Thật tình tôi không trông đợi nhiều lắm ở phim Ký ức Điện Biên. Chẳng hiểu vì sao, có lẽ bị “ám ảnh” bởi tên của những người thực hiện.
Thế nhưng, khi phim chiếu ra mắt, tôi cũng đi xem, xem vì muốn xem phim VN, và vì thấy tò mò: với 16 tỉ đồng (tương đương khoảng 1 triệu USD), người ta sẽ làm được 1 bộ phim như thế nào?
Cảnh mở đầu phim khá chậm chạp và nhàm chán: 1 ông cụ chầm chậm bước vào nhà, trao bó hoa cho cô cháu, có tiếng điện thoại reng : “Bernard hả? Bernard Điện Biên Phủ hả? Anh đang ở khách sạn nào?“. 3 phút tiếp theo là cảnh 1 hội thảo về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hết người này đến người kia đọc diễn văn. Bạn đừng tưởng mình đang xem bản tin thời sự của VTV nhé, phim đấy! Rồi 2 người bạn già gặp nhau…
Trên màn hình hiện ra phần giới thiệu tên phim: Ký ức Điện Biên…
Có người hết hồn trước cách mở đầu phim đầy “cổ điển” như thế, buộc miệng: Chời, vậy là mở đầu phim đó hả? Chẳng có gì hấp dẫn hết!
Ui chao, từ từ đã, người ta làm phim đến 16 tỉ mà, làm sao mà không hấp dẫn được chứ!
* Nói về kĩ xảo trước nhé:
Thật tình mà nói phim có nhiều đoạn kĩ xảo xem được: chẳng hạn như những cảnh đánh nhau giữa bộ đội ta và quân Pháp, cảnh máy bay địch bay vèo vèo trên màn ảnh, cảnh cậu lính Pháp bị cưa chân, cảnh đào hào, cảnh lính Pháp hoá thành chim bồ câu bay lên… Và số tiền làm kĩ xão cũng đáng giá hơn nhiều so với mấy cảnh vụng về của Hà Nội 12 ngày đêm trước đó. Nhưng có cảm giác đạo diễn muốn khoe rằng “Đấy, cứ cho tớ 16 tỉ đi, có tiền rồi thì tớ làm phim hoành tráng chẳng kém gì phim Mỹ cho mà xem!“. Ừ, thì cũng hoành tráng đấy. Nhưng xin thưa, từ đầu đến cuối phim, mìn cứ nổ uỳnh uỳnh trên màn ảnh đến nhức cả đầu nhưng có liệu có bao nhiêu cảnh thật sự có ý nghĩa cho mạch phim và gây ấn tượng cho khán giả? Chưa hết, có lẽ vì phải “nổ” nhiều quá nên cuối phim đạo diễn đã đuối sức nên cảnh nổ mìn quan trọng nhất là quả bộc phá nặng mấy tấn được bộ đội đào đường hầm đưa xuống bên dưới hầm của quân Pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc kết thúc trận đánh đồi A1 thì chỉ nổ oành 1 phát. Tiếng nổ nhỏ xíu, ấn tượng cũng nhỏ xíu, vài khán giả ngơ ngác chưa kịp hiểu: “Ơ, thế là quân mình chiến thắng rồi à?“.
* Bây giờ xin thưa đến diễn viên
Đây có lẽ là phần thành công nhất của bộ phim. Cả ba diễn viên đóng vai Vân (Kiều Anh), Bạo lúc trẻ (Phạm Quang Ánh) và Bernard lúc trẻ (Isaak Le) đều dễ thương cả về ngoại hình lẫn diễn xuất. Chỉ tiếc là có nhiều đoạn Kiều Anh diễn hơi kịch và đuối sức so với nét diễn “không chuyên nghiệp nhưng thành công” của hai anh bạn diễn nam, nhất là những cảnh cô đóng vai cô cháu gái Vân. Cô này bị tâm thần nhưng lúc nào quần áo cũng thời trang, tóc tai thì luôn chải chuốt xinh đẹp…
Quang Ánh diễn khá tốt tâm trạng của anh lính trẻ “chưa yêu lần nào” và cảm giác ghen tuông hơi trẻ con. Đặc biệt là Isak Le, anh chàng diễn viên người nước ngoài gốc Việt tuy không hề học diễn xuất bài bản nhưng diễn khá tốt, nhất là những cảnh thể hiện nội tâm bằng ánh mắt.
Bù lại, cũng có vài vai diễn là sự lựa chọn không thành công của đạo diễn. Thật tội cho hai diễn viên nổi tiếng Chí Trung và Phương Thanh phải nhận 2 vai diễn bị rớt ra khỏi đường dây của chuyện phim. Sự xuất hiện của họ chẳng có ý nghĩa gì cho phim, ngoại trừ đó là lí do dẫn đến việc cô Vân bị té và… bị bệnh thần kinh. Nhưng có cần phải như thế không?
Hai diễn viên đóng vai Bạo và Bernard lúc già cũng khá hợp vai. Tuy nhiên, hơi vô lí một chỗ là lúc trẻ Bernard cao hơn Bạo hơn 1 cái đầu nhưng về già thì hai ông lại cao bằng nhau. Chẳng lẽ người Pháp khi về già thì bị giảm chiều cao nhanh hơn người Việt?
* Cuối cùng là xin mạn phép bàn 1 chút về nội dung kịch bản và dàn dựng của đạo diễn.
Thành thật mà nói thì bộ phim cũng có nhiều nét mới so với những phim lịch sử truyền thống trước đây. Đầu tiên là phim đã đưa ra được cái nhìn thiện cảm hơn về phía địch- mà cụ thể ở đây là quân đội Pháp thông qua nhân vật Bernard và những anh lính Pháp trẻ khác. Phim cũng được dựng hoành tráng hơn, về mặt ý nghĩa lịch sử có thể xem phim đã hoàn thành nhiệm vụ về việc giới thiệu lại một cách khái quát chiến thắng Điện Biên Phủ để kịp trình chiếu vào lễ kỉ niệm 50 năm này. Còn về mặt nghệ thuật?
Xem cả bộ phim dài hơn 2 giờ này, tôi và nhiều khán giả khán giả khác nhiều lần bị hụt hẫng vì cảnh phim cứ được thay đổi xoành xoạch từ quá khứ về hiện đại và ngược lại mà sự chuyển đổi ấy luôn đột ngột mà không có sự liên kết nào cả. Chưa kể bối cảnh cũng thay đổi đột ngột đến khó hiểu, như cảnh Mây và Bernard đang lạc trong rừng, bụp một cái là đã trở về được đơn vị. Phim có nhiều đoạn cũng khá hay nhưng có lẽ đạo diễn chỉ chăm bẵm vào những màn cháy nổ hoành tráng nhưng không còn thời gian và tâm sức để đẩy cảm xúc lên cao như những xung đột tâm lí, tình cảm của Bernard- Mây-Bạo trên đường về vùng an toàn, cảnh Mây và Bernard lạc trong rừng, cảnh Bernard lên đồi A1 giữa đêm để tưởng nhớ người bạn hi sinh của mình, cảnh bộ đội ta hi sinh, cảnh quân ta đào hầm…
Đó là chưa kể nhiều điểm vô lí khác như thời đó làm sao bộ đội ta lại dám để cho một nữ y tá đi trong rừng chung với người đàn ông, lại là một tên lính Pháp mà không hề có vũ khí tự vệ; hay như một bác lớn tuổi ngồi xem phim kế bên tên nhận xét khi thấy trong phim có nhiều cảnh mưa tầm tã: “Thời điểm trong phim là tháng 3 thì làm sao mà mưa nhiều đến thế?. Chưa kể ánh sáng torng phim thì tệ không chịu nổi, giữa rừng buổi tối mà ánh sáng thì sáng trưng, có cảnh còn bị “lòi” cả đèn đạo cụ lên màn hình…
À, còn cảnh quay tại Pháp nữa. Vỏn vẹn cảnh tại Pháp chỉ khoảng 5 phút và cũng chẳng mấy có ý nghĩa với phim. Có khán giả còn thốt lên: “Chắc cảnh qay tại Pháp cũng phải mất hết cả tỉ trong số 16 tỉ”
Đúng ra, cảnh quan trọng nhất ở Pháp là cảnh Vân dàn dựng bài múa “Kí ức Điện Biên” cho khán giả Paris xem. Thế nhưng hình như vì lí do riêng, Kiều Anh không đi Pháp được nên cảnh quay tại đây chủ yếu chỉ có 2 diễn viên Hà Văn Trọng và Lê Nuôi (vai Bạo và Bernard lúc già). Nếu tôi không lầm thì để quay vài cảnh này, đoàn phim đã phải cử 25 người (trời, sao nhiều vậy?) sang Pháp trong vòng khoảng nửa tháng . Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng từng phát biểu rằng : Có những cảnh quay tại Pháp, bộ phim sẽ trở nên có ý nghĩa hơn, thú vị hơn, mang tầm vóc thời đại hơn. Có một số cảnh quay đòi hỏi phải có sự dàn dựng công phu và phức tạp như cảnh quay ở trong nhà …. Xin thưa, có lẽ trình độ của tôi hạn chế nên không hiểu được vì sao cảnh quay trong nhà chỉ có 4 diễn viên, đơn giản là ngồi uống rượu với nhau mà đạo diễn lại bảo rằng phức tạp? Và tầm vóc thời đại thể hiện ở điểm nào khi chủ yếu các cảnh quay ở Pháp là quay cảnh đẹp? Ý đồ quan trọng nhất là cho Bạo gặp lại vài cựu chiến binh Pháp tại Điện Biên Phủ (ý nghĩa nhân văn) nhưng có cần thiết phải quay tại Pháp? Nếu thay thế bằng việc cho các cựu chiến binh Pháp sang thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ hôm nay và gặp gỡ ông Bạo thì liệu có khác gì không? mà hình như ý nghĩa nhân văn của phim càng cao hơn ấy chứ!
Hehe… nếu bạn hỏi tôi rằng có nên xem phim Ký ức Điện Biên không thì tôi xin thưa rằng bạn nên đi xem, ít nhất là để cổ vũ cho phim VN. Yên tâm đi, nếu bạn không quá xét nét và… rảnh rỗi như tôi như bạn sẽ thấy phim cũng xem được và chẳng có gì đáng phải phàn nàn cả. Nhưng giá như tôi đừng biết phim này phải tốn đến 16 tỉ thì có lẽ tôi sẽ xem phim bằng một tâm trạng thanh thản hơn.
2003-2023