The Ballad Of Jack & Rose – Bài ca cho bạn, cho tôi

  • This topic is empty.
  • Creator
    Topic
  • #39521
    seudo
    Participant

      Một sáng chủ nhật với ly café đậm hơn mọi ngày, bởi giọng hát khê nặc của Nina Simone với bài I Put A Spell On You tối qua khiến giấc ngủ cứ quẩn quanh, bởi lại nhớ đến “The Ballade Of Jack & Rose”, nhớ khuôn mặt con bé tuổi 16 khi những lọn tóc loăn xoăn tự nhiên lần lượt rời mái đầu ngây thơ. Và nhớ người bạn vừa gặp lại..

      Hòn đảo ấy từng là thánh địa của một nhóm hippy, những kẻ chán ngán cái xã hội hiện đại đầy vật dục, nay chỉ còn ở lại mỗi Jack và Rose, đang cố bảo vệ nó khỏi cuộc xâm lăng của thế giới bên ngoài với quyền tư hữu, chiến tranh và những thứ rác rưởi khác, từ nhựa, nylon và các vật liệu tổng hợp.. cho đến những chương trình truyền hình tạp nham suốt ngày đêm.. Hòn đảo thỉnh thoảng vang tiếng súng của Jack. Anh xua đuổi đám công nhân xây dựng khu dân cư đang tiến hành dưới sự đốc thúc của một tay thầu cá mập.
      Không có những thứ nhặng xị ấy, nơi đây quả thật là vườn địa đàng cho Rose. Cuộc đời lấy đi người mẹ mà con bé chẳng hề biết vốn chỉ là một kẻ mộng mơ đồng bóng giỏi phỉnh phờ và ích kỷ, nhưng đã bù lại cho Rose hòn đảo và Jack, thiên thần hộ mệnh của con bé.

      Jack và Rose! Không lẽ vô thức mà tác giả chọn hai cái tên đã tồn tại trong trí của người xem gần chục năm qua? Jack, như phân tích trong một bài cảm nhận về cuộc tình hai chàng cao bồi, là một dạng tên gọi của sinh thực khí nam và Rose, loài hoa của tình yêu, đã mặc nhiên đồng nghiã với ‘cặp tình nhân bất khả chia lìa’ dẫu kẻ dương gian người âm thế!
      Tự dưng bật cười bởi “The Ballad Of Jack & Rose” để đến gần mốc meo mới đem ra xem (mua bởi cái poster trông hay hay, để mốc meo bởi chẳng chút cảm tình cặp tình nhân nổi tiếng nhờ doanh thu kỷ lục của 1 bộ phim sến chảy nước). Thế mà xem xong cứ lanh quanh mãi với chính cái tứ ‘Jack & Rose’ ấy..

      Đã bao năm, Jack nuôi lớn con gái từng ngày từng giờ trong tâm thái dị ứng với cuộc sống bon chen bên ngoài hòn đảo của họ. Chỉ cách một chuyến phà, xã hội ngoài kia là những gì đối lập với hòn đảo tuy hoang phế nhưng trong lành tinh khiết. Thế giới của Jack, cũng là thế giới mà anh muốn Rose được thừa hưởng không có chỗ cho tư bản, cạnh tranh, ô nhiễm, giết chóc.. Chỉ có tự nhiên, thứ tự nhiên nguyên thuỷ và thuần khiết.
      Nhưng rồi đối diện căn bệnh nan y, gã hippy-phản-kháng-xã-hội đâm hoang mang trước sự nẩy nở của Rose, bất lực với những nhu cầu của con bé trước bước ngoặt cuộc đời. Tình thương và kiến thức của Jack đã không đủ, mà những giao tiếp chọn lọc hạn hẹp với thế giới bên ngoài qua anh chàng nhân viên trại cây hoa cảnh hiền lành cũng vô phương đáp ứng. Đáng sợ hơn là ý định ra đi cùng cha của Rose một khi anh xuôi tay nhắm mắt, bởi hai cuộc đời đã gắn kết với nhau bằng chất keo cô độc, tách biệt với thế giới bên ngoài.

      Thật ngớ ngẩn để đề cập đến.. bệnh viện phụ sản vào một ngày đẹp trời như hôm nay, nhưng sự ra đời, chào đời, hay nói văn vẻ hơn là sự thoát thai nó như thế nào, bạn nhỉ? Người ta nói là đau đớn lắm. Phải vật vã, quằn quại hàng trăm lần, thậm chí có khi chết đi sống lại mới đưa được phôi thai kia đến với cuộc sống..

      Thế rồi người đàn bà ấy, một trong những thứ nhu yếu phẩm mỗi khi Jack rời đảo vào thành phố mua sắm trước đây bổng chốc trở thành chiếc phao trên đại dương của những bối rối, từ vai bạn-tình-có-chi-trả được chọn để trở thành ‘bảo mẫu’ cho Jack và ‘gia sư’ của Rose. Ít nhất thì đó cũng là dự tính của anh, kể cả chuyện phải chứa chấp và chu cấp cho cả hai cậu con trai của cô.
      Nhưng đoàn tàu gia đình năm nhân khẩu, cái xã hội nho nhỏ ấy lập tức lệch đường ray chẳng bao lâu sau khi xuất phát. Hành lý mà ba thành viên mới đem đến có những thứ Rose và Jack chưa bao giờ đối diện. Rose chưa bao giờ phải chia sẻ Jack với một ai khác. Jack không lường được cách con bé chọn để giành lại anh. Phát súng, con rắn hổ và cuộc ẩu đả chung tay kết thúc một cách chóng vánh chuyến tàu bất đắc dĩ..
      Jack gục ngã hẳn không chỉ bởi căn bệnh đã đến hồi kết. Mà còn bởi nhận thức việc xây dựng khu dân cư mới trên đảo là xu hướng vô phương đảo ngược do tính hợp lý của nó, bất chấp cuộc chiến cố chấp của anh; bởi tay thầu cá mập hoá ra là một gã tự trọng có lương tâm.. Và cũng bởi Jack ngộ ra kết quả của tình phụ tử kiểu cô lập ấy không gì khác hơn là cảm giác tội lỗi. Phải, có gì kinh hoàng hơn cho Jack khi việc khám phá dấu vết thất thân của con gái với thằng nhóc hoang đàng trụy lạc kèm ghi chú “một kinh nghiệm mới” chưa phải là kết thúc, bởi nụ hôn kia dường như không còn là thuần tuý cha-con?

      Chợt nghĩ đến con sâu bướm tự trói mình trong mớ tơ rút ruột để rồi một ngày, oằn oại từng chút một, con bướm vặn vẹo rút mình khỏi cái vỏ nhộng xấu xí. Quá trình biến thái (metamorphose) dẫu sao cũng đã được tự nhiên lập trình, hẳn khập khiễng khi so sánh với những chuyển biến nội tại của con người, loài sinh vật sở hữu thứ được gọi là tư duy..

      Lửa liếm láp tầng trệt căn nhà gỗ không TV, không điện thoại, không rác thải bất-tái-sinh với trạm phát điện dùng sức gió. Lửa mò mẫm theo cầu thang lên tầng gác, đuổi con rắn hổ về với rừng cây, xua con bé Rose đang cố ghì chặt xác cha thoát thân qua cửa sổ. Lửa ôm trọn Jack, đã tắt nghỉ trên chiếc giường phủ đầy hoa, những nhánh hoa trồng ngoài khu vườn nhỏ của con gái.
      Bên ngoài ngôi nhà đang dần chìm trong ngọn lửa bốc cao, ngay trước mặt con bé, kìa, cả bầu trời xanh ngắt.

      Bạn có từng bao giờ thấy những số phận quằn quại tái sinh như con sâu bướm nọ? Lạc lõng chán ngán căm ghét và sợ hãi, chúng tự nhốt mình trong chiếc kén địa đàng để rồi con bướm hoài thai trong cái vỏ nhộng già cỗi và tù túng, muốn ra được thế giới bên ngoài thở khí trời và tận mắt thấy mặt trời phải trả giá đắt cho cuộc đào thoát khỏi nơi dung dưỡng đồng thời cũng là chốn giam cầm.

      .. Rose đến sống với gia đình anh chàng hiền lành nọ. Họ cùng nhau điều hành trại cây cảnh, công việc yêu thích của con bé tự nào giờ. Con bé trông vẫn vậy, vẫn là con bé Rose của Jack, có chăng là đằm thắm hơn, nét đằm thắm thừa hưởng từ những biến cố đau thương.

      Có thể bạn sẽ cau mày, nhưng Jack & Rose nếu đặt dưới góc độ hình tượng hoá hai hình thức, hai giai đoạn của cùng một số phận..
      Mà cũng có lẽ chỉ như thế, khúc ballad mới có thể trọn vẹn là khúc nhạc lãng mạn cho Jack và Rose.

    • The forum ‘Châu Mỹ, Châu Âu’ is closed to new topics and replies.

    MoviesBoOm

    2003-2023

    Skip to toolbar