Phim VN hiện nay đề cập tới vấn đề giới tính và đồng tính thì chỉ như pha ly cocktail. Chưa có ai dám làm một phim thực sự về vấn đề này – một đạo diễn khẳng định, cho dẫu đây thực sự là một vấn đề quan tâm của xã hội trong thời gian gần đây, từng được nêu lên ngay giữa kỳ họp Quốc hội.
Nghe Ngọc Thuỵ (nguyên chủ nhiệm CLB người mẫu Hoa học đường, TP.HCM), xui khôn dại thế nào, đạo diễn Vũ Ngọc Đăng liều mạng mổ kịch bản phim Những cô gái chân dài (NCGCD) đã hoàn thành, để nhét thêm nhân vật Khoa – anh chàng lạ lùng có tình cảm dặc biệt với Hoàng, nhân vật nam chính.
Vì cứ theo lời xui, phim có một tí vấn đề đồng tình sẽ ăn khách.
Thế mà NCGCD ăn khách thật. Không biết có phải ăn nhờ Khoa không, nhưng có một điều chắc chắn mà chính nhà sản xuất phim cũng không thể ngờ: không phải Hoàng Minh Anh trẻ trung, đẹp trai, cũng không phải Thuỷ – Minh Thư chân dài xinh gái, mà chính Khoa – Trương Thanh Long suốt cả phim nói đúng một câu thoại, lại là nhân vật gây được chú ý nhất, đến mức nhiều người đòi đạo diễn phải cho Khoa thêm đất diễn!
Cũng nhờ cái sự liều mình để câu khách (đạo diễn Vũ Ngọc Đăng thừa nhận khi ấy anh đưa thêm nhân vật đồng tính này hoàn toàn vì mục đích câu khách chứ chẳng vì vấn đề xã hội gì ráo) mà NCGCD từ phim gái (theo phân loại của một số nhà phê bình từ sau hiện tượng Gái nhảy đã trở thành Bộ phim VN đầu tiên về người đồng tính – theo nhận xét của bà Kim worthy, tiến sĩ, giảng viên điện ảnh trường Wagner College, New York (Mỹ), nghiên cứu về điện ảnh VN theo một dự án của Quỹ Ford.
Còn Trương Thanh Long, từ một nhà thiết kế thời trang còn ít người biết tới, bỗng được chú ý đặc biệt chỉ sau vai diễn nhỏ đầu tiên, khá đắc show điện ảnh, thậm chí có lời mời Long vào ngay một vai đồng tính trong một bộ phim khác!
Theo chân NCGCD, không phải là phim gái, là chân dài như nhiều người dự đoán, mà lại là phim đồng tính.
Dũng cảm đi thẳng vào vấn đề ngay từ tên phim là Một thế giới không có đàn bà, phim truyền hình 10 tập của VTV, dựa trên tác phẩm văn học cùng tên gây xôn xao dư luận của tác giả Bùi Anh Tấn. Câu chuyện liên quan tới một số nhân vật đồng tính được cài vào chuyện vụ án và phá án của các chiến sĩ công an.
Đi một phần vấn đề là Hồn Trương Ba, da hàng thịt, phim truyện nhựa hợp tác tay ba giữa H.Kphim, Phim Việt và hãng phim Phước Sang, kịch bản và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Bên cạnh câu chuyện chính về Trương Ba và Hàng Thịt, nhân vật Quang Vinh, bạn trai của Trương Ba, xuất hiện thay cho một khát khao mãnh liệt được có đúng cơ thể đồng giới tính của mình.
Lấp ló, hoặc úp úp mở mở chuyện giới tính là Sài Gòn tình ca (Saigon Love Story, hãng phim Giải Phóng, đạo diễn Việt kiều Lê Quang Vinh), 2 trong 1 (hãng phim Thiên Ngân, đạo diễn Đào Duy Phúc), Ảo Ảnh (phim truyền hình HTV, Lasta sản xuất), dù cả ba đều không thực sự đề cập tới vấn đề này.
Còn tương lai: Bộ phim rục rịch bấm máy đã lâu của đạo diễn Lê Hoàng có tên Trai nhảy (hãng phim Thiên Ngân) sẽ có chuyện trai đồng tính. Cả hai bộ phim trong kế hoạch tới đây của đạo diễn Đào Duy Phúc – một là Bản năng, hai là dựa trên tác phẩm Trái tim tội lỗi của Bùi Anh Tấn viết về vấn đề chuyền đổi giới tính, đều dính đề tài này. Một serie phim truyền hình của M&T Pictures dự kiến sản xuất cho đài truyền hình TP.HCM cũng sẽ dề cập đến những chuyện xoay quanh sự sai sót, nhầm lẫn của bà mụ.
Cứ theo lối đếm cua trong lỗ thì điện ảnh VN đang ào ạt thực hiện một làn sóng phim đồng tính, vốn từ lâu đã không xa lạ gì với công chúng VN nếu nhìn từ điện ảnh thế giới: nào là Bá Vương biệt cơ, Hạnh phúc cùng nhau (Happy Together), nào Lan Yu, hay Trò chơi nước mắt (Crying Game) Song vùng đất hấp dẫn này cũng lại là một đầm lầy gian khó không gì dễ vượt qua.
Mới đụng chạm tí ti chuyện đồng tính, NCGCD may mắn không sa lầy. Nhưng trước đó tưởng chừng phải bỏ vai Khoa vì không thể tìm được diễn viên. Các diễn viên thử vai chỉ nghe nói sơ qua về nhân vật lửng lơ con cá vàng này đã bỏ chạy. Ngay cả Trương Thanh Long cũng suy nghĩ chán chê, cũng bị gia đình ngăn cản. Và sau khi phim ra mắt thì Long lại gánh khổ nạn như bản thân là gay chính hiệu (dân gay thật thì điện thoại, nhắn tin tìm kiếm, còn bạn bè thì nghi kỵ)!
Nhờ vai Khoa, Long đã bình thường hoá được vai diễn đồng tính, khiến sau này, chính những người đã từng bỏ chạy vai Khoa, lại quay trở lại với những vai đồng tính (kể cả phải mặc váy trong phim!).
* Đạo diễn Đào Duy Phúc: Tôi bị ám ảnh tuyện Trái tim tội lỗi (Bùi Anh Tấn). Nhưng tôi quan tâm đến cảm xúc của mình khi đọc truyện chứ không phải quan tâm đến vấn đề giới tính. Giới tính chỉ là một góc của cuộc sống.
* Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Nhân vật Quang Vinh ban đầu xuất hiện chỉ để phục vụ cho nhân vật Trương Ba, làm cho các mối quan hệ tăng phần phức tạp, sau đó mới đẩy thành một vấn đề của phim. Đương nhiên có yếu tố đồng tính sẽ làm nhân vật phức tạp hơn, câu chuyện phức tạp hơn, là một yếu tố gây hấp dẫn.
Được xem là mát tay, nhưng chính Vũ Ngọc Đăng lại chối đây đẩy rằng sau NCGCD anh sẽ không bao giờ đụng đến chuyện đồng tính nữa. Vì sao ư? Vì chỉ may mắn ăn khách nhờ lạ. Làm phim đề tài này rất khó, đụng đến nó là đụng đến sự phiền toái. Sự phiền toái thì ai cũng thấy. Nhưng ngay cả khi đã vượt qua được sự phiền toái, làm một bộ phim về thế giới những người đồng tính một cách chân thực khó hơn nhiều so với làm một bộ phim chân thực (mà ngay phần sau đối với phim VN đã là khó).
Giả một chút ở đề tài này sẽ rơi vào sự phản cảm ngay. Và không cẩn thận, nó có thể phản lại mục đích tốt đẹp của những bộ phim đề cập tới đề tài này. Nhãn tiền chính là bộ phim đầu tiên đi thẳng vào vấn đề. Thế giới không có đàn bà trên truyền hình không mang lại hiệu quả như trên trang sách, nếu không nói là ngược lại. Cho diễn viên nam đóng giả gái trên sân khấu như trong phim Ảo Ảnh chỉ làm người xem thêm ghê sợ thế giới pêđê.
Phim VN hiện nay đề cập tới vấn đề giới tính và đồng tính thì chỉ như pha ly cocktail. Chưa có ai dám làm một phim thực sự về vấn đề này – một đạo diễn khẳng định, cho dẫu đây thực sự là một vấn đề quan tâm của xã hội trong thời gian gần đây, từng được nêu lên ngay giữa kỳ họp Quốc hội.
Trong dòng chảy ồ ạt pha cocktail, dường như người ta mới bám vào mùi vị mới để gây tò mò, để câu khách, hơn là đau đáu về những vấn đề của xã hội. Tất nhiên, kinh nghiệm sẽ được luyện rèn từ những ly cocktail, nhưng nếu quá ham hố pha cocktail bằng mọi giá, thực khách – khán giả sẽ không thể uống mãi chỉ vì sự tò mò.
theo TT&VH)
2003-2023