nguồn: [http://www.brideofsilence.com]
VÀI Ý NGHĨ VỀ PHIM HẠT MƯA RƠI BAO LÂU
Một trong những địa điểm quay phim của chúng tôi là chùa Dâu, ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam. Nơi đây chúng tôi quay cảnh nhân vật chính Lý An chửa hoang bị làng nhốt, rồi xử tội. Lúc đầu tôi rất ngại vì cả việc chửa hoang lẫn việc xử tội đều không thích hợp với một ngôi chùa là nơi người ta tĩnh tâm, xa lánh trần tục. Đến đó rồi, tôi mới đọc lịch sử của chùa và biết câu chuyện gắn liền với cái tên chùa Dâu như thế này: Có một vị ni cô buổi trưa nằm ngủ ở ngưỡng cửa cho mát. Một thầy tu, có lẽ vì không muốn đánh thức cô dậy, đã bước qua mình cô để đi qua cửa. Ni cô đậu thai rồi sinh ra một con trai, phong cách như Phật.
Câu chuyện này làm ta nghĩ đến chuyện thánh nữ đồng trinh Maria sinh ra Jesus. Câu chuyện ở chùa Dâu không nổi tiếng bằng, nhưng nó có chi tiết vị thầy bước qua mình một cô gái trẻ đang nằm ngủ trưa: trong cái thiêng liêng vẫn có sự gợi cảm và bình thường. Và dĩ nhiên, nó gần với tư tưởng Phật: không việc gì không có nguyên nhân đưa đến nó, ni cô có thai cũng có nguyên do, dù nguyên do ấy mơ màng như một cơn gió thoảng qua.
Tôi ước gì tất cả các cô gái chửa hoang trên đời đều được bênh vực như cô ni cô ở chùa Dâu. Chúng tôi, khi còn là con gái trẻ, không biết tình yêu đến nhanh như thế nào. Khi yêu, chúng tôi không biết ham muốn đến nhanh như thế nào. Khi ham muốn, chúng tôi không biết con gái sẽ mang thai nhanh như thế nào. Khi chửa hoang, hầu hết con gái đều bị bỏ một mình. Thời con gái mất đi trong một khoảnh khắc.
Xã hội không muốn biết điều đó nên nó không được kể. Nhưng nếu bạn hỏi những phụ nữ trong một giây phút thành thật, bạn sẽ ngạc nhiên có bao nhiêu người nói họ đã từng chửa hoang, từng run rẩy, lẻ loi trong một phòng nạo thai không giấy phép.
* * *
Trong phim, một việc như vậy đã xảy đến với Lý An. Cô chửa hoang. Với xã hội tội ấy nặng. Nhưng cô không nghĩ rằng cô có tội, và vì có tội phải xưng tội. Cô yêu, cô mơ, cô có những điều cô muốn giữ riêng cho mình, nếu kể ra hết cô sẽ không còn gì, không còn biết sống ở đâu. Cô khăng khăng giữ lấy cái điều riêng đó, chấp nhận trả bất cứ cái giá nào phải trả.
Trong truyện Tầu về đức hạnh đàn bà ngày xưa có truyện về một người đàn bà góa vì bị một người đàn ông nắm lấy cánh tay mà tự chặt cánh tay ấy bỏ đi. Mất tay mà còn phẩm hạnh. Người đàn bà ấy được khen ngợi trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Nhưng cái phẩm hạnh của người đàn bà đó chỉ là cái phẩm hạnh xã hội bắt những người đàn bà góa phải có, chồng chết rồi phải sống bằng phẩm hạnh, không còn cơm ăn thì phải uống nước lã. Xã hội thấy nước lã nhạt nên gán cho nó sự linh thiêng cao quý.
Phẩm hạnh mà Lý An muốn giữ cho mình nó không do xã hội đặt ra, nên không được chấp nhận. Nó không có tên. Nó là một khoảnh riêng. Con người cần khoảnh riêng ấy để sống, nếu không thì không biết sống ở đâu, cô nói. Cô không có gươm giáo gì để bảo vệ nó. Cô chỉ có sự yên lặng.
Phim này không kể cho bạn nghe về mối tình của Lý An mà cô dấu kín. Cũng không gợi lòng thương hại cô ấy. Phim này nói về sự hoang mang của xã hội khi gặp phải một người như Lý An. Cô không khai tên người yêu đã làm cô có chửa. Làng xã có thể gán cô tội ăn nằm với ma quỷ. Làng xã cũng có thể tin thần linh đã chọn cô làm vợ lẻ. Cô có thể bị trấn nước cho chết, cũng có thể được nuôi ở trong đình với quần là áo lụa. Sự khác biệt chỉ nhỏ như một sợi tóc. Nhưng dầu cô làm ma chết chìm hay làm vợ lẻ thần linh thì làng xã cũng cũng an tâm rằng họ sở hữu được cô.
Nhưng trong phim, hai điều có thể ở trên đã không xảy ra. Có ba người thợ mộc cứu cô khỏi sự giam cầm của làng xã. Trước đó, chính những người đàn ông này đã chọn một nghề phiêu lãng, đã bỏ xã hội và những vướng vít của nó lại sau lưng.
Họ trốn vào rừng sâu núi thẳm. Họ sống trong thiêng đường của riêng họ. Chỉ có ba người đàn ông, Lý An và đứa con của Lý An.
Nhưng người ta không tìm được tự do chỉ vì đã thoát được những bức tường bên ngoài. Khi bên trong lòng còn ham muốn, còn thích sở hữu, còn ghen nhau, thì thiên đường nào cũng khó giữ.
Lý An là người trẻ nhất trong bọn họ, nhưng riêng mình cô đã biết đau thương và vì vậy đã lớn ra. Cô không còn là cô gái nhỏ chỉ khao khát tự do không thôi. Cô còn biết tự do hết sức dễ vỡ. Hạnh phúc của họ ở chốn rừng sâu rất mong manh. Chính cô là người lúc nào cũng phải giữ cân bằng cho tất cả mọi người, cho thiên đường được yên ổn. Cô lặng lẽ dấu đi tình yêu của mình dành cho một trong ba người đàn ông. Cô đi trên một sợi giây tơ.
Sợi giây tơ ấy đứt. Những người đàn ông ghen nhau. Thiên đường tan vỡ. Cô dắt con ra đi một mình, rồi chết một mình. Đứa con ấy sống sót, được một trong ba người đàn ông tìm được.
Tụy, người đàn ông ấy, bây giờ cũng phải biết đau thương và cũng phải lớn ra. Ông tạc tượng thờ cho chùa, thực ra là tạc tượng người yêu. Hàng trăm cái. Khi đứa con làm cho ông hiểu rằng một trăm cái tượng Lý An thì cũng không phải là Lý An, ông tuyệt vọng đốt hết các tác phẩm của mình.
* * *
Còn cô ni cô nọ ở chùa Dâu. Biết đâu cũng có một câu chuyện khác về cô như thế này: cô có thai, và sau khi sinh con, cô bị làng xã hay chính người yêu bức tử. Đứa con ở chùa, làm tiểu, rồi làm thầy, phong cách như Phật. Có một lần thầy ấy hỏi về mẹ mình. Vị hòa thượng ở chùa, bây giờ đã già, kể cho người thầy trẻ câu chuyện mà tôi chép lại cho bạn ở đoạn đầu bài này. Câu chuyện như một làn nước làm cho cô ni cô và vị hòa thượng trong sạch trở lại.. Người thấy trẻ được sinh ra bởi một cơn gió thoảng.
Bài thơ của vị hòa thượng không làm cho cô gái sống lại được. Nó chỉ làm cho cô bất tử.
ĐOÀN MINH PHƯỢNG
2003-2023