Thật ra những hình ảnh- nhãn hiệu sản phẩm được quay cận cảnh và lặp lại nhiều lần một cách có chủ ý, lồng vào các bộ phim truyện VN trên màn ảnh nhỏ (truyền hình) đã rất quen mắt khán giả. Nhưng khi Lọ Lem Hè Phố lộ liễu lồng vào phim của mình rất rất nhiều kiểu quảng cáo làm khán giả bội thực thì việc quảng cáo lồng vào phim đang là đề tài khiến dư luận xôn xao.
Mốt mới về việc quảng cáo sản phẩm được lồng khéo léo vào phim đã âm ỉ từ rất lâu. Đó có thể là cận cảnh gói mì Knorr khi nhân vật chính trong phim dùng sản phẩm này, là tòan cảnh hai nhân vật bước ra từ một quán nứơc có đầy những cây dù Lipton; đó có thể là điện thoại cầm tay hiệu Samsung, là những câu thoại ca ngợi sản phẩm Vera chẳng hạn…
Đối với những bộ phim nứơc ngoài, kể cả phim nhựa, cuộc chiến lồng sản phẩm vào phim đang đến hồi cao điểm. Nếu tinh mắt, khán giả màn ảnh sẽ bắt gặp vô số sản phẩm hiện đại được Lara Croff sử dụng trong chuyến du hành ngoạn mục của mình để truy tìm “Bí Mật Ngôi Mộ Cổ- phần 2”; là những màn hình tinh thể lỏng tuyệt vời với máy quay phim kỹ thuật số của JVC do Triệu Vy sử dụng trong bộ phim hành động ăn khách khắp châu Á So Close. Đặc biệt, riêng đối với những bộ phim đầy hứa hẹn, các hãng hàng tiêu dùng lập hẳn kế hoạch tài trợ cho việc sản xuất và phát hành bộ phim. “The Matrix Reload” chẳng hạn, người ta nói đó là cuộc chinh phục của Heineken. Về phía châu Á, bộ phim Over The Rainbow (Đi Tìm Cầu Vồng) đã cho các diễn viên của mình có những lời thoại ca ngợi tivi LG, cùng đến các cửa hàng Kodak được trưng bày đẹp mắt. Aán tựơng nhất là cảnh quay cuối cùng trong bộ phim “Đạo Diễn Phim Trường” của Hồng Kông, khi cánh cửa Tử Cấm Thành từ từ khép lại hình ảnh vị Hoàng Đế Càn Long đang say sưa thưởng thức chai Coca Cola…
Các bộ phim của Việt Nam thời gian gần đây cũng mang nhiều hơi hướm quảng cáo: Dốc Tình với Thời Trang Việt, Cảnh Sát Hình Sự với các nhãn của Unilever, đặc biệt là Gái Nhảy phần 2 với Samsung, Vera, Diana…
Bản chất của việc quảng cáo lồng vào phim là việc chia sẻ kinh phí với nhà sản xuất dưới hình thức tài trợ. Đối với một số sản phẩm, đó là sự đóng góp bằng hiện vật để dùng làm đạo cụ không thể thiếu trong khi làm phim. Đối với một số sản phẩm khác, đó là sự chi trả bằng hiện kim để xen vài hình ảnh sản phẩm của mình vào những bộ phim có tiếng vang, được nhiều người quan tâm. Chi phí cho việc tài trợ này không cố định như bất kỳ hình thức quảng cáo nào khác. Bởi vì việc xuất hiện của sản phẩm phải phù hợp với ý đồ đạo diễn và phải đảm bảo không phá hỏng kết cấu của kịch bản phim. Dù vậy, khi thưởng thức bộ phim, khán giả thỉnh thoảng vẫn cảm nhận được những cảnh bị “phô” khi máy quay dừng lại quá lâu ở nhãn hiệu sản phẩm hoặc lia lại qúa nhiều lần một cách vô nghĩa. Điều này xuất phát bởi sự điều chỉnh không hợp lý từ yêu cầu phía tài trợ với khả năng xử lý của đạo diễn.
Tất cả các sản phẩm được lồng vào phim chủ yếu là những sản phẩm mới tung ra thị trừơng. Đó cũng là một kiểu quảng cáo tiềm thức, nhắc nhở người tiêu dùng nhớ đến nhãn hiệu của mình bên cạnh chiến dịch quảng cáo rầm rộ riêng biệt của sản phẩm.
Thật ra, hình thức quảng cáo mới mẻ (ở Việt Nam) này chỉ là cuộc dạo chơi của các nhãn hiệu nước ngoài có kinh phí quảng cáo hùng mạnh. Nhưng quảng cáo là một chiến trường luôn đổi mới, và khi hình thức này chứng minh đựơc hiệu quả vượt trội của mình thì sẽ trở thành xu hướng mới đầy tiềm năng mà bất cứ ai cũng phải xông vào khai phá.
Điều quan trọng là các nhà làm phim phải biết bão hòa, không làm khán giả bội thực và nhàm chán!
2003-2023