Tôi thôi xem phim họat hình cũng lâu rồi. Có một lần đang tuần thi cử, nhức đầu quá nên tôi vớ đại một cuốn DVD của con bạn cùng phòng, tin tưởng với cái gu nghe nhạc và xem phim hơi bị chuẩn của nó, thì cái phim mình cầm cũng không đến nỗi nào. Chà, tay này cũng coi anime hén! Tôi cũng thích anime, nhớ hồi còn cởi truồng tắm mưa (ặc ặc, bài viết sợ dở nên phải tạo yếu tố giật gân) tôi mê Sailormoon quá chòi. Cái phim tôi đang cầm được mua ở Nhật, lẽ dĩ nhiên, bất cứ kí tự nào trên người nó cũng như trong ruột nó đều thuộc một hệ chữ xa xăm như thiên hà số 9, một “người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín” như tôi thì làm sao hiểu được. Thế là hì hụi chỉnh language và subtitle, khổ cái cũng không biết chữ language tiếng Nhật nó tròn méo thế nào, đành chơi trò chọn bỏ vậy. Sau một lúc thì tôi đã biết nói thành thạo câu: Tỉnh dậy đi Chihiro! bằng 5 thứ tiếng. Ui, tôi đã coi 2 phút đầu của bộ phim Spirited Away tới hơn 5 lần “vì lí do kĩ thuật” như vậy đấy. Nhưng hơn 5 lần coi đi coi lại của 130 phút sau đó là cả một sự tự nguyện, một sự say mê. Tôi mê cái màu sắc rộn ràng khỏe khoắn của thế giới các vị thần, tôi mê cái giọng Nhật trong trẻo của cô bé Chihiro, của chàng Master Haku, tôi mê cái nhạc nền tịch tang của đàn koto và shamisen, tôi mê cả cái ý tưởng ngớ ngẩn đến buồn cười về chuyện các thần linh kéo nhau đi xả hơi ở một nhà tắm công cộng chắc cũng phải cỡ 5 … “trái đất” (TB: đơn vị tính của thần, tương đương với “sao”), chuyện các bợm phục vụ rét thế nào khi phải kì cọ cho một ông bụt đặc biệt dơ… Tôi mê tuốt, mê tít thò lò, mê như mình chưa hề quyết định “cai” phim họat hình bao giờ.
Một câu chuyện rất thơ, được kể bằng một ngôn ngữ cũng rất thơ: chuyện cổ tích và phim họat hình. Chihiro cùng ba mẹ lạc vào một thế giới khác, Chihiro chứng kiến ba mẹ bị biến hình, Chihiro gặp một ân nhân có hành tung bí hiểm, Chihiro dũng cảm đương đầu với khó khăn, Chihiro lập công cứu ba mẹ… Tôi bắt gặp những chủ đề quen thuộc của chuyện thần thọai, của chuyện cổ tích, hay đơn giản, của tất cả các truyện dành cho tôi-của-mười-mấy-năm-về-trước, lúc tôi còn nhỏ xíu và ngấu nghiến Andersen và mơ mình làm cô sinh viên ngành cổ tích học ứng dụng. Spirited Away có Alice lạc vào xứ Phù tang, có ông Adam và bà Eva rủ nhau ăn trái cấm bị phạt biến thành lợn, có anh hùng Haku lặng lẽ cứu mỹ nhân Chihiro, có mụ phù thủy ác độc Yubaba gác chổi về vườn mở quán tắm hơi, có rồng bay và xe lửa chạy, có em bé to đùng nhõng nhẽo với bà già nanh nọc, có quái vật đầy sình hôi rình rình và có…ma. Ừ, có tôi dán mắt vào màn hình cười hỉ hả.
Đã là phim hoạt họa thì phải nói đến phần họat và phần họa, phải không ạ? Phần họat của phim rất trung thành với thể lọai Shoujo của Anime, đằm và thắm hơn Shounen. Đằm hơn ở chỗ Shoujo không có cảnh úynh nhau, hun nhau, hay các cảnh “abcd- nhau” khác mà phin Mỹ hay hào hứng dán nhãn R-restricted audience trên poster. Và thắm hơn ở chỗ Shoujo (nghĩa gốc là “con gái”), so với Shounen (“con trai”) thì có màu sắc bắt mắt hơn, lòe loẹt chũm chọe hơn, nét phác nhu hơn, có nhiều nhân vật nhìn giống Barbie hơn là Rambo. Nếu lấy ví dụ tương tự thì thấy ở truyện tranh manga, Shounen sẽ là Bảy viên ngọc rồng còn Shoujo sẽ là Đô-rê-mon hihi. Trở lại Spirited Away, ngòai sự tôn trọng truyền thống, phim còn phảng phất một làn gió mới mẻ của hương táo Apple Macintosh, khi phần đồ họa được chiếu cố rất kĩ để tạo ra độ chảy của hình ảnh đến mức hòan hảo, “như phim!” tôi hay trầm trồ thế. Phần họa của phim thì có phần màu là tôi thấy chết người nhất. Màu rất Nhật! Học môn vẽ chưa được điểm 8 lần nào như tôi không biết diễn tả ra sao cho mọi người cảm nhận được cái nét dân tộc rất tinh tế của màu trong Spirited Away. Chỉ biết một điều, chép lại cho tôi tranh Van Gogh hay tranh Đông Hồ cũng được, mà lên màu y như Spirited, tôi cũng nằng nặc bảo là tranh Nhật cho xem. Khi bạn bước vào bất kì tiệm boutique nào ở Nhật, bạn sẽ có cảm giác lạc vào khu resort của mụ Yubaba mất thôi, từ đũa, khăn tay, khăn…tắm cho tới yukata (áo kimono mùa hè) đều sóng sánh màu nội thất phòng tắm, màu áo của các thần, và màu của tất cả những gì xuất hiện trong Spirited quá 5 giây.
Có một điều ngồ ngộ về Spirited Away, đó là tất cả mọi thứ đều được chỉnh về vị trí ban đầu của một giai đọan nào đó. Nhân vật chính Chihiro đang ở tuổi thiếu nhi, Master Hakun lớn hơn vài tẹo nhưng cũng nhi đồng tuốt, và tình cảm giữa họ thì trong trẻo hồn nhiên hơn là lãng mạn éo le, một khởi đầu tốt đẹp của “chuyện chúng mình” sau này. Ngay cả chi tiết Master Haku quên tất cả về quá khứ của mình, về tên tuổi của mình, thì điều duy nhất chàng lại nhớ là tên của Chihiro, được nghe duy nhất một lần từ miệng Chihiro trước khi cô bị bùa chú của Yubaba làm cho quên tên đi để không trở về thế giới lòai người được nữa. Nghe tên và nhớ tên người mới quen, đó là những gì đầu tiên nhất của một mối quan hệ vậy. Mối lo canh cánh trong lòng của Chihiro cũng chỉ có “vùng phủ sóng nội hạt” thôi, cô phải giải lời nguyền trên ba mẹ mình, mà lúc bé bé, ngoài hai ông bà cụ ra, tôi chả nhớ còn lo cho ai nữa cả, yêu và lo cho gia đình chính là cái vị trí ban đầu trong các giai đoan của cảm xúc. Ngay cả bối cảnh thần thọai của phim cũng khiến ta liên tưởng đến thuở bình minh của lòai người khi thần là hàng xóm của người, chỉ cần bước quá một đường hầm nhỏ là tới ủy ban phường do các thần phụ trách. Và phim được vẽ, một hình thức vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính liên lạc sơ đẳng nhất của lòai người. Có lẽ phim muốn gửi đến người xem một thông điệp giản dị chân phương: một sự khởi đầu. Mà cụm từ “khởi đầu” thì bao giờ cũng đến trong đầu tôi cùng với tiếng réo rắt lanh canh của hồ hởi, của nhiệt tình, của “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”, một điều gì mới mẻ và lành thánh, trong như thủy tinh, và trong như giọng của Chihiro.
2003-2023