MBoomer: Share Books – Share Dreams – Share Hearts

  • This topic is empty.
  • Creator
    Topic
  • #39431
    potterharry
    Participant

      offline quyên góp sách cho trẻ em vùng sâu vùng xa: có thể không?

      Hi every blogger on 360!

      Sách cho trẻ em vùng sâu vùng xa, đó luôn là một vấn đề hằng trăn trở của xã hội.

      Chúng tôi đã đi qua biết bao nhiêu vùng miền núi, miệt vườn. Những đứa trẻ chăn trâu, lượm phân bò, bơi thuyền … giương mắt nhìn chúng tôi, ánh mắt khác lạ. Rồi chúng lại tiếp tục với công việc của mình, hồn nhiên vô lo. Cuộc sống của chúng cuốn vào một con đường mà chúng không tài nào ý thức được: lớn lên, tiếp tục miệt mài làm ruộng, lập gia đình, sinh con, và những đứa bé ra đời tiếp tục cuộc sống đó, an nhiên, bình thản.

      Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, trời ơi, sao mà tẻ nhạt đến vậy? Nhưng đối với bọn trẻ, cuộc sống đó không tẻ nhạt. Chính xác là chúng không ý thức được cuộc sống của mình tẻ nhạt, để mà vươn lên… Nguyên nhân là gì? Vì cuộc sống quanh chúng diễn tiến như thế! Thế giới bên ngoài có điều gì kì thú, chúng hoàn toàn không biết.

      Chúng tôi chợt hiểu rằng, để bọn trẻ thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đó, chỉ có một phương cách: thổi vào tâm hồn chúng những ước mơ. Không có sự vươn lên nào thất bại, chỉ có sự thiếu ý thức vươn lên.

      Vậy, làm sao để thổi vào hồn bọn trẻ những ước mơ? Sách! Phải, chỉ có sách.

      Làm sao để có sách? Xin tài trợ. Ai đứng ra xin? Những đợt lập tủ sách của các cơ quan đoàn thể có nhiều, nhưng biết đâu mà đủ. Ai đảm bảo cho những cuốn sách ấy đến tay các em, hay nằm mốc meo trong thư viện huyện?

      Qua đợt offline quyên góp lũ lụt, chợt nhận ra một sức mạnh kinh hồn trong giới bloggers. Chúng ta trẻ, chúng ta mạnh, chúng ta nhiệt tình. Liệu sau offline ủng hộ bão lụt, có thể là một offline nào khác, cùng tính nhân cảm, nhưng với kế hoạch dài hơi hơn: thành lập quỹ sách cho các em vùng sâu vùng xa?

      Nhìn thấy demdalat (admin trang dalatrose.com – với đợt offline thành lập được hai tủ sách ở vùng Kađơn (một huyện miền núi tỉnh Lâm Đồng) quê anh; nhìn thấy cungdanh với những lần “chọt” cho forum Quốc học quyên sách cho trường cấp 2,3 vùng xa… tôi chạnh lòng nghĩ đến huyện Krong Pak của mình (một huyện thuộc tỉnh Daklak) với tuổi thơ chỉ biết bấu tay nhìn qua cánh cửa thư viện lèo tèo sách và không bao giờ mở. Quê bạn ở đâu? Miệt vườn Nam Bộ? hay vùng sông nước Cửu Long? Hay một huyện nào đó xa xôi? Hay gần gần? Nhưng mà sách thì hãy còn xa lắm?

      Vậy, hãy chung tay đi bạn! Ai làm? Chúng ta? Ai nhận sách? Chính trẻ em trên quê hương chúng ta – những bloggers. Lúc đó, đi kèm với hoạt động xã hội sẽ còn là trách nhiệm, là tình yêu nữa đấy. Tưởng tượng nhé, bạn sẽ post lên blog của bạn như sau:

      – Offline ngày…tháng…năm…: sau buổi hôm nay thành lập được tủ sách cho Krong Pak quê bạn Nomad và vùng … quê bạn Bao.Anh

      – Offline ngày…. tháng … năm: a, hôm nay thành lập tủ sách cho vùng…. quê mình!

      Như thế, được không? Đó là một cách để yêu thương, để ru lại tuổi thơ của mình và để “trả nợ” quê nhà đấy (mặc dù chẳng bao giờ trả hết được) Và, đó cũng là cách để chúng ta – những bloggers gặp gỡ, giao lưu và … online trong trái tim nhau.

      (Trich Blog bạn Nomad)

      Thảo luận, hỏi ý kiến nhiều người, post bài kêu gọi offline quyên góp sách và nín thở chờ đợi. Nhấp nha nhấp nhỏm, chạy ra chạy vô, đếm tới đếm lui coi thử được bao nhiêu cái comment rồi. Đó là trạng thái từ hôm qua tới giờ.

      Mừng, thật mừng. Anh, chị, bạn bè … đã copy entry đó dán khắp nơi khắp chỗ nào có thể dán được (y chang khoan cắt bê tông), và phản hồi ủng hộ bay về. Ai cũng sẵn sàng góp một tay để quyên sách cho các em. Ai cũng “bồi hồi” nhớ lại những kỉ niệm về ấu thơ, về sách. Tất cả tạo thành một làn sóng quyên góp sách “sục sôi” trong một bộ phận bloggers. Thay mặt tất cả những người cần thay mặt, cảm ơn các bạn rất rất rất nhiều.

      Bên cạnh đó, còn không ít những băn khoăn, những câu hỏi đưa ra đề nghị giải đáp. Xin được làm rõ một số điều sau đây:

      1. Hình thức quyên góp? Địa chỉ liên lạc?

      Có hai hình thức quyên góp: sách và tiền. Sách sẽ phân loại, gửi đi. Còn tiền thì dùng để … đi mua sách.
      Sẽ thành lập một quỹ “Thành lập tủ sách cho trẻ em vùng sâu vùng xa”, ra mắt luôn trong buổi offline, dự kiến khoảng 3 tháng offline 1 lần, mỗi lần thành lập vài tủ sách cho các em. Quỹ đi vào hoạt động, sẽ có địa chỉ để gửi sách, tiền quyên góp rõ ràng. Tuy nhiên mọi thứ cần sự chuẩn bị chu đáo, nên từ đây đến buổi offline, mọi người cứ gom sách và để dành tiền, mang đến quyên góp tại chỗ.

      2. Làm sao để chắc chắn sách sẽ đến tận tay các em?

      Đầu tiên, phải quán triệt tư tưởng rằng chúng ta chung tay làm cho “nước chảy về chỗ trũng”. Miễn là có sách, và sách đến được tay người cần, âu đó cũng là một thành công rồi.
      Nhưng nếu muốn sách thực sự đến được tay người cần, phải nhờ đến sự nhiệt tình của tất cả các bạn. Nhân đây, chúng tôi xin gửi một lời kêu gọi đến tất cả các bạn: nếu bạn biết một nơi nào đó đang cần sách, xin hãy thông tin cụ thể cho chúng tôi. Và nếu bạn nhiệt tình đứng ra “chủ xị” khâu đưa sách về tận nơi cần, chúng tôi sẽ liên kết và hỗ trợ bạn.
      Thậm chí, khi đã có sách trong tay, ta có thể tổ chức những đợt đến tận nơi cần thành lập tủ sách cho các em dưới hình thức những buổi offline.

      3. Làm sao chứng thực được tiền và sách của chúng tôi quyên góp sẽ … đi về đâu?

      Đây không phải là việc làm của một người, một nhóm người nhỏ lẻ nào mà là việc chung của tất cả chúng ta, nên sẽ không khó kiểm chứng. Sau mỗi đợt quyên góp, BTC sẽ công khai kết quả cho mọi người. Sau mỗi đợt thành lập tủ sách, sẽ đưa thông tin lên blog cho mọi ngừơi cùng rõ. Ai muốn biết kĩ lưỡng mọi tiến trình thì đề nghị chung tay làm việc với BTC luôn. Rồi kiểm tra chéo nè, đưa hóa đơn nè…

      Đó là lời giải đáp một số thắc mắc của các bạn.

      Hiện nay, công việc trước mắt đã định hình, nhưng “tuấn kiệt như sao buổi sớm” (tuấn kiệt có đó nhưng cứ núp hoài, chưa chịu ra) Vậy, thưa bạn, nếu bạn có đam mê, có lòng nhiệt tình và có khả năng, xin mời đóng góp sức lực và ý kiến để kế hoạch thành công tốt đẹp.

      Mọi ý kiến đóng góp xin post comment hoặc gửi mail về [email protected] (Y!M: nguyenthiengan)

      Danh sách những bạn đã chịu “đưa đầu ra”: Bảo Anh, Teddy Bear, Trâm Anh Ken, Mr Zoom News… Còn ai nữa không????????)

    Viewing 1 reply thread
    • Author
      Replies
      • #104051
        potterharry
        Participant

          1. 6 tuổi, tôi lên phố học. Nhà tôi ở một huyện nhỏ cách Buôn Ma Thuột đúng 30km. Nhà bác, nơi tôi trọ học trên phố có rất nhiều sách, nên đến lúc tôi vừa biết đọc cũng là lúc tôi được “sa vào hũ nếp” sách của bác tôi. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi kì nghỉ hè về nhà, tôi rơi vào trạng thái đói sách khủng khiếp, như con chuột ăn nếp trong hũ hoài nên quen, bị bắt thả ra thì thèm tha thiết.

          Cái thư viện huyện nằm bên góc nhà văn hóa, nhỏ nhỏ cỡ mười mấy mét vuông, nhưng đại khái là cũng có sách. Ngày nào tôi cũng lếch thếch xuống nhà văn hóa, bấu tay vào song cửa để … nhìn sách. Tưởng tượng một con nhóc lớp hai, lớp ba thì can đảm đâu mà vào xin đọc sách, cô thủ thư thì nhìn như một bác cú mèo nhăn nhó. Chỉ có con cô ấy là được ngồi gọn ghẽ bên bàn làm việc, đọc sách báo nhiều màu, còn bọn con nít khác mà mon men vào đấy thì chỉ có ăn chửi.

          Cho đến một ngày, thèm không chịu nổi, tôi đánh bạo bước vào. Cô thủ thư quẳng cho tôi một cái liếc rồi tiếp tục đọc báo. Khi tôi mon men lại gần kệ sách, lập tức bị quát giật nảy cả mình “Sách của người lớn, biết gì mà đọc?! Đi ra ngoài chơi.” Sau lớn lên, ra đường gặp lại bà này vẫn còn thấy ghét.

          Hồi đó, đầu tôi manh nha những ý định điên rồ, chỉ xoay quanh một mục đích: làm sao lấy sách. Những kịch bản rất trẻ con kiểu như vầy: ném đá làm bể kính để thò tay vào lấy sách, , hay … kêu bọn trong xóm ra oánh con bà này để bà này ra bênh và mình thừa cơ lẻn vào… lấy sách rồi chạy… Giờ nghĩ lại vẫn còn tức cười. Sự si mê dành cho sách biến một con nhóc bảy tám tuổi trở thành … nhà chiến lược sặc mùi xã hội đen.

          2. Từ ngày nhen nhóm ý định làm dự án quyên góp sách, tôi hay rủ bạn bè đi vào những buôn làng xa. Càng đi, tôi càng thấy … thất vọng, nản chí về kế hoạch của mình. Nghèo quá! Cơm còn chưa có mà ăn, lấy đâu thời gian đọc sách.

          Cho đến một ngày, trong đợt trực tiếp tặng quần áo cũ và sách vở cho người nghèo của nhà thờ, tôi thấy thứ bọn nhóc tranh nhau nhiều nhất không phải là bánh kẹo, quần áo, mà là mấy tờ báo Nhi Đồng.

          Chị gái tôi, dạy học ở một buôn xa, cứ Chủ Nhật về là đi quanh xin báo, xin truyện tranh cũ khắp xóm. Chị kể bọn học sinh của chị thấy được sách truyện là mắt sáng lên, bỏ cả lượm phân bò để qua phòng tập thể của cô ngồi đọc sách.

          Đọc, đọc chứ, phải đọc! Càng khó khăn lại càng phải đọc!

          3. Bạn bè tôi, mỗi khi ngồi lại với nhau nói chuyện sách vở, hay kể chuyện ngày bé. Có những lúc đang ăn, nghe chuyện nhau mà cổ họng nghẹn đắng, lén quay đi chùi nước mắt. P kể chuyện ngày xưa đi bán rau, vớ được miếng giấy gói bánh mì có chữ cũng cắm cúi đọc, rồi phải hái ổi hái me cho đứa bạn cùng lớp để nó cho mượn sách, ngồi ở nhà nó đọc say sưa, đến khi về nhà lại bị thêm một trận đòn te tua nữa vì cái tội… đi từ sáng tới chiều. Nghe, mà thương nhau hơn. Có ai từng đói sách đến nỗi đọc ngấu nghiến chữ trên giấy gói bánh mì mới thấm thía được cảm giác đó. Cái thời đó sao mà khổ, bây giờ thì…

          4. Bây giờ thì điều kiện đã cao hơn, sách đã nhiều hơn, ít ra là hơn “hồi đó”. Nhưng đó là “bây giờ” của tôi, của P… Còn “bây giờ” của các em vùng xa thì sao? Khi mà các em còn chưa có “hồi đó”?

          Báo chí than phiền rằng bọn trẻ bây giờ mê truyện tranh đánh đấm, không chịu đọc văn học, tác phẩm có giá trị, tôi thấy chạnh lòng quá. Khi có điều kiện, người ta có quyền lựa chọn thứ mình thích hơn. Khi không có điều kiện, điều mong ước duy nhất là có được cái mình cần. Cần sách!

          5. Chồng Mực Tím cũ của bạn, đống Thần Đồng Đất Việt cũ của em bạn, có thể bây giờ chỉ phục vụ mục đích sưu tầm, cất giữ và … chứng minh: tôi từng mua, từng đọc, từng mê nó. Nhưng nếu nó rời góc nhà, nhà kho, thùng carton đồ cũ mà đi xa hơn, đến tay những người cần hơn. Thì sao? Thì sao?

          6. Tôi muốn nói rằng, mỗi khi bạn chia sẻ một cuốn sách, đồng nghĩa bạn chia đi một ước mơ. Ước mơ đổi đời, ước mơ vươn cao, ước mơ bay xa, ước mơ đi tới…

          Còn bao nhiêu ước mơ cần được thắp lên trong bao nhiêu tâm hồn thơ ngây, hả bạn?!

          (Copy tại Zoom news Blog)

          link http://blog.360.yahoo.com/blog-ELSB.mQrdKmBLFBbO3QlnWw-?cq=1

        • #104052
          p2r
          Participant

            một quyển sách sẻ chia

                                                 một ước mơ bắt đầu

            Từ khi bé thơ cho tới lúc trưởng thành như ngày hôm nay, sách vở chính là người bạn đồng hành đặc biệt không thể thiếu được của mỗi chúng ta. Và như một nhà báo đã nói:

             “Nếu không có sách, cuộc sống này sẽ khó khăn biết bao nhiêu với rất nhiều người, trong đó có tôi. Và với sách, chúng ta không cảm thấy bơ vơ” – Phạm Công Luận.

            Tuy nhiên, không phải bất cứ ai trong chúng ta cũng có được cơ hội và sự may mắn để sở hữu và gắn bó được với sách, để tiếp xúc và học hỏi những tri thức cũng như những điều tốt đẹp từ cuộc sống thể hiện trong sách khi mà hàng ngày vẫn còn biết bao đứa trẻ quanh ta đang sống trong hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi.

            Đó có thể là một đứa trẻ lang thang, thiếu vắng sự chăm sóc của gia đình đang phải tự bươn chải để nuôi nấng chính bản thân chúng. Đứa trẻ ấy cũng cần được học hành, cần có những cuốn sách giáo khoa lành lặn, cần có những cuốn truyện tranh để giải trí và sẻ chia những lúc vui buồn như bạn…Nhưng chúng đã không có cơ hội để chạm tới thế giới lung linh ấy như chúng ta.

            Đó cũng có thể là những bạn bè đang hiện diện ở xung quanh ta, bất hạnh và thiệt thòi sao khi bị khiếm khuyết đi một phần cơ thể. Với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bạn ấy, mua thuốc chữa lành bệnh còn khó, làm sao có khả năng mua sách, mua báo phục vụ cho nhu cầu học hành cần thiết mà vẫn phải nén lòng gác lại…

            Nếu mỗi người trong chúng ta góp một cuốn sách giáo khoa cũ của mình, một tờ báo cũ, một cuốn truyện tranh đã đọc qua, một cuốn vở còn trắng,…thì chắc chắn những cuốn sách nhỏ bé ấy sẽ góp lại sẽ thành những tủ sách, những thư viện nhỏ bé đặt tại những làng trẻ, mái ấm tính thương, những trường học ở các vùng còn nghèo khó…Để giúp cho những bạn nhỏ thiếu may mắn của chúng ta tiếp cận được với những điều tốt đẹp từ sách. Và từ đó, biết đâu đổi thay dù chỉ một chút thôi cuộc sống của họ. Chỉ thêm một bàn tay góp sức từ bạn thôi nhưng hoạt động này sẽ trở nên ý nghĩa và hiệu quả biết bao. Thêm một cuốn sách, thêm một tấm lòng để nối dài những ước mơ…

            Nếu bạn ở Hà Nội, gửi sách trực tiếp tới địa chỉ:

            Đặng Khánh Chi, số nhà 60 – ngõ 125 – Trung Kính, Cầu Giấy, HN.

             (vào các buổi sáng và tối trong tuần, cả ngày nếu là T7 và CN)

            Nếu bạn ở Hồ Chí Minh, liên hệ và gửi sách tới:

            Nguyễn Thiên Ngân (0983379473)

            31/28 Nguyễn Đình Chiểu – Phú Nhuận (tầm 6h tối trở đi).

            Nếu bạn ở các khu vực khác ngoài 2 địa điểm trên thì có thể gọi vào đường dây nóng của chúng tôi để nhận thông tin trợ giúp hoặc cung cấp tin tức từ hoạt động Quyên góp sách cho trẻ em nghèo – một hoạt động khởi phát từ các bloggers trên mạng đang rất cần sự tin tưởng giúp đỡ và quan tâm đóng góp sách vở (SGK cấp 1-2-3 và báo chí cũ, vở và đồ dung học tập) từ tất cả mọi người.

            Hotline: 0912516624 – 0904535459 – 0983379473

            Hoặc gửi email tới: [email protected] (khu vực miền Nam) hay [email protected] ( khu vực miền Bắc).

             Chúng tôi luôn đón nhận sự tham gia nhiệt tình từ các bạn trẻ, các bạn HSSV để trở thành một đầu cầu quyên góp sách tới các bạn nhỏ thiệt thòi. Rất sẵn lòng giải đáp các thắc mắc và góp ý của những người quan tâm. Hãy góp một bàn tay cùng chúng tôi để phong trào này nhân rộng và có hiệu quả hơn nữa!

            (Blog Hà Yên)

            Hot News:

            Tại TP HCM, buổi offline quyên góp sách sẽ chính thức tổ chức vào
            8h30 sáng Chủ Nhật – 19/11/2006
            Tại Hội Trường Báo Tuổi Trẻ – 60A Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận, TP HCM.
            Kính mời anh chị quan tâm đến tham dự. Khi đi, chớ quên mang theo sách để ủng hộ – Chân thành cám ơn.

            Kite of Dreams

            http://blog.360.yahoo.com/blog-ELSB.mQrdKmBLFBbO3QlnWw-?cq=1

        Viewing 1 reply thread
        • You must be logged in to reply to this topic.

        MoviesBoOm

        2003-2023

        Skip to toolbar