhào lộn bay nhảy của cô trên phim đều trông rất thật và hấp dẫn. Ngay cả cái roi da mà cô nàng hay quất chan chát, nhìn tưởng đơn giản nhưng cũng là cả một quá trình khổ luyện liên tục suốt mấy tuần, sao cho tiếng crack của roi chính là khi bức tường âm thanh bị chọc thủng với vận tốc hơn 600 km/h. Còn đàn lũ các chị mèo tha thướt trên phim thì toàn là mèo thật, được huấn luyện một cách kĩ lưỡng, chọn giống từ loại mèo Mau của Ai Cập, mà truyền thuyết về nó cũng được PR rất kĩ trong phim.
Không chỉ vậy, Halle Berry còn hoàn toàn quán triệt tư tưởng mèo của phim. Cô diễn viên này có cái nhìn rất tinh tường về biểu tượng của người mèo. Có lẽ đây là một điểm khác biệt về văn hoá, vì người Việt mình ít ai có vẻ hứng thú với mấy chuyện xung quanh con mèo mướp nhà thằng Đậu. Tuy nhiên, trong văn hoá phương Tây, con mèo tượng trưng cho quyền lực đen tối và sự quyến rũ chết người của phụ nữ. Một con vật quý phái, lạnh lùng, bí ẩn, khó làm vừa lòng, ranh ma, thủ đoạn nhưng lại hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Chính vì vậy mà Catwoman của Halle Berry rất tà, dạo bước dưới ánh mặt trời nhưng cũng không ngại đi đêm, bẻ luật trong lúc làm chuyện tế nhân độ thế. Cái nhìn nhiều chiều kích về phụ nữ mà nhân vật người mèo này thể hiện thực sự là một thông điệp có tính chiều sâu từ một bộ phim tưởng chừng chỉ là giải trí đơn thuần này. Mà giải trí đơn thuần một cách ngoạn mục thế này thì cũng đáng đồng tiền bát gạo quá đi chứ!
2003-2023