Một thời gian cách đây khá lâu tôi xem trên tivi một bộ phim tài liệu về căn bệnh thế kỷ AIDS và những nạn nhân của nó tại Châu PHI. Người ta thống kê một cách đầy bi quan rằng nếu không có những biện pháp kịp thời và hữu hiệu, Châu Phi sẽ chìm trong cơn đại dịch AIDS trong vòng vài chục năm tới. Một số quốc gia tại đây thậm chí còn bác bỏ hoàn toàn những kết luận khoa học quan trọng rằng HIV không phải là virút gây ra căn bệnh chết người này.
Năm 2005, tôi xem The Constant Gardener như xem một phim trong số rất nhiều phim về đề tài xã hội khác, cũng có nội dung chính trị, chống phân biệt đối xử nhưng cảm thấy nhiều nặng nề hơn vì nhận ra nền văn minh của con người chứa trong nó nhiều tội ác.
Tội ác mà bộ phim đề cập đến cũng mang nặng những toan tính của con người, những người tự cho mình cái quyền đứng cao hơn người khác, áp đặt những ảnh hưởng của mình cho những mục đích riêng tư.
Câu chuyện của một cặp vợ chồng thuộc tổ chức cứu trợ của Liên Hợp Quốc, đến Châu Phi phát thuốc chữa trị, và ngăn ngừa bệnh AIDS cùng cuộc sống của những nạn nhân tại lục địa đen này không khỏi làm người ta thấy bàng hoàng. Thiếu thốn, bệnh tật, chiến tranh, xung đột sắc tộc triền miên chỉ làm cho mọi việc trở nên khốn khó hơn đối với lục địa này.
Câu chuyện bắt đầu từ một chuyến đi của Tessa để gặp một vài người nào đó không được cô nói rõ đã là sự kết thúc cuộc sống của cô nhưng nó lại vén lên bức màn bí mật đằng sau những hoạt động cứu trợ, nghiên cứu phát triển thuốc chữa bệnh AIDS. Sau khi Tessa mất Justin nhận ra nhiều mờ ám xung quanh cái chết của vợ và anh quyết định tìm ra sự thật.
Tổ chức cứu trợ và các công ty dược phẩm đã lợi dụng những nạn nhân tại lục địa này cho mục đích nghiên cứu và thử thuốc mà không có một sự đảm bảo nào. Những nạn nhân này – những người không thể lo nổi cuộc sống hằng ngày, còn phải chịu thêm những đau khổ do bệnh tật nay trở thành những vật thí nghiệm vì mục đích lợi nhuận. Nhiều quốc gia văn minh mang đến đây vật chất, những niềm hy vọng nhưng cũng mang theo trong đó cả những bất công.
Bộ phim trải dài qua các quốc gia Châu Phi, bạn bắt gặp những con người cũng ngay đây thôi trên trái đất này sống không bằng chết. Tội ác còn lộ cả ra ngoài khi nhiều thông tin bị bưng bít, và con người sẵn sàng hy sinh người khác cho những y đồ của mình.
Nhưng ở đó tình yêu vẫn giúp con người đứng vững, mỗi người tự nhận ra mình sống vì điều gì, vì cái gì mà phục vụ, mọi sự thật rồi sẽ đến ngày bị phơi bày. Hình ảnh những con người vì sự bình ổn và hạnh phúc của xã hội vẫn hiện lên rất chân thật, họ đi lại như con thoi giữa nơi này và nơi khác để giúp đỡ mọi người và xoa dịu nỗi đau của bệnh tật. Dám công khai nói lên sự thật và không ngần ngại đưa ra ánh sáng những bất công.
Hình ảnh một đứa bé trai da đen chạy theo chiếc máy bay cứu nạn mà không sao có thể lên đó chạy thoát khỏi cuộc bắt bớ đã làm tôi thấy thật xót xa. Nó ở ngay đó thôi chỉ cần chìa tay ra là bạn có thể giúp nhưng ngay cả như thế thôi nhiều khi cũng quá khó. Vì cái gì? Vì màu da, vì những định kiến của con người với nhau. Hay còn vì những điều khác nữa?
Một đứa bé chỉ mới hiểu Tiếng nước ngoài chưa được bao nhiêu, nhưng biết quay lại tìm kiếm gia đình, bộ lạc của mình vì em biết họ không chấp nhận em, vì mỗi người có nơi để thuộc về, em có thể nhận thấy em không thuộc về nơi này. Nếu may mắn em có thể gặp lại mọi người, còn nếu không may
Dẫu biết là không thể có công bằng cho tất cả mọi người trên thế giới nhưng tự nhiên thấy con người nhiều khi sao bất lực quá. Âm nhạc và hình ảnh lúc đó làm ta nhận thấy thân phận con người sao mong manh đến vậy. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những bất công, của chiến tranh và dịch bệnh. Vậy mà nhiều người vẫn không nhận ra trên trái đất này chúng ta có chung một thân phận. Thân phận con người
2003-2023