Cục Điện ảnh Việt Nam vừa thông báo chấm dứt phân bổ chỉ tiêu sản xuất đối với ba hãng phim truyện nhà nước ngay từ năm 2006. Các hãng này giờ chỉ còn cách duy nhất là cạnh tranh với các hãng khác (kể cả các hãng tư nhân) để giành dự án làm phim thông qua những cuộc đấu thầu.
Chuyện nhà nước ngừng rót chỉ tiêu làm phim cho các hãng là kế hoạch được bàn đến từ khá lâu. Nhưng việc kế hoạch đó được triển khai ngay từ năm tới khiến không ít người bất ngờ.
Ban đầu người ta nghĩ sẽ có một bước đệm. Theo đó, trong khi cho triển khai thực hiện đấu thầu sản xuất phim, nhà nước tiếp tục dành một phần ngân sách làm phim cho các hãng theo chỉ tiêu. Bà Nguyễn Thị Hồng Thái – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, cho biết, sẽ không có bước đệm như vậy.
Có nghĩa, toàn bộ số tiền mà nhà nước dành cho làm phim truyện trong năm tới, dự kiến 10,6 tỷ đồng, được phân chia bằng cách xét thầu dựa trên những kịch bản của các hãng gửi đến. Đối tượng tham gia đấu thầu kịch bản không giới hạn ở ba hãng phim truyện của nhà nước, tất nhiên ba hãng này vẫn là các đối tượng được ưu tiên.
Giả sử một hãng nào đó có nhiều kịch bản hay, đáp ứng các tiêu chí của hội đồng xét thầu, toàn bộ 10,6 tỷ đồng kia thuộc về hãng đó, những hãng khác sẽ trắng tay. Bà Thái khẳng định, phương thức đấu thầu sẽ thúc đẩy các hãng năng động hơn trong việc tìm kiếm kịch bản hay và là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng phim.
Không còn nghiễm nhiên nhận chỉ tiêu làm phim, ba hãng nhà nước đang đứng trước câu hỏi, làm sao có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên của mình. Chẳng hạn như Hãng Phim truyện Việt Nam, với 192 người, cần bốn tỷ đồng để trả lương cho nhân viên mỗi năm.
Mặc dù hầu hết số nghệ sĩ được hỏi đều khẳng định “không sống bằng lương” cũng không thiếu việc để làm, song, việc đột ngột dừng rót chỉ tiêu làm phim vẫn khiến không ít người cảm thấy bị sốc.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu đã là đấu thầu, Cục Điện ảnh Việt Nam phải đưa ra những tiêu chí cụ thể. Theo đó, số tiền 10,6 tỷ đồng đủ để làm bảy phim thì hãy đưa ra bảy tiêu chí về đề tài để các hãng phim tìm kiếm kịch bản trên cơ sở bảy đề tài chung đó. Phải trên cơ sở một đề tài chung với những tiêu chí cụ thể mới đánh giá được kịch bản A hay hơn kịch bản B.
Nếu không đưa ra được các đề tài cụ thể, các hãng đưa lên 20 kịch bản thuộc 20 đề tài khác nhau, công việc của hội đồng xét thầu khi đó thực chất chỉ là lựa chọn kịch bản (một hình thức làm từ nhiều năm nay), và kịch bản được xét đưa vào sản xuất chưa chắc là kịch bản hay nhất.
Nhà nước cấp vốn một lần cho các hãng phim
Nhà biên kịch Lê Phương bức xúc: “Để nâng cao chất lượng phim, đấu thầu một khúc không phải là giải pháp, thậm chí sẽ nảy sinh tiêu cực (tôi chắc chắn như vậy). Không phải thành viên xét thầu nào cũng biết xem một bộ phim trên giấy. Nếu kịch bản được duyệt nhưng, khi phim làm ra, chất lượng không cao, không có người xem, ai sẽ chịu trách nhiệm. Đạo diễn, hãng phim hay hội đồng xét thầu.
Cách tốt nhất, để cải thiện chất lượng phim và thúc đẩy điện ảnh phát triển như một ngành kinh doanh đặc thù, nhà nước hãy cấp vốn một lần cho các hãng phim (số tiền đủ để làm 3 – 5 phim, nếu có thể khoảng 10 phim), sau đó chấm dứt tài trợ, các hãng tự bươn trải, cạnh tranh công bằng ngoài thị trường.
Nếu làm theo cách này, các hãng sẽ có cơ sở giải tán bớt các thành phần không làm việc mà vẫn hưởng lương. Họ bầu ban lãnh đạo mới đủ năng lực bảo toàn vốn và làm ăn có lãi. Các hãng tự tìm kiếm kịch bản hay để làm phim, Cục Điện ảnh Việt Nam chỉ duyệt phát hành phim”.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nếu cấp vốn một lần, sau vài năm số vốn này được tiêu sạch (điều này nhiều khả năng xảy ra), hãng phim phá sản, nghệ sĩ bị đẩy ra đường, ai gánh trách nhiệm này. Vì thế, đối với cơ quan quản lý, giải pháp an toàn nhất vẫn là quản tiền.
Và, dù muốn hay không, việc đấu thầu vẫn được tiến hành vào đầu năm tới. Tiêu chí xét thầu đang được Cục Điện ảnh Việt Nam tiến hành xây dựng. Nên, mặc dù có sẵn nguồn kịch bản (Hãng Phim truyện Việt Nam đã trình duyệt năm kịch bản, Hãng phim Giải Phóng năm kịch bản, Hãng Phim truyện I ba kịch bản), kế hoạch sản xuất năm 2006 của ba hãng vẫn trống trơn. Tất cả phải chờ Cục Điện ảnh Việt Nam ban hành tiêu chí.
NetNam – Theo Thể thao Văn hoá
2003-2023