“Tình thù rực nắng” trong Thiên long bát bộ
Bộ tiểu thuyết nào của Kim Dung ít nhất cũng đều có một vài vụ hận tình, ghen tuông. Ngoài tham vọng mưu đồ làm bá chủ võ lâm thì tình ái ghen tuông luôn là một nguyên nhân dẫn đến những tình tiết ly kỳ. Nhưng có lẽ không bộ tiểu thuyết nào lại cùng lúc chứa đựng nhiều cái “tình thù rực nắng” cho bằng Thiên long bát bộ.
Cái lưới tình mỏng tanh như tơ nhện lại tóm gọn một mẻ “bội thu” không chừa một cá nhân có xuất xứ xã hội nào. Từ quý tộc – đế vương như bộ ba Trấn Nam vương Đoàn Chính Thuần, ông anh Đoàn Diên Khánh và bà vợ Mao Bạch Phượng của hoàng gia nước Đại Lý đến tận cửa thiền danh giá vào loại bậc nhất võ lâm là Thiếu Lâm tự; Trưởng chùa Huyền Từ Đại Sư, người “vợ chui” Diệp Nhị Nương và đứa con vô thừa nhận Hư Trúc… Từ địa giới “thăm thẳm chiều trôi” bên ngoài biên giới Trung Hoa của phái Tiêu Dao – hai người đàn bà đẹp Thiên Sơn Đồng Mỗ, Lý Thu Thủy và chàng trai Vô Nhai Tử- đến giữa lòng Trung thổ với bang phái đang cực thịnh dù chỉ sinh nhai bằng một câu nhật tụng “lạy ông đi qua – lạy bà đi lại…” Cái bang. Kiều Phong – nạn nhân thảm khốc nhất chỉ vì mỗi một tội tày đình làm đàn ông mà không… háo sắc. Đi ngang qua mặt một người cũng kể vào hàng á hậu: Mã phu nhân mà không thèm nhòm dù chỉ… một mắt vào kính chiếu hậu, cứ thẳng băng một đường mà đi. Mỹ nhân thù oán thật kinh thiên động địa, bày ra một vụ án máu lửa đến tận khi trang sách hiện lên dòng chữ “Fin”.
Những tình thù tan đá chảy vàng ấy đều đưa đến kết cục “vong mạng” hết ráo những người trong cuộc – chẳng có mạng nào được an hưởng tuổi già – dù trong viện dưỡng lão cả. Kim Dung tiên sinh dường như “hãi” nhất mỹ nhân nên đã đưa ra thông điệp thấy người đẹp thì tránh xa tám dặm đi, xớ rớ thì trước sau gì cũng ghen tuông và thù oán đấy! Không biết có phải thế chăng? Kẻ viết bài hàm hồ đoán mò vậy. Hãy thử điểm qua vài mối “tình ai oán” của Thiên long bát bộ xem sao.
“Tình cho không – biếu không”
Đấy là cú trả thù vào chính đức lang quân của mình vốn là con nhà “đế gia vọng tộc” Đoàn Chính Thuần, Trấn nam vương nước Đại Lý (nay là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) của vương phi Mao Bạch Phượng sắc nước hương trời. Vị vương gia đào hoa số một của tiểu thuyết Kim Dung bồ bịch, lăng nhăng đếm không xuể, con rơi con rớt lung tung không nhớ nổi khiến “Đệ nhất phu nhân” Mao Bạch Phượng chơi một cú trả thù kinh dị: …”ta đã tha thứ cho ngươi hết lần này đến lần khác, bây giờ không thể tiếp tục tha thứ nữa. Ngươi có lỗi với ta, ta cũng sẽ có lỗi với ngươi… Bọn nam nhân nhà Hán các ngươi toàn đồ phụ bạc, khinh bọn nữ nhân Bài Di chúng ta như chó mèo, như bò lợn. Ta nhất định sẽ báo thù…” (Thiên long bát bộ trang 140 – Đông Hải dịch – Nhà xuất bản Văn học). Nói sao làm vậy. Vương phi xem thân nghìn vàng có cũng như không tặng ngay cho một gã ăn mày ghẻ lở, đầy mùi xú uế một đêm “tình cho không – biếu không” đến nỗi cái gã người không ra người, ngợm không ra ngợm bàng hoàng ngỡ là có vị thâçn tiên thương tình ra tay cứu độ. Cú trả thù ghê gớm ấy nảy ra anh chàng si tình Đoàn Dự, kẻ lờ khờ lại được hưởng nguyên si bản valse lả lướt “lăng ba vi bộ” và thần công “lục mạch thần kiếm” mà thiên hạ thèm nhỏ dãi. Nhưng định mệnh cũng sắp đặt (hay Kim Dung tiên sinh sắp đặt) cái gã ăn mày hôi thối kia lại có “lý lịch” thơm ngát mùi nước hoa Boss: ông ta chính là Thế tử Đoàn Diên Khánh, kẻ đáng lẽ đã là vua nước Đại Lý. Hóa ra cũng danh gia vọng tộc con nhà giàu học giỏi ngang tầm Đoàn Chính Thuần ấy chứ.
Vụ “tình thù” ghen tuông dễ sợ ấy đưa đến hai kết quả. Một thê thảm: Đoàn Chính Thuần và các hoa hậu, á hậu cuối cùng “trèo lên nóc tủ ngồi buôn hoa quả” hết ráo. Một “happy-end”: vì là con Đoàn Diên Khánh nên Đoàn Dự có quyền “kết” mỹ nhân nào là “đưa nàng về dinh” mỹ nhân đó, từ Mộc Uyển Thanh, Chung Linh đến Vương Ngữ Yên (bản cũ là Vương Ngọc Yến)… nhưng cũng may cho Đoàn Dự, anh chàng này chỉ say mê mỗi một mình Vương Ngữ Yên – người đẹp hơn cả trong bọn quần thoa đi qua đời anh ta. Âu cũng là “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” vậy.
“Tình ảo”
Suốt cả đời theo đuổi truy sát lẫn nhau chỉ vì một anh chàng hào hoa phong nhã đẹp trai: Vô Nhai Tử; Thiên Sơn Đồng Mỗ và Lý Thu Thủy, hai người đẹp khổ luyện “quái công” để tận diệt cho bằng được tình địch bất kể đó là chị em đồng môn hay “đồng hương đồng khói”. Kết cục cả hai đều cùng lăn ra đứt hơi tắt thở sau một trận tử chiến nghiêng trời lệch đất mà kẻ được hưởng lợi võ công chính là Hư Trúc, kết quả của mối nghiệt tình giữa Huyền Từ và Diệp Nhị Nương. Cái hận tình này éo le ở chỗ trước khi tắt thở cả hai mới kịp nhận ra rằng cái bức “portrait” mà Tiêu Dao Tử vẽ – mỹ nhân trong hình… không phải là mình. Thế mới tan nát cõi lòng, hóa ra anh chàng Vô Nhai Tử lại yêu một nàng… khác: đấy chính là muội tử song sinh của Lý Thu Thủy. Là pho tượng ngọc trong thạch động Kiếm Hồ trên núi Vô Lượng Sơn, pho tượng ấy liên quan đến Vương Ngữ Yên – đệ nhất mỹ nhân của Thiên long bát bộ sau này.
Mối tình thù mà cũng là… tình ảo nay thật sự khiến người đọc dâng nỗi cảm thương cho hai phụ nữ suốt đời tìm diệt nhau để rồi khi chết biết có ngậm cười?
Thiếu Lâm kỳ tình
Kỳ tình ở đây là… không ai có thể tưởng tượng nổi, nếu không nói ra thì không ai biết. Nó lý giải cái hành động kỳ quặc của Diệp Nhị Nương, kẻ đệ nhị ác trong thiên hạ với biệt danh Vô ác bất tác (không ác không làm), kẻ chuyên bắt cóc trẻ sơ sinh nhà người khác mang đi chơi như chơi búp bê rồi vứt bỏ đến chết. Hành động đầy chất “tâm thần” này bắt nguồn từ chuyện Diệp Nhị Nương đã để lạc mất con mình, để định mệnh đưa nó đến vườn rau sau chùa Thiếu Lâm nương náu, trở thành Hư Trúc sau này. Định mệnh đã đặt con cạnh cha suốt bao nhiêu năm mà người cha lại chính là Bắc đẩu Thái Sơn, phương trượng Thiếu Lâm tự Huyền Từ. Hóa ra không chỉ anh hùng mới không qua được ải mỹ nhân. Bậc chân tu, đạo hạnh một phút yếu lòng trước nhan sắc cũng rơi tuột khỏi kinh kệ như thường.
Đây không phải tình thù – nó là cái mà trong kinh Phật gọi bằng “nghiệp” Karma! Tàn cuộc nghiệt duyên, Huyền Từ lẫn Diệp Nhị Nương đều chết bên nhau như những tình nhân muôn thuở. Thiện tai!
Kiều Phong – tình oan
Anh Hùng thường không vượt qua được ải mỹ nhân.
Kiều Phong chẳng hề để mắt tới ai ngoài A Châu đoản mệnh. Vậy mà Mã phu nhân chỉ vì tổn thương niềm kiêu hãnh của kẻ “đứng cạnh khóm hoa mẫu đơn, ai đi qua liếc nhìn tim cũng đập thình thịch…” trừ Kiều Phong, đã lấy làm thù hận. Kiều Phong sinh ra đâu phải để làm “giám khảo hoa hậu”, ông sinh ra để uống rượu và bàn luận võ công, mà con nhà võ sa vào sắc đẹp dễ tẩu hỏa nhập ma, thân bại danh liệt. Kiều Phong tránh xa nữ sắc thì lại ở rất gần thảm họa. Mã phu nhân chỉ vì lý do cỏn con kia mà dựng thành cả một oan án đẩy Kiều Phong vào cuộc thảm sát Tụ Hiền Trang, phải tử chiến với anh em, bằng hữu của mình. Cuối cùng chẳng còn con đường nào khác của kẻ hai “hộ chiếu”- khi Tống khi Khất Đan, Kiều Phong đành dùng tên đâm vào tim tự sát giữa ải Nhạn Môn.
Cái tình oán – tình đơn phương của kẻ lòng dạ hẹp hòi thời nào cũng đưa đến kết cục lạnh mình. Thời ấy nếu có acid, Mã phu nhân e cũng chẳng thèm tạt cho Kiều Phong một gáo bởi lẽ như thế chưa “đã nư” cho một tâm địa bệnh hoạn.
“Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Cụ Nguyễn Du bảo vậy. Nhưng quả thật ghen tuông có muôn hình vạn trạng, đưa đến “tình thù rực… lửa” như các nhân vật của Kim Dung kể ra cũng đáng tham khảo và để “Dữ răng việc trước, lành dè thân sau” của ít nhất là… người viết bài này. Không dám khuyên răn ai khác.
Đỗ Trung Quân
Good review
2003-2023