Mặc dù Whale Rider của xứ Tân Tây Lan không ra mắt trong năm 2004, nhưng đây là bộ phim mình được xem vào hồi đầu năm nay vì mãi đến đầu năm, nhờ có giải oscar mà mình mới có cơ hội biết đến phim này. bài này dù đoạt giải hay không, dù phạm quy hay không, mình cũng giới thiệu cùng các bạn.
Whale rider là một phim gia đình, thích hợp cho mọi lứa tuổi Whale Rider đã giật được nhiều giải quan trọng tại các Đại Hội Điện Ảnh của Toronto, Sundance và Rotterdam và nhận đề cử Nữ diễn viên xuất sắc cho em bé gái trẻ tuổi trong phim. Khán giả của đại hội điện ảnh, số đông là đạo diễn, tài tử, kỹ thuật gia và các nhà báo chuyên phê bình điện ảnh, đã đứng lên vỗ tay khi phim chấm dứt. Chắc chắn khán giả nhạy cảm sẽ rơi nước mắt khi xem phim.
Tuy vậy phim không phải là một phim tình cảm bi kịch. Whale Rider kể chuyện một cô bé 12 tuổi người Maori, với ước mơ trở thành người lãnh đạo dân của cô. Maori là một giống dân bản xứ, hình dáng tựa dân các đảo Hawaii, Jamaica, Fiji Islands … vv, da sậm đen, to lớn, và sống gần biển cả. Truyền thuyết được kể lại rằng ông Tổ của dân Maori, là giòng giỏi Paikea đã đến định cư tại Tân Tây Lan trên lưng của loài cá Voi. Thế nên phim có tựa là “Người Cưỡi Cá Voi”.
Chuyện bắt đầu bằng ngày chào đời của cô bé Pai (Keisha Castle-Hughes). Mẹ cô bé mất sau khi hạ sanh ra hai người con, một trai, một gái, mà cậu bé trai cũng mất theo mẹ. Ông nội (Koro) tới nhà thương thăm, và ông đã vô cùng thất vọng với tin cháu nội trai không sống được. Đối với ông, con gái vô tích sự, chẳng là gì cả, không thể là người nối dõi giòng giống để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo mà ông hằng mong mỏi. Ông tổ của ông Koro chính là người đầu tiên đến lập nghiệp tại Tân Tây Lan, tức “người cưỡi voi” trong truyền thuyết, và hiện nay ông Koro đang giữ chức lãnh đạo dân tộc ông, tựa như một tù trưởng vậy. Từ đời này qua đời nọ, trưởng nam trong gia đình đã tuần tự giữ chức vụ này. Thế nhưng bố của Pai, sau khi vợ mất, đã lên đường đi Âu Châu theo đuổi ước mơ nghệ sĩ của anh, để lại bé Pai cho ông bà nội nuôi. (Cô cháu gọi ông nội bằng Paikea, giống như cô gọi ông bằng chức tước vậy).
Bé Pai lớn lên trong tình yêu của ông bà. Riêng với ông nội, bé Pai có một mối liên hệ tình cảm mật thiết, ngày ngày ông nội chở bé Pai tới trường học trên xe đạp, trong cảnh mênh mông của đất trời xứ Tân Tây Lan, trời và biển xanh dương quyện với mây trắng vần vũ, bao la, đồng cỏ một màu xanh ngọc êm ả … Bé Pai lớn lên trong một bối cảnh tuyệt diệu như một chuyện thần tiên. Khán giả chắc chắn sẽ dành cho bé Pai một tình cảm đẹp, vì cô bé có cặp mắt sáng như sao, sâu thăm thẳm, như chứa đựng những tình cảm sâu xa. Pai, xinh đẹp, thông minh, mạnh khỏe, rất mau mắn trong nhiều lãnh vực, và nhất cô rất tò mò, thích thú về lịch sử, truyền thuyết của dân tộc cô. Nhưng cô là con gái. Tuy ông nội cô rất yêu cô, ông cũng tỏ rõ là một lãnh đạo của giòng giống, ông không cho cô tham gia vào lớp học để chọn một người “tù trưởng” tương lai cho dân Maori. Bé Pai không dễ dàng bị lãng quên như vậy, cô đã quyết tâm, nhất định học những điều cần thiết để trở thành người đứng đầu của dân cô. Cô đã ngầm học với ông chú, rồi lại lén núp đàng sau lớp học, hầu nghe những lời giảng dạy của ông nội cho đám trai trưởng nam trong làng. Khi ông nội biết được thì ông giận lắm, và tất nhiên ông có rày la cô bé. Điều đặc biệt là tình cảm của bé đối với ông nội không vì vậy mà suy giảm. Bé hiểu ông mình hành động vì bổn phận, và bé vẫn yêu quý ông như thường. Thật là một cô bé hiểu biết trước tuổi của mình, khác hẳn các cô cậu tuổi teenagers đời nay, rất dễ bất mãn cha mẹ mình.
Đặc biệt phim đã tránh được những “cliché” thông thường – những màn có thể đoán trước sẽ kết thúc như thế nào, như cảnh em Pai trình bày bài diễn văn của em tại đêm văn nghệ của trường. Bài em viết rất hay và cảm động. Pai thút thít khóc khi đọc bài diễn văn mà em đã viết để tặng ông nội. mấy bạn đừng so sánh cảnh này với cảnh gái điếm Minh Thư hay gái sang Anh Thư khóc lóc khi lên thuyết trình trong phim Gái nhảy và Con gài chân dài nhé. Cả nhà đều có mặt, trừ ông nội em, và khán giả tưởng rằng ông sẽ xuất hiện vào phút cuối cùng, như các vở bi kịch khác. Nhưng không, Niki Caro sẽ dành cho phim một kết cuộc đặc biệt, chuyện ngày nay thế kỷ 20, pha lẫn sự huyền bí có từ ngàn xưa của trái đất, giữa con người và thú vật, giữa con người và sự thiêng liêng nào đó hiện hữu trong cõi đời này.
Vai nữ chính, bé Keisha Castle-Hughes, lúc đóng phim chỉ mới 11 tuổi, chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất bao giờ, đã thủ diễn vai trò của mình thật trọn vẹn. Ngoài ra, kịch bản của Niki Caro, dựa theo quyển sách của tiểu thuyết gia Witi Ihimaera, đã khéo léo tạo ra các nhân vật của câu chuyện với cá tính, mỗi nhân vật đều rất sống động, với những tình cảm sâu sắc. Tóc bạc, nhưng khỏe mạnh, vạm vỡ, ông Koro rất xứng với vai trò lãnh đạo của mình, trông ông nghiêm nghị và oai như tướng xuất quân. Bà vợ của ông Koro, là mẫu người đàn bà yêu thương chồng con, theo nề nếp của dân tộc. Nhưng khi cần, bà chứng tỏ là một người đàn bà thông minh, và đã khéo léo bày tỏ ý kiến để giữ hòa khí gia đình, khuyên răn ông chồng cứng rắn, cũng như dành cho cô bé Pai tình mẫu tử mà cô thiếu sót.
Phim không phải là một lôi cuốn với những màn đánh đá giựt gân, mà là một hấp dẫn từ từ, chậm chậm đi vào lòng khán giả. Sự hấp dẫn này sẽ kéo dài cho đến khi khán giả về nhà, nằm vắt tay lên trán … và nhớ về một nơi chốn nào đó gọi là quê hương. Phải thế, truyền thuyết cỡi cá voi có khác chi truyền thuyết con rồng cháu tiên? Những màn dạy võ, dậm chân, thè lưỡi, thoạt xem, thấy hơi buồn cười, nhưng khi được giảng giải thì khán giả sẽ bị lôi cuốn bởi cái ý nghĩa của tục lệ, lề lối của một dân tộc. Chúng ta sẽ chú tâm vào niềm hãnh diện của một dân tộc, dù nhỏ bé cách nào, họ cũng muốn giữ gìn những phong tục cổ xưa của họ. Khán giả nhạy cảm sẽ không khỏi rơi nước mắt qua màn cô bé Pai đọc diễn văn, và cảm xúc tận đáy tim qua màn ông cháu cỡi xe đạp lần cuối trước khi từ giã nhau.
Các phê bình phim không khỏi ví Whale Rider với hai phim thành công năm ngoái và gần đây, đó là hai phim “My Big Fat Greek Wedding” và “Bend It Like Beckham,” vì hai lẽ: tính cách dân tộc tính của phim, và vai nữ chính trong phim. Như hai phim vừa kể, nhân vật chính của Whale Rider cũng là một cô gái 12 tuổi, trong một gia đình rất bảo thủ, nhưng cô có một ước mơ, một đường đi, và cô cứ việc tiến lên, không để những cản trở làm nhụt bước của cô, vì cô đã sinh ra như một định mệnh. Định mệnh đó là giữ vai trò thủ lãnh cho bộ lạc của cô. Tuy vậy Whale Rider đi sâu hơn trên lãnh vực cảm xúc.
Từ phim Lord of Rings ra đời, người ta nghĩ đến xứ Tân Tây Lan, một xứ với cảnh trí hùng vỹ là nơi để tới đó đóng phim, nhưng Whale Rider, không chỉ là một phim với cảnh trí tuyệt đẹp, mà còn là một phim được sản xuất tại Tân Tây Lan, từ đạo diễn, diễn viên, chuyên viên kỹ thuật và sự góp mặt của một làng chài lưới thuộc giống dân Maori vùng ven biển Tân Tây Lan.
Xin mời khán giả Việt Nam xem một phim “ngoại quốc”, là một hoà lẫn giữa đời sống ngày nay và phong tục xưa cũ. Đã thế kỷ 21, con người vẫn còn cảm thấy mình bị lạc vào sự huyền bí của vạn vật.
và các bạn hãy đi xem để hiểu một lần nhìn nhận rằng, những thành kiến bạn áp đặt cho những người khác là ngu ngốc đến thế nào. bạn hãy xem để thấy rằng, những áp đặt cho những người ní ra điều mà mọi người bấy lâu không dám nói, như chuyện một cô bé lại muốn trở thành thủ lĩnh của một bộ tộc, không phải là chuyện cuồng ngông gì cả. mình hy vọng bạn hãy xem và hiểu được vì sao đây là một trong 10 bộ phim mà mình sẽ lần lượt giới thiệu đến các bạn trong cuộc thi của MB tổ chức, nếu như mình còn tồn tại đến lúc ấy.
2003-2023